Có lẽ với các bạn học bên văn qua thì k ai xa lạ gì với F. Rabelais – tác giả nổi tiếng mà một trong các tác phẩm lớn của ông là “Pantagruel” đã được đưa thành chuyên đề để thảo luận. Tuy nhiên, với các bạn từ những ngành khác thì có lẽ ít biết đến Rabelais hơn (cho đến khi chúng mình học chuyên đề ĐSKĐ, nhỉ ???
)
Mình xin mạn phép giới thiệu một ít về Rabelais và hai tác phẩm đầu tiên “Pantagruel” và “Gargantua” (trong bộ 5 tập) – để các bạn tham khảo thêm nhé
PANTAGRUEL – VUA CỦA NGƯỜI DIPSODEMở đầu cuốn “Pantagruel – Vua của người Dipsode” kể về gốc gác, dòng dõi xa xưa cũng như ra đời của chàng Pantagruel khổng lồ vĩ đại – sinh ra vào thời kỳ nhân loại đang ở trong một cơn khát khổng lồ.
Trên bước đường phiêu lưu học tập tìm kiếm tri thức, Pantagruel tiếp xúc với một nền giáo dục cung cấp những kiến thức sáo rỗng, vô nghĩa... và chàng tỏ ra rất không hài lòng. Chẳng hạn chàng muốn học nghề y nhưng lại “xét thấy cái nghề đó thật là phiền và buồn, các thầy thuốc thì sặc mùi thuốc thụt rửa như đồ quỷ”; thế là chuyển sang học luật, nhưng Pantagruel lại khám phá “các sách luật như một chiếc áo dài đẹp đẽ bằng vàng, rực rỡ và quý báu vô cùng, nhưng viền bằng cứt...” (cực kỳ thất vọng!!!
)
Pantagruel lại đến Paris và kết thân với anh chàng Panurge – một tay thông minh, láu cá, hài hước, có đầu óc thực tiễn và thích làm giàu... đặc biệt Panurge rất có tài trong việc chọc phá chế giễu các vị quý tộc hay các cha nhà thờ
Ví dụ nhé: một quý bà đỏng đảnh giả vờ tiết hạnh đã bị anh chàng Panurge chơi khăm bằng cách làm cho “600 nghìn và 14 con chó giái xúm chung quanh... bất cứ chỗ nào bà đi qua, những con chó đực mới đến đều theo sát gót chân, và đái khắp dọc con đường mà gấu áo của bà chạm phải... nước đái của chúng làm thành một dòng suối, trong đó những con vịt cái có thể bơi lội thỏa thích....”
Đoạn kết kể về chuyện quê hương của Pantagruel – xứ Utopie (xứ Không tưởng) bị xâm chiếm. Pantagruel cùng Panurge trở về nắm quyền lãnh đạo xuất binh tiêu diệt kẻ thù giải phóng quê hương.
GARGANTUACuốn “Garguantua” kể về sự ra đời của chàng khổng lồ Gargantua (bố của Pantagruel) – thời thơ ấu của Gargantua được nuôi nấng theo khuôn phép hẳn hoi, nghĩa là “uống ăn và ngủ; ăn, ngủ và uống; ngủ, uống và ăn”
Năm 5 tuổi, Gargantua phát minh ra một cái chùi đít khiến bố chàng – Grandgousier hết sức thán phục. Thế là ông bèn mời một vị tiến sĩ danh tiếng nhất về dạy cho cậu con trai. Thế nhưng, buồn thay chẳng hiểu thế nào mà Gargantua càng học càng trở nên ngốc nghếch, ngờ nghệch. Thế là chàng Gargantua được gửi đi Paris để tiếp tục việc học hành. Đến Paris, thấy Gargantua ngộ nghĩnh nên người dân cứ bám theo chàng. Gargantua bèn cởi khố kéo vểnh “vòi rồng” lên và đái làm chết đuối 260.418 người chưa kể đàn bà và trẻ con.
Ở Paris, Gargantua bắt đầu thụ giáo vị sư phó Ponocrates, vị này vốn trung thành với lý tưởng thời Phục Hưng đã mang đến cho Gargantua một nền giáo dục toàn diện, cụ thể và giải phóng.
Trong khi đó ở quê hương của Gargantua, một cuộc chiến tranh đã nổ ra sau cuộc tranh cãi giữa những người trồng nho và những người làm bánh kẹp. Cuộc chiến với quân Picrochole trở nên ác liệt. Nổi bật lên trong cuộc chiến xuất hiện một thầy tu là thầy Jean des Entommeures “trẻ tuổi, hăng hái, khôi ngô tuấn tú, tính tình vui vẻ, rất linh lợi, gan dạ, mạo hiểm, quả cảm, cao, gày, mồm rất rộng, mũi rất to, đọc kinh giờ rất lẹ, làm lễ misa rất chóng vánh, làm lễ cầu hồn rất mau, nói tóm lại là một thầy tu chân chính nhất trần đời kể từ khi thế giới có tu hành tu hẹ với các trò tu hú; ngoài ra, là người thông thái đến tận răng về khoản kinh nhật tụng”
.... Thầy Jean cùng với Gargantua (được Grandgousier gọi trở về từ Paris) hợp sức đánh bại quân Picrochole.
Để thưởng công cho thầy Jean, Gargantua đã cho xây dựng tu viện Thélème cực kỳ lộng lẫy, nơi những người sống trong đó toàn các bậc trí thức thanh nhã. “Tất cả đời sống của họ được dùng không phải theo luật pháp, quy chế hay phép tắc, mà tùy theo ý muốn và quyền tự quyết tự do của mình. Họ dậy khỏi giường khi nào họ thích, ăn uống, làm việc, ngủ khi nào họ thấy muốn; không ai đánh thức họ, không ai ép họ ăn uống hoặc làm bất cứ cái gì khác. Gargantua đã ấn định như vậy. Phép tắc của họ chỉ có một điều khoản này: MUỐN LÀM GÌ TÙY Ý”
Tham khảo:
- F. Rabelais : Pantagruel - vua của người Dipsode, nxb Văn học (hix, các bạn thông cảm, cuốn sách này ở nhà tớ cũ lắm rồi, bìa sứt mất tiêu nên k biết người dịch là ai và dịch năm nào nữa
)
- F. Rabelais 1983: Gargantua (Tuấn Đô dịch), nxb Văn học, Hà Nội (cuốn này thì còn, may quá, hix
)