Người Khmer ở Việt Nam là cư dân sinh sống lâu đời ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, tập trung nhiều nhất là tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long v.v...
Người Khmer là một cư dân nông nghiệp, một dân tộc có nền văn hóa phát triển toàn diện trên cơ sở phong tục tập quán, lễ hội, ngôn ngữ và văn tự khá hoàn chỉnh. Đó là sự kết tinh nhiều nguồn văn hóa khác nhau, nhất là văn hóa Ấn Độ và nền văn hóa bản địa. Khi văn hóa Ấn Độ du nhập vào, người Khmer tiếp thu một cách chủ động trên cơ sở kết hợp với các tín ngưỡng bản địa. Trước tiên là Bàlamôn giáo và sau đó là Phật giáo. Đạo Phật Tiểu Thừa đã chi phối toàn bộ phong tục tập quán, lễ hội và lối sống của người Khmer một cách sâu sắc. Điều đó thể hiện rỏ nét trong các ngôi chùa Khmer.
Chùa đối với người Khmer mang một tình cảm sâu sắc. Người Khmer có câu nói: “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Chùa không những là trung tâm sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Khmer.
Hầu hết người Khmer đều theo Phật giáo Tiểu Thừa (Phật giáo Nam Tông). Dù vô chùa tu hay ở nhà thì người Khmer đều là con Phật. Người Khmer quan niệm đi tu không phải để trở thành Phật, mà tu để làm người, làm người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt. Có thể nói lý tưởng sống truyền thống của người Khmer là Đức Phật, cho nên trong cuộc sống hằng ngày dù sư sãi ở chùa hay dân chúng tại thế đều phải rèn luyện theo đạo pháp: thọ giới, bố thí và niệm. Tùy theo đối với từng giới mà ba tiêu chuẩn trên được qui định một cách cụ thể hơn. Đối với dân chúng phải thọ đủ 5 giới là “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say”.
Đối với sư sãi những điều trên là bắt buộc, đồng thời phải tụng kinh một ngày hai buổi, sau 12 giờ trưa không được thọ thực và không được tham gia các hoạt động dễ vui như ca hát, nhảy múa…, còn người dân phải thường xuyên đến chùa cúng dường và lễ Phật. Người nào theo đạo Phật cũng lấy việc làm lành, tránh ác làm lẽ sống thường ngày. Họ quan niệm “bố thí”, “làm phúc” cứu giúp mọi người tức là làm việc thiện, càng làm nhiều việc thiện thì càng có nhiều phước đức.
Trong sách dạy làm người của đồng bào Khmer có dạy “người không được tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống”, chỉ bằng một câu nói cũng đã có sức mạnh quan trọng định hướng cho cuộc sống làm người của đồng bào Khmer. Người con trai được coi là đủ tư cách, đủ phẩm chất và được xã hội trọng dụng khi phải có một thời gian tu học trong chùa. Dù có địa vị xã hội như thế nào, thậm chí là ông chủ tịch Tỉnh, trưởng Phum sróc mà không qua một thời gian tu học trong chùa thì cũng bị dân chúng xem thường. Đó cũng là lý do giải thích vì sao chùa Khmer luôn đông sư sãi.
Việc dâng cơm, cúng dường cho sư sãi không phải là một qui định bắt buộc, mà là bằng sự tự nguyện và tấm lòng thành kính. Đối với người Khmer, được các vị sư chiếu cố dùng cơm họ dâng hay bất cứ vật dụng gì chính là một điều phước báu lớn. Trong tất cả các ơn thì ơn Phật là cao cả nhất, vì có Đức Phật mới có chư tăng và có chùa. Chùa không những chỉ là biểu tượng tinh thần của cộng đồng mà còn đối với cá nhân, do đó việc xây dựng chùa là công việc tích đức, là con đường chắc chắn đưa đến sự thanh thản trong cuộc sống. Họ có thể đóng góp việc xây dựng chùa kể cả những lúc họ khó khăn và thiếu thốn. Phần lớn tài sản của họ đều đóng góp cho chùa, họ quan niệm “cuộc sống hiện tại chỉ là cái tạm bợ, không có cái gì là của họ, tất cả tiền, bạc, nhà lầu, xe hơi…không thể đi theo họ sau khi họ chết, mà phước đức họ làm hiện tại sẽ đi theo họ mãi mãi khi họ bước vào thế giới bên kia”.
Mỗi người con trai Khmer, bất kể thuộc tầng lớp xã hội nào đều có thể đi tu. Về nguyên tắc phải trên 12 tuổi mới được tu, nhưng trên thực tế cũng có những vị Sadi (chức danh vị sư mới tu) nhỏ tuổi hơn. Tu từ 12 tuổi đến 20 tuổi là để trả ơn mẹ và từ 21 tuổi trở lên là trả hiếu cho cha, nhưng thường thì người con trai có thể vào chùa bất cứ lúc nào “ tùy vào duyên phước của mình”. Tất cả các thanh niên Khmer đều phải một lần đi tu, đó vừa là nghĩa vụ vừa là vinh dự của cuộc đời. Đi tu còn là cơ hội để tích đức, nhưng cơ hội tốt đẹp này lại không dành cho người phụ nữ. Riêng Nam giới có thể từ chối vinh dự này nếu họ cảm thấy không có duyên với Phật pháp, điều này cũng giống như một vị sư có thể cởi chiếc áo cà sa bất cứ lúc nào nếu vị sư ấy cảm thấy không còn phù hợp nữa, việc vào chùa tu là mang tính tự nguyện, không có hình thức ép buộc.
Ngoài ra, chùa chính là trung tâm sinh hoạt, là nơi bảo lưu và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Trong các hoạt động lễ hội của người Khmer hầu hết đều có sự hiện diện của nhà sư, từ lễ cưới, lễ cầu an, lễ cúng trăng, lễ tết cổ truyền, lễ tang…đều có vai trò của nhà sư và thường tổ chức trong chùa, chỉ riêng lễ cưới là không tổ chức tại chùa, nhưng đôi trai gái phải đến chùa thỉnh sư sãi tụng kinh chúc phúc tại chùa lẫn tại nhà.
Trong chùa Khmer luôn có sự dung hợp của 3 yếu tố văn hóa. Đó là văn hóa bản địa, văn hóa Balamôn giáo và văn hóa Phật giáo. Các bức tranh tiền kiếp của Đức Phật, các tượng thần Balamôn (Krud hay chim thần Garuda, nữ thần Kâynor có ý nghĩa che chở và bảo vệ cho chùa, cùng với các hoa văn trang trí… là những thứ thể hiện sự dung hợp của 3 yếu tố văn hóa nêu trên.
Mặt khác, chùa còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian. Lễ và Hội thường gắn liền nhau. Trước hết là phần Lễ, Lễ bao giờ cũng trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng, chư tăng và phật tử tổ chức cúng bái, tụng niệm, cầu phúc. Sau phần Lễ mới đến Hội, Hội luôn nhộn nhịp và náo nhiệt. Lễ và Hội là những yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào. Thông qua các hoạt động này giúp con người sống gần gủi và thân thiện, đoàn kết, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Nói chung, mọi sinh hoạt của đồng bào Khmer luôn gắn liền với chùa chiền. Chùa là nơi đào tạo nhân tài, nơi giáo dục đạo đức con người, chùa là nơi gìn giữ và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.[/justify]