MOTIF TẠO LẬP VŨ TRỤ TRONG VĂN HÓA ĐÔNG NAM Á QUA THẦN THOẠI

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

MOTIF TẠO LẬP VŨ TRỤ TRONG VĂN HÓA ĐÔNG NAM Á QUA THẦN THOẠI

Gửi bàigửi bởi Võ Ngọc Tường Vân » Thứ 6 29/05/20 0:04

DẪN NHẬP
Khu vực Đông Nam Á hiện nay bao gồm 11 quốc gia, được chia thành Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Các quốc gia Đông Nam Á lục địa gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar; còn lại các quốc gia thuộc Đông Nam Á hải đảo là Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Brunei và Đông Timor.
Trước khi được xem là một khu vực thống nhất như hiện nay, Đông Nam Á thường bị xem là vùng ngoại vi trong không gian văn hóa phương Đông với hai trung tâm Trung Hoa và Ấn Độ, nên người phương Tây gọi là vùng Indochina. G. Coedès (học giả người Pháp) được cho là người đầu tiên chứng minh Đông Nam Á có lớp văn hóa bản địa riêng biệt và vẫn đang được cư dân nơi đây giữ gìn và phát triển. Từ đây, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra thêm nhiều bằng chứng khẳng định tính đúng đắn của quan điểm do G. Coedès đề ra, phát hiện được Đông Nam Á chính là cái nôi của người vượn Java, nhóm người vượn lâu đời nhất của loài Homo erectus (trực nhân) được tìm thấy tại khu vực châu Á và nhiều thành tựu khoa học khác về khu vực này. Tự nhiên Đông Nam Á thuộc kiểu nhiệt đới ẩm gió mùa. Chính điều này đã chi phối khá nhiều đến đời sống văn hóa của cư dân, theo Mai Ngọc Chừ thì đó là “điều kiện nóng ẩm, mưa nhiều và có gió mùa là hằng số tự nhiên của văn hóa Đông Nam Á, và chính nó đã góp phần tạo nên đặc trưng của văn hóa Đông Nam Á – nền văn minh thực vật hay nền văn minh lúa nước.” (Mai Ngọc Chừ 1999 : 17), trong đó có thể kể đến hệ thống thần thoại của các cư dân Đông Nam Á.
Thần thoại, theo ngôn ngữ Hy Lạp cổ - Mythologia có nghĩa là “một tập hợp, một tổng thể những truyện kể dân gian truyền miệng với nội dung mà ngày nay chúng ta coi là hoang đường, kỳ ảo, huyền hoặc.” (Nguyễn Văn Khỏa 2017 : 6). Thần thoại là thể loại văn học dân gian được hình thành sớm nhất trong lịch sử loài người, nó thể hiện tư duy ngây thơ của người nguyên thủy trong việc lý giải vũ trụ, lý giải nguồn gốc con người,… mà một khi đã đi qua sẽ không bao giờ có thể quay trở lại được nữa. Qua thần thoại, chúng ta phần nào giải thích được những quan niệm, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo sơ khai,… của con người trong nghiên cứu văn hóa truyền thống. Dựa vào khối lượng thần thoại còn được lưu giữ hiện nay ở các nước Đông Nam Á, nội dung các câu chuyện thần thoại có thể chia thành các nhóm chính như sau: thần thoại về việc tạo lập vũ trụ (nguồn gốc của trời đất và các hiện tượng tự nhiên) như Vũ trụ khai sinh của người Mạ, thần thoại Nguồn gốc vũ trụ của người Indonesia,…; thần thoại về nguồn gốc các loài (con người và động thực vật khác): Mụ Da Dần, Chim Ây cái Ứa của người Việt, người Mường, Trứng đá sinh ra người của người Gié Triêng,…, các dân tộc: Nguồn gốc của người Mảng, Tổ tiên người Kachin,…; thần thoại về các anh hùng thời khuyết sử như Dam San của người Ê đê, tổ nghề,… Tìm hiểu về thần thoại Đông Nam Á, ta dễ dàng nhận thấy có sự tương đồng giữa những câu chuyện ở các quốc gia khác nhau, ví như chuyện về trái bầu giúp những người tốt bụng vượt qua cơn đại hồng thủy, giải thích nguồn gốc loài người, hay tình tiết chuyện về hai anh em ruột lấy nhau sinh sôi ra loài người,… Những câu chuyện có cốt truyện hoặc tình tiết tương tự nhau như thế này ta gọi chúng có chung một motif. Motif có thể hiểu là sự lặp đi lặp lại, hay sự di chuyển tình tiết từ câu chuyện này đến câu chuyện khác. Trong nghiên cứu văn hóa, thuật ngữ motif được sử dụng khi ta so sánh sự tương đồng giữa nhiều nền văn hóa, đặc biệt là trong văn hóa dân gian, để thấy được quan niệm của con người về các sự vật hiện tượng và tại sao lại có những tương đồng ấy trong các nền văn hóa khác nhau.
Để hiểu biết thêm về văn hóa Đông Nam Á, trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ chỉ tìm hiểu khía cạnh motif truyện thần thoại của các nước trong khu vực Đông Nam Á, cụ thể là motif về sự tạo lập của vũ trụ (nguồn gốc trời đất và các hiện tượng tự nhiên) và cố gắng lí giải tại sao cư dân Đông Nam Á nguyên thủy quan niệm như vậy.
NỘI DUNG
Các dân tộc, quốc gia hiện nay trên thế giới hầu như chưa tìm thấy nơi nào không còn lưu giữ lại những câu chuyện thần thoại của cộng đồng mình. Hệ thống thần thoại không chỉ là những sản phẩm văn hóa truyền thống cần được bảo tồn của một cộng đồng mà nó còn là bằng chứng thiết thực nhất cho ta thấy quá trình nhận thức về thế giới, về con người, tộc người và là một phần quan trọng trong nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo của người nguyên thủy. Khi nghiên cứu về thần thoại các nước Đông Nam Á, người ta nhận thấy rằng, mặc dù ở Đông Nam Á kho tàng thần thoại được lưu giữ đến nay không thể so sánh với sự đồ sộ và có tính hệ thống cao như thần thoại Hy Lạp (hai bộ sử thi Odyssey và Iliad) hay thần thoại Ấn Độ (hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana), mà nó thường là những câu chuyện ngắn, nhỏ lẻ để giải thích các sự vật, hiện tượng khác nhau, hoặc đến nay nhiều thần thoại đã bị truyền thuyết hóa, nhưng những câu chuyện ở các dân tộc, quốc gia khu vực Đông Nam Á ngày nay, kể cả lục địa và hải đảo lại có sự thống nhất cao về motif kể chuyện, đặc biệt là nhận thức về sự tạo lập nên vũ trụ mà chúng ta sẽ tìm hiểu, phân tích trong bài viết này.
Motif tạo lập vũ trụ trong thần thoại Đông Nam Á trước tiên cần nói đến sự hình thành của trời và đất, được cư dân nơi đây xem là cái cơ bản hình thành nên vũ trụ mà con người đang sinh sống. Thần thoại Indonesia kể lại ngày xưa trên thế gian rất hỗn độn, hoang sơ và tăm tối. “Khi ấy bầu trời và mặt đất chưa phân cách như bây giờ, mà trời đất hoàn toàn dính chặt với nhau thành một khối. Khối đất trời ấy do ánh sáng, bọt biển, hơi nước mà thành. Có một đấng sáng tạo cao siêu đã tách đất, trời xa nhau.” (Trương Sỹ Hùng 2018 : 298). Câu chuyện về Thần trụ trời ở Việt Nam lại cho rằng trên thế gian khi chưa có muôn loài, trời và đất vẫn còn là một đống hỗn độn, đã xuất hiện một vị thần vô cùng cao lớn, mỗi bước đi của thần có thể băng từ vùng này sang vùng khác, vượt từ núi này sang núi khác. Một lần, thần đứng dậy vươn vai, đội trời lên trên rồi đắp đất xây thành một cái trụ to cao để chống trời, tách trời và đất ra, đất như một cái mâm vuông, còn trời như một cái bát tròn úp, nơi tiếp giáp giữa trời và đất gọi là đường chân trời. Khi trời đã cứng lại và cố định, thần phá vỡ cái trụ đi, từ đó trời và đất tách xa nhau như bây giờ . Một câu chuyện khác về sự hình thành trời và đất trong hệ thống thần thoại Việt Nam là truyện Mụ Da Dần: “Thuở xưa, đất và nước còn bời lời, bạc lạc, chưa có trời cao, cũng chưa có đất thấp với sông suối, non nước,… Đất chỉ bé bằng cái ang có màu đen đen hay màu vàng. Trời thấp là là, không vươn cao khỏi đất. Ngày sáng, đêm tối cũng còn chưa có. Bỗng có một lúc, giữa vùng đất và trời còn liền làm một ấy, có tiếng động vèo vèo như tiếng diều hâu bay, trời đất tách xa nhau: đất cuốn thành đất, nước cuốn thành nước, trời khật lên cao để thành trăng.” (Trương Sỹ Hùng 2018 : 24). Người Thái, người Myanmar, tộc người Xơ Đăng,… đều có cách giải thích hiện tượng trời đất ban đầu gần sát nhau, câu ta thường hay nghe là “chỉ cần giơ thẳng tay lên là có thể đụng đến trời”, hay “khi đó con người có thể đi lại dễ dàng giữa trời và đất”, sau đó do một nguyên nhân hoặc một thế lực nào đó đẩy trời lên cao, làm cho trời và đất tách ra, con người không thể với tới trời cao như hiện nay. Quan niệm về sự hỗn độn, tăm tối của vũ trụ thời khởi thủy không chỉ xuất hiện ở cư dân Đông Nam Á, mà nó có thể được xem là quan niệm chung của người nguyên thủy trên thế giới: thần thoại Hy Lạp cho rằng “Thuở xưa, trước buổi khai thiên lập địa, trước khi có thế gian và các vị thần, lúc đó chỉ có Chaos. Đó là một vực thẳm đen ngòm, vô cùng vô tận, trống rỗng, mơ hồ, vật vờ, phiêu bạt trong khoảng không gian bao la.” (Nguyễn Văn Khỏa 2017 : 33); thần thoại Bắc Âu kể lại thuở sơ khai thế giới chỉ có lửa, sương mù lạnh lẽo và khoảng không ở giữa, cho đến khi lửa và băng gặp nhau thì sự sống bắt đầu; hay trong Rig Veda của Ấn Độ cũng nhắc đến sự tiến hóa của trật tự vũ trụ xuất phát từ sự hỗn mang, sự tách rời của trời và đất. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa quan niệm sự tạo lập vũ trụ của cư dân Đông Nam Á với các cư dân khác là tác nhân làm thay đổi trật tự vũ trụ. Nếu như ở Bắc Âu, ở Hy Lạp hay Ấn Độ, người ta cho rằng sự thay đổi để tạo ra vũ trụ con người đang sinh sống xuất phát từ chính nội tại của nó, như Chaos trong thần thoại Hy Lạp tự sinh ra Đất Mẹ Gaia và 04 nguyên lý khác (Chốn tối tăm vĩnh cửu Erèbe, Đêm tối mịt mù Nyx, Địa ngục Tartare và Tình yêu Éros); thì người Đông Nam Á lại thống nhất với nhau sự hình thành vũ trụ, sự tách xa của trời và đất là do những tác động khách quan: thế lực siêu nhiên nào đó mà con người không thể biết đến, thần trụ trời khổng lồ, do con người làm trời đất nổi giận hoặc muốn tìm kiếm môi trường sống tốt hơn,… như đã đề cập trong một số câu chuyện ở trên. Để lý giải cho điều này, theo tôi, trước tiên, người Đông Nam Á quan niệm: mặc dù họ kể lại với nhau thế giới được hình thành là khi trời cách xa đất, muôn loài được sinh ra và phát triển, nhưng trong nhận thức của mình, có thể họ cho rằng sự hiểu biết của con người về vũ trụ chỉ hạn hẹp đến thế, còn vũ trụ bao la với nhiều điều huyền bí khác con người chưa đủ khả năng nhận biết hết được nên chưa thể lý giải thế lực siêu nhiên cao cấp hơn nào đã chi phối trời đất. Đó là về mặt không gian, bên cạnh đó, cũng chính lối tư duy bao quát này đã chi phối nhận thức về vũ trụ của người Đông Nam Á về mặt thời gian. Vì không thể biết được vũ trụ này rộng lớn bao nhiêu nên cũng không thể xác định được nó hình thành từ bao giờ, những tác nhân làm thay đổi trật tự vũ trụ mang tính khách quan có thể giải thích cho việc cư dân quan niệm trước khi có thế giới họ sinh sống, có lẽ đã từng có rất nhiều thế giới như vậy trước đây như trong thần thoại về nguồn gốc thế giới của người San (Myanmar) kể rằng thuở xa xưa đã có rất nhiều thế giới có con người và muôn loài được hình thành rồi bị hủy diệt lần lượt bởi lửa, bởi mặt trời (tình tiết truyện xuất hiện chín mặt trời thiêu đốt thế gian khá giống câu chuyện Hậu Nghệ bắn mặt trời của Trung Hoa),… cho đến thế giới của người San, tức có thể hiểu đơn giản thế giới người Đông Nam Á cổ đang sinh sống không phải là mở đầu của vũ trụ mà sự bắt đầu của vũ trụ này chỉ là kết quả của một quá trình biến đổi thế giới khác đã diễn ra và nó sẽ tiếp tục diễn ra.
Mặt khác, một điều nữa chúng ta cần chú ý trong motif tạo lập vũ trụ của văn hóa các cư dân Đông Nam Á thông qua thần thoại chính là sản phẩm sau quá trình sắp xếp trật tự vũ trụ từ đống hỗn mang. Trong thần thoại Bắc Âu, khi băng và lửa gặp nhau ở khoảng không sự sống sẽ được hình thành, đó là con người nam nữ Ymir; còn Chaos của thần thoại Hy Lạp sinh ra các vị thần với hình dáng giống như con người, trong đó quan trọng nhất là thần Đất Mẹ Gaia. Như vậy, sản phẩm sau quá trình sắp xếp trật tự vũ trụ của các nền văn hóa Hy Lạp, Bắc Âu là con người, hay chính xác hơn là các phiên bản của con người. Trong khi đó, sản phẩm đầu tiên sau quá trình này trong văn hóa Đông Nam Á lại là cặp đôi trời – đất (trời – đất được miêu tả trừu tượng), rồi từ cặp đôi ấy mới sản sinh ra muôn loài. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những motif tình tiết thần thoại về sự tạo lập vũ trụ rằng trời và đất là đôi vợ chồng (ông trời bà đất) sinh ra loài người hoặc muôn loài. Hiện tượng cặp đôi là hiện tượng phổ biến trong văn hóa Đông Nam Á nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung. Đã có nhiều bàn luận về hiện tượng cặp đôi trong văn hóa như các công trình nghiên cứu về triết lý âm dương, quan niệm về tín ngưỡng phồn thực. Hiện nay, về triết lý âm dương, có hai giả thuyết được đặt ra để truy tìm nguồn gốc của triết lý âm dương: nhiều học giả cho rằng triết lý âm dương hình thành ở Trung Hoa sau đó được các nền văn hóa lân cận như Việt Nam tiếp thu; cũng không ít học giả chỉ ra rằng quan niệm âm dương được hình thành ở Đông Nam Á sau đó được Trung Hoa tiếp thu và phát triển thành triết lý. Tuy nhiên, ở bài viết này, quan điểm của tôi lại thiên về việc cặp đôi trời – đất chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực hơn triết lý âm dương. Bởi vì, đầu tiên, Đông Nam Á là cái nôi của nông nghiệp lúa nước, mà làm nông nghiệp điều cư dân quan tâm hàng đầu chính là năng suất mùa vụ, điều này có thể thấy rất rõ qua tình tiết trời – đất kết hợp sinh ra rất nhiều con cái, nhiều đến nỗi họ phải đẩy trời lên cao mới có đủ chỗ sinh sống. Tiếp theo, hình tượng trời và đất mặc dù mang tính trừu tượng, không nói rõ hình dáng của họ nhưng họ lại kết hợp thành vợ chồng, tức sự kết hợp giữa đực và cái nhằm sản xuất ra các thế hệ sau để duy trì nòi giống. Vì thế, trong các motif tạo lập vũ trụ từ các câu chuyện thần thoại, cặp đôi trời – đất đối với văn hóa Đông Nam Á có vai trò vô cùng quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến văn học dân gian, mà còn chi phối cả nhận thức của con người Đông Nam Á cổ, được biểu hiện qua các thực hành tín ngưỡng như lễ hội Linh tinh tình phộc của người Việt (Việt Nam), lễ hội Bun Bang Phay của người Thái (Thái Lan),…
Ngoài cặp đôi trời – đất, motif tạo lập vũ trụ trong văn hóa của người Đông Nam Á từ những câu chuyện thần thoại còn được thể hiện ở quan niệm về sự hình thành các hiện tượng tự nhiên. Trong đời sống của cư dân nông nghiệp, việc am hiểu về các hiện tượng tự nhiên là một nhu cầu vô cùng quan trọng, đặc biệt là vấn đề nước và ánh sáng mặt trời. Thần thoại Đông Nam Á giải thích rất nhiều các hiện tượng tự nhiên, nhưng ở phạm vi bài viết này, tôi sẽ chỉ tìm hiểu motif sự hình thành mặt trời và mặt trăng thông qua thần thoại trong quan niệm của cư dân Đông Nam Á. Vị thần mặt trời nổi tiếng thế giới ta có thể nói đến thần Ra của thần thoại Ai Cập, cặp song sinh thần mặt trời và mặt trăng trong văn hóa Hy Lạp - Apollon và Artémis. Thần Ra được miêu tả là một vị nam thần thân người đầu chim ưng, còn Apollon và Artémis có hình dáng của một nam thần và nữ thần vô cùng xinh đẹp, họ đều là những vị thần vô cùng mạnh mẽ và quyền uy, thậm chí có giai đoạn thần Ra được cho là thần tối cao trong thần phả Ai Cập. Trong khi đó, thần thoại Đông Nam Á lại thường kể về mặt trăng và mặt trời vẫn có tính cách, suy nghĩ, hành động nhưng mang hình dạng vốn có như con người vẫn thấy về nó chứ không được nhân hóa hình dáng như các nền văn hóa khác. Tuy nhiên, điểm cần chú ý tôi muốn nói đến ở đây là motif về sự xung đột khi kể về mặt trời hoặc mặt trăng trong văn hóa Đông Nam Á. Thần thoại tộc người Khmer kể lại xưa kia trong một sóc nọ có một người phụ nữ góa chồng, một mình vất vả nuôi bốn người con. Một hôm, bà được mời đi ăn cỗ nhưng đã để các con mình đi thay để các con có dịp ăn thức ăn ngon. Ba người anh say sưa ăn uống, chỉ có người em út gói thức ăn về cho mẹ nhưng trên đường đã bị ba người anh phát hiện và ăn sạch. Về sau, ba người anh chết hóa thành mưa, gió, mặt trời vừa mang lại lợi ít nhưng cũng lắm tai ương cho người dân nên ai cũng ghét, còn người em hóa thành mặt trăng mang ánh sáng dịu dàng đến cho mọi người. Người Philippines cho nguồn gốc mặt trăng, mặt trời xuất phát từ câu chuyện khi trời còn thấp là là dưới đất, có hai vợ chồng nọ trong lúc thổi lửa nấu cơm, người vợ treo cái lược và chuỗi vòng cổ của mình lên trời để tiện đốt lửa; người chồng giã gạo, cối giã chạm phải trời làm người chồng bực tức: “Sao trời lại thấp như thế. Hãy nâng cao lên một chút để không làm phiền người ta giã gạo chứ!” Trời lặp tức nâng lên cao mãi, mang theo bếp lò đang rực lửa, cây lược và chuỗi vòng. Từ đó, khi nhìn lên trời ta thấy mặt trời như ngọn lửa trong bếp lò, mặt trăng như chiếc lược và những hạt cườm trong chuỗi vòng như những ngôi sao. Một câu chuyện thần thoại về mặt trời, mặt trăng nữa tôi muốn nhắc đến là câu chuyện mặt trời và mặt trăng của người Lô Lô: khi trời và đất vẫn còn ở gần nhau, trên thế gian có bảy mặt trời và bảy mặt trăng. Muôn loài chết dần chết mòn vì phải chịu cảnh thời tiết khắc nghiệt do có quá nhiều mặt trời và mặt trăng cùng lúc hoạt động. Bỗng trên mặt đất xuất hiện một vị thần khổng lồ, thần đứng dậy quá đột ngột làm các mặt trời và mặt trăng sợ hãi bay cả hồn phách rồi rơi xuống hang sâu, từ đó muôn loài chìm trong bóng tối lạnh lẽo. Người dân cử một chàng trai đi tìm mặt trăng và mặt trời về, được thần mách bảo, chàng trai thỉnh được một mặt trăng và một mặt trời về rồi lấp miệng hang lại để những mặt trời mặt trăng còn lại không thể bay lên, từ đó trên thế gian chỉ có một mặt trời và một mặt trăng thay nhau chiếu sáng . Ngoài ba câu chuyện trên, trong kho tàng thần thoại Đông Nam Á vẫn còn rất nhiều câu chuyện khác kể về nguồn gốc của mặt trời, mặt trăng như Ngón cái đánh thắng thần Mặt trời của người Myanmar, Nhật thực Nguyệt thực của Thái Lan, Sự tích gà gáy sáng của người Khmer,…, nhưng motif chung giữa những câu chuyện này chính là nguyên nhân hình thành mặt trời, mặt trăng luôn xuất phát từ một cuộc xung đột. Sự xung đột này có thể được giải thích như sau: mặt trời hay mặt trăng đều rất quan trọng đối với đời sống của cư dân nông nghiệp, tuy nhiên, từ xa xưa ngoài lợi ích mang lại ánh sáng giúp cây lúa phát triển, người ta cũng nhận biết được mặt trời cũng mang lại tai ương cho họ (như hạn hán), khiến cho họ đối với mặt trời vừa yêu vừa ghét; trong khi đó mối quan hệ đối với mặt trăng có vẻ hiền hòa hơn do mặt trăng chiếu sáng trong đêm tối và giúp họ nhận biết được thời gian, thời tiết để sản xuất nông nghiệp. Motif cuộc xung đột trong quá trình hình thành mặt trời, mặt trăng là một cách thể hiện ẩn dụ thái độ của cư dân nông nghiệp lúa nước đối với các hiện tượng tự nhiên. Miếng cơm manh áo của người nông dân gắn chặt với tự nhiên nên họ luôn mong muốn sống hòa hợp với tự nhiên, cụ thể, mặt trăng theo nhận biết của họ không mang lại nguy hại nên họ yêu quí mặt trăng, còn mặt trời đôi khi gây ra vụ mùa thất bác nhưng vẫn mang lại nhiều lợi ích cho cây lúa nên họ vẫn mong muốn được hòa hợp với mặt trời.
KẾT LUẬN
Trong bài viết này, chúng ta đã có những tìm hiểu sơ bộ về hai motif tạo lập vũ trụ trong các câu chuyện thần thoại Đông Nam Á để có thêm những hiểu biết cơ bản nhất về văn hóa Đông Nam Á. Về cặp đôi trời – đất trong văn hóa các nước Đông Nam Á, xuất phát từ ý niệm về tín ngưỡng phồn thực, sự kết hợp giữa giống đực và giống cái sẽ tạo ra sự sinh sôi nảy nở. Trời và đất, hai thành phần của tự nhiên được con người thổi hồn vào, trở thành vợ chồng (ông trời bà đất) mang lại sự sống cho muôn loài. Ý niệm về tín ngưỡng phồn thực này chi phối toàn bộ hệ thống thần thoại Đông Nam Á, tạo nên motif cặp đôi không chỉ có trong những câu chuyện về sự tạo lập vũ trụ và trong cả những câu chuyện về huyền thoại lập quốc, nguồn gốc tộc người. Về các hiện tượng tự nhiên, đặc biệt là mặt trời và mặt trăng, cư dân Đông Nam Á cổ đã thể hiện thái độ của mình trong mối quan hệ với mặt trời và mặt trăng: sự vùng vằn đầy mâu thuẫn vừa yêu vừa ghét đối với mặt trời như lợi ích và nguy hiểm của mặt trời đối với đời sống của họ thông qua những cuộc xung đột được thể hiện trong thần thoại; mặt khác, đối với mặt trăng, họ cảm nhận nó ít gây hại đến mình hơn nên thái độ với mặt trăng cũng hiền hòa hơn.
Đông Nam Á cổ là khu vực lấy sản xuất nông nghiệp lúa nước làm hoạt động kinh tế chính. Vì thế, nó hình thành nên nền văn hóa Đông Nam Á – văn hóa nông nghiệp lúa nước. Nền văn hóa nông nghiệp lúa nước này chính là hằng số văn hóa chung của các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn lưu giữ cho đến tận ngày nay, kể cả Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Những quan niệm của cư dân về tín ngưỡng phồn thực hay sự hòa hợp với thiên nhiên, tất cả đều xuất phát từ việc lấy nông nghiệp lúa nước làm hoạt động sản xuất chính, hay nói cách khác, motif tạo lập vũ trụ trong văn hóa Đông Nam Á được thể hiện qua những câu chuyện thần thoại chịu sự chi phối của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Thị Hạnh. (2013). Motif li tán trong thần thoại và truyền thuyết của các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Luận văn thạc sĩ Văn học tại trường ĐH Sư phạm Tp.HCM
2. La Mai Thi Gia. (2014). Nguồn gốc motif truyện kể dân gian từ những ý niệm và thực hành nghi lễ nguyên thủy. Truy xuất từ http://qlkh.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=d ... b16752f194
3. Mai Ngọc Chừ. (1999). Văn hóa Đông Nam Á. Nxb ĐHQG Hà Nội
4. Neil Gaiman. (2018). Thần thoại Bắc Âu (Lê Minh Đức dịch). Tp.HCM. Nxb Văn học
5. Nguyễn Huy Bỉnh. (2016). Biểu tượng cây trong thần thoại các dân tộc thiểu số Việt Nam: cây vật tổ và cây vũ trụ. Truy xuất từ http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien ... BB%A5.html
6. Nguyễn Ngọc Thơ. (2008). Bán đảo Malacca – Malaysia: Người Orang Asli (Malaysia) và thần thoại sáng thế. Truy xuất từ http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/tai- ... g-the.html
7. Nguyễn Ngọc Thơ. (2008). Thần thoại hồng thủy Kammu Bắc Thái Lan. Truy xuất từ http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van- ... i-lan.html
8. Nguyễn Ngọc Thơ. (2008). Thần thoại sáng thế Tagalog (Philippines). Truy xuất từ http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/tai- ... pines.html
9. Nguyễn Văn Khỏa (dịch và giới thiệu). (2017). Thần thoại Hy Lạp. Hà Nội. Nxb Văn học
10. Nguyệt Trinh. (2018). Bản đồ Đông Nam Á và những thông tin cần biết. Truy xuất từ https://vietyouth.vn/ban-do-dong-nam-a/
11. Riftin. (2015). Một số vấn đề lý thuyết về thần thoại (từ trường hợp thần thoại của thổ dân Đài Loan và thần thoại cổ đại của Trung Quốc đại lục) (Bùi Thiên Thai trích dịch). Truy xuất từ http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/Van ... fault.aspx
12. Trần Ngọc Khánh. (2018). Hiện tượng “cặp đôi” trong văn hóa và ngành học “Văn hóa đô thị”. Truy xuất từ http://vanhoahoc.hcmussh.edu.vn/?Articl ... eae31c1bed
13. Trương Sỹ Hùng (biên soạn). (2018). Truyện thần thoại Đông Nam Á. Tp.HCM. Nxb Văn học
14. Wendy doniger O’Flaherty. (2005). Thần thoại Ấn Độ (Lê Thành dịch). Hà Nội. Nxb Mỹ thuật
RANDOM_AVATAR
Võ Ngọc Tường Vân
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 4 12/06/19 6:11
Cảm ơn: 3 lần
Được cám ơn: 1 lần

Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron