[center]
BIÊN BẢN BUỔI TRAO ĐỔI
VỀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN BÀI BÁO
“BẤT CẬP TRONG ĐÀO TẠO THẠC SĨ: LƯỢNG NHIỀU – CHẤT ÍT”[/center]
1. Thời gian, địa điểm, đơn vị tổ chức: - 13g30, thứ Sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2011
- tại Phòng D504, Trường ĐHKHXH&NV
- Chi ủy chi bộ VHH-HQH và BCN khoa VHH đồng tổ chức.
2. Thành phần tham dự: Lãnh đạo Chi bộ, BCN khoa và các trợ lý Khoa có liên quan, Học viên Cao học, cựu HVCH và NCS các Khóa
Khách mời:
- PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau Đại học, ĐHQG-HCM
- TS. Nguyễn Khắc Cảnh, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV TPHCM
- PGS.TS. Trần Thị Mai, Trưởng phòng Đào tạo SĐH
- TS. Trần Hoàng Hảo, Phó Trưởng Phòng TC-HC
- Nhà báo Thanh Hùng (Ban Giáo dục), đại diện báo SGGP
- PGS.TS. Phan Thu Hiền, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng BM HQH
Đồng chủ trì: GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (Bí thư Chi bộ) và TS. Nguyễn Văn Hiệu (Trưởng khoa)
Thư ký: ThS. Trương Thị Lam Hà (ghi chép) và ThS. Nguyễn ThịTuyết Ngân (ghi âm và gỡ băng)
3. Nội dung buổi trao đổi3.1.
TS. Nguyễn Văn Hiệu:

Trình bày lý do việc Chi bộ và Khoa VHH tổ chức buổi trao đổi: bài báo của Anh Khoa đăng trên báo SGGP số ra ngày 11-5-2011 (đăng lại trên SGGP Online ngày 12-5-2011) liên quan đến chất lượng đào tạo Sau Đại học. Trong khuôn khổ những vấn đề liên quan đến Khoa, Chi ủy và BCN Khoa VHH mời các anh chị HVCH, NCS và các vị khách mời trao đổi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo SĐH.
3.2. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm trình bày
Đề dẫn cho buổi trao đổi:

3.2.1. Giới thiệu tóm tắt nội dung bài báo của Anh Khoa trên báo SGGP:
Tinh thần chung của bài báo thể hiện ngay trong tên bài báo:
Bất cập trong đào tạo thạc sĩ: Lượng nhiều - Chất ít, trong đó cụ thể là:
(1) Chất lượng đầu vào
- Quá yếu kém, động cơ không đúng
- Yêu cầu tiếng Anh thấp
(2) Trong quá trình học
- Chi phí tốn kém (ngành báo chí), ai cũng biết và phải chấp nhận "văn hóa phong bì"
- Chất lượng giảng dạy: như học cấp 3 (chép bài mỏi tay)
- Quản lý: như học cấp 3 (có bảng tên và điểm danh)
(3) Chất lượng đầu ra:
- Các luận văn: phần lớn đều do công nghệ “xào nấu”.
3.2.2. Bài báo nói về tình trạng đào tạo cao học nói chung trong cả nước, nhưng lại chỉ lấy thông tin minh họa từ Trường ĐHKHXH-NV, và trong Trường ĐHKHXH-NV thì chủ yếu lại chỉ lấy thông tin từ cao học Văn hóa học (trong toàn trường chỉ có khoa VHH là khoa duy nhất vào thời điểm này đang đào tạo khóa 10-11, vì vào năm 2000 và nhiều năm trước và sau đó Trường chỉ mở một ngành đào tạo cao học mới là ngành Văn hóa học mà thôi).
Do vậy, để đánh giá về những thông tin nêu trong bài báo, cần đặt nó trong bối cảnh của ngành VHH:
- Là ngành của một Khoa được đánh giá là mạnh về chuyên môn mặc dù còn rất non trẻ
- Là một trong 3 ngành có số thí sinh đông nhất trường
- Là một trong 3 ngành có số HV nhập học đông nhất trường
- Chất lượng ĐT VHH: được chính các HVCH đã học xong đánh giá cao cả về định lượng (GS. Thêm dẫn ra các số liệu kết quả thăm dò ý kiến HVCH hàng năm sau khi học xong), và định tính (GS. Thêm dẫn ra các bài viết của các HVCH Văn hóa học trên các blog, Diễn đàn như:
Tại sao lại không học văn hoá học sớm hơn!,
SAU 2 NĂM HỌC CAO HỌC VĂN HOÁ HỌC, BẠN GẶT HÁI ĐƯỢC NHỮNG GÌ).
3.2.3. Cách thức, quá trình, mục tiêu thảo luận:
- Ngày 12-5 Chi ủy và BCN Khoa đã họp với BCS hai lớp K10 và K11 và thống nhất chủ trương, cách thức tiến hành
- Thông tin về bài báo (kèm đường dẫn để đọc toàn văn) và thư mời họp được công bố công khai và rộng rãi tới toàn thể HVCH và NCS trên Diễn đàn văn hoá học, x.
Thông báo.
- Trên cơ sở thẩm định, xác minh độ tin cậy, tính chính xác của các thông tin được nêu trong bài báo, Chi bộ và BCN Khoa, thầy và trò VHH nghiêm khắc tự nhìn nhận lại mình, xác định rõ hơn những chỗ còn yếu kém.
3.2.4. Cơ sở thảo luận:
+ Bài báo của PV Anh Khoa
+ Các văn bản pháp quy có liên quan đến
Đào tạo cao học của ĐHQG và các văn bản pháp quy về
hoạt động Báo chí+ Thái độ cầu thị, ý thức tập thể, tinh thần bao dung, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau.
3.3. Các thành viên tham dự phát biểu ý kiến:3.3.1. HVCH Hoàng Thị Lan (K11):

+ Tôi rất giận báo SGGP vì cách làm việc thiếu nghiêm túc. Báo SGGP là tờ báo quan trọng mà đăng bài viết rất chủ quan, chứa nhiều thông tin sai lệch. Phóng viên không tôn trọng nhân chứng, viết tắt, đổi tên tùy tiện; không có những người với tên như thế. Nếu không tiện nêu tên thì phải chú thích rõ là đã đổi tên.
+ Bài báo xúc phạm nặng tới các học viên CH VHH, ảnh hưởng xấu đến cơ quan cử chúng tôi đi học (học ngành - trường kém thế a?).
+ Bài viết tát nước theo mưa.
*PV Thanh Hùng, đại diện Báo SGGP :
Tôi thay mặt báo tới dự và tiếp thu, xin các anh chị đừng ngại ngùng, cứ nói thẳng, nói thoải mái, các thông tin tôi sẽ đưa về trình BBT xử lý.
3.3.2. HVCH Bùi Thị Thùy (lớp phó K11):
+ Rất buồn vì bài báo liên quan đến Khoa VHH
Trao đổi nội dung về bài báo:
+ Học cho oai: không đồng ý. Những ai đã đi học là đã xác định mục tiêu rõ ràng. Số “học cho oai” nếu có chỉ là thiểu số rất nhỏ;
+ Cơ may đổi vận: không nghĩ như thế. Cần cái gì học cái đó;
+ Văn hóa phong bì: phần liên quan đến các bạn HV đăng ký chuyển đổi phương thức học là không đúng sự thật. Tâm trạng của người trong cuộc khi đọc là buồn, bức bối, khó chịu. Tác giả bài báo có nghĩ đến việc các Anh/Chị có liên quan đọc những dòng áp đặt này suy nghĩ thế nào không?
+ Về đề thi môn Tiếng Anh: không biết trình độ Anh văn của tác giả đến đâu, thực chất môn Anh văn là rất khó, bằng chứng là nhiều người không phải là kém mà thi rất trầy trật mới qua được;
+ Vấn đề đào tạo thạc sĩ đang theo chiều hướng đi xuống: nguồn số liệu lấy ở đâu? Tác giả cần dẫn chứng cụ thể để bài viết có được sức thuyết phục. Đặt trong bối cảnh khoa VHH: hoàn toàn không đồng ý. Các thầy cô VHH giảng dạy tốt. Học viên Khoa VHH học rất nghiêm túc với tinh thần học hỏi cao, không phải đến lớp cho có mặt;
+ Đâu phải chỉ ở nước ngoài mới có việc vừa học vừa hành, vừa nghiên cứu? HV chúng tôi không tự nghiên cứu làm sao làm được những bài tập do các thầy cô đưa ra?
+ Bảng tên mà khoa VHH làm cho các HVCH: chúng tôi thấy khi ngồi học mà có bảng tên trước mặt là niềm vinh dự, niềm vui; thông qua bảng tên để HV biết rõ về nhau. Điểm danh là làm theo quy chế, điểm danh giúp HVCH đến lớp và tiếp thu bài. Muốn có chất lượng mà không đi học thì làm sao tiếp thu bài.
+ Học giống như cấp 3: không đồng ý. Phương pháp dạy-học cao học hoàn toàn khác.
3.3.3. HVCH Đặng Trần Minh Hiếu (K11):
+ Điểm danh và bảng tên: tôi đã từng học ĐH ở Hà Nội, vẫn có việc điểm danh, ngồi theo sơ đồ lớp. Lúc đầu bị phản ứng rất dữ, sau nhìn lại mọi người đều thừa nhận rằng việc đó là có ích.
+ Khoa VHH điểm danh: không có gì lạ và đặc biệt. Bảng tên: là một sáng kiến tốt, thể hiện sự tôn trọng HV.
3.3.4. NCS Nguyễn Duy Mộng Hà (K4):

Với tư cách là NCS VHH và Phó phòng Khảo thí và ĐBCL của Trường, tôi rất sốc khi đọc bài báo và có những nhận xét sau:
+ Vấn đề đầu vào:
• Viết về động cơ học tập hoàn toàn sai lệch với thực tế, vơ đũa cả nắm, Phần đông có động cơ học tập nghiêm túc;
• Ngoại ngữ đầu vào/đầu ra đối với HVCH: Trường thực hiện nghiêm túc, bài thi không hề dễ chút nào. Nhiều người rất giỏi chuyên môn nhưng do kém ngoại ngữ nên bị rớt.
+ Vấn đề quá trình đào tạo:
• Về Thầy Cô thỉnh giảng ở xa: bài báo phóng đại khi nói rằng HVCH ngành báo chí lo toàn bộ chi phí ăn ở của Thầy Cô. Ở khoa giáo dục cũng có đào tạo liên kết với Hà Nội, Nhà trường hỗ trợ phần lớn. Nếu không có sự hỗ trợ này thì HVCH còn phải tốn kém hơn rất nhiều.
• Chép bài mỏi tay: hoàn toàn không đồng ý. Là người đang học chung với cao học, tôi thấy không có môn nào là đọc chép hết. Học viên nào chép tất cả những gì nhìn thấy là do không có kinh nghiệm. Các bài giảng bằng powerpoint được Thầy Thêm gởi trước cho lớp; nếu có chép thì chép những phần Thầy giảng thêm, phát triển thêm, là hoàn toàn đúng. Bài giảng powerpoint của cô Hiền khá nhiều chữ, nhưng cô luôn hướng dẫn là tùy chỗ mà chép. Bài giảng của thầy Hiệu rất ít chữ nên nếu chép thì cũng không mỏi tay chút nào.
• Điểm danh và bảng tên: Thầy Cô nhìn bảng tên, gọi tên thấy thân mật và vui. Tôi tốt nghiệp thạc sĩ ở Đức, ở đó cũng có điểm danh. Có môn học truyền nhau danh sách để ký tên. Có lần tôi ốm nghỉ học ở nhà sau đó phải chấp nhận học lại do thiếu buổi.
• Tự nghiên cứu: Khoa VHH có rất nhiều sách vở, tài liệu phong phú để nghiên cứu, tuy chưa bằng nước ngoài nhưng đã đọc không xuể rồi, làm sao có thể nói là không đủ? Có không nghiên cứu chăng là một số ít HV lười mà thôi;
• Vấn đề sao chép: Trường ta xử lý những trường hợp sao chép rất nghiêm. Trước đây khoa Ngữ văn Anh cũng đã xứ lý sao chép, không cấp bằng.
• Là người hiện công tác ở Phòng Khảo thí với cương vị phó phòng, tôi có đủ cơ sở để nói rằng Khoa VHH là một trong những Khoa có chất lượng đào tạo tốt và được SV-HV đánh giá cao thông qua các phiếu thăm dò.
3.3.5. HVCH Tăng Việt Hương (K11):

+ Về chi tiết bài báo cho rằng việc chuyển đổi phương thức là do sợ tốn kém phong bì: không phải như bài báo đề cập. Tôi là một trong 5 người chuyển đổi phưỡng thức, nhưng không có ai phỏng vấn tôi, không ai gọi điện thoại hỏi tôi về vấn đề này. Thông tin này tác giả lấy từ đâu?
3.3.6. HVCH Nguyễn Văn Đề (K11):

+ Nội dung bài báo đối chiếu với kinh nghiệm mà tôi đã trải qua:
• Lý do chuyển phương thức: Tôi quyết định xin chuyển phương thức đào tạo sau khi suy nghĩ và tham khảo ý kiến nhiều học viên trong lớp. Lý do chính là để phù hợp với điều kiện công tác và hoàn cảnh chứ hoàn toàn không phải do “văn hóa phong bì”;
• Thi đầu vào môn TA: đề thi đầu vào không phải thấp, mà là cao. Tôi đã có bằng C tiếng Anh do ĐH Huế cấp, nhưng thi thấy cũng khó khăn, may mà qua được.
• Không đề cao tự nghiên cứu: không đúng. Ngoài giờ học trên lớp chúng ta còn phải đọc tài liệu và làm bài tập, tôi thức đến tận 2-3h sáng để tự nghiên cứu làm bài, không còn thời gian để làm việc khác thì không thể nói là yêu cầu tự nghiên cứu thấp mà ngược lại là rất cao.
• Bảng tên: Ở các hội nghị các đại biểu đều có bảng tên. Khi học buổi đầu tiên, được trao bảng tên, tôi có cảm giác vinh dự như một vị đại biểu dự hội nghị. Bảng tên làm tăng thêm sự tôn trọng của Khoa, Trường đối với học viên. Bảng tên có tác dụng thông tin cụ thể đối với những người chưa quen nhau, tạo thuận lợi cho các thầy cô thỉnh giảng có thể trao đổi/hỏi bài các HV. Đó là cái đẹp của khoa Văn hóa học, không có gì khó chịu.
3.3.7. HVCH Nguyễn Thị Lệ Hằng (K8)

+ Có những chi tiết bài viết có phản ánh đúng sự thật. Nhưng vấn đề là ở chỗ tác giả đứng ở góc độ như thế nào, nhìn qua lăng kính như thế nào?
+ Tôi có được học về báo trong thời gian học đại học, đạo đức báo chí phải trung thực. Bài báo đã phản ánh đạo đức và đạo đức báo của tác giả.
+ Bảng tên và điểm danh là có thực, nhưng nó khiến chúng tôi tự hào. Ngồi ở sân trường mà nhìn thấy một HV xách máy chiếu và ôm hộp bảng tên đi qua sân thì biết ngay đó là dân văn hóa học. Đó là niềm tự hào của chúng tôi. Có bảng tên, các GV thỉnh giảng đến dạy, dễ tiếp xúc và mời HV phát biểu.
+ Bài viết mâu thuẫn từ đầu đến cuối;
+ Lý do đi học ThS để được cha mẹ chu cấp như bài báo nêu: có thể có nhưng những người vì lý do đó là những người lười biếng. Đi học do không có việc làm? Phải tự thân vận động, phải thích nghi, làm gì có ai trải thảm đỏ cho bạn đi? Cần tìm hiểu xem lý do những người này không đi làm là do chê việc hay bị việc chê?
+ Tác giả thành kiến với những người tiếp xúc với mình.
+ Chuyện đưa phong bì: Tiêu cực từ trong ngay tâm thế của người viết. Cả lớp chúng tôi bảo vệ đề cương không ai tốn xu nào. Nếu có ai đó mới bảo vệ đề cương thôi mà đã tốn 2 triệu bạc thì tôi lấy làm lạ là tiền này đưa cho ai? Rất có thể đó là tiền thuê viết đề cương. Nhà báo hoàn toàn chủ quan khi không tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin do người khác cung cấp, thành ra suy diễn khiến người khác hiểu sai vấn đề.
“Từ nhỏ đến lớn, mình còn chưa bỏ tiền ra mua món quà nào cho bố mẹ”: Tốt nghiệp ĐH khoảng 22 tuổi, học cao học đến khi bảo vệ đề cương thì đã 24 tuổi. 24 tuổi mà chưa mua tặng cha mẹ món quà nào là đứa con bất hiếu. Vậy thì học văn hóa học làm sao được. Một người đối xử với cha mẹ mình như vậy thì đối xử với người khác thế nào?
+ Tôi công tác tại bảo tàng 15 năm. Ngoại ngữ của tôi đủ giao tiếp, nhưng tôi thi lần đầu rớt. Chỉ có 30% qua được. Tôi thuộc số 70%. Đến khi thi lần 2 tôi cũng chỉ vừa đủ 5 điểm để qua.
+ Tự nghiên cứu: không ai cấm tự nghiên cứu. Không tự nghiên cứu làm sao thảo luận/học các môn học, nhất là môn Đọc sách kinh điển?
+ Vấn đề sao chép luận văn: Tôi đã dự một buổi thảo luận luận văn của một chị K6. Hội đồng có cô Hiền, thầy Hiệu, cô Quỳnh Trân và hai thầy cô nữa. Năm thành viên đều dẫn ra rất cụ thể và chính xác chỗ nào chép, chỗ nào sai, từng trang, từng dòng cụ thể. Bảo vệ chính thức cũng vậy. Các thầy cô rất thương học viên, chỉ ra từng chỗ để học viên biết mà sửa. Báo phản ánh như vậy là không trung thực.
+ Điểm danh: Nếu không đi học thì làm sao hiểu bài. Làm sao biết thầy dạy gì mà học.
+ Chép bài: chép hay không là quyền của HV. Không một giáo viên nào bảo rằng các em chép vào. Có HV tới lớp đi chân tay không, chỉ mang theo máy ghi âm rồi về nhà nghe lại. Tôi thì ghi chép. Ghi chép rất có lợi vì nhớ bài lâu. Những bạn nghỉ học hoặc quên bài thường nhờ tôi photocopy tập vở để các bạn tham khảo.
+ Lúc đầu tôi vừa làm vửa học. nhưng thấy học rất khó, phải đầu tư rất nhiều, tôi đã phải đấu tranh tư tưởng và quyết định bỏ công việc đang làm để đi học. Có những môn học một mình tôi không lĩnh hội được, tôi đưa cả chồng cùng đi học để cùng trao đổi.
3.3.8. PGS.TS Trần Thị Mai, Trưởng phòng đào tạo SĐH

+ K10 VHH: Đào tạo theo niên chế. K11 VHH: Đào tạo theo tín chỉ, thời gian đào tạo cho phép tối đa là 2 năm, thời gian gia hạn tối đa là 5 năm.
+ Phương thức 1: không cần LV, chỉ cần tích lũy đủ tín chỉ. Sau khi nhận bằng không được thi NCS. Phương thức 2: sau khi bảo vệ LV, được quyền tiếp tục học lên NCS. Phương thức nghiên cứu: dành cho những đối tượng đã có công trình nghiên cứu. Hiện trong toàn trường chưa có HV nào đăng ký vì tiêu chí đầu vào rất cao.
+ Kinh phí đào tạo toàn khóa là 4.540.000đ, không thu thêm bất kỳ khoản nào, không thể nói là tốn kém. Còn rẻ hơn cả học phí đại học. Sau khi hết hạn 2 năm còn được thêm 6 tháng không phải đóng thêm kinh phí. Còn sau đó thì phải tự túc chi phí thành lập hội đồng, không có bất cứ khoản gì thêm.
+ Kinh phí các chương trình đào tạo liên kết với Hà Nội (3 chương trình: Quản lý KH-CN, Quan hệ quốc tế, Báo chí học): Tuyển đầu vào theo đề thi của HN, chương trình đào tạo của HN, do HN cấp bằng, kinh phí đào tạo do HN quy định. Học phí toàn khóa của Các khóa trước năm 2010 chỉ có 4 triệu. Ngoài ra HV phải đóng thêm kinh phí phát sinh đi lại ăn ở của các thầy/cô từ HN theo hóa đơn tài chính thực tế, khóa 2007-2010 tổng kết lại thì mỗi HV đóng thêm 11 triệu, tổng cộng là 15 triệu.
+ Trong cẩm nang SĐH luôn quy định là phải tham gia các Hội nghị khoa học. Luôn khuyến khích NCKH để nâng dần chất lượng.
3.3.9. HVCH Huỳnh Thị Thùy Trinh (K6)

+ Tôi là một trong những người tên Trinh được nhắc đến trong bài, nhưng người trong bài không phải là tôi, chữ tắt họ và tên đệm không giống tôi.
+ Tôi đã tốt nghiệp và đi làm việc, tôi thấy chất lượng đào tạo VHH có kết quả tốt, kiến thức VHH giúp ích cho tôi rất nhiều trong quá trình làm việc;
+ Văn hóa phong bì: chúng tôi không hề tốn tiền phong bì mà vẫn được các thầy cô hướng dẫn tận tình;
+ Bài báo thiếu cơ sở, vai trò của BBT ở đâu khi đưa bài báo lên đăng?
+ Có thể bài báo vin vào vài ý kiến vu vơ nào đó, ở đâu đó để viết mà không có cơ sở nào hết.
3.3.10. HVCH Phan Thị Thùy Linh (K9), nhà báo:
Về mặt nghiệp vụ, bài báo có hai lỗi:
+ Chuyện học cao học có nhiều vấn đề. Học cao học trong xã hội hiện nay có tình trạng như báo phản ánh. Nhưng tác giả đã
chọn mẫu sai. Chọn nhầm vào một khoa mạnh trong trường. Báo SGGP có thể tự đi khảo sát và kiểm chứng;
+ Lỗi 2 là
không tôn trọng sự thật. Các tên đã bị đổi. Đổi tên thì phải ghi là các nhân vật đã được thay đổi tên;
+ Báo phải có lời xin lỗi Khoa.
3.3.11. HVCH Đỗ Quốc Văn (K11)

+ Bài báo xét về quan điểm chung trình bày có nhiều yếu tố đúng với thực trạng GD VN. Những tồn tại về GD sẽ bắt gặp ở đâu đấy. Nhưng là không đúng đối với thực trạng ở Khoa VHH, Trường XH-NV: tác giả có ý đồ gì khác không ngoài thông tin báo chí?
+ Chi tiết quá vụn vặt: bảng tên, điểm danh. Nếu có ý thức học tập tốt thì không quan tâm đến việc có điểm danh hay không. Bài báo không nên phản ánh những vấn đề quá vụn vặt;
+ Phong bì: chẳng phải vì phong bì mà chuyển đổi phương thức học tập (bản thân tôi là một trong những người chuyển đổi phương thức).
3.3.12. HVCH Vũ Nhật Tân, (lớp trưởng K10)
+ Người viết bài rất cảm tính, chủ quan, non tay viết;
+ Nếu có phong bì khi gặp khó khăn trong khi học thì cần có điều tra nghiêm túc, có số liệu thống kê. Nếu có quà cáp sau khi học thì đó là cách thể hiện tình cảm biết ơn của người học với người truyền đạt kiến thức, cần phân biệt “văn hoá quà tặng” với “văn hoá phong bì”;
+ Khi tòa soạn đăng bài báo cần phải thẩm định thông tin có chính xác không nhằm tránh ảnh hưởng đến những cá nhân, đơn vị được nhắc đến (ở đây là Khoa VHH và các HV).
3.3.13. PGS.TS Phan Thu Hiền
+ Vào lúc 19g30 thứ tư (ngày báo ra), thầy Thêm gọi điện hỏi tôi có trả lời phỏng vấn báo SGGP không? Tôi đáp là không trả lời bất kỳ phỏng vấn nào từ sau tết tới giờ.
+ Đúng là khi đi dạy thì đôi khi tôi có gặp lại những gương mặt sinh viên của mình. Và đôi lúc tôi có nói là khi thấy những sinh viên quen mặt mà học giỏi, hỏi chuyện thì các em nói là chưa xin được việc. Tôi xót xa vì học xã hội nhân văn trong thời điểm này gặp nhiều khó khăn, và luôn bảo các em rằng đi học tiếp như vậy là đúng đắn vì sắp tới chuẩn có lẽ sẽ nâng cao lên thạc sĩ… Chứ tôi không bao giờ nói vế sau (phần trong ngoặc kép ở bài báo:
đi học không phải vì ham học...), cứ làm như là tác giả đã phỏng vấn và trích dẫn lời tôi. Nếu có phỏng vấn thì phải có chứng cứ như băng ghi âm trả lời phỏng vấn của tôi chứ?
+ Đây là lần thứ hai tôi bị như vậy với báo Sài Gòn giải phóng. Lần 1 là năm 1998, khi tôi bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở Hà Nội về. Báo SGGP đã cho đăng một bài lớn về tôi, nội dung thì toàn ca ngợi. Tác giả bài báo là một sinh viên năm thứ tư có học tôi. Tác giả đã tự đóng cả hai vai: tự đặt câu hỏi và tự trả lời với nhiều chi tiết phóng đại. Trong đó có những chi tiết như tôi đi Hà Nội mang theo 18kg sách, mà tiêu chuẩn chỉ được mang 20 kg. Tôi đã mang theo rất ít hành lý. Các bạn biết tôi thì hiểu ngay rằng không đúng, đó không phải là hình ảnh tôi.
+ Tôi rất buồn khi đọc một số vấn đề bài viết của Anh Khoa đề cập đã phản ánh thực tế một cách sai lạc. Chúng tôi là giảng viên, mỗi lần lên lớp là một lần soạn bài, bổ sung, hoàn thiện. Có những môn dù đã dạy 10 năm, nhưng trước mỗi buổi dạy vẫn phải kiểm tra, cập nhật kiến thức. Chúng tôi rút ruột, luôn hết lòng vì học viên. Vậy mà nay nhận được kết quả như thế này...
*GS. Trần Ngọc Thêm: Tôi muốn mời HV Nguyễn Bích Thủy K11 là người có họ tên + lớp trùng hoàn toàn với N.B.T K11 được nhắc đến trong bài (nói rằng
đề thi Anh văn quá dễ) cho biết ý kiến v/v bạn có phải là người được nhắc đến trong bài hay không và ý kiến của bạn về bài viết.
3.3.14. HVCH Nguyễn Bích Thủy (K11): + Thông tin trong bài về tiếng Anh không phải là do em cung cấp.
+ Trong quá trình đi ôn thi tiếng Anh đầu ra, em có nghe chính mấy giảng viên có động viên học viên là, đề tiếng Anh nói khó, nhưng kỳ thực chúng tôi đã cố gắng lắm rồi.
+ Nhân đây em cũng hỏi về chuẩn đầu ra sau đại học về ngoại ngữ. Trong năm nay, em đã 3 lần qua phòng Sau đại học để hỏi về chuẩn đầu ra ngoại ngữ thì thấy rằng thông tin không rõ ràng. Đầu tiên Phòng Sau đại học thông báo là TOEIC có thể được, nên đầu năm một số bạn đi học TOEIC. Giữa năm vào hỏi “... có được không?” thì phòng trả lời là có được. Nhưng vừa rồi em ghé phòng hỏi thì chỉ có IELTS được thôi còn TOEIC và ESOL Exams thì không được.
+ Thông tin về tiếng Anh thì không rõ ràng, còn thông tin trong bài báo thì em không được rõ.
4. Phát biểu của các khách mời:4.1.
TS. Nguyễn Khắc Cảnh, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV:

* Với tư cách Thường vụ và BGH:
+ Thay mặt Thường vụ và BGH, tôi hoan nghênh động thái hết sức kịp thời của Chi ủy và BCN khoa VHH đã tổ chức được buổi sinh hoạt hết sức hữu ích, cởi mở, dân chủ, công khai và minh bạch. Những người trong cuộc và người viết cần nghiêm khắc nhìn lại mình, làm minh bạch những thông tin mà bài báo đã truyền tải;
+ Thay mặt BGH và Thường vụ, tôi gởi lời cảm ơn đối với tác giả và tòa soạn SGGP đã có sự quan tâm và viết bài, chỉ ra những góc tối và những hạt sạn. Tôi đề đạt mong muốn: nếu có thể xin tòa soạn cung cấp những thông tin sâu hơn về khía cạnh đó để chúng tôi có điều kiện tự hoàn thiện;
+ Tôi đề nghị Khoa và các Anh/Chị học viên: trao đổi ý kiến thoải mái, dân chủ, công khai minh bạch. Nếu thấy cần thì các anh chị có thể viết bài trả lời lại bài này từ góc nhìn của mình, với tu cách cá nhân.
* Với tư cách cá nhân:
• Nếu những chi tiết trong bài báo là có thật: Cách đặt vấn đề của bài báo mập mờ, không rõ ràng. Nhìn hệ thống GD Việt Nam, nhưng dữ liệu lại tập trung vào vài Khoa của một Trường là không được. Không thể lấy 1 điểm cụ thể để khái quát lên một bức tranh toàn cảnh. Nên đặt vấn đề cụ thể: những bất cập về GD ở một trường nào đó;
• Nếu những chi tiết trong bài báo là đúng: Những chi tiết ấy nếu có là những hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể, không thể khái quát lên rồi quy thành bản chất vấn đề của cả nhà trường. Như thế là bất cập. Đọc xong bài báo, chỉ rút được 2 vấn đề: những người đi học là những người không có việc làm; và khi vào học thì chấp nhận văn hóa phong bì, chất lượng học không ra sao. Nếu hiểu toàn cảnh giáo dục đại học hiện nay là như thế thì những người học chân chính, những thầy cô chân chính thì sẽ suy nghĩ như thế nào? Rõ ràng bài báo đã xúc phạm đến các Thầy Cô và những người học.
4.2.
PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa , Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau Đại học, ĐHQG-HCM:

+ Đáng tiếc là bài viết không chính xác, tỷ lệ những điều không chính xác khá nhiều, nghiệp vụ tác giả non kém qúa nên bài viết không giúp được gì cho chúng tôi cả, chỉ có làm hại thôi, làm hại trường, khoa, các cá nhân có liên quan.
+ Về những điều không chính xác này thì các anh chị HVCH đã phát biểu rõ, tôi chỉ nói thêm là ở đâu cũng có cái hay cái dở, người nào cũng có cái hay cái dở.
+ Nên viết thì cần phải nêu vấn đề một cách toàn diện. Ngay cả với người tốt nhất mà ta chỉ đi moi móc cái xấu thì chắc chắn chẳng có ai vĩ đại hết. Trong khi đó thì bài viết này nêu toàn cái xấu, không chỉ ra được cái tốt nào, huống hồ là ngay cả viết về cái xấu cũng không ra hồn;
+ Về chi tiết bạn N.B.T. nói đề thi tiếng Anh quá dễ là không đúng với sự thật. Tôi đã báo cáo với Giám đốc rằng sự thật là đề thi đầu vào cao học tiếng Anh của ĐHQG-HCM là khó nhất nước Việt Nam. Điều này tôi khẳng định chắc chắn với tinh thần trách nhiệm rất cao. Đề thi đầu vào cao học của ta không chỉ là B mà cao hơn B, tỷ lệ rơi rụng chủ yếu là ở môn tiếng Anh. Do vậy nếu có HV lại nói đổi trắng thay đen 100% như vậy thì tôi cũng hết nói luôn.
+ Mới chỉ là nói về một chi tiết thôi đã thấy bài báo viết như vậy là quá đáng, nó phản ánh một năng lực rất yếu kém. Thành ra tôi rất buồn rằng đó là sản phẩm của khoa báo chí trường mình. Rất mong nhà trường lưu ý giúp khoa báo chí đào tạo tốt hơn.
+ Về Khoa Văn hoá học: cá nhân tôi theo dõi qua nhiều năm, qua quá trình phát triển từ Bộ môn lên Khoa, tôi có ấn tượng rất tốt. Tôi là một chuyên gia về trắc nghiệm nên đã từng làm thử đề thi trắc nghiệm môn
Cơ sở văn hoá Việt Nam của GS. Thêm xem nó thế nào thì tôi thấy rất tốt, rất thú vị. Tất nhiên là Trường KHXH-NV chưa phải là đã tốt hết, còn phải phấn đấu nhiều, nhưng có thể nói Khoa VHH là một trong những Khoa có nề nếp kỷ cương, do vậy là một trong những Khoa có chất lượng đào tạo tốt nhất Trường.
+ Bài báo với những thông tin sai lạc về một trường, về một khoa và liên quan đến một số khoa khác được đăng trên một tờ báo có bản Online phổ biến không chỉ trong phạm vi một thành phố, cũng không chỉ trong phạm vi một nước mà toàn thế giới như thế này rõ ràng là rất nguy hiểm, gây những ảnh hưởng không tốt cho Khoa, Trường và ĐHQG. Rất mong trong tương lai SGGP không lặp lại những sai phạm thế này.
4.3.
Nhà báo Thanh Hùng, Đại diện Ban Giáo dục, báo SGGP:

+ Với tư cách đại diện báo SGGP: chân thành cầu thị lắng nghe tất cả các ý kiến;
+ Với tư cách cá nhân là một phóng viên được học tập tại Trường: xin lỗi quý thầy cô và các bạn nếu bài báo có xúc phạm đến Thầy Cô và các bạn;
+ Những ý kiến của các bạn sẽ được BBT báo xử lý sau.
5.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm kết luận:

+ Có một mục tiêu của buổi trao đổi là học hỏi để rút kinh nghiệm, phát hiện những sai phạm để xử lý là chưa đạt được: không có ý kiến nêu những mặt chưa tốt của Khoa; nhưng mặt khác buổi trao đổi đã thẩm định xác minh được sự thật về những vấn đề bài báo nêu ra. Qua thảo luận, có thể thấy rằng:
+ Nhà báo có nghiệp vụ quá non tay;
+ Không áp dụng đúng quy trình phỏng vấn. C.Hiền hoàn toàn có quyền kiện tác giả và Tòa soạn;
+ Sửa tên là hình thức ngụy tạo thông tin;
+ Lắp ghép ý nọ với ý kia;
+ Chọn mẫu sai;
+ Phương thức khái quát sai;
+ Đề thi TA không thấp chút nào. Đề thi TA là đề thi khó nhất trong cả nước;
+ Tác giả bài báo thể hiện mình thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, không phân biệt được thế nào là tốt xấu, không phân biệt được thế nào là hay dở, không biết ở nước ngoài đào tạo như thế nào;
+ Bài viết chứa đầy mâu thuẫn;
+ Thay vì xây lại chống, làm hại mà không giúp ích được gì, bôi nhọ nền GD của cả nước, của Trường, của Khoa;
+ Vi phạm nhiều điều của Luật báo chí và các quy định báo chí có liên quan (như Quy chế phỏng vấn trên báo chí, Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí...), đưa tin sai sự thật, xúc phạm danh dự của tổ chức (trường và khoa VHH) và nhiều cá nhân trong trường, khoa. Khoa hoàn toàn có thể khởi kiện báo và tác giả.
+ Khoa sẽ có văn bản phản hồi và yêu cầu Báo hợp tác cung cấp chi tiết về các thông tin trong bài để kiểm tra, xử lý các vi phạm (nếu có) và yêu cầu Tòa soạn có hình thức cải chính những sai lầm trong việc thông tin xúc phạm đến danh dự và uy tín của khoa, các cán bộ và HVCH của khoa, cũng như cần rút kinh nghiệm và có biện pháp bảo đảm những sai phạm như vậy không tái diễn thêm nữa, làm ảnh hưởng tới uy tín của một tờ báo Đảng.
+ Các HV có thể tự viết bài đăng báo SGGP hoặc các báo khác.
+ Với tinh thần ứng xử một cách có văn hóa của khoa VHH, nếu bạn nào một lúc nào đó có phát hiện ra rằng người đang ngồi cạnh mình là tác giả bài báo thì cũng không nên có những lời lẽ hoặc cử chỉ xúc phạm. Không nên đáp trả một hành động xúc phạm này bằng một ứng xử xúc phạm khác.
Buổi trao đổi kết thúc vào lúc 16h45 ngày 13/5/2011.
Thư ký
ThS. Trương Thị Lam Hà và ThS. Nguyễn ThịTuyết Ngân