Trong khi tìm hiểu bản Kinh Thánh bằng tiếng Anh, tôi nhận thấy có những chi tiết về ngôn ngữ khá thú vị ở sách Sáng thế. Trong quá trình tìm hiểu, tôi may mắn đọc được phần chia sẻ của Linh mục Nguyễn Tầm Thường trong quyển Kẻ đi tìm (Nxb Tôn giáo, 2009). Tôi xin được tóm lược từ trang 355 đến trang 368 quan điểm của tác giả về vấn đề dịch thuật cũng như quan điểm không phải là người đàn bà làm người đàn ông sa ngã như lịch sử tu đức đã có một thời nhìn nhận (lời tác giả). Xin được chia sẻ tài liệu này của tác giả Nguyễn Tầm thường với các thành viên của gia đình văn hóa. Tựa đề bài tóm lược do tôi đặt tên, dựa vào một câu trong trang số 360 của tác giả Nguyễn Tầm Thường.
Không phải là người đàn bà làm người đàn ông sa ngã
Bài tường thuật của sách Sáng thế không nói là Thiên Chúa dựng nên người nam giống hình ảnh Thiên Chúa mà là dựng nên CON NGƯỜI giống hình ảnh Ngài. Sách Sáng thế tường thuật như sau:
- Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra CON NGƯỜI theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta (St 1:26).
Chúng ta cần lưu ý về ngôn ngữ trong câu văn văn này, Thiên Chúa không nói Ta hãy dựng nên NGƯỜI NAM giống hình ảnh ta mà là CON NGƯỜI.
Hình ảnh của Thiên Chúa không là nam, không là nữ. Bản tính Thiên Chúa vượt qua giới tính. Nói cách khác là cả nam lẫn nữ trộn lẫn trong Ngài. Câu kế tiếp nói về việc tạo dựng: Thiên Chúa sáng tạo CON NGƯỜI theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo CON NGƯỜI theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo CON NGƯỜI có nam có nữ (St 1:27). Dừng lại ở đây, ta thấy Thiên Chúa chỉ tạo dựng nên CON NGƯỜI. Gốc tích của cuộc sáng tạo, Thiên Chúa chỉ tạo dựng nên CON NGƯỜI.
Ngoài chương một, tất cả chương hai của sách Sáng thế đều dùng cụm từ CON NGƯỜI để chỉ về Adam. Thí dụ như:
- Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden (St 2:8,15).
- Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng không được ăn cây biết thiện ác (St 2:16)
- Con người ở một mình không tốt, ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng (St 2:18).
- Thiên Chúa dẫn các các thú vật đến với con người (St 2:19).
- Con người đặt tên cho mọi súc vật nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng (St 2:20).
- Thiên Chúa rút ra một cái sườn của con người làm thành người đàn bà và dẫn đến con người (St 2:21-22).
Tất cả đoạn văn trên đều dùng cụm từ CON NGƯỜI, chứ không gọi tên riêng Adam, hoặc gọi là người nam. Sau đó CON NGƯỜI đến thưa với Chúa như sau: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, và đã được rút từ đàn ông ra” (St 2:23).
Như thế, trước khi người đàn bà xuất hiện, ta không thấy tên gọi Adam hoặc danh từ người nam. Adam hoặc người nam, lúc ấy được gọi chung là CON NGƯỜI.
Trong cái trộn lẫn từ nhau mà ra, nên trong nam có chất nữ và trong nữ không gột rửa hết được chất nam. Tất cả hai chất nam và nữ ấy là CON NGƯỜI. Trên gốc cây mang tên là CON NGƯỜI này trổ sinh hai tên gọi: Nam và Nữ. “Nàng sẽ được gọi là đàn bà, và đã được rút từ đàn ông ra”. Bản dịch do Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ có một chú thích về câu 27 này như sau: “Con người thể hiện hình ảnh Thiên Chúa trong sự hiệp nhất giữa nam và nữ”. Ta thấy ngôn ngữ ở đây là nơi CON NGƯỜI, chất “đàn bà” được rút ra từ “đàn ông”. Nói cách khác, không có chất Adam và Eva như hai chủ thể khác biệt.
Lịch sử tu đức của quá khứ đã có một thời nhìn người nữ là Eva sa ngã. Cái nhìn này đổ tội cho người nữ, người nữ là cám dỗ, là nguyên nhân của sa ngã. Khi Adam đi tìm con người của mình thì như lời tự thú: “Đây là xương bởi xương tôi thịt bởi thịt tôi”. Adam không thể chối từ Eva như một chủ thể tách biệt khỏi chính ông. Rất ý nhị khi Adam nói lời đầu tiên thì Adam nói như sau: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, và đã được rút từ đàn ông ra” (St 2:23). Đây là câu nói trực tiếp của Adam. Từ khi Adam, tức là CON NGƯỜI được tạo dựng không thấy Adam lên tiếng. Kinh Thánh để Adam im lặng như các thụ tạo khác, như sông ngòi, như cỏ cây, như gió núi. Chỉ khi người nữ được tạo dựng xong, Adam mới cất lên lời. Và lời đầu tiên lại là xác nhận mình là ai. Ta hãy nghe lại lời Adam: “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, và đã được rút từ đàn ông ra”. Như thế trong Adam có chất nữ. Nơi chất nữ của người đàn bà kia mang dấu vết chất nam là chính Adam. Đây là xương tôi. Đây là thịt tôi. Xương thịt này được gọi là đàn bà. Nói cách khác, từ nay tôi còn một tên gọi nữa là chất nữ của tôi, dáng dấp của tôi. Khi chưa có đàn bà thì ngôn ngữ của Kinh Thánh không nói tới đàn ông, mà chỉ nói Adam là CON NGƯỜI.
Cả hai chất nam, chất nữ làm nên CON NGƯỜI. Trong cái nhìn như thế, cuộc sa ngã là sa ngã của CON NGƯỜI. Không phải là người đàn bà làm người đàn ông sa ngã. Nếu Adam không sa ngã theo Eva thì Adam thuộc về ánh sáng và Eva thuộc về bóng tối. Vậy Adam phải ly dị Eva. Như thế, Thiên Chúa có phải tạo một Eva khác cho Adam không. Ở đây, cuộc sa ngã là chất nữ từ xương thịt của chính mình là CON NGƯỜI sa ngã.
Trong bản dịch tiếng Việt của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, các chương một và hai về sáng tạo, họ đều dùng danh từ CON NGƯỜI. Các bản tiếng Anh cũng vậy. Sang đến chương hai, mới có một chút thay đổi. Theo khuynh hướng tiếp tục dịch là CON NGƯỜI có các bản như:
- New Revised Standard Version.
- The New American Bible.
- The New Jerusalem Bible.
Theo khuynh hướng dịch là Adam, có các bản sau:
- New King James Version.
- New American Standard with Codes
- French Traduction Oecuménique de la Bible.
Bản văn Do Thái chỉ có một danh từ chỉ chung hàm ý Adam và CON NGƯỜI giống nhau. Chú thích tự điển thần học theo bản văn Do Thái thì có khuynh hướng dịch là CON NGƯỜI, mankind, human being, any one. Tôi chọn theo lối dịch là CON NGƯỜI. Vì tên gọi Eva chỉ xuất hiện sau cuộc sa ngã, tức là sang chương ba rồi, thì xét về thần học, cả chương hai của sách Sáng thế dịch là CON NGƯỜI mang nhiều ý nghĩa hơn.
(Nguyễn Tầm Thường 2009: Kẻ đi tìm. – Tp.HCM: Nxb Tôn giáo, tr.355-368)