Tây Tạng chưa bao giờ mất đi sức hấp dẫn của nó, mặc cho khí hậu khắc nghiệt ở độ cao và điều kiện sống thiếu thốn tiện nghi dễ làm nản lòng bất cứ du khách nào viếng thăm.
Dĩ nhiên trừ lý do tâm linh.
Tây Tạng nổi tiếng vì nó được cho là xứ sở thần thánh và huyền bí, là nơi còn lưu giữ được những bản kinh quý báu của nhân loại, nơi những đạo sư bí ẩn thông tuệ ẩn mình đâu đó trong những mật thất trên cao nguyên cô quạnh, nơi những pháp môn tu huyền bí và ma thuật cổ xưa phủ lên xứ sở này một bầu không khí tâm linh vừa đe dọa vừa mời gọi sự tò mò không thể cưỡng lại.
Văn hóa truyền thống của Tây Tạng có nền tảng từ Lạt ma giáo – một nhánh của đạo Phật với hình thức phát triển cao là Phật giáo Mật tông. Tín ngưỡng bản địa – đạo Bon (một thứ đạo Phù thủy hay còn gọi là Saman giáo) – có từ trước thời kỳ Phật giáo du nhập đến đất nước này, vẫn còn nguyên sức ảnh hưởng mạnh mẽ tuy đã bị pha tạp ít nhiều.
Ở Tây Tạng, người ta quan niệm phần lớn đời người là để dành cho việc tu tập và phát triển tâm linh, thân xác này chỉ như một lớp áo. Họ không quan tâm lắm đến việc kiếm thật nhiều tiền để trở nên giàu có, vì vậy nghề nghiệp của họ cũng khá … lãng tử. Nhưng nhìn những bóng người thành kính niệm chú, miệt mài quay bánh xe chuyển kinh, tập trung tâm trí cho những lần rạp người sát đất bái lạy thành tâm trên đường đến những tự viện nơi đất Phật, có du khách nào lại không khỏi cảm động, kính phục và tự nhìn lại chính mình trong một bầu không khí tôn giáo trang nghiêm bao trùm.
Nơi đây, người ta không coi những phép lạ là “phép lạ”. Phải chăng vì họ đã quá quen thuộc với những điều khiến du khách không khỏi trầm trồ và sửng sốt? Những phép lung-gôm đi như bay mà mặt bất động, pháp môn viêm công sưởi ấm thân hành giả không mảnh vải che thân trong thời tiết giá lạnh, phép truyền ý nghĩ qua gió v.v… chỉ được xem như những “môn thể thao tâm linh của Tây Tạng” (Alexandre David Néel). Đối với người bản xứ, nếu có dịp được chứng kiến một người nào đó làm như vậy thì họ cũng chỉ xem là người đó biết cách điều khiển những năng lực siêu nhiên tiềm ẩn trong mỗi chúng ta và trong vũ trụ.
Tây Tạng, xứ sở kỳ lạ, thánh thần và ma quỷ cùng ngự trị đâu đó trên mảnh đất này. Vị thế đặc biệt nằm ở nơi cao nhất thế giới (trung bình 4875m), mà cũng là biệt lập nhất thế giới khi ba mặt bị bao phủ bởi những dãy núi cao sừng sững, nhiệt độ trung bình năm 1,1 độ C, vẫn lưu giữ trong lòng nó những bí ẩn mà khoa học khó giải thích. Từ khi Tây Tạng “được” sáp nhập với Trung Quốc, trở thành một khu tự trị, thì vùng đất này có lẽ đã không còn vẻ thánh khiết như thời của Alexandre David Néel và Govinda (những tác giả nổi tiếng về nghiên cứu Tây Tạng) nữa. Đường sá có lẽ cũng dễ đi hơn, bớt đi phần nguy hiểm, các cửa tiệm cũng nhiều hơn để phục vụ du khách. Nhưng nhìn Lhasa – nơi được mệnh danh là “thành phố của Chư Thiên” đầy bóng lính Trung Quốc canh gác, đó đây thấp thoáng những công trình xa lạ, những khu phố quy hoạch đậm chất dân tộc Hán, có cả ngân hàng lớn mà không biết người dân bản xứ nào sẽ vào gửi tiền, chúng ta cảm thấy điều gì?
Những bất ổn về chính trị, những cái chết bí ẩn của các vị Lạt Ma lãnh đạo tinh thần, sự kiện đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải sống lưu vong tại Ấn Độ (và Ngài cũng được tiên đoán là đời cuối cùng). Chúng ta đang chứng kiến sự mất dần một nền văn hóa độc đáo của nhân loại. Mà có thể không phải biến mất, đó chỉ là sự biến đổi theo quy luật, như bản chất của văn hóa không đứng yên mãi mãi.
Tôi ước mình được đến xứ sở Tây Tạng thần bí 1 lần trước khi nó trở nên quá xa lạ với những gì tôi được biết qua sách vở. Còn bạn, bạn có muốn đến Tây Tạng – trước khi quá muộn không?