Nguồn gốc và lịch sử phát triển của múa sư tử và múa lân:
Tại Việt Nam thì từ “Múa Lân” (Tiếng Anh: Lion Dance; Tiếng Trung phồn thể: 舞獅) được gọi chung cho cả múa sư tử và múa lân. Nhưng trên thực tế thì hai loại này có rất nhiều điểm khác biệt từ tạo hình, kỹ thuật biểu diễn đến các nhạc cụ phối hợp trong biểu diễn.
Có khá nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của múa lân. Truyền thuyết được lưu truyền phổ biến trong dân gian rằng:
Theo truyền thuyết của vùng Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc thì cho rằng vào đêm Trừ tịch (Đêm trước năm mới) thường xuất hiện một con Niên thú, chuyển động nhanh như gió, hay phá hoại bao gạo và rau cải của dân làng. Có người hiến kế cho dân làng lấy tre và giấy bồi tạo thành những con vật đầu hình vuông hoặc hình tam giác, thân thú, có sừng; sau đó triệu tập thêm một số binh sĩ, trên tay cầm những nhạc cụ như trống, chập cheng hoặc dụng cụ nào tạo ra tiếng vang và mai phục để đuổi Niên thú. Khi Niên thú xuất hiện họ đánh những nhạc cụ đó phát ra âm thanh như sấm sét khiến cho Niên thú kinh sợ và không dám quay lại nữa. Vì thế hằng năm vào đêm Trừ tịch dân gian đều có múa với các loại nhạc cụ để kỷ niệm chiến thắng Niên thú, và có người kiến nghị đổi tên thành múa sư tử vì sư tử là vua muôn thú, uy nghi hùng dũng, tượng trưng cho sự cát tường.
Theo một thuyết khác mang tính lịch sử đáng tin cậy hơn thì trước tiên sư tử được biết đến ở Tây vực , là vật cưỡi của Bồ Tát Văn Thù, một trong Tứ đại Bồ tát của Phật Giáo do sứ giả của Hán Võ Đế mang về Trung Hoa để triều cống cho vua. Người đương thời mô phỏng hình dạng, động tác của sư tử để nhảy múa, từ đó múa sư tử lưu hành ra dân gian. Trong tác phẩm “Hán thư lễ nhạc chí” có đề cập đến từ “Tượng nhân” để giải thích những nghệ nhân biểu diễn múa lân. Thời Nam Bắc triều thì mua lân thịnh hành theo sự phát triển của Phật Giáo tại Trung Hoa. Thời nhà Đường thì múa lân là một hình thức biểu diễn quy mô trong cung đình. Tác phẩm “Đông Kinh mộng lục” thời Tống có ghi lại trong những ngày lễ của nhà chùa, tăng sư ngồi trên thân sư tử để thuyết pháp, giảng kinh thu hút được nhiều du khách. Trương Nhạc nhà Minh trong “Đào Am mộng ký” đã miêu tả cảnh phố phường nô nức xem biểu diễn múa lân trong hội hoa đăng.
Múa sư tử (Tiếng Anh: North Lion Dance; Tiếng Trung phồn thể: 舞北獅) bắt nguồn từ miền bắc Trung Hoa nên thường được gọi là Bắc sư. Đầu sư với hình dạng uy nghi gần giống như đầu sư tử thật tế, hình thức đơn giản, không có sừng, toàn thân gắn lông màu vàng. Trên đầu nếu có kết hoa màu đỏ thì biểu tượng cho giống đực, màu xanh lá thì biểu tượng cho giống cái, ngoài ra còn có một chữ “Vương” đậm nét. Động tác múa rất uyển chuyển khác với cách múa cứng chắc uy nghi của múa lân. Lúc biển diễn, đầu sư tử gồm hai người thì gọi là “Thái sư”, và thường xuất hiện thành cặp đôi đực cái; một loại mặt nạ hình đầu sư tử khác do một người biểu diễn thì gọi là “Thiếu sư”, thường biểu diễn những động tác đùa giỡn với Thái sư thể hiện tình cảm luân lý gia đình; một người cầm tú cầu ăn mặc như võ sĩ để dẫn sư tử, gọi là “Dẫn sư lang”. Người cầm tú cầu là một nhân vật quan trọng, phải có khí khái anh hùng, có võ công cao, có thể biểu diễn được những động tác phức tạp. Nhạc cụ thường là trống nhỏ, chập cheng. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa người cầm tú cầu và sư tử cùng với các động tác uyển chuyển phối hợp như tạp kỹ với độ khó cao đã hình thành nên nét độc đáo của múa sư tử.
Múa sư tử (Nguồn: Internet)
Múa lân (Tiếng Anh: Southern Lion Dance; Tiếng Trung phồn thể: 舞南獅/醒獅) xuất hiện muộn hơn múa sư tử, khởi thủy tại Phật Sơn và được xem là phổ biến hơn múa sư tử ở miền nam Trung Hoa đại lục và hải ngoại. Đầu lân có một sừng nên thường gọi là kỳ lân nhưng hình tượng khác với kỳ lân trong quan niệm tứ linh truyền thống như thân hươu, đuôi trâu, móng ngựa, thân có vảy… Tạo hình đầu lân mang vẻ uy nghi, nhiều màu sắc rực rỡ thường theo màu sắc của kịch, miệng và mi mắt có thể động, thân bằng vải thêu mang màu sắc giống màu của đầu và có viền , chi tiết được chế tạo rất công phu, được cho là rất tiếp cận với tạo hình Niên thú. Mỗi đầu lân đều do hai người cùng biểu diễn và số lượng đầu lân không hạn chế; có thể một, hai, ba, hoặc rất nhiều đầu lân trong một tiết mục biểu diễn. Động tác biểu diễn phải vững chắc để thể hiện hình thái uy nghi của lân. Múa lân có một người dẫn thường mang mặt nạ hình tròn đầy đặn, miệng cười rộng đến mang tai, mắt to, má có lúm đồng tiền, tay cầm quạt – được gọi là “Đại đầu phật” hay Việt Nam gọi là “Ông Địa”. Hình tượng Ông Địa trong múa lân không giống với hình tượng thần Thổ Địa trong tranh thờ phụng cũng như diễn viên ông địa trong các tiết mục tuồng chèo hài cúng. Hình tượng Ông Địa trong múa lân mang vẻ hoan hỷ, vui tươi và được xem là phiên bản hiện thân của Phật Di Lặc mang đến may mắn và sung túc, và Ông Địa thường là nhân vật dâng lễ, nói những câu chúc mừng cho gia chủ gặp nhiều may mắn, thịnh vượng. Nhạc cụ phối hợp thường là trống cái, cồng chiêng. Mỗi tiết mục biểu diễn dù là một đầu lân hay nhiều đầu lân đều mang ý nghĩa khác nhau. Đây là điểm khác biệt so với múa sư tử phải đi chung cặp và thường ý nghĩa cũng khá hạn chế.
Múa lân (Nguồn: Internet)
Ý nghĩa một số tiết mục múa lân:
Do múa lân phổ biến hơn trên khắp thế giới và mỗi tiết mục mang ý nghĩa riêng nên trong phạm vi bài viết chỉ đề cập đến ý nghĩa của một số tiết mục múa lân mà không đề cập đến múa sư tử. Tùy theo ý nghĩa của buổi lễ mà sẽ có số lượng đầu lân và các điệu múa phù hợp.
Trước mỗi buổi biểu diễn đều tiến hành nghi thức “Điểm tinh” – chấm mắt cho lân – do gia chủ thực hiện, dùng bút lông chấm chu sa điểm vào trên mắt và đỉnh đầu của lân tượng trưng cho việc đem đến sự sống và linh khí cho đầu lân. Trống cái được chọn làm nhạc cụ khai lễ tượng trưng cho âm thanh báo tin tốt lành.
Tiết mục một đầu lân biểu diễn có rất nhiều loại tùy theo tính chất của buổi lễ. Tiết mục “Độc chiếm ngao đầu” biểu diễn các động tác thức tỉnh, xuất động, ve vờn, rước báu vật, hành lễ, lên núi, tuần núi v.v… thể hiện được các tình thái hỷ, nộ, ái, lạc, say, tỉnh, động, tĩnh, kinh, nghi. Ngoài ra có các tiết mục như trúc thanh, lân mở dưa hấu, lân chồng la hán và đỉnh cao là lân lên mai hoa thung.
- Lân mở dưa hấu phối hợp cảm xúc của con lân chẳng biết là gì và tìm đủ mọi cách để ăn được trái dưa hấu và đem về cho gia chủ. Dưa hấu là loại trái cây tượng trưng cho ngày Tết, trái dưa hấu to tròn tượng trưng cho lộc đỏ mang lại cho gia chủ tài lộc và may mắn.
Lân chồng la hán nghĩa là lân leo lên ba, bốn cái bàn chồng lên nhau theo một đồ hình nào đó hoặc kỹ thuật chồng hai, ba, hay bốn lớp người lên thành một khối nhằm cho con lân đứng được ở một độ cao cần thiết để ăn cờ (lấy thưởng) đôi với trường hợp cờ chỉ treo ở một độ cao vừa phải, không cần sử dụng đên tiết mục trúc thanh.
Trúc thanh là tiết mục mô tả cách con lân trèo lên một cây tre cao để hái lộc được treo trên đỉnh của cây tre với ý nghĩa bó cải xanh là sinh tài và là lộc trời ban. Lân sẽ biểu diễn một số tư thế rồi sau đó sẽ đem bó lộc xuống cho gia chủ nhằm mang lại sự may mắn tài lộc trời ban cho gia chủ. Kích thước cây tre có các loại như 6 mét (lộc), 8 mét (phát), 9 mét (trường cửu).
Lân lên mai hoa thung là tiết mục đặc sắc và công phu nhất trong múa lân. Người biểu diễn cần sự kết hợp hoàn hảo sức mạnh, độ chính xác, và cảm xúc đòi hỏi phải khổ luyện lâu dài. Mai hoa thung thể hiện con lân trên núi cao, phải băng qua khó khăn hiểm trở, mỗi cột trụ mai hoa là một ngọn núi, từ thấp đến cao; người biểu diễn vừa phải có động tác phối hợp chính xác vừa phải thể hiện được các thần thái của con lân rồi sau đó nhảy lên bậc cao nhất để hái lộc – thường là quýt (cát tường), cải xanh (tài lộc), và câu đối liễn chúc mừng. Ý nghĩa rằng dù cuộc sống gặp nhiều trở ngại trập trùng thì nhờ may mắn của lân thì vẫn sẽ đem lại tài lộc cát trường, thăng tiến trong công việc.
Lân lên mai hoa thung (Nguồn: Internet)
Song hỷ: 2 đầu lân mang hai màu sắc khác nhau cùng biểu diễn, mang ý nghĩa tượng trưng cho niềm hâm hoan, tâm đầu ý hợp, âm dương hài hòa. Lúc biểu diễn thì động tác phải mạnh mẽ dứt khoát đồng thời phải uyển chuyển linh hoạt để thể hiện sự cân bằng. Ngoài lân thì múa sư tử cũng có tiết mục này và đây chính là tiết mục chủ đạo của múa sư tử với một cặp sư tử đực và cái luôn song hành cùng nhau. Tiết mục này thường phù hợp cho những chương trình khánh thành, khai trương, động thổ v.v… hai con lân đi khắp mọi nơi nhằm xông đất đem lại may mắn, xua đuổi tà ma và công việc làm ăn thuận lợi.
Tam Anh: Gồm 3 đầu lân phân biệt theo 3 màu là vàng, đỏ, đen. Màu vàng được gọi là “Văn sư” đại diện cho nhân vật Lưu Bị nhân nghĩa và mang khí khái hoàng gia. Màu đỏ đại diện cho nhân vật Quan Vũ mang tính trung nghĩa, chiến thắng và là màu của may mắn tài lộc. Màu đen gọi là “Võ sư” đại diện cho nhân vật Trương Phi mang tính uy nghi, dũng mãnh. Tiết mục Tam Anh được biểu diễn hùng tráng, nổi bật thể hiện ý chí và sự đoàn kết,đòi hỏi người biểu diễn phải có kỹ thuật để lột tả được hết cái thần thái ấy.
Tam Tinh: 3 con lân cũng phân biệt theo 3 màu vàng, đỏ, đen nhưng thể hiện ý nghĩa khác là mang lời cầu nguyện, chúc cho gia chủ đạt được đến Phúc, Lộc, Thọ trong chuẩn giá trị nhận thức phương Đông.
Tứ quý hưng long: Tứ quý tượng trưng cho bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông hoặc bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Tiết mục này gồm 4 lân biểu diễn ý nghĩa là đem đến cho gia chủ bốn mùa đều may mắn trong cônng việc, hanh thông trong sự nghiệp, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Ngũ phúc lâm môn: theo phong tục Trung Hoa thì ngũ phúc là Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh tượng trưng cho may mắn, tốt lành, sống lâu, mạnh khỏe và bình yên. Tiết mục này gồm 5 con lân với màu sắc khác nhau biểu diễn với ý nghĩa Ngũ phúc sẽ đến với gia đình gia chủ.
Quần sư hội: số lượng lân lớn nhỏ tùy thuộc theo quy mô và phạm vi biểu diễn. Thường tiết mục này được biểu diễn lúc cuối cùng khi chào gia chủ ra về và mong chúc tốt lành, an khang cho gia chủ.
Múa lân có thể cùng lúc biểu diễn với các tiết mục múa sư tư và múa rồng. Đây là nghệ thuật múa phối hợp độc đáo, vừa nhuần nhuyễn vừa mạnh mẽ, mang ý nghĩa hạnh phúc giao hòa, sức sống mãnh liệt và sự đoàn kết. Ngoài ra còn kết hợp với các
Một số cấm kỵ trong múa lân
- 1. Múa lân kỵ thấy thần thánh mà không quỳ lạy. Trong truyền thống Trung Hoa thì mỗi gia đình đều có thần thánh bảo hộ, và mỗi làng đều có thành hoàng. Đội lân đi qua bàn thời thì nhất định phải chiêm bái, nếu không thì bị xem là vô lễ, xem thường người trong làng và người trong làng sẽ không mời đội lân đó nữa.
2. Cấm biểu diễn tại nhà mới mà không đến nhà cũ trước. Người Trung Hoa tôn thờ tổ tiên, vì thế nhà mới được xem là hậu duệ, đội lân trước hết phải đến nhà cũ trước để tỏ lòng tôn kính đến tổ tiên.
3. Múa lân phải đi vào nhà bằng bên trái. Theo truyền thống thì bên trái là hướng tốt, là hướng hưng thịnh nên đội lân phải vào nhà bằng bên trái mà không vào bằng bên phải là hướng xấu. Và trước khi vào nhà phải lạy rồi mới vào hàm ý chúc gia chủ phát lộc phát tài, vạn sự như ý.
4. Đội lân cấm không được ngồi đối diện cổng nhà. Tương truyền nữ giới xem lân dưới mái hiên nhà (theo kiến trúc nhà xưa), đội lân cũng ngồi dưới mái hiên nhà, lưng hướng về hiên nhà, phụ nữ đứng sau lưng họ để xem. Nếu ngồi đối diện thì sẽ bị xem là trêu chọc.
5. Trống không được đánh sai nhịp. Trống có nhịp nhanh và nhịp chậm, nhịp dành cho lân và nhịp dành cho múa rồng. Nếu đánh loạn cả lên thì sẽ bị xem là không tôn trọng gia chủ.
6. Cấm thổi tắt nến trước bàn thờ. Mỗi thanh nến trên bàn thờ biểu thị một sức sống mới, sự hưng thịnh mới cho gia chủ. Nếu không may làm tắt nến nhẹ thì phải đáp lễ, nặng thì sẽ bị đuổi ra khỏi nhà.
7. Nhường lễ. Đội lân nếu gặp đội lân của chủ nhà hoặc đội lân đến sớm hơn mình thì phải cụng 3 lần đầu sư, biểu thị sự tôn kính nhường lễ.
Múa lân có lịch sử lâu đời, đầu tiên là múa sư tử và xuất hiện muộn hơn là múa lân. Tuy có chung nguồn gốc nhưng múa sư tử và múa lân có nhiều điểm khác biệt, và múa lân phổ biến không chỉ tại nơi nó khởi nguồn là miền Nam Trung Hoa mà còn vươn ra ngoài thế giới. Khác với rồng, đi vào nghệ thuật, trong thời kỳ phong kiến biểu trưng cho uy quyền của nhà vua. Còn lân là biểu tượng của may mắn, gần gũi với mọi người. Từ xa xưa, lân đã giành được vị trí tiên phong trong mọi hình thức sinh hoạt dân gian. Lân không những xuất hiện trong các cuộc vui mà còn ở những nơi thờ phụng trang nghiêm. Múa lân vừa thể hiện nét đẹp của nghệ thuật dân gian vừa thể hiện tính mỹ thuật và đặc trưng văn hóa vùng. Tùy theo không gian rộng – hẹp và tính chất của từng lễ hội, múa lân sẽ có những tiết mục khác nhau. Ngày nay, múa lân không những giữ gìn mà còn góp phần làm phong phú và đa dạng những hoạt động văn hoá dân gian, đồng thời là nét chấm phá sinh động trong đời sống dân tộc. Nghệ thuật múa lân sư rồng đang dần trở thành bộ môn thể thao quen thuộc không còn gò bó theo mùa diễn Tết hoặc lễ hội truyền thống như trước đây. Người ta tin rằng lân sư rồng vào nhà là mang đến tài lộc, may mắn, thành công, thịnh vượng và hạnh phúc cho gia chủ. Quan niệm này đã phổ biến trong cộng đồng người Hoa lẫn người Việt, và cả một số nhà đầu tư nước ngoài từ các nước đến Việt Nam làm lễ động thổ, lễ khánh thành, lễ tổng kết trong hợp tác đầu tư.
Nhân đề tài "Múa lân" xin chúc diễn đàn năm mới 2013 may mắn, hạnh phúc và thành đạt