Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Đây là nơi bàn thảo các vấn đề về văn hoá quản trị (văn hoá quản lý) và quản lý văn hoá

Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!) - BÁO SGGP

Gửi bàigửi bởi Khoa VHH » Thứ 6 13/05/11 22:58

Ngày 11/5/2011, Báo Sài Gòn giải phóng bắt đầu cho đăng loạt bài Bất cập trong đào tạo thạc sĩ, trong đó Bài 1: Lượng nhiều – Chất ít của tác giả Anh Khoa, có nhiều chi tiết đề cập đến tình hình đào tạo cao học tại trường ĐH KHXH&NV và các chi tiết liên quan đến khoa Văn hóa học.

Khoa VHH đã tổ chức buổi Trao đổi về bài báo trên SGGP liên quan tới Khoa VHH

Mời các bạn đọc và cho ý kiến phản hồi.

Các bạn có thể xem biên bản buổi Trao đổi về bài báo trên SGGP liên quan tới Khoa VHH trong diễn đàn này và xem bài của báo SGGP Online bằng cách tải về file pdf dưới đây:
Tập tin đính kèm
www-sggp-org-vn.pdf
(489.04 KiB) Đã tải về 1914 lần
Hình đại diện của thành viên
Khoa VHH
Quản trị viên
 
Bài viết: 161
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 0:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi Khoa VHH » Thứ 6 13/05/11 23:13

[center]BIÊN BẢN BUỔI TRAO ĐỔI
VỀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN BÀI BÁO
“BẤT CẬP TRONG ĐÀO TẠO THẠC SĨ: LƯỢNG NHIỀU – CHẤT ÍT”
[/center]


1. Thời gian, địa điểm, đơn vị tổ chức:
- 13g30, thứ Sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2011
- tại Phòng D504, Trường ĐHKHXH&NV
- Chi ủy chi bộ VHH-HQH và BCN khoa VHH đồng tổ chức.

2. Thành phần tham dự:

Lãnh đạo Chi bộ, BCN khoa và các trợ lý Khoa có liên quan, Học viên Cao học, cựu HVCH và NCS các Khóa

Khách mời:
- PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau Đại học, ĐHQG-HCM
- TS. Nguyễn Khắc Cảnh, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV TPHCM
- PGS.TS. Trần Thị Mai, Trưởng phòng Đào tạo SĐH
- TS. Trần Hoàng Hảo, Phó Trưởng Phòng TC-HC
- Nhà báo Thanh Hùng (Ban Giáo dục), đại diện báo SGGP
- PGS.TS. Phan Thu Hiền, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng BM HQH

Đồng chủ trì: GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (Bí thư Chi bộ) và TS. Nguyễn Văn Hiệu (Trưởng khoa)

Thư ký: ThS. Trương Thị Lam Hà (ghi chép) và ThS. Nguyễn ThịTuyết Ngân (ghi âm và gỡ băng)


3. Nội dung buổi trao đổi

3.1. TS. Nguyễn Văn Hiệu:
Hình ảnh
Trình bày lý do việc Chi bộ và Khoa VHH tổ chức buổi trao đổi: bài báo của Anh Khoa đăng trên báo SGGP số ra ngày 11-5-2011 (đăng lại trên SGGP Online ngày 12-5-2011) liên quan đến chất lượng đào tạo Sau Đại học. Trong khuôn khổ những vấn đề liên quan đến Khoa, Chi ủy và BCN Khoa VHH mời các anh chị HVCH, NCS và các vị khách mời trao đổi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo SĐH.

3.2. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm trình bày Đề dẫn cho buổi trao đổi:
Hình ảnh
3.2.1. Giới thiệu tóm tắt nội dung bài báo của Anh Khoa trên báo SGGP:
Tinh thần chung của bài báo thể hiện ngay trong tên bài báo: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ: Lượng nhiều - Chất ít, trong đó cụ thể là:

(1) Chất lượng đầu vào
- Quá yếu kém, động cơ không đúng
- Yêu cầu tiếng Anh thấp

(2) Trong quá trình học
- Chi phí tốn kém (ngành báo chí), ai cũng biết và phải chấp nhận "văn hóa phong bì"
- Chất lượng giảng dạy: như học cấp 3 (chép bài mỏi tay)
- Quản lý: như học cấp 3 (có bảng tên và điểm danh)

(3) Chất lượng đầu ra:
- Các luận văn: phần lớn đều do công nghệ “xào nấu”.

3.2.2. Bài báo nói về tình trạng đào tạo cao học nói chung trong cả nước, nhưng lại chỉ lấy thông tin minh họa từ Trường ĐHKHXH-NV, và trong Trường ĐHKHXH-NV thì chủ yếu lại chỉ lấy thông tin từ cao học Văn hóa học (trong toàn trường chỉ có khoa VHH là khoa duy nhất vào thời điểm này đang đào tạo khóa 10-11, vì vào năm 2000 và nhiều năm trước và sau đó Trường chỉ mở một ngành đào tạo cao học mới là ngành Văn hóa học mà thôi).
Do vậy, để đánh giá về những thông tin nêu trong bài báo, cần đặt nó trong bối cảnh của ngành VHH:
- Là ngành của một Khoa được đánh giá là mạnh về chuyên môn mặc dù còn rất non trẻ
- Là một trong 3 ngành có số thí sinh đông nhất trường
- Là một trong 3 ngành có số HV nhập học đông nhất trường
- Chất lượng ĐT VHH: được chính các HVCH đã học xong đánh giá cao cả về định lượng (GS. Thêm dẫn ra các số liệu kết quả thăm dò ý kiến HVCH hàng năm sau khi học xong), và định tính (GS. Thêm dẫn ra các bài viết của các HVCH Văn hóa học trên các blog, Diễn đàn như:
Tại sao lại không học văn hoá học sớm hơn!, SAU 2 NĂM HỌC CAO HỌC VĂN HOÁ HỌC, BẠN GẶT HÁI ĐƯỢC NHỮNG GÌ).

3.2.3. Cách thức, quá trình, mục tiêu thảo luận:
- Ngày 12-5 Chi ủy và BCN Khoa đã họp với BCS hai lớp K10 và K11 và thống nhất chủ trương, cách thức tiến hành
- Thông tin về bài báo (kèm đường dẫn để đọc toàn văn) và thư mời họp được công bố công khai và rộng rãi tới toàn thể HVCH và NCS trên Diễn đàn văn hoá học, x. Thông báo.
- Trên cơ sở thẩm định, xác minh độ tin cậy, tính chính xác của các thông tin được nêu trong bài báo, Chi bộ và BCN Khoa, thầy và trò VHH nghiêm khắc tự nhìn nhận lại mình, xác định rõ hơn những chỗ còn yếu kém.

3.2.4. Cơ sở thảo luận:
+ Bài báo của PV Anh Khoa
+ Các văn bản pháp quy có liên quan đến Đào tạo cao học của ĐHQG và các văn bản pháp quy về hoạt động Báo chí
+ Thái độ cầu thị, ý thức tập thể, tinh thần bao dung, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau.

3.3. Các thành viên tham dự phát biểu ý kiến:

3.3.1. HVCH Hoàng Thị Lan (K11):
Hình ảnh
+ Tôi rất giận báo SGGP vì cách làm việc thiếu nghiêm túc. Báo SGGP là tờ báo quan trọng mà đăng bài viết rất chủ quan, chứa nhiều thông tin sai lệch. Phóng viên không tôn trọng nhân chứng, viết tắt, đổi tên tùy tiện; không có những người với tên như thế. Nếu không tiện nêu tên thì phải chú thích rõ là đã đổi tên.
+ Bài báo xúc phạm nặng tới các học viên CH VHH, ảnh hưởng xấu đến cơ quan cử chúng tôi đi học (học ngành - trường kém thế a?).
+ Bài viết tát nước theo mưa.

*PV Thanh Hùng, đại diện Báo SGGP :
Tôi thay mặt báo tới dự và tiếp thu, xin các anh chị đừng ngại ngùng, cứ nói thẳng, nói thoải mái, các thông tin tôi sẽ đưa về trình BBT xử lý.

3.3.2. HVCH Bùi Thị Thùy (lớp phó K11):
+ Rất buồn vì bài báo liên quan đến Khoa VHH
Trao đổi nội dung về bài báo:
+ Học cho oai: không đồng ý. Những ai đã đi học là đã xác định mục tiêu rõ ràng. Số “học cho oai” nếu có chỉ là thiểu số rất nhỏ;
+ Cơ may đổi vận: không nghĩ như thế. Cần cái gì học cái đó;
+ Văn hóa phong bì: phần liên quan đến các bạn HV đăng ký chuyển đổi phương thức học là không đúng sự thật. Tâm trạng của người trong cuộc khi đọc là buồn, bức bối, khó chịu. Tác giả bài báo có nghĩ đến việc các Anh/Chị có liên quan đọc những dòng áp đặt này suy nghĩ thế nào không?
+ Về đề thi môn Tiếng Anh: không biết trình độ Anh văn của tác giả đến đâu, thực chất môn Anh văn là rất khó, bằng chứng là nhiều người không phải là kém mà thi rất trầy trật mới qua được;
+ Vấn đề đào tạo thạc sĩ đang theo chiều hướng đi xuống: nguồn số liệu lấy ở đâu? Tác giả cần dẫn chứng cụ thể để bài viết có được sức thuyết phục. Đặt trong bối cảnh khoa VHH: hoàn toàn không đồng ý. Các thầy cô VHH giảng dạy tốt. Học viên Khoa VHH học rất nghiêm túc với tinh thần học hỏi cao, không phải đến lớp cho có mặt;
+ Đâu phải chỉ ở nước ngoài mới có việc vừa học vừa hành, vừa nghiên cứu? HV chúng tôi không tự nghiên cứu làm sao làm được những bài tập do các thầy cô đưa ra?
+ Bảng tên mà khoa VHH làm cho các HVCH: chúng tôi thấy khi ngồi học mà có bảng tên trước mặt là niềm vinh dự, niềm vui; thông qua bảng tên để HV biết rõ về nhau. Điểm danh là làm theo quy chế, điểm danh giúp HVCH đến lớp và tiếp thu bài. Muốn có chất lượng mà không đi học thì làm sao tiếp thu bài.
+ Học giống như cấp 3: không đồng ý. Phương pháp dạy-học cao học hoàn toàn khác.

3.3.3. HVCH Đặng Trần Minh Hiếu (K11):
+ Điểm danh và bảng tên: tôi đã từng học ĐH ở Hà Nội, vẫn có việc điểm danh, ngồi theo sơ đồ lớp. Lúc đầu bị phản ứng rất dữ, sau nhìn lại mọi người đều thừa nhận rằng việc đó là có ích.
+ Khoa VHH điểm danh: không có gì lạ và đặc biệt. Bảng tên: là một sáng kiến tốt, thể hiện sự tôn trọng HV.

3.3.4. NCS Nguyễn Duy Mộng Hà (K4):
Hình ảnh
Với tư cách là NCS VHH và Phó phòng Khảo thí và ĐBCL của Trường, tôi rất sốc khi đọc bài báo và có những nhận xét sau:
+ Vấn đề đầu vào:
• Viết về động cơ học tập hoàn toàn sai lệch với thực tế, vơ đũa cả nắm, Phần đông có động cơ học tập nghiêm túc;
• Ngoại ngữ đầu vào/đầu ra đối với HVCH: Trường thực hiện nghiêm túc, bài thi không hề dễ chút nào. Nhiều người rất giỏi chuyên môn nhưng do kém ngoại ngữ nên bị rớt.
+ Vấn đề quá trình đào tạo:
• Về Thầy Cô thỉnh giảng ở xa: bài báo phóng đại khi nói rằng HVCH ngành báo chí lo toàn bộ chi phí ăn ở của Thầy Cô. Ở khoa giáo dục cũng có đào tạo liên kết với Hà Nội, Nhà trường hỗ trợ phần lớn. Nếu không có sự hỗ trợ này thì HVCH còn phải tốn kém hơn rất nhiều.
• Chép bài mỏi tay: hoàn toàn không đồng ý. Là người đang học chung với cao học, tôi thấy không có môn nào là đọc chép hết. Học viên nào chép tất cả những gì nhìn thấy là do không có kinh nghiệm. Các bài giảng bằng powerpoint được Thầy Thêm gởi trước cho lớp; nếu có chép thì chép những phần Thầy giảng thêm, phát triển thêm, là hoàn toàn đúng. Bài giảng powerpoint của cô Hiền khá nhiều chữ, nhưng cô luôn hướng dẫn là tùy chỗ mà chép. Bài giảng của thầy Hiệu rất ít chữ nên nếu chép thì cũng không mỏi tay chút nào.
• Điểm danh và bảng tên: Thầy Cô nhìn bảng tên, gọi tên thấy thân mật và vui. Tôi tốt nghiệp thạc sĩ ở Đức, ở đó cũng có điểm danh. Có môn học truyền nhau danh sách để ký tên. Có lần tôi ốm nghỉ học ở nhà sau đó phải chấp nhận học lại do thiếu buổi.
• Tự nghiên cứu: Khoa VHH có rất nhiều sách vở, tài liệu phong phú để nghiên cứu, tuy chưa bằng nước ngoài nhưng đã đọc không xuể rồi, làm sao có thể nói là không đủ? Có không nghiên cứu chăng là một số ít HV lười mà thôi;
• Vấn đề sao chép: Trường ta xử lý những trường hợp sao chép rất nghiêm. Trước đây khoa Ngữ văn Anh cũng đã xứ lý sao chép, không cấp bằng.
• Là người hiện công tác ở Phòng Khảo thí với cương vị phó phòng, tôi có đủ cơ sở để nói rằng Khoa VHH là một trong những Khoa có chất lượng đào tạo tốt và được SV-HV đánh giá cao thông qua các phiếu thăm dò.

3.3.5. HVCH Tăng Việt Hương (K11):
Hình ảnh
+ Về chi tiết bài báo cho rằng việc chuyển đổi phương thức là do sợ tốn kém phong bì: không phải như bài báo đề cập. Tôi là một trong 5 người chuyển đổi phưỡng thức, nhưng không có ai phỏng vấn tôi, không ai gọi điện thoại hỏi tôi về vấn đề này. Thông tin này tác giả lấy từ đâu?

3.3.6. HVCH Nguyễn Văn Đề (K11):
Hình ảnh
+ Nội dung bài báo đối chiếu với kinh nghiệm mà tôi đã trải qua:
• Lý do chuyển phương thức: Tôi quyết định xin chuyển phương thức đào tạo sau khi suy nghĩ và tham khảo ý kiến nhiều học viên trong lớp. Lý do chính là để phù hợp với điều kiện công tác và hoàn cảnh chứ hoàn toàn không phải do “văn hóa phong bì”;
• Thi đầu vào môn TA: đề thi đầu vào không phải thấp, mà là cao. Tôi đã có bằng C tiếng Anh do ĐH Huế cấp, nhưng thi thấy cũng khó khăn, may mà qua được.
• Không đề cao tự nghiên cứu: không đúng. Ngoài giờ học trên lớp chúng ta còn phải đọc tài liệu và làm bài tập, tôi thức đến tận 2-3h sáng để tự nghiên cứu làm bài, không còn thời gian để làm việc khác thì không thể nói là yêu cầu tự nghiên cứu thấp mà ngược lại là rất cao.
• Bảng tên: Ở các hội nghị các đại biểu đều có bảng tên. Khi học buổi đầu tiên, được trao bảng tên, tôi có cảm giác vinh dự như một vị đại biểu dự hội nghị. Bảng tên làm tăng thêm sự tôn trọng của Khoa, Trường đối với học viên. Bảng tên có tác dụng thông tin cụ thể đối với những người chưa quen nhau, tạo thuận lợi cho các thầy cô thỉnh giảng có thể trao đổi/hỏi bài các HV. Đó là cái đẹp của khoa Văn hóa học, không có gì khó chịu.

3.3.7. HVCH Nguyễn Thị Lệ Hằng (K8)
Hình ảnh
+ Có những chi tiết bài viết có phản ánh đúng sự thật. Nhưng vấn đề là ở chỗ tác giả đứng ở góc độ như thế nào, nhìn qua lăng kính như thế nào?
+ Tôi có được học về báo trong thời gian học đại học, đạo đức báo chí phải trung thực. Bài báo đã phản ánh đạo đức và đạo đức báo của tác giả.
+ Bảng tên và điểm danh là có thực, nhưng nó khiến chúng tôi tự hào. Ngồi ở sân trường mà nhìn thấy một HV xách máy chiếu và ôm hộp bảng tên đi qua sân thì biết ngay đó là dân văn hóa học. Đó là niềm tự hào của chúng tôi. Có bảng tên, các GV thỉnh giảng đến dạy, dễ tiếp xúc và mời HV phát biểu.
+ Bài viết mâu thuẫn từ đầu đến cuối;
+ Lý do đi học ThS để được cha mẹ chu cấp như bài báo nêu: có thể có nhưng những người vì lý do đó là những người lười biếng. Đi học do không có việc làm? Phải tự thân vận động, phải thích nghi, làm gì có ai trải thảm đỏ cho bạn đi? Cần tìm hiểu xem lý do những người này không đi làm là do chê việc hay bị việc chê?
+ Tác giả thành kiến với những người tiếp xúc với mình.
+ Chuyện đưa phong bì: Tiêu cực từ trong ngay tâm thế của người viết. Cả lớp chúng tôi bảo vệ đề cương không ai tốn xu nào. Nếu có ai đó mới bảo vệ đề cương thôi mà đã tốn 2 triệu bạc thì tôi lấy làm lạ là tiền này đưa cho ai? Rất có thể đó là tiền thuê viết đề cương. Nhà báo hoàn toàn chủ quan khi không tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin do người khác cung cấp, thành ra suy diễn khiến người khác hiểu sai vấn đề.
“Từ nhỏ đến lớn, mình còn chưa bỏ tiền ra mua món quà nào cho bố mẹ”: Tốt nghiệp ĐH khoảng 22 tuổi, học cao học đến khi bảo vệ đề cương thì đã 24 tuổi. 24 tuổi mà chưa mua tặng cha mẹ món quà nào là đứa con bất hiếu. Vậy thì học văn hóa học làm sao được. Một người đối xử với cha mẹ mình như vậy thì đối xử với người khác thế nào?
+ Tôi công tác tại bảo tàng 15 năm. Ngoại ngữ của tôi đủ giao tiếp, nhưng tôi thi lần đầu rớt. Chỉ có 30% qua được. Tôi thuộc số 70%. Đến khi thi lần 2 tôi cũng chỉ vừa đủ 5 điểm để qua.
+ Tự nghiên cứu: không ai cấm tự nghiên cứu. Không tự nghiên cứu làm sao thảo luận/học các môn học, nhất là môn Đọc sách kinh điển?
+ Vấn đề sao chép luận văn: Tôi đã dự một buổi thảo luận luận văn của một chị K6. Hội đồng có cô Hiền, thầy Hiệu, cô Quỳnh Trân và hai thầy cô nữa. Năm thành viên đều dẫn ra rất cụ thể và chính xác chỗ nào chép, chỗ nào sai, từng trang, từng dòng cụ thể. Bảo vệ chính thức cũng vậy. Các thầy cô rất thương học viên, chỉ ra từng chỗ để học viên biết mà sửa. Báo phản ánh như vậy là không trung thực.
+ Điểm danh: Nếu không đi học thì làm sao hiểu bài. Làm sao biết thầy dạy gì mà học.
+ Chép bài: chép hay không là quyền của HV. Không một giáo viên nào bảo rằng các em chép vào. Có HV tới lớp đi chân tay không, chỉ mang theo máy ghi âm rồi về nhà nghe lại. Tôi thì ghi chép. Ghi chép rất có lợi vì nhớ bài lâu. Những bạn nghỉ học hoặc quên bài thường nhờ tôi photocopy tập vở để các bạn tham khảo.
+ Lúc đầu tôi vừa làm vửa học. nhưng thấy học rất khó, phải đầu tư rất nhiều, tôi đã phải đấu tranh tư tưởng và quyết định bỏ công việc đang làm để đi học. Có những môn học một mình tôi không lĩnh hội được, tôi đưa cả chồng cùng đi học để cùng trao đổi.

3.3.8. PGS.TS Trần Thị Mai, Trưởng phòng đào tạo SĐH
Hình ảnh
+ K10 VHH: Đào tạo theo niên chế. K11 VHH: Đào tạo theo tín chỉ, thời gian đào tạo cho phép tối đa là 2 năm, thời gian gia hạn tối đa là 5 năm.
+ Phương thức 1: không cần LV, chỉ cần tích lũy đủ tín chỉ. Sau khi nhận bằng không được thi NCS. Phương thức 2: sau khi bảo vệ LV, được quyền tiếp tục học lên NCS. Phương thức nghiên cứu: dành cho những đối tượng đã có công trình nghiên cứu. Hiện trong toàn trường chưa có HV nào đăng ký vì tiêu chí đầu vào rất cao.
+ Kinh phí đào tạo toàn khóa là 4.540.000đ, không thu thêm bất kỳ khoản nào, không thể nói là tốn kém. Còn rẻ hơn cả học phí đại học. Sau khi hết hạn 2 năm còn được thêm 6 tháng không phải đóng thêm kinh phí. Còn sau đó thì phải tự túc chi phí thành lập hội đồng, không có bất cứ khoản gì thêm.
+ Kinh phí các chương trình đào tạo liên kết với Hà Nội (3 chương trình: Quản lý KH-CN, Quan hệ quốc tế, Báo chí học): Tuyển đầu vào theo đề thi của HN, chương trình đào tạo của HN, do HN cấp bằng, kinh phí đào tạo do HN quy định. Học phí toàn khóa của Các khóa trước năm 2010 chỉ có 4 triệu. Ngoài ra HV phải đóng thêm kinh phí phát sinh đi lại ăn ở của các thầy/cô từ HN theo hóa đơn tài chính thực tế, khóa 2007-2010 tổng kết lại thì mỗi HV đóng thêm 11 triệu, tổng cộng là 15 triệu.
+ Trong cẩm nang SĐH luôn quy định là phải tham gia các Hội nghị khoa học. Luôn khuyến khích NCKH để nâng dần chất lượng.

3.3.9. HVCH Huỳnh Thị Thùy Trinh (K6)
Hình ảnh
+ Tôi là một trong những người tên Trinh được nhắc đến trong bài, nhưng người trong bài không phải là tôi, chữ tắt họ và tên đệm không giống tôi.
+ Tôi đã tốt nghiệp và đi làm việc, tôi thấy chất lượng đào tạo VHH có kết quả tốt, kiến thức VHH giúp ích cho tôi rất nhiều trong quá trình làm việc;
+ Văn hóa phong bì: chúng tôi không hề tốn tiền phong bì mà vẫn được các thầy cô hướng dẫn tận tình;
+ Bài báo thiếu cơ sở, vai trò của BBT ở đâu khi đưa bài báo lên đăng?
+ Có thể bài báo vin vào vài ý kiến vu vơ nào đó, ở đâu đó để viết mà không có cơ sở nào hết.

3.3.10. HVCH Phan Thị Thùy Linh (K9), nhà báo:
Về mặt nghiệp vụ, bài báo có hai lỗi:
+ Chuyện học cao học có nhiều vấn đề. Học cao học trong xã hội hiện nay có tình trạng như báo phản ánh. Nhưng tác giả đã chọn mẫu sai. Chọn nhầm vào một khoa mạnh trong trường. Báo SGGP có thể tự đi khảo sát và kiểm chứng;
+ Lỗi 2 là không tôn trọng sự thật. Các tên đã bị đổi. Đổi tên thì phải ghi là các nhân vật đã được thay đổi tên;
+ Báo phải có lời xin lỗi Khoa.

3.3.11. HVCH Đỗ Quốc Văn (K11)
Hình ảnh
+ Bài báo xét về quan điểm chung trình bày có nhiều yếu tố đúng với thực trạng GD VN. Những tồn tại về GD sẽ bắt gặp ở đâu đấy. Nhưng là không đúng đối với thực trạng ở Khoa VHH, Trường XH-NV: tác giả có ý đồ gì khác không ngoài thông tin báo chí?
+ Chi tiết quá vụn vặt: bảng tên, điểm danh. Nếu có ý thức học tập tốt thì không quan tâm đến việc có điểm danh hay không. Bài báo không nên phản ánh những vấn đề quá vụn vặt;
+ Phong bì: chẳng phải vì phong bì mà chuyển đổi phương thức học tập (bản thân tôi là một trong những người chuyển đổi phương thức).

3.3.12. HVCH Vũ Nhật Tân, (lớp trưởng K10)
+ Người viết bài rất cảm tính, chủ quan, non tay viết;
+ Nếu có phong bì khi gặp khó khăn trong khi học thì cần có điều tra nghiêm túc, có số liệu thống kê. Nếu có quà cáp sau khi học thì đó là cách thể hiện tình cảm biết ơn của người học với người truyền đạt kiến thức, cần phân biệt “văn hoá quà tặng” với “văn hoá phong bì”;
+ Khi tòa soạn đăng bài báo cần phải thẩm định thông tin có chính xác không nhằm tránh ảnh hưởng đến những cá nhân, đơn vị được nhắc đến (ở đây là Khoa VHH và các HV).

3.3.13. PGS.TS Phan Thu Hiền
Hình ảnh
+ Vào lúc 19g30 thứ tư (ngày báo ra), thầy Thêm gọi điện hỏi tôi có trả lời phỏng vấn báo SGGP không? Tôi đáp là không trả lời bất kỳ phỏng vấn nào từ sau tết tới giờ.
+ Đúng là khi đi dạy thì đôi khi tôi có gặp lại những gương mặt sinh viên của mình. Và đôi lúc tôi có nói là khi thấy những sinh viên quen mặt mà học giỏi, hỏi chuyện thì các em nói là chưa xin được việc. Tôi xót xa vì học xã hội nhân văn trong thời điểm này gặp nhiều khó khăn, và luôn bảo các em rằng đi học tiếp như vậy là đúng đắn vì sắp tới chuẩn có lẽ sẽ nâng cao lên thạc sĩ… Chứ tôi không bao giờ nói vế sau (phần trong ngoặc kép ở bài báo: đi học không phải vì ham học...), cứ làm như là tác giả đã phỏng vấn và trích dẫn lời tôi. Nếu có phỏng vấn thì phải có chứng cứ như băng ghi âm trả lời phỏng vấn của tôi chứ?
+ Đây là lần thứ hai tôi bị như vậy với báo Sài Gòn giải phóng. Lần 1 là năm 1998, khi tôi bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở Hà Nội về. Báo SGGP đã cho đăng một bài lớn về tôi, nội dung thì toàn ca ngợi. Tác giả bài báo là một sinh viên năm thứ tư có học tôi. Tác giả đã tự đóng cả hai vai: tự đặt câu hỏi và tự trả lời với nhiều chi tiết phóng đại. Trong đó có những chi tiết như tôi đi Hà Nội mang theo 18kg sách, mà tiêu chuẩn chỉ được mang 20 kg. Tôi đã mang theo rất ít hành lý. Các bạn biết tôi thì hiểu ngay rằng không đúng, đó không phải là hình ảnh tôi.
+ Tôi rất buồn khi đọc một số vấn đề bài viết của Anh Khoa đề cập đã phản ánh thực tế một cách sai lạc. Chúng tôi là giảng viên, mỗi lần lên lớp là một lần soạn bài, bổ sung, hoàn thiện. Có những môn dù đã dạy 10 năm, nhưng trước mỗi buổi dạy vẫn phải kiểm tra, cập nhật kiến thức. Chúng tôi rút ruột, luôn hết lòng vì học viên. Vậy mà nay nhận được kết quả như thế này...

*GS. Trần Ngọc Thêm:
Tôi muốn mời HV Nguyễn Bích Thủy K11 là người có họ tên + lớp trùng hoàn toàn với N.B.T K11 được nhắc đến trong bài (nói rằng đề thi Anh văn quá dễ) cho biết ý kiến v/v bạn có phải là người được nhắc đến trong bài hay không và ý kiến của bạn về bài viết.

3.3.14. HVCH Nguyễn Bích Thủy (K11):
+ Thông tin trong bài về tiếng Anh không phải là do em cung cấp.
+ Trong quá trình đi ôn thi tiếng Anh đầu ra, em có nghe chính mấy giảng viên có động viên học viên là, đề tiếng Anh nói khó, nhưng kỳ thực chúng tôi đã cố gắng lắm rồi.
+ Nhân đây em cũng hỏi về chuẩn đầu ra sau đại học về ngoại ngữ. Trong năm nay, em đã 3 lần qua phòng Sau đại học để hỏi về chuẩn đầu ra ngoại ngữ thì thấy rằng thông tin không rõ ràng. Đầu tiên Phòng Sau đại học thông báo là TOEIC có thể được, nên đầu năm một số bạn đi học TOEIC. Giữa năm vào hỏi “... có được không?” thì phòng trả lời là có được. Nhưng vừa rồi em ghé phòng hỏi thì chỉ có IELTS được thôi còn TOEIC và ESOL Exams thì không được.
+ Thông tin về tiếng Anh thì không rõ ràng, còn thông tin trong bài báo thì em không được rõ.

4. Phát biểu của các khách mời:

4.1. TS. Nguyễn Khắc Cảnh, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV:
Hình ảnh
* Với tư cách Thường vụ và BGH:
+ Thay mặt Thường vụ và BGH, tôi hoan nghênh động thái hết sức kịp thời của Chi ủy và BCN khoa VHH đã tổ chức được buổi sinh hoạt hết sức hữu ích, cởi mở, dân chủ, công khai và minh bạch. Những người trong cuộc và người viết cần nghiêm khắc nhìn lại mình, làm minh bạch những thông tin mà bài báo đã truyền tải;
+ Thay mặt BGH và Thường vụ, tôi gởi lời cảm ơn đối với tác giả và tòa soạn SGGP đã có sự quan tâm và viết bài, chỉ ra những góc tối và những hạt sạn. Tôi đề đạt mong muốn: nếu có thể xin tòa soạn cung cấp những thông tin sâu hơn về khía cạnh đó để chúng tôi có điều kiện tự hoàn thiện;
+ Tôi đề nghị Khoa và các Anh/Chị học viên: trao đổi ý kiến thoải mái, dân chủ, công khai minh bạch. Nếu thấy cần thì các anh chị có thể viết bài trả lời lại bài này từ góc nhìn của mình, với tu cách cá nhân.

* Với tư cách cá nhân:
• Nếu những chi tiết trong bài báo là có thật: Cách đặt vấn đề của bài báo mập mờ, không rõ ràng. Nhìn hệ thống GD Việt Nam, nhưng dữ liệu lại tập trung vào vài Khoa của một Trường là không được. Không thể lấy 1 điểm cụ thể để khái quát lên một bức tranh toàn cảnh. Nên đặt vấn đề cụ thể: những bất cập về GD ở một trường nào đó;
• Nếu những chi tiết trong bài báo là đúng: Những chi tiết ấy nếu có là những hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể, không thể khái quát lên rồi quy thành bản chất vấn đề của cả nhà trường. Như thế là bất cập. Đọc xong bài báo, chỉ rút được 2 vấn đề: những người đi học là những người không có việc làm; và khi vào học thì chấp nhận văn hóa phong bì, chất lượng học không ra sao. Nếu hiểu toàn cảnh giáo dục đại học hiện nay là như thế thì những người học chân chính, những thầy cô chân chính thì sẽ suy nghĩ như thế nào? Rõ ràng bài báo đã xúc phạm đến các Thầy Cô và những người học.

4.2. PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa , Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau Đại học, ĐHQG-HCM:
Hình ảnh
+ Đáng tiếc là bài viết không chính xác, tỷ lệ những điều không chính xác khá nhiều, nghiệp vụ tác giả non kém qúa nên bài viết không giúp được gì cho chúng tôi cả, chỉ có làm hại thôi, làm hại trường, khoa, các cá nhân có liên quan.
+ Về những điều không chính xác này thì các anh chị HVCH đã phát biểu rõ, tôi chỉ nói thêm là ở đâu cũng có cái hay cái dở, người nào cũng có cái hay cái dở.
+ Nên viết thì cần phải nêu vấn đề một cách toàn diện. Ngay cả với người tốt nhất mà ta chỉ đi moi móc cái xấu thì chắc chắn chẳng có ai vĩ đại hết. Trong khi đó thì bài viết này nêu toàn cái xấu, không chỉ ra được cái tốt nào, huống hồ là ngay cả viết về cái xấu cũng không ra hồn;
+ Về chi tiết bạn N.B.T. nói đề thi tiếng Anh quá dễ là không đúng với sự thật. Tôi đã báo cáo với Giám đốc rằng sự thật là đề thi đầu vào cao học tiếng Anh của ĐHQG-HCM là khó nhất nước Việt Nam. Điều này tôi khẳng định chắc chắn với tinh thần trách nhiệm rất cao. Đề thi đầu vào cao học của ta không chỉ là B mà cao hơn B, tỷ lệ rơi rụng chủ yếu là ở môn tiếng Anh. Do vậy nếu có HV lại nói đổi trắng thay đen 100% như vậy thì tôi cũng hết nói luôn.
+ Mới chỉ là nói về một chi tiết thôi đã thấy bài báo viết như vậy là quá đáng, nó phản ánh một năng lực rất yếu kém. Thành ra tôi rất buồn rằng đó là sản phẩm của khoa báo chí trường mình. Rất mong nhà trường lưu ý giúp khoa báo chí đào tạo tốt hơn.
+ Về Khoa Văn hoá học: cá nhân tôi theo dõi qua nhiều năm, qua quá trình phát triển từ Bộ môn lên Khoa, tôi có ấn tượng rất tốt. Tôi là một chuyên gia về trắc nghiệm nên đã từng làm thử đề thi trắc nghiệm môn Cơ sở văn hoá Việt Nam của GS. Thêm xem nó thế nào thì tôi thấy rất tốt, rất thú vị. Tất nhiên là Trường KHXH-NV chưa phải là đã tốt hết, còn phải phấn đấu nhiều, nhưng có thể nói Khoa VHH là một trong những Khoa có nề nếp kỷ cương, do vậy là một trong những Khoa có chất lượng đào tạo tốt nhất Trường.
+ Bài báo với những thông tin sai lạc về một trường, về một khoa và liên quan đến một số khoa khác được đăng trên một tờ báo có bản Online phổ biến không chỉ trong phạm vi một thành phố, cũng không chỉ trong phạm vi một nước mà toàn thế giới như thế này rõ ràng là rất nguy hiểm, gây những ảnh hưởng không tốt cho Khoa, Trường và ĐHQG. Rất mong trong tương lai SGGP không lặp lại những sai phạm thế này.

4.3. Nhà báo Thanh Hùng, Đại diện Ban Giáo dục, báo SGGP:
Hình ảnh
+ Với tư cách đại diện báo SGGP: chân thành cầu thị lắng nghe tất cả các ý kiến;
+ Với tư cách cá nhân là một phóng viên được học tập tại Trường: xin lỗi quý thầy cô và các bạn nếu bài báo có xúc phạm đến Thầy Cô và các bạn;
+ Những ý kiến của các bạn sẽ được BBT báo xử lý sau.

5. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm kết luận:
Hình ảnh
+ Có một mục tiêu của buổi trao đổi là học hỏi để rút kinh nghiệm, phát hiện những sai phạm để xử lý là chưa đạt được: không có ý kiến nêu những mặt chưa tốt của Khoa; nhưng mặt khác buổi trao đổi đã thẩm định xác minh được sự thật về những vấn đề bài báo nêu ra. Qua thảo luận, có thể thấy rằng:
+ Nhà báo có nghiệp vụ quá non tay;
+ Không áp dụng đúng quy trình phỏng vấn. C.Hiền hoàn toàn có quyền kiện tác giả và Tòa soạn;
+ Sửa tên là hình thức ngụy tạo thông tin;
+ Lắp ghép ý nọ với ý kia;
+ Chọn mẫu sai;
+ Phương thức khái quát sai;
+ Đề thi TA không thấp chút nào. Đề thi TA là đề thi khó nhất trong cả nước;
+ Tác giả bài báo thể hiện mình thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, không phân biệt được thế nào là tốt xấu, không phân biệt được thế nào là hay dở, không biết ở nước ngoài đào tạo như thế nào;
+ Bài viết chứa đầy mâu thuẫn;
+ Thay vì xây lại chống, làm hại mà không giúp ích được gì, bôi nhọ nền GD của cả nước, của Trường, của Khoa;
+ Vi phạm nhiều điều của Luật báo chí và các quy định báo chí có liên quan (như Quy chế phỏng vấn trên báo chí, Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí...), đưa tin sai sự thật, xúc phạm danh dự của tổ chức (trường và khoa VHH) và nhiều cá nhân trong trường, khoa. Khoa hoàn toàn có thể khởi kiện báo và tác giả.
+ Khoa sẽ có văn bản phản hồi và yêu cầu Báo hợp tác cung cấp chi tiết về các thông tin trong bài để kiểm tra, xử lý các vi phạm (nếu có) và yêu cầu Tòa soạn có hình thức cải chính những sai lầm trong việc thông tin xúc phạm đến danh dự và uy tín của khoa, các cán bộ và HVCH của khoa, cũng như cần rút kinh nghiệm và có biện pháp bảo đảm những sai phạm như vậy không tái diễn thêm nữa, làm ảnh hưởng tới uy tín của một tờ báo Đảng.
+ Các HV có thể tự viết bài đăng báo SGGP hoặc các báo khác.
+ Với tinh thần ứng xử một cách có văn hóa của khoa VHH, nếu bạn nào một lúc nào đó có phát hiện ra rằng người đang ngồi cạnh mình là tác giả bài báo thì cũng không nên có những lời lẽ hoặc cử chỉ xúc phạm. Không nên đáp trả một hành động xúc phạm này bằng một ứng xử xúc phạm khác.

Buổi trao đổi kết thúc vào lúc 16h45 ngày 13/5/2011.

Thư ký
ThS. Trương Thị Lam Hà và ThS. Nguyễn ThịTuyết Ngân
Hình đại diện của thành viên
Khoa VHH
Quản trị viên
 
Bài viết: 161
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 0:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi Khoa VHH » Thứ 7 14/05/11 0:12

Sau khi đọc bài viết liên quan tới khoa Văn hóa học, chị Cù Thị Thanh Huyền đã có phản hồi gửi bài tới báo Sài Gòn giải phóng qua lệnh tin nhắn phản hồi cuối bài, phản hồi này đã đăng trên blog cá nhân http://cuhuyen.multiply.com/journal/item/43/43, chị cũng đã nhờ khoa Báo chí của trường ĐH KHXHNV in ra để chuyển tới cuộc họp chiều 13/5/2011 do khoa Văn hóa học tổ chức thảo luận về bài báo này. Đồng thời, chị Huyền cũng gửi qua email cho chúng tôi. Sau đây, chúng tôi xin đăng nguyên văn để các bạn cùng đọc.

Kính gửi BBT báo Sài Gòn Giải phóng!

Tôi là Cù Thị Thanh Huyền, giảng viên trường Cao đẳng PTTH2, học viên cao học khóa 07 của khoa VHH trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Tôi xin có vài ý kiến về tác phẩm báo chí “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ - Bài 1: Lượng nhiều - Chất ít” http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2011/5/257349/

1. Trước hết, về nghiệp vụ báo chí tôi nhận thấy những điểm cần xem xét sau:

- Điểm 1:
Bài báo “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ - Bài 1: Lượng nhiều - Chất ít”, là một tác phẩm có góc tiếp cận quá rộng. Trong một phóng sự khoảng 1000 chữ mà tác giả đề cập đến rất nhiều khía cạnh của thực trạng đạo tạo Th.s:
+ Chất lượng đầu vào
+ Mục đích học của người học
+ Chất lượng đào tạo
+ Chi phí cho học hành + Văn hóa phong bì trong đào tạo Th.S.

Vì nhiều khía cạnh nên từng khía cạnh không thể sâu, không thuyết phục là điều dễ hiểu. Về nguyên tắc, một vấn đề xã hội cần có ý kiến của nhiều người và có số liệu thống kê. Ví dụ:
+ Tỷ lệ học viên đi học cao học vì không kiếm được việc làm chiếm đến 30% hay 50% số học viên cao học…
+ 20% hay 30% HVCH được khảo sát cho biết “phải o bế” thầy cô trong quá trình làm luận văn…
+ 50% HVCH không đạt điểm 5 trong một cuộc khảo sát với đề thi lấy bằng B…

- Điểm 2:
Trong tít phụ “Mong muốn đổi... vận”, nói về mục đích của người học, lại có một phần nói về chi phí và văn hóa phong bì. Như vậy, cấu trúc của tác phẩm báo chí này không rõ ràng.

- Điểm 3:
Nội dung bài báo không phù hợp và không làm rõ vấn đề đặt ra trong tiêu đề bài viết.

- Điểm 4:
Bài viết thiếu khách quan vì: nếu đề cập đến chất lượng đào tạo Ths nói chung thì phải có dẫn chứng từ nhiều đầu mối đào tạo, có khảo sát, định lượng hoặc dẫn nguồn từ một khảo sát tin cậy để chứng minh.

Vì những điểm trên, người đọc có thể đánh giá trình độ tác nghiệp của phóng viên nói riêng và của SGGP nói chung.

2. Về các thông tin trong bài báo:

- Về chất lượng giảng dạy thạc sỹ:
Tôi không dám bàn về các khoa, trường khác, nhưng với riêng tôi, 3 năm học ở khoa VHH, cái được của tôi, nhiều hơn rất nhiều một tấm bằng thạc sỹ.

Tôi là một nhà báo theo dõi mảng giáo dục lâu năm, nghe và biết nhiều về thực trạng giáo dục nói chung và đào tạo Ths, TS nói riêng, nhưng vô cùng tự hào vì là học viên cao học của khoa VHH trường ĐHKHXH và NV TP.HCM. http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/In ... annelID=13

Quá trình học, tôi khẳng định là 24 môn học chúng tôi không bị cắt một tiết nào. Thậm chí chúng tôi được học nhiều hơn tiết chuẩn vì thời lượng bắt buộc dành cho thảo luận trên diễn đàn rất nhiều. Đội ngũ giảng viên là các GS - PGS - TS dạy vô cùng nghiêm túc. Những môn học của chương trình thạc sỹ ngành Văn hóa học đã thực sự trang bị cho học viên một hệ thống lý luận mới, dễ áp dụng trong việc nghiên cứu văn hóa ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tinh thần khoa học cũng được thể hiện rất rõ ở từng môn học và đặc biệt là trong phong cách học tập của bộ môn VHH nói chung.

- Văn hóa phong bì:
+ “Chuyện “văn hóa phong bì” gần như là luật bất thành văn, ai đi học cao học đều hiểu và dù muốn, dù không, cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. L.T.N.Trinh, học ngành Văn hóa học, tâm sự: “Từ nhỏ đến lớn, mình còn chưa bỏ tiền ra mua món quà nào cho bố mẹ, vậy mà khi làm luận văn, phải đi o bế thầy cô, không quà cáp cũng phong bì bồi dưỡng”. Trinh cho biết, vừa qua, chỉ mới là báo cáo đề cương luận văn, có người đã gửi phong bì 2 triệu đồng.”

Tôi không biết là các anh chị khác học thế nào, chứ bản thân tôi học 3 năm đóng học phí hết đúng 9 triệu (năm 1 và 2: 2,5 triệu/năm; năm 3 trường tăng học phí lên 4 triệu, mỗi đợt học 3 tháng chỉ phải đóng quỹ [lớp] khoảng 100- 150 ngàn để photo tài liệu.

Suốt 3 năm học, tôi không hề "phải" mua quà riêng cho một thầy cô nào. 20/11 chúng tôi trích quỹ lớp và đại diện lớp mua hoa - quà tặng thầy cô ở khoa. 24 môn học, không thầy cô nào đi ăn riêng với lớp. Buổi học cuối cùng của lớp, chúng tôi rất bùi ngùi vì không còn được "cắp sách tới trường nữa" và một nhóm học viên có mời GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm, người dạy buổi cuối, đi ăn chiều để chia tay và quán ăn là quán vỉa hè với món gỏi bò đu đủ và trứng vịt lộn. Thật sự chưa bao giờ tôi thấy xúc động như thế. Đấy là lần đầu tiên và duy nhất chúng tôi mời thầy đi ăn. Và thầy cũng là giảng viên duy nhất đi ăn cùng chúng tôi.
[center]Hình ảnh
GS.TS Trần Ngọc Thêm sau buổi học cuối với K7[/center]

Chúng tôi cũng phải bảo vệ đề cương LV và cả lớp tôi, lúc đó là hơn 30 người, không ai phải mất một xu nào. Tôi không hiểu vì lý do gì mà một học viên phải bỏ phong bì 2 triệu cho việc bảo vệ đề cương?

+ “Chuyện “văn hóa phong bì” gần như trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học viên cao học. Đây cũng là lý do vì sao nhiều học viên cao học khóa 11 (2010 - 2012), ban đầu nhiều người đăng ký học theo phương thức II (yêu cầu làm luận văn) nay xin chuyển sang học phương thức I (không yêu cầu làm luận văn).”

Phương thức đào tạo theo tín chỉ, không phải làm LV, theo tôi biết là chỉ được áp dụng từ năm học này và tất nhiên là đơn giản hơn phương thức phải làm LV. Vì thế chuyện các học viên thích phương thức đào tạo theo tín chỉ hơn là điều hết sức dễ hiểu, không phải chỉ vì lý do phong bì.

Tôi cũng đang là giảng viên. Ở trong ruột của giáo dục, tôi không "lạc quan" về tình hình đào tạo nói chung, nhưng tôi cũng không đồng tình với những thông tin thiếu thuyết phục như thế này. Những bạn học viên cao học hay NCS nào "phải o bế" thầy cô chỉ vì luận văn, chỉ vì tấm bằng, xin trước hết xem lại chính mình. Còn các bạn dũng cảm nói với nhà báo việc mình bị ép phải o bế thầy cô, xin cho biết rõ tên tuổi người mà bạn đã phải o bế và bằng chứng. Vì nếu thực sự có những tiêu cực, thì chúng ta cần làm rõ để làm trong sạch môi trường giáo dục và không làm liên lụy những người trong sáng. Tôi cảm thấy đau lòng vì những chi tiết liên quan đến đồng nghiệp và hơn thế, là những thầy cô đáng kính đã từng dạy mình.

Vài ý riêng tư, mong được chia sẻ!

Cù Thị Thanh Huyền
Hình đại diện của thành viên
Khoa VHH
Quản trị viên
 
Bài viết: 161
Ngày tham gia: Thứ 3 24/04/07 0:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi truchoatd » Thứ 7 14/05/11 8:52

Hôm qua, tôi cũng có tham dự buổi trao đổi về bài báo được nêu trên. Tôi cũng muốn có nhiều ý kiến, nhưng thấy ai cũng có ý gần giống mình, nên không phát biểu. Hôm nay, nhân diễn đàn có nêu vấn đề để trao đổi, xin được nêu một vài ý kiến.
Bài báo có hai điểm liên quan tới tôi:
+ thứ nhất: quá trình thi đầu vào, động cơ học tập
+ Thứ hai: quá trình học tập, việc điểm danh, bảng tên, chép bài, việc tự nghiên cứu

Về động cơ đi học cao học: tôi tự khẳng định tôi học vì ham muốn hiểu biết. Không phải vì không có việc làm học cho quên thời gian, hay học để cho oai. Tôi đi làm từ năm 1999 sau khi tốt nghiệp khoa văn của trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Từ đó đến lúc đi thi cao học, tôi đã công tác được 11 năm, tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng (thuộc Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh). Lý do tôi chọn đi thi cao học vì tôi thấy mình tụt hậu quá, một đôi phần ổn định quá, nên muốn thay đổi: làm mới mình bằng kiến thức mới. Tôi chọn ngành văn hoá. Và may mắn thi đậu. Nói may mắn vì đề thi không dễ chút nào. Trong đó có đề thi tiếng Anh trình độ B. Nhiều đồng nghiệp trong cơ quan của tôi thi mãi không qua được phần thi ngoại ngữ, nên đành chọn trường khác, cơ sở khác ngoài XHNV để tiếp tục con đường sau đại học. Tôi tự hào vì đã thi đậu vào trường, tự hào vì đã trở thành thành viên của đại gia đình văn hoá học. Tôi tự tin khẳng định điều đó.
Về quá trình học tập: tôi nhận thấy tôi đã đầu tư rất nhiều công sức cho việc học. Giáo trình giảng dạy, thời lượng của mỗi môn học đều đã được thông tin cho chúng tôi từ tiết học đầu tên của môn. Bản thân mỗi học viên K11 chúng tôi phải rất vất vả để có thể vừa nghiên cứu tài liệu, giáo trình, vừa tiếp thu những nội dung thầy cô truyền đạt trên lớp. Chúng tôi, mỗi học viên tự ghi lại những gì cần thiết. LÀm gì có chuyện chép bài mỏi tay! Chỉ có mỏi vì phải "vận" nhiều "thành công lực" để tiếp thu được mớ kiến thức khổng lồ của từng buổi học.
Việc điểm danh, dùng bảng tên, là một chuyên rất bình thường. Trường nào cũng có điểm danh và có hình thức bảng tên riêng của mình. Đi dự hội thảo ở nước ngoài, người ta cũng điểm danh rất gắt gao (vừa ký tên vào danh sách, vừa nhận thẻ đeo).
Trong môn học các lý thuyết văn hoá học, ở phần học về Chủ nghĩa nữ quyền, tôi được học: "tri thức hiểu biết bị quy định bởi chỗ đứng của chủ thể hiểu biết". Vận dụng vào trường hợp của bài báo, có thể thấy rằng, nhà báo Anh Khoa của báo Sài Gòn Giải phóng đã giống như "thầy bói mù xem voi", chỉ thấy được vấn đề giáo dục sau đại học ở chỗ đứng của mình, thật phiến diện, chủ quan, thiếu cái nhìn tổng thể.
RANDOM_AVATAR
truchoatd
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 16/09/10 8:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

BUỒN ƠI LÀ SẦU

Gửi bàigửi bởi vitaminC » Thứ 7 14/05/11 9:59

Xin mượn câu nói của một nhân vật trong "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để bày tỏ nỗi lòng.
Sầu ơi là buồn
Sau bài báo đăng trên sggponline vừa qua, mình buồn ghê gớm, buồn vì ai đó đã hắt 1 thau nước mà quên nhìn lại trong ấy có 1 đứa trẻ. Sao không nhìn cuộc sống bằng con mắt vị tha, sao không nhìn xuống nhìn xung quanh mà chỉ nhìn ngược lại. Dẫu biết rằng chẳng có gì là tuyệt đối, dẫu biết cuộc sống có vị đắng vị chát và chua mà ngọt thì ít nhưng chính trong đó mà ta lớn lên, quyết định dùng vị nào là quyền của ta, chọn màu nào trong dãy quang phổ là quyền của ta. Mà quyền thì bao giờ cũng đi cùng nghĩa vụ!
Hôm nay, trong buổi họp, cánh tay của vita muốn giơ thật cao để nói nỗi niềm nhưng sao chữ trong đầu lộn xộn, vita sợ sẽ bật khóc mà không thành câu. Các anh chị và các bạn quan tâm đến nội dung của bài báo, còn vita thì quan tâm đến một người được đề cập trong bài báo, đó là người mà vita vô cùng yêu quý - cô Hiền.
Có lần vita vô tình làm cô Hiền buồn, và lần đó vita đã khóc thật nhiều, khóc mà lòng cứ quặn lại không thành tiếng, nhiều đêm ngẫm nghĩ về lời khuyên của cô. Và từ đó vita niệm 1 điều sẽ không bao giờ làm cô buồn nữa.
thế mà hôm nay đọc được những lời vô tội vạ của 1 tay viết báo. Vita giận ghê gớm, giận vì nếu tác giả là HVCH VHH thì tác giả là người không có trái tim, vì không thể cảm nhận được tình yêu mà cô Hiền dành cho mọi HV, không cảm nhận được sự say mê trong bài giảng của cô, và chắc chắn sẽ không hiểu được đằng sau những bài giảng là những đêm vất vả nghiên cứu, dịch sách, chuyển tải bằng ngôn ngữ dễ đi vào lòng người...Còn nếu tác giả k phải là HVCHVHH thì tác giả là người vô lương tâm, vì khi trích 1 câu nói của 1 người có uy tín, thì phải cẩn thận suy xét xem câu nói ấy có nghĩa gì, trong hoàn cảnh nào, nói với ai (C-K-T), kết quả là ảnh hưởng đến uy tín của họ, vậy "vô lương tâm" ắt hẳn là không nói quá! :roll:
Mấy ngày nay đầu óc vita nặng nề quá, cứ nghĩ đến cô cũng đang như thế, không biết phải chia sẻ với cô thế nào, nhớ những ngày trước, cứ nhấc điện thoại định gọi cho cô thì cứ nức nở lại thôi, vì nếu có gọi thì k thể nói được. Cô ơi, vita yêu cô nhiều lắm, cứ mỗi lần chồn chân,mỏi gối không muốn bước tiếp trên con đường thì vita nghĩ đến cô. Cảm ơn cô, cảm ơn Văn hóa học đã đem cô đến cho vita và cho cả mọi người. Tự dưng vita nghĩ muốn đánh đổi tất cả để chỉ có cô là cô của riêng mình thôi để không ai có thể làm buồn lòng cô được ^^ :oops:
Điều mà vita cần, mà vita tin rằng mọi người cũng cần là "LỜI XIN LỖI" của báo.
vitaC
[ Để làm được những điều vĩ đại, chúng ta phải sống như không còn ngày mai ]
Hình đại diện của thành viên
vitaminC
 
Bài viết: 72
Ngày tham gia: Thứ 3 03/11/09 20:58
Đến từ: Tp.HCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi meohen » Thứ 7 14/05/11 10:21

Tôi là học viên VHH K7. Đọc xong bài báo, tôi có cảm giác tác giả Anh Khoa chưa bao giờ tiếp xúc với khoa VHH hoặc mới vào học mà chưa vào guồng, chưa biết cách học. Tác giả này viết về đào tạo cao học, khoa VHH và trường ĐHKHXH&NV mà chưa hiểu gì về cao học, khoa và trường.

Theo chân bạn Cù Huyền, tôi muốn chứng minh cho nhận định trên của tôi. Và tôi cũng viết thư:

"Kính gửi tòa soạn báo SGGP,
Đồng kính gửi các thầy cô khoa Văn hóa học,
Đồng mến gửi các bạn HVCH, NCS, SV khoa VHH

SGGP Online đã viết:nhiều học viên khóa 10 và 11 Trường ĐH KHXH-NV
Trong suốt quá trình học tại trường, tôi thấy trường không có khóa chung cho tất cả các khoa. Tôi là thành viên K7 của ngành VHH, nhưng bạn vào cùng năm là thành viên K3 Châu Á học.

SGGP Online đã viết:Chuyện “văn hóa phong bì” gần như là luật bất thành văn, ai đi học cao học đều hiểu và dù muốn, dù không, cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Tôi học cùng khóa với bạn Cù Huyền. Tôi khẳng định những điều bạn Cù Huyền viết ở trên về lớp chúng tôi là đúng sự thật. Bản thân tôi trong quá trình viết luận văn còn hầu như không gặp mặt cô hướng dẫn vì cô cho phép gửi bài, sửa bài và trao đổi qua mail và điện thoại.

SGGP Online đã viết:Chất lượng các luận văn phần lớn đều do công nghệ “xào nấu”
Tôi đã dự thảo luận 2 luận văn VHH và luận văn của tôi nữa là 3. Các thầy cô phân tích, góp ý cho chúng tôi cụ thể từ tổng thể bố cục tới chi tiết từng ý, từng luận điểm nhỏ, cách nối ý. Thậm chí những lỗi chính tả của chúng tôi cũng không qua mắt các thầy cô. Các buổi bảo vệ chính thức cũng tương tự.

Đề nghị báo cho con số thống kê cụ thể về tình trạng viết luận văn để chúng tôi thêm tự hào vì mình là sản phẩm của khoa VHH. Thày Thêm dạy chúng tôi môn Phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, thày không chỉ dạy chúng tôi kiến thức mà luôn nhấn mạnh tính trung thực, tính khách quan, tính thẩm mỹ trong nghiên cứu khoa học. Đạo văn, ăn cắp ý tưởng của người khác trong khoa học là không chấp nhận được. Hơn nữa, nghiên cứu khoa học phải nhân văn, phải có mục tiêu hướng thiện, cách thức thực hiện nghiêm túc, kết quả công bố phải có tác dụng tốt đối với xã hội.

Đối chiếu với một phần kiến thức được học trong một môn học tại khoa mà tôi đã thấy bài báo này chả đạt một tiêu chuẩn nào.

Không biết tòa soạn và tác giả bài báo đặt ra mục tiêu cao cả nào. Trong bối cảnh xã hội đang gặp khó khăn về nhiều mặt, lòng dân bất an, ngành giáo dục đang bị xã hội chỉ trích vì những bất cập, học sinh không thích học các môn khoa học xã hội, các ngành xã hội và nhân văn không thu hút được học sinh giỏi đầu vào, thí sinh đăng ký thi khối C ngày càng ít, thì báo SGGP, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TP.HCM, lại thêm dầu vào lửa, cho đăng 2 kỳ liên tiếp xoáy sâu vào những điểm chưa được của ngành giáo dục, lấy khối khoa học xã hội nhân văn làm "vật tế thần". Tòa soạn báo có mục tiêu hướng thiện hay không mà đã 2 ngày nay ngưng đăng bài? báo muốn định hướng dư luận xã hội kiểu gì? Nếu cứ để thế này thì vô hình chung báo đang đi ngược lại xu hướng ưa ổn định của văn hóa VN. Hay nói nôm na theo kiểu các cụ là "khuấy cho hôi".

Về cách thức thực hiện thì không nghiêm túc, thiếu phương pháp tư duy tối thiểu, nên kết quả sai, thiếu khách quan. Thầy Cảnh và bạn Cù Huyền đã nói điều này. Vấn đề thì rộng lớn, mang tính toàn quốc, nhưng chỉ nói được chuyện của một vài ngành trong một trường, dựa vào ý kiến một vài cá nhân cá biệt.
SGGP Online đã viết:Chuyện “văn hóa phong bì” gần như trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học viên cao học. Đây cũng là lý do vì sao nhiều học viên cao học khóa 11 (2010 - 2012), ban đầu nhiều người đăng ký học theo phương thức II (yêu cầu làm luận văn) nay xin chuyển sang học phương thức I (không yêu cầu làm luận văn).
Theo biên bản của khoa thì có 3/5 bạn chuyển đổi phương thức học từ viết luận văn thành không viết luận văn đứng trước cuộc họp khẳng định lý do không phải như báo đăng. Thêm vào đó, trong khoa cũng có 2 bạn chuyển phương thức đào tạo từ không viết luận văn sang viết luận văn, tác giả bài báo và tòa soạn báo có biết?

SGGP Online đã viết:Đi học cao học mà tôi có cảm giác như học cấp 3, vẫn chép bài mỏi tay, có bảng tên và điểm danh từng buổi học
Chúng tôi tự hào về bảng tên của khoa chúng tôi, chúng tôi đã từng đưa nó vào bài khoa học vui trong lễ hội truyền thống của khoa viewtopic.php?f=55&t=266. Khoa VHH quản lý nghiêm, điểm danh đúng quy chế đào tạo thì đáng ra phải khen. Đằng này báo lại theo đuôi một ý kiến cho là "như học cấp 3". Vậy theo ý báo thế nào là đúng? Làm đúng quy chế thì cũng đáng bị chê?!

SGGP Online đã viết:Thực tế cho thấy, không ít sinh viên ra trường không tìm được việc làm... Không tìm được việc làm, thôi thì đi học cao học, vừa oai, vừa có lý do chính đáng để tiếp tục được ba mẹ chu cấp mỗi tháng.
SGGP Online đã viết:hiện nay, quy trình đào tạo thạc sĩ của nhiều trường đại học vẫn theo kiểu hàm thụ vì phần lớn học viên cao học là người vừa đi học vừa đi làm.
Vừa ở đoạn trên nói (không đúng sự thật) rằng nhiều (không ít) người không kiếm được việc làm, đi học để được ba mẹ chu cấp, xuống đoạn dưới lại nói (đúng sự thật) rằng "phần lớn học viên cao học là người vừa đi học vừa đi làm"! Xin báo cho biết quy trình biên tập để người đọc kiểm định được cách làm việc nghiêm túc của báo. Chỉ trong một bài báo nhỏ mà báo đã tự mâu thuẫn thế này thì làm sao có thể thuyết phục bạn đọc tin là tác giả bài báo đã đọc 163 cuốn luận văn trong thư viện khoa VHH (tính đến ngày hôm nay 14/5/2011 http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?o ... &Itemid=52) để có thể có kết luận là phần lớn đều do công nghệ “xào nấu”. Đó là chưa kể núi luận văn đồ sộ trong thư viện trường, lưu trong các thư viện của cả nước! Hay nhà báo dựa trên kết quả nghiên cứu có sẵn, xin cho chúng tôi thông tin chính xác tên tác giả, tên công trình để chúng tôi khỏi nghi ngờ.

SGGP Online đã viết: Trong khi đó, ở các nước, thạc sĩ được đào tạo theo nguyên tắc học và tự nghiên cứu, trong đó phần tự nghiên cứu phải nặng hơn.
Lớp K7 VHH học 24 môn, viết khoảng 20 tiểu luận, ít nhất có 1 công trình tham gia hội nghị khoa học trẻ được đánh giá là đạt, viết luận văn tốt nghiệp. Vậy là ngoài học tại lớp, thảo luận, làm bài tập, chúng tôi không tự nghiên cứu thì làm sao hoàn thành được chương trình học?! Nhà báo và tòa soạn có biết những thông tin loại này không? Sao tác giả và tòa soạn không tham khảo quy chế đào tạo hay cẩm nang đào tạo sau đại học của trường?

Những kết luận về vấn đề xã hội tương tự như trong bài báo này, nếu trình bày trong môn Phương pháp xã hội học trong VHH của cô Quỳnh Trân, thì không biết học viên sẽ phải chọn giải pháp nào? 1. Về học lại lý thuyết và tiến hành làm lại từ đầu. 2. Cả lớp cùng góp ý cho bạn sửa chữa. Sau khi học xong môn cô Quỳnh Trân, nếu tôi được là người phán xử, tôi sẽ yêu cầu đương sự thực hiện phương án 1. Còn cả lớp chọn phương án 2, cả tập thể hơn 30 người cùng làm trong 2 năm học, vì vấn đề như bạn Huyền đánh giá là đề tài rộng liên quan tới nhiều khía cạnh của thực trạng đào tạo cao học hiện nay. Chúng tôi sẽ bổ ngang, bổ dọc vấn đề, nghiên cứu chủ thể, không gian (thời gian: hiện nay); nghiên cứu tính cách con người VN, văn hóa VN, lịch sử ngành giáo dục… ảnh hưởng đến đề tài này thế nào, thực hiện bảng hỏi định tính, định lượng những chủ thể liên quan trực tiếp: người học, người dạy, người quản lý; những chủ thể liên quan gián tiếp: cơ quan cử người đi học, cơ quan tiếp nhận sau khi học… ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; ở các trường cỡ lớn, nhỏ, vừa; cả ở các trường cấp trung ương lẫn cấp địa phương...

Kết quả công bố là 2 bài đăng trong 2 ngày liên tiếp của báo SGGP đến nay vẫn là bôi đen cấp đào tạo cao học. Sau 2 ngày báo không đăng thêm bài nào. Báo đang tiếp sức tạo thêm dư luận xấu về ngành giáo dục. Không giúp cho chủ trương an dân và chính sách khuyến học của nhà nước ta.

Các thầy cô khoa VHH dạy chúng tôi: Không có cái gì hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Bài báo nói xấu chúng tôi nhiều như vậy, nhưng chúng tôi cũng đồng tình với các thầy cô mình là báo có công cung cấp cho khoa một cái nhìn mới về tình hình đào tạo tại khoa. Khoa VHH tổ chức họp để xem xét lại tình hình đào tạo của mình. Còn báo thì sao? Hay báo có quyền chỉ nhìn một phía và viết theo chủ ý riêng của mình bất chấp khách quan?

Đọc xong bài báo này, tôi càng ngấm hơn nữa những điều học được trong môn Lý luận VHH, Quản lý VH và VH đô thị. Khi đã vươn ra đô thị, tiếp xúc với những sản phẩm của văn minh thì tinh thần luật pháp càng phải cao, đạo đức nghề nghiệp càng phải trọng.

Các thầy cô khoa VHH kính mến, em cám ơn các thầy cô thật nhiều. Được học các thầy cô là vinh dự của chúng em. Chúng em mong thầy cô luôn mạnh khỏe và đào tạo được nhiều học trò tiếp thu được vốn tri thức phong phú, thấm nhuần phương pháp làm việc nghiêm túc, khoa học và tư tưởng nhân văn của khoa.

Một lần nữa, cảm ơn các thầy cô.”
Hình đại diện của thành viên
meohen
 
Bài viết: 229
Ngày tham gia: Thứ 3 23/10/07 20:51
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Thứ 7 14/05/11 22:56

Trong cuộc gặp thứ 6 ngày 13, Nhà báo Thanh Hùng (Đại diện báo SGGP) đã "trấn an" đại loại rằng "các bạn cứ...yên tâm nói, chúng tôi nghe" (hay hớm thiệt!).

Ấy vậy nhưng tò mò không biết họ "nghe" đến đâu!

chúng tôi đang chờ phản hồi từ báo.
Nothing gonna change my love for you
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi hoanglanqb » Thứ 7 14/05/11 23:38

Tôi phục người phóng viên (hay cộng tác viên?) – tác giả bài báo đã dám động đến một vấn đề nhức nhối hiện nay “Đào tạo Thạc sĩ: Lượng nhiều- Chất ít”. Có lẽ tác giả bài báo cũng đã từng học Các lý thuyết văn hóa học và đã tìm “đất” cho bài thực hành cho giới thuyết “Cái chúng ta nghĩ quyết định cái chúng ta thấy”. Tác giả nghĩ rằng đào tạo Cao học lượng nhiều chất ít và nhiêu khê trong mọi vấn đề từ đó cái tác giả nghe trong lúc vui đùa hay trong những câu chuyện vu vơ đã thành bằng cứ cho điều tác giả nghĩ? Rủi thay, bằng sự lắp ghép, tác giả đã trở thành tội đồ khi ngây thơ nhìn đâu cũng thành cái xấu. Thôi thì là bài tập thực hành, tiếc thay cái chúng ta nghĩ chưa chắc đã đúng với thực tế. Bài tập này bạn được 0 điểm rồi.

Nếu bài tập chỉ có trên lớp thôi: sai thì làm lại. Đằng này bài tập lại trên một tờ báo chính thống: báo Đảng và thời buổi toàn cầu hóa, một bài báo không dừng lại ở biên giới nào.

Trên lớp, bạn làm sai, cô giáo cho sửa. Trên báo, bạn làm không đúng mấy ông Biên tập cũng đã đăng lên báo rồi. Mấy ổng tin bạn hay mấy ổng tắc trách? Hay mấy ổng nghĩ rằng “báo mình chỉ vài độc giả tính trên đầu ngón tay đọc tới nên có sai một ít cũng...chả sao!” Vậy sinh ra cái gọi là ban biên tập làm gì? Hay là Ban biên tập sinh ra chỉ để nói “các bạn cứ nói, chúng tôi xin nghe” khi có sự cố!??

Tôi là học viên khoa Văn hóa học nhưng không phải vì thế mà chúng tôi bênh mình. Những người thánh thiện, đáng kính hết lòng vì học trò như cô Hiền mà tác giả dám đưa tên một cách tùy tiện. Rồi chuyện phong bì, không biết có từ đâu, như ngay từ khi bước chân vào học Đại học tại trường tại khoa Ngữ Văn và Báo chí cho đến nay là học Cao học Văn hóa, trong đầu tôi chưa bao giờ nghe có chuyện phong bì cho thầy cô. Ngay như cô Dung (dạy môn Địa văn hóa), một món quà rất nhỏ gọi là của lớp tặng cô khi kết thúc môn, cô cũng nhất quyết không nhận. Cô còn dặn rằng đừng bao giờ mua quà, có dịp lễ nào như 20-11 chẳng hạn chỉ cần tặng cô một bông hoa (cô thích hoa cúc), một bông thôi chứ một bó cô cũng không nhận lý do vì một bó hoa thì...tốn tiền. Rồi thầy Khánh môn Văn hóa đô thị cũng vậy. Thậm chí trong giờ giải lao chúng tôi còn vô tư cùng ngồi ngấu nghiến ăn cho kỳ hết một lọ xoài miếng mà thư ký khoa gửi lên lớp cho thầy Thêm. Phong bì nào ở đây? Gia đình Văn hóa học chúng tôi thanh liêm là thế, văn hóa là thế, nhân văn là thế! Vậy mà tại sao lại có người đang tâm lấy một tấm gương điển hình cho công hiến khoa học, cho sự thanh sạch để bôi nhọ, để dùng làm điển hình cho cái xấu?

Chúng tôi cảm thấy thật sự bị xúc phạm.
RANDOM_AVATAR
hoanglanqb
 
Bài viết: 11
Ngày tham gia: Thứ 7 05/03/11 0:38
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi thienphuong » Chủ nhật 15/05/11 1:04

Tôi đọc bài báo và khi nghe diễn tiến buổi thảo luận qua một người bạn ở K11 (vì đang ở Đà Lạt), tôi không tin nổi những chuyện đang diễn ra.
1) Tôi không thể tưởng tượng được việc PGS.TS Phan Thu Hiền không hề được phỏng vấn mà bỗng dưng thấy mình lên báo. Xưa nay, tôi thấy chuyện cắt xén của báo chí nhằm xuyên tạc, bôi nhọ ai đó thì có, nhưng biến không thành có thì quả là đời tôi lần này thấy lần đầu! Tôi đang kiếm tư liệu để gợi cảm hứng nghiên cứu về phù thủy, thì nay đã gặp ngay một người có khả năng biến cái không thể thành có thể trước mắt hàng triệu người, thế còn hơn phù thủy nữa. Tôi đâu cần kiếm phù thủy nữa làm gì!
2) Chuyện mang bảng tên để trước mặt và điểm danh tôi thấy có hơi mất thời gian nhưng như thế hoàn toàn tốt. Thế là công bằng! Có đi học thì có công điểm, ai bận quá thì nghỉ 1 buổi, cũng đâu ảnh hưởng gì nhân loại. Điểm danh ở cấp một là để hù dọa, còn điểm danh ở đây là để hoàn tất một "hợp đồng" vô hình, thế thôi.
3) "Văn hóa phong bì" - Tôi không dám chắc là cả Khoa Văn Hóa Học không có một ai đó thích văn hóa phong bì, vì tôi chưa tiếp xúc hết cả Khoa, tôi bảo không mà thực nó lại có thì e là hàm hồ. Có một điều tôi chắc chắn dám nói là những người thầy của tôi, vâng, những người tôi trân trọng gọi bằng Thầy và cả những anh chị trực văn phòng thì giúp đỡ tôi vô vị lợi, chưa ai mở lời đòi tôi một xu nào. Mà trái lại, tôi còn đến ăn cơm, ăn mứt, uống trà nhà các Thầy Cô liên tục! Phòng Sau Đại Học cũng chưa từng kỳ nèo chuyện tiền bạc. Tôi học được tính ngay thẳng nơi những người Thầy đức độ của tôi ở Khoa Văn Hóa Học và tôi đã thề trước Chúa Trời là dù có xuống âm phủ tôi cũng không đút lót cho ai và không nhận đút lót của ai mà làm mất sự công tâm! Tôi gớm ghét cái trò hối lộ, làm nghề giáo mà vòi tiền thì đấy đâu phải thầy giáo, đấy là ăn cướp ban ngày, bà mẹ nào đẻ được một đứa con như thế thì vô phúc thay! Nói điều này tôi chợt nhớ đến những lần thầy Thêm cùng chúng tôi ăn nửa bịch bánh gạo của ai đó để sót lại, hay thầy trò chia nhau một ít mứt dâu, có mùa Tết chúng tôi đến biếu cô Hiền một cái bánh kem và cắt cho cô một miếng còn thì mang về, lại có hôm sang thăm thầy Hiệu và biếu thầy một chai rượu giá năm mươi ngàn cùng chục bánh tét, thầy còn bảo sao mua loại rượu mắc tiền thế, khi về, thầy lấy hết bánh tét chia mỗi đứa một cái, với thầy Lý Tùng Hiếu và thầy Trần Long thì hình như tôi mới biếu hai thầy có cái thiệp điện tử, thế mà hai thầy vẫn vui. Lại cả thầy Nguyên nữa, tôi chỉ mới có dịp tặng thầy một cái chào trong thang máy và thầy tặng lại tôi một cái bắt tay.
Tôi đã bảo vệ xong, và tôi không sợ hãi gì mà phải ca tụng ai, những gì tôi nói là sự thật, và tôi viết để người sau tôi biết về sự thật. Sự thật có khi không thận trọng được. Nhưng tôi chấp nhận mình nông nổi để nói sự thật! Bài báo của Anh Khoa làm tôi ý thức về công ơn các Thầy cô tôi phải ghi nhớ, mai này tôi cũng sẽ nối bước các vị mà thành một người Thầy. Xin Thượng Đế hãy giữ gìn để tôi sống ngay thẳng, thanh sạch như gương những người Thầy yêu quý ở trên của tôi, nhược bằng Thượng Đế hỡi, nếu Ngài thấy một mai mà tôi thành kẻ giả danh Thầy để vòi vĩnh, làm tiền học trò, xin Ngài hãy cho sét đánh tôi ra tro, để đừng làm nhục nhã thanh danh Khoa Văn Hóa Học thân yêu của tôi với một thập niên gây dựng!
Non ministrari , sed ministrare
Hình đại diện của thành viên
thienphuong
 
Bài viết: 200
Ngày tham gia: Thứ 3 04/11/08 17:12
Đến từ: LocHung
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: BÁO SGGP: Bất cập trong đào tạo thạc sĩ (?!)

Gửi bàigửi bởi VOVANTHANH » Chủ nhật 15/05/11 2:09

Thư phản hồi bài "Bất cập trong đào tạo thạc sĩ" của tác giả Anh Khoa, báo Sài Gòn Giải Phóng (Gửi báo Sài Gòn Giải Phóng).


[justify]Tôi là một thành viên trong gia đình VHH rất bức xúc với bài báo “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ” của tác giả Anh Khoa đăng ngày 12/05/2011 trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Bài báo quá non kém của tác giả Anh Khoa về trình độ nghiệp vụ lẫn kiến thức đã làm tổn thương nghiêm trọng đến những người đi học thạc sĩ như chúng tôi và ảnh hưởng đến uy tín của quý Thầy Cô đáng kính trong và ngoài khoa Văn hóa học mà chúng tôi đã từng học qua.

Tôi có lời khẳng định với báo Sài Gòn Giải Phóng về việc thi đầu vô tiếng Anh ngành Cao học Văn hóa học là không dễ chút nào mà bản thân tôi là một trường hợp. Sau khi tôi tốt nghiệp chuyên ngành HDV du lịch ở một trường đại học + văn bằng C Anh ngữ (Đại học Sư phạm Tp. HCM) + 1 khóa học Anh văn chuyên ngành du lịch đặc biệt thì Sở Thương mại và Du lịch Tp.HCM (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp.HCM) mới xem là có đủ cơ sở để cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Bản thân tôi khi dự thi vào Cao học ngành Văn hóa học là một hướng dẫn viên tiếng Anh công tác trong ngành gần 7 năm với việc tự học tiếng Anh liên tục trong quá trình công tác. Thế mà, khi dự thi vào đầu vào Cao học ngành Văn hóa học, tôi chỉ đạt điểm 6. Ngay khi đọc đề thi, tôi đánh giá ngay là đề thi tiếng Anh khó và tôi không ngạc nhiên khi biết kết quả điểm thi tiếng Anh đầu vô của mình. Một số bạn của tôi đã thi rớt môn tiếng Anh đầu vô, thậm chí có người thi lại năm sau nữa cũng bị rớt môn tiếng Anh và đành bỏ cuộc theo học Cao học ngành Văn hóa học. Bản thân tôi rất tự hào là học viên Cao học ngành Văn hóa học và một lần nữa, tôi muốn khẳng định lại với báo SGGP rằng không có chuyện thi đầu vào và đầu ra tiếng Anh trong ngành Văn hóa học quá dễ dàng như tác giả Anh Khoa trong bài báo trên đã nói.
Về tư cách của quý Thầy Cô trong và ngoài khoa Văn hóa học mà chúng tôi đã từng được học thì quả thực là đáng kính trọng, mà ở đây chúng tôi không cần nói thêm!

Chúng tôi yêu cầu báo Sài Gòn Giải Phóng sớm đưa ra ý kiến của mình và chính thức xin lỗi quý Thầy Cô, cũng như là toàn thể học viên Cao học Văn hóa học và những người có tư cách đang chịu bức xúc và phẫn nộ khi đã đọc bài báo hết sức tệ hại của quý vị.

Xin chân thành cảm ơn![/justify]
"What ever joy there is in this world, all comes from desiring others to be happy."
Hình đại diện của thành viên
VOVANTHANH
 
Bài viết: 117
Ngày tham gia: Thứ 5 28/06/07 19:34
Đến từ: Vietnam, HCM City
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá quản trị (quản lý) và quản lý văn hoá

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron