Nghe nói đến tôn giáo này quả là rất lạ. Xin hỏi có ai biết thông tin kĩ càng về tôn giáo này xin chia sẻ. Tôi chỉ có một ít thông tin như sau:
"Người “sáng lập ” ra Ðạo Dừa này là Nguyễn Thành Nam, xuất thân trong một gia đình khá giả ở huyện Châu Thành, du học ở Pháp. Với tấm bằng kỹ sư hóa học, Nguyễn Thành Nam về nước, lúc đầu tổ chức sản xuất xà phòng, nhưng vì không cạnh tranh nổi, nên phải giải nghệ. Sau đó, ông bỏ lên núi tu khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một lần vào giờ ngọ bằng rau và hoa quả, uống nước dừa xiêm. Một năm sau, từ núi, ông về lại Bến Tre, dựng một túp lều ở mỏm cù lao Tân Long vào năm 1952. Sau mấy tháng hoạt động, thấy bất tiện, ông về quê ở ấp I, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, mua một xà lan nhỏ, đậu bên mé sông Ba Lai và dựng một lều cao trên một mẫu vườn dừa, rồi ngồi tu "tịnh khẩu". Bên cạnh đó, ông cất nhà cho một số tay chân phục vụ ở và cho khách vãng lai có chỗ trú ngụ. Kỹ sư Nguyễn Thành Nam bắt đầu xưng giáo chủ của một đạo lấy tên là "Đạo Dừa".
Để quảng bá đạo, ngoài một số tay chân phục dịch, ông còn có cô em họ Diệu Ứng và một số bà con bên vợ ở Gò Công. Mánh lới tuyên truyền của ông biết đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người, nên đồng bào ở các tỉnh Mỹ Tho, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn đến tìm hiểu đạo này ngày một đông.
Thời gian sau, ông cho mua thêm hai tàu chở khách, đưa từ cầu Ba Lai đến địa điểm tu hành của ông, rồi trở về miễn phí. Khu vực của Nguyễn Thành Nam cư trú để hành đạo lúc bấy giờ thuộc vùng giải phóng, nên thường bị giặc bắn phá, bố ráp thường xuyên. Có điều là cơ sở của ông không bị địch bắn phá, hay khám xét. Cũng trong thời gian này, tại đây, ta đã bắt được một số gián điệp len lỏi, trà trộn trong số khách từ các nơi về đây.
Nhận thấy địa điểm này có nhiều bất lợi, ông đạo Nguyễn Thành Nam chuyển toàn bộ cơ sở về mũi Cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch (nằm bên tuyến phà Rạch Miễu hiện nay) để có điều kiện mở rộng hoạt động. Tại đây, ông đặt mua một xà lan lớn có sức chứa hàng trăm tấn, thiết kế làm ba tầng đưa về neo đậu bên một khu đất, trên đó xây dựng một số tháp, đài, nhà khách, vườn hoa...
Đạo Dừa thực chất là một thứ "cây kiểng dân chủ" của chủ nghĩa thực dân mới, nhằm mục đích lừa bịp về mặt chính trị hơn là hoạt động tôn giáo. Bởi vì, giáo lý của đạo này rất nghèo nàn chỉ gồm vài lý thuyết chắp vá rút từ Thiên Chúa giáo, Phật giáo và vài tôn giáo khác, chắp vá, không đầu, không đũa và cũng không ai rõ hệ thống tổ chức của nó ra sao, số tín đồ là bao nhiêu.
Thế nhưng, đã có thời kỳ Nguyễn Thành Nam ra "tranh cử tổng thống", với tư cách là một "giáo chủ". Báo chí Sài Gòn từng quảng cáo rùm beng về việc này, đặc biệt là những hoạt động chính trị ráo riết của ông ta trong những thời kỳ diễn ra cuộc”Hội đàm bốn bên" tại Paris, để giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đã có hàng trăm thanh niên nhẹ dạ, cả tin chạy về đây ẩn trú, sống dưới sự che trở của ông ta trong chiếc xà lan đậu cố định ở cù lao Phụng để trốn “quân địch” của Nguyễn Văn Thiệu. Và cũng tại nơi đây, lính của Thiệu đã từng ập xuống vây bắt một lúc hàng trăm thanh niên, đưa về quân trường.
Ngay cái tên "Đạo Dừa" cũng mang tính chất huyền bí, lừa bịp rằng: "Giáo chủ vốn là bậc tiên thánh, chỉ uống nước dừa mà sống, chứ không ăn những thực phẩm khác của trần gian”. Như vậy, đạo này đặt tại trụ sở của nó tại đất Bến Tre - quê dừa - quả là hợp lý nhất (!).
Sau ngày giải phóng, vì những hoạt động chính trị lừa bịp, đạo dừa bị cấm, Nguyễn Thành Nam tìm đường vượt biên nhưng không thoát được, bị bắt đưa đi học tập. Vì tuổi cao, sức yếu nên ông được chính quyền cách mạng cho người thân trong gia đình lãnh về sống tại Phú An Hòa. Những tín đồ của đạo Dừa về sau nhận ra thực chất của những trò lừa dối của người chủ xướng, đã tự nguyện bỏ đạo.
Ngày nay, khách qua lại bến phà Rạch Miễu vẫn còn thấy một số công trình xây cất bằng sắt thép "viện trợ" của Mỹ vươn lên giữa màu xanh của cây lá - vết tích còn lưu lại của đạo Dừa. Hiện nay, chiếc xà lan làm nơi hành đạo của Nguyễn Thành Nam được đưa về làm khách sạn nổi trên sông Bến Tre ở thị xã, còn cơ sở xây cất ở cù lao Phụng được biến thành nơi điều dưỡng và du lịch để phục vụ người lao động và khách du lịch".
Nếu ai có thông tin gì thêm xin chia sẻ giúp tôi. Chân thành cám ơn.