Nghệ thuật kiến trúc nhà thờ Công Giáo tỉnh Lâm Đồng

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá tâm linh, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá tôn giáo...

Nghệ thuật kiến trúc nhà thờ Công Giáo tỉnh Lâm Đồng

Gửi bàigửi bởi Nguyễn Huy Thành » Thứ 2 02/06/14 11:03

Cùng với quá trình truyền bá đạo Thiên Chúa là sự du nhập kiến trúc nhà thờ phương Tây vào Việt Nam. Có thể thấy rằng trước khi có kiến trúc nhà thờ phương Tây, những công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu, mạo đã in đậm trong tâm thức của người Việt. Phải chăng khi du nhập vào Việt Nam, kiến trúc phương Tây đã kế thừa, hoà trộn những yếu tố Việt đó để dễ đi vào lòng người? Hay nhiều lý do khác nữa, nhưng rõ ràng nhờ đó kiến trúc nhà thờ Việt Nam trở nên đa dạng và đặc sắc. Sự xuất hiện của nhà thờ công giáo ở Việt Nam đã du nhập những phong cách kiến trúc mới, vật liệu xây dựng mới. Trên cơ sở lối kiến trúc phương Tây, người thợ Việt Nam tài hoa đã tạo ra những kiểu dáng mới tạo nên một sáng tạo trong kiến trúc nhà thờ công giáo Việt Nam.
Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá kiến trúc nhà thờ, nơi sinh hoạt tôn giáo của các giáo dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Từ đó rút ra một vài đặc điểm trong kiến trúc nhà thờ được xây dựng tại Lâm Đồng, đây được coi là một tư liệu sống động về sự hội nhập văn hoá – nghệ thuật kiến trúc.

Khái niệm làm việc
Nhà thờ
Trong các giáo hội Công giáo, nhà thờ hay còn có tên gọi khác là thánh đường hay giáo đường là nơi người Kitô hữu cử hành các nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa. Mỗi giáo hội Kitô giáo đều có các phong cách, quy định xây dựng nhà thờ riêng, nhưng nhìn chung, bên ngoài nhà thờ phải có một cây thánh giá đặt nơi cao và dễ thấy nhất; bên trong ít nhất phải gồm hai gian chính: gian cung thánh (trung tâm là cây thánh giá) và gian giáo dân (có hoặc không có ghế quỳ).
Xét theo quy mô, nhà thờ Công giáo có thể phân chia thành:
- Vương cung thánh đường: là những nhà thờ có kỷ niệm đẹp hoặc biến cố tôn giáo quan trọng được Tòa Thánh Vatican phong tặng.
- Nhà thờ chính tòa: là nhà thờ chính của một giáo phận, nơi đặt ngai tòa của giám mục giáo phận ấy
- Nhà thờ giáo xứ (nhà thờ xứ): Nhà thờ của giáo xứ. Phần lớn giáo xứ chỉ có một nhà thờ, ở những giáo xứ lớn, các giáo họ trong giáo xứ cũng có thể có nhà thờ giáo họ.
- Nhà nguyện: thường chỉ dùng riêng cho một cộng đồng nhỏ (tu viện, bệnh viện, dòng tu...)

Kiến trúc nhà thờ
Nhà thờ công giáo gồm có những thành phần sau:
Nhà thờ chính: là nơi diễn ra các nghi lễ thờ phượng: thánh lễ hàng ngày, cầu nguyện, chầu thánh thể, thực hiện các bí tích.
Cung Thánh: là nơi linh mục chủ tế thực hiện các nghi lễ. Cung thánh thường ở vị trí trang trọng và cao hơn để giáo dân có thể theo dõi thánh lễ. Phía trên có treo Thánh giá, phía dưới Thánh giá có Nhà tạm (nơi cất giữ Thánh Thể) và một quyển Kinh Thánh(sách thật hoặc hình ảnh, tượng). Trên cung thánh còn có bàn thánh và bục giảng.
Phần dành cho giáo dân dự thánh lễ, có các hàng ghế ngồi, quỳ.
Xung quanh nội thất nhà thờ chính luôn có 14 chặng Đàng Thánh giá, là tranh hay tượng mô tả lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Ngoài ra, trên Cung Thánh còn có thêm tượng và bàn thờ Đức mẹ Maria (bên trái khi nhìn từ ngoài vào trong), Thánh Giuse (bên phải khi nhìn từ ngoài vào trong). Mặt tiền bắt buộc phải có tượng Thánh bổn mạng cho nhà thờ (mỗi nhà thờ chỉ có duy nhất một thánh bổn mạng) hay các Thánh tử đạo liên quan đến nhà thờ hay địa phương.
Tháp chuông: có thể cùng một kiến trúc với nhà thờ chính hoặc là một kiến trúc độc lập. Thường hạng mục này là cao nhất trong công trình, trên đó có Thánh giá. Nhà thờ đổ chuông để báo giờ lễ cho giáo dân hoặc trong các dịp lễ quan trọng.
Các thành phần phụ trợ (có thể có hoặc không):
Đài Đức Mẹ
Hang đá
Nhà xứ là nơi các linh mục và tu sĩ ở và làm việc.
Ngoài ra có thể có các công trình khác như phòng học giáo lý, Nhà hài cốt (nơi đặt các hủ tro cốt người chết), nhà sách.

Vài nét về lịch sử truyền đạo công giáo ở Lâm Đồng
Vào cuối tháng 4-1920, giáo xứ Ðà Lạt được thành lập do linh mục Frédéric Sidot phụ trách. Lúc bấy giờ giáo xứ Ðà Lạt trải rộng tới Fyan, Fimnom, Dran (tức thành phố Ðà Lạt, các huyện Lâm Hà, Ðức Trọng và Ðơn Dương ngày nay). Ngày 10-5-1920, khởi công xây dựng thánh đường tại Ðà Lạt, đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông và con gà bằng đồng vào ngày 14- 11-1941. Cao nguyên Lâm Viên và tỉnh Ðồng Nai Thượng nói chung lúc bấy giờ chỉ có 3 nhà thờ, đó là nhà thờ Chánh toà Ðà Lạt, nhà thờ Cầu Ðất và nhà thờ Djring.
Năm 1928, một tốp người Thiên chúa giáo thuộc các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi được mộ vào làm việc cho Sở trà Cầu Ðất đã xây dựng một ngôi nhà nguyện trong thời gian 1948 - 1955 do Linh mục Nguyễn Văn Bình làm cha xứ, sau này ông là Tổng Giám mục giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng thời gian trên, một số nơi bắt đầu có sự hiện diện của người Thiên chúa giáo và đã lập ra nhiều giáo xứ, họ đạo ở B’Lao (1930), Phú Sơn (1934), Hà Ðông và An Bình Ðà Lạt (1938), Domaine de Marie (1938),...
Cuối năm 1960, khi giáo phận Ðà Lạt được thành lập, đã có nhiều xứ đạo của đồng bào Thiên chúa giáo di cư từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống tại Lâm Ðồng, tập trung đông nhất ở các xã Lộc Thắng, Lộc Phát, Lộc Nga, Lạc Lâm, Lạc Viên, Thanh Bình, Phú Sơn,... Tính đến năm 1964, số tín đồ Thiên chúagiáo ở Lâm Ðồng là 46.305 người. Từ năm 1964 đến năm 1975, số tín đồ tăng lên đến 100.000 người. Sau ngày miền Nam giải phóng từ năm 1975 đến năm 1999, tổng số đồng bào tín đồ Thiên chúa giáo ở Lâm Ðồng đã có gần 200.000 người.
Cơ quan đứng đầu của địa phận Ðà Lạt - Lâm Ðồng là Tòa Giám mục đặt tại số 9 Nguyễn Thái Học, Ðà Lạt. Giám mục đầu tiên của giáo phận Ðà Lạt là Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền.
Ðịa phận Ðà Lạt - Lâm Ðồng có 5 hạt: Ðà Lạt, Bảo Lộc, Ðơn Dương, Ðức Trọng, Di Linh. Về dòng tu, ở địa phận Ðà Lạt - Lâm Ðồng có 2 loại dòng:
- Dòng quốc tế là dòng tu do người nước ngoài lập và quản lý, các dòng này hầu hết đều du nhập vào Việt Nam trước năm 1975.
- Dòng địa phương là dòng tu do các chức sắc sáng lập tại Việt Nam (cũng có thể là người nước ngoài lập ra nhưng lập ở Việt Nam), các dòng tu địa phương do Giám mục sở tại quản lý điều hành.
Ngoài việc tu hành thăng tiến bản thân, mỗi dòng tu có một mục đích riêng như dòng Don Bosco (dòng quốc tế), dòng La-san (dòng quốc tế) lấy mục đích là mở trường đào tạo chuyên ngành kỹ thuật. Dòng Châu Sơn (dòng địa phương) chuyên tu niệm khổ hạnh kiểu dòng kín, ít quan hệ xã hội. Một số dòng nữ khác chuyên về giáo dục như dòng Phao-lồ, dòng Chúa Quan phòng, dòng Nữ tử Bác ái thánh Vinh-sơn.

Cơ sở vật chất, cơ sở thờ tự, trường học đã được giáo hội Thiên chúa giáo địa phận Ðà Lạt đặc biệt quan tâm xây dựng để nhằm làm cho đạo Thiên chúa giáo ngày một phát triển. Giáo hoàng Chủng viện Piô X, được xây dựng vào năm 1958, đào tạo chức sắc cho các nước ở Ðông Nam Á. Học viện thu nhận chủng sinh của tất cả các địa phận ở Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia. Chương trình học 8 năm: năm thứ nhất học tiếng La tinh và ngoại ngữ, khoa học, văn chương; 3 năm tiếp theo dành cho triết học và 4 năm còn lại cho thần học.
Các trường học thuộc địa phận Ðà Lạt lúc bấy giờ gồm: Viện Ðại học Ðà Lạt, trường trung học Trí Ðức (Ðà Lạt), trường trung học Cộng Hòa (Bảo Lộc), trường trung học Tân Thanh (Bảo Lộc), trường Adran (Ðà Lạt), trường trung học Minh Ðức Ðà Lạt, trường trung học Virgo Maria (Ðà Lạt), trường Couvent des Oiseaux, trường tiểu chủng viện Minh Hòa,...
Hiện nay, toàn giáo phận Ðà Lạt có 5 giáo hạt: Ðà Lạt (17 giáo xứ), Bảo Lộc (20 giáo xứ), Ðức Trọng (6 giáo xứ), Ðơn Dương (9 giáo xứ), Di Linh (6 giáo xứ); với số lượng giáo dân gần 245.045 người, trong đó có gần 70.131 người theo đạo Thiên chúa là dân tộc thiểu số.
Ðội ngũ giáo sĩ hiện nay có 1 giám mục, 78 linh mục triều, 35 linh mục dòng, 506 tu sĩ; có 26 dòng tu, 4 tu hội; 57 nhà xứ và 4 nhà nguyện.
Ðạo Thiên chúa ở Lâm Ðồng có một hệ thống tổ chức chặt chẽ. Ða số tín đồ là những người lao động cần cù. Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, giáo dân và giáo sĩ đạo Thiên chúa đã tích cực đóng góp sức người sức của cho cách mạng, đoàn kết yêu nước, luôn luôn thực hiện phương châm: Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào. [1]

Hình ảnh
Nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt ( nhà thờ con gà)


Một số kiến trúc nhà thờ công giáo ở Lâm Đồng
Nhà thờ Cam Ly
Về lịch sử hình thành:
Nhà thờ do Linh mục Boutary, người Pháp, đã gắn bó nhiều năm với đồng bào dân tộc và nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ đứng ra xây dựng. Công trình được khởi công vào cuối năm 1959 và hoàn thành tám năm sau đó. Nhà thờ Cam Ly có một kiến trúc độc đáo theo lối nhà rông của đồng bào Tây Nguyên. Trong số gần 100 công trình kiến trúc công giáo xuất hiện ở Đà Lạt từ thập niên 1920 đến thập niên 1960, nhà thờ Cam Ly được xây dựng riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế nó mang sắc thái độc đáo khác hẳn với các giáo đường dành cho người Kinh.
Về đặc điểm kiến trúc:
Nhìn ngang, hai mái giáo đường giống như lưỡi rìu, dốc đứng 17m, được lợp bằng 80.000 viên ngói với tổng trọng lượng tương đương 90 tấn. Trước cổng chính nhà thờ là hai hình tượng hổ và phượng hoàng - những loài vật quen thuộc trong hiện thực và ý thức của đồng bào thiểu số. Hổ tượng trưng cho sức mạnh và phượng hoàng thể hiện cho sự tinh khôn. Cùng tư duy đó, nội thất thánh đường còn xuất hiện nhiều hình ảnh các loài vật khác thể hiện bản tính của chúng như: sự trong sáng của nai, sự gần gũi của chim và cá... Đặc biệt, dưới chân thánh giá, bên cạnh cung thánh bằng gỗ thông có treo ba đầu trâu theo thứ tự cao thấp. Trâu là linh vật mà người thiểu số ở Tây Nguyên thường dùng làm vật phẩm để "giao tiếp" với Yàng của họ, trong trường hợp này là kính dâng Thiên Chúa như một thông điệp biểu lộ lòng sùng kính.
Nối với những bức tường lửng có độ cao khoảng 3m được xây bằng đá chẻ là hệ thống cửa kính màu xanh - nâu - vàng trong các khung gỗ. Các khung cửa liền nhau và giáp mái này cùng với 20 vì kèo tương ứng đều được cách điệu từ hoa văn Tây Nguyên mà chủ đạo là hình vuông và hình tam giác - tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời trong môtip bản địa về quan niệm vũ trụ. Đối xứng phải trái là 16 bức tranh đá trong đó có 14 bức diễn tả các chặng thương khó của Chúa Jesus và ngày Ngài thọ nạn, phục sinh... Ở đây, cùng với nghệ thuật sắp đặt và giải pháp kiến trúc, các nhà tạo tác đã kết hợp hài hòa và thành công giữa tư duy mộc mạc, tự nhiên của đồng bào các dân tộc thiểu số với triết lý tôn giáo nhân bản và sâu sắc.
Kiến trúc nhà thờ được nghiên cứu cách điệu từ mái nhà rông cổ truyền cùa đồng bào dân tộc Tây Nguyên, và được thể hiện theo tinh thần của trường phái kiến trúc thô mộc; có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và truyền thống của đồng bào dân tộc. Mặt bằng nhà thờ hình chữ nhật đơn giản, diện tích 324m2, trong đó 1/3 diện tích dành cho cung thánh, 2/3 còn lại là nơi dành cho tín đồ. Từ chính diện phía đầu hồi, mái nhà cao hơn 17m gợi tưởng hình mũi tên vút lên trời cao; phía mặt bên trông xa giống như hình lưỡi búa khổng lồ nằm vắt ngang trời; đó là hình ảnh các vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Lối đi lại trong nhà thờ được lát đá chẻ. Cột cao 3m, kích thước mỗi cột 20x 50 cm, được liên kết chặt chẽ với kết cấu đỡ mái là hệ giàn kèo gỗ ghép vượt khẩu độ 12m trông rất ấn tượng. Để lợp mái nhà có độ dốc lớn như vậy, người thiết kế đã cho áp dụng 80.000 viên ngói phẳng mà gờ móc có đục lỗ để luồn dây kẽm buộc chặt vào litô. Trang trí bên trong nhà thờ thật hiệu quả nhờ cách xử lý không gian ánh sáng huyền ảo bằng các ô cửa sổ kính màu theo hình hoa văn dân tộc gồm các hình tam giác, hình vuông,... Trên cung thánh có một bàn thờ dài 3,9m, rộng 0,9m, được làm bằng gỗ thông già lấy từ đỉnh Lang Biang, đã hong khô hơn 15 năm trước khi đưa vào xây dựng nhà thờ. Dưới cây thánh giá, trên tường đá kiểu có gắn 3 cái sừng trâu. Ở tiền sảnh có hình hai con thú: con cọp tượng trưng cho sức mạnh; con chim phượng hoàng tượng trưng cho sự thông thái.
Tường được xây bằng đá xanh, thông trồng hai bên nên quanh năm nhà thờ mát lạnh kể cả những tháng hè khô hạn. Nhờ đó, dù là buổi trưa hay chiều, mùa đông hay mùa hè, bước vào nhà thờ bạn luôn có cảm giác mát lạnh. Đó là một trong những nét độc đáo đặc biệt về nhà thờ Cam Ly, nhà thờ dân tộc...
Điểm độc đáo nữa là những cửa sổ bằng kính mang từ nước ngoài vào Việt Nam... Trên nóc mặt chính nhà thờ, Chúa Ba Ngôi được thay bằng ba ngôi sao lớn phối bằng những tam giác kính màu. Tượng Chúa trên thập giá có ba đầu trâu từ lớn đến nhỏ sắp xếp phía dưới chân tượng trưng ba ngôi Thiên Chúa và cũng tượng trưng những lễ vật người dân tộc dùng tế lễ Yàng của họ.
Bên trong nhà thờ là những con thú biểu tượng tính cách của người dân tộc. Cọp biểu tượng sức mạnh; nai tượng trưng sự đơn sơ, giản dị; phượng hoàng biểu tượng lòng cao thượng; trâu vừa là bạn cày của người dân tộc vừa là lễ vật cúng tế Yàng... Tất cả nằm phần ngoài vách nhà thờ.
Tuy được xây dựng giữa thế kỷ 20 nhưng nhà thờ Cam Ly sở hữu những bức tượng cổ trên trăm năm. Một tượng bị đánh cắp vào thập niên 1970. Còn lại hai tượng: tượng Đức Mẹ bên trong nhà thờ được tạc tại Pháp từ thế kỷ 19 (năm 1875); bức tượng đen phía bên các nữ tu sinh sống cũng có số tuổi tương đương.
Hình ảnh
Nhà thờ gỗ Cam Ly


Nhà thờ Chánh Tòa ( tên gọi khác là nhà thờ Con Gà)
Về lịch sử hình thành:
Nhà thờ Con gà nằm trên đường Trần Phú, thành phố Đà Lạt, gần khách sạn Novotel. Nhà thờ Con Gà là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của Đà Lạt. Nhà thờ nằm trên đường Trần Phú (gần khách sạn Novotel) thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Lịch sử Nhà thờ chính tòa Đà Lạt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt.
Về đặc điểm kiến trúc:
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Với độ cao đó, tháp chuông của nhà thờ có thể được nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố. Phần phía trên của tường được lắp 70 tấm kính màu mang dấu ấn của kiến trúc nhà thờ châu Âu thời Trung cổ.
Nội thất thánh đường gồm 3 gian: 1 gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ ở hai bên. Mặt cắt công trình thể hiện rõ hệ cuốn theo dạng cung nguyên với dãy cuốn và hệ vòm nôi. Các cột trong nội thất có hệ đầu cột mô phỏng dạng cổ điển kết hợp với tự phát. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được thiết kế đối xứng nghiêm ngặt theo lối cổ điển.
Điểm đặc biệt của nhà thờ là trên thánh giá có tượng một con gà (cách mặt đất 27m) bằng hợp kim nhẹ rỗng bên trong được tráng phủ một lớp hoá chất đặc biệt đồng dài 0,66m, cao 0,58m quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió.
Con gà có thể là biểu tượng của nước Pháp (Coq gaulois: gà trống xứ Gaulle),có thể là biểu tượng của sự sám hối, theo đoạn Tân Ước kể lại việc Chúa Giê-su quở trách Phê-rô (một trong 12 tông đồ của Người): "Ðêm nay gà chưa gáy, con sẽ chối Ta ba lần..."
Cột thu lôi, đế bầu tròn đỡ con gà và chữ thập chỉ bốn hướng đông-tây-nam-bắc được sửa chữa, thay mới vài lần. Con gà xoay theo hướng gió trên một vòng bạc rất nhẹ. Người dân bản xứ kháo nhau rằng con gà là đài dự báo thời tiết rất hiện đại, con gà quay chiều nào là gió mưa, là nắng tạnh. Thực ra vì con gà ở trên cao, để phòng gió tạt gãy đổ người ta đã thiết kế cho nó quay hướng theo chiều gió, và thế là con gà quay hướng nào, gió hướng ấy.
Hình ảnh
Bên trong nhà thờ Chánh Tòa – Đà Lạt (Nhà thờ con Gà)


Nhà Domaine de Marie
Về lịch sử hình thành:
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1930 cho đến 1943 theo phong cách châu Âu của thế kỷ 17. Nhà thờ có sự kết hợp hài hòa giữa các kiểu kiến trúc phương Tây với kiến trúc dân gian của dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Hình ảnh
Bên ngoài nhà thờ Domaine de Marie

Về đặc điểm kiến trúc:
Nhà thờ Domaine de Marie, hay Lãnh địa Đức Bà, hay còn gọi là Nhà thờ Mai Anh (vì nằm trên ngọn đồi có nhiều hoa anh đào-đồi Mai Anh) là một cụm kiến trúc bao gồm nhà nguyện và hai dãy nhà của tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn với tổng diện tích là 12ha nằm trên đường Ngô Quyền cách trung tâm thành phố Đà Lạt vào khoảng 1 km về phía Tây Nam.
Bố cục kiến trúc nhà thờ này có nhiều điểm cách tân so với các nhà thờ cổ điển phương Tây. Vẫn là dạng mặt bằng chữ thập nhưng tỷ lệ có phần tự do hơn: chiều rộng 11m và chiều dài là 33 m. Có hai đường bậc thang đi lên cửa chính và nhập lại ở sảnh chính.
Tiền đình được thiết kế là một hình tam giác cân, trên đỉnh nhọn của nóc mái có gắn một cây thánh giá, phía trước được tô điểm bởi các cửa vòm nhỏ hình lưỡi mác. Chính giữa mặt đứng, phía gần đỉnh mái có một cửa sổ hoa hồng hình tròn. Chi tiết này thường xuất hiện trong các nhà thờ của Pháp cuối thế kỷ XVII.
Hệ thống mái, có hình dáng tựa như nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Mái nhà có độ dốc khá lớn, được lợp ngói màu đỏ sản xuất ở Việt Nam. Hệ vì kèo gỗ được chế tạo tinh vi góp phần vào việc hình thành một không gian nội thất trong nhà thờ. Các cửa sổ mái nhô ra từ phần mái lớn vừa tạo những điểm nhấn duyên dáng cho một diện tích mái khá lớn, vừa là nơi gắn những tấm kính màu (xuất sứ từ Pháp) chiếu sáng cho không gian thánh đường thêm phần lung linh, huyền ảo.
Phần tường được xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa sổ theo kiểu kiến trúc vùng Normandie (miền Bắc nước Pháp). Tường dưới mái xây khá dày và các cửa được thiết kế sâu vào bên trong, do đó ở mặt bên của công trình có thể nhận thấy rõ các mảng đặc - rỗng, sắc độ đậm nhạt -sáng tối, làm cho mặt bên của công trình càng thêm ấn tượng và độc đáo.
Nhà thờ không có tháp chuông như nhiều nhà thờ khác. Trong nhà thờ có tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu tạc theo hình mẫu của phụ nữ Việt Nam, do Jonchère - một kiến trúc sư người Pháp thiết kế, cao 3 m nặng 1 tấn, được làm năm 1943 và do bà phu nhân toàn quyền Đông Dương Decoux (Suzanne Humbert) dâng cúng.
Phía sau nhà thờ là phần mộ của bà Decoux, người có công chính trong việc giúp xây dựng và đã qua đời trong một tai nạn giao thông tại đèo Prenn. Từ khi hoàn thành cho đến nay nhà thờ chỉ dùng vôi màu hồng đậm để quét tường.
Trước đây nhà thờ là tu viện chính của dòng tu nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn (từ năm 1940 -1943). Sau năm 1975 ngoài nhà nguyện và hai dãy tu viện, các cơ sở khác đã được sử dụng cho các mục đích công ích. Phía sau nhà thờ là một quần thể kiến trúc được thiết kế theo kiểu hiện đại với ba dãy nhà 3 tầng của Dòng Nữ tu Bác Ái, bao quanh vườn trong, tường quét vôi màu vàng, mái lợp ngói đỏ.
Vào dịp Giáng sinh hằng năm, đây là nơi tập trung rất nhiều người cả trong và ngoài đạo đến dự lễ, tham quan.

Nhà thờ Bảo Lộc
Về lịch sử hình thành:
Nhà thờ Bảo Lộc , nằm trên quốc lộ 20, giữa thị trấn, nhà thờ Bảo Lộc được xây dựng từ năm 1994, khánh thành năm 1999, theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, với một ít sửa đổi do kiến trúc sư Nguyễn Hồng Sơn.
Về đặc điểm kiến trúc:
Qua đồ án, thiết kế nhà thờ này, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ "diễn tả nguyên tắc dùng hài hoà khối bằng kim số" một cách tinh vi và khoa học. Tuy mang dáng dấp kiến trúc Tây Phương, nhưng nhà thờ lại có những nét dân tộc độc đáo. nhà thờ có hình "Bánh chưng bánh giầy” duy nhất ở Việt Nam. Đây cũng là nhà thờ Công giáo có những công trình kiến trúc độc đáo, thu hút nhiều du khách tham quan tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Kiến trúc nhà thờ là sự phối hợp rất rõ giữa hai khối mỹ thuật VUÔNG (hình chiếc bánh chưng) và TRÒN (hình chiếc bánh giầy), tượng trưng cho "Trời tròn đất vuông”. Điều này gợi cho các tín hữu cũng như du khách đến nhà thờ nghĩ đến truyền thống văn hóa và lịch sử Việt Nam qua sự tích "Bánh chưng bánh giầy” thời các vua Hùng.
Phía ngoài hình vuông tượng trưng cho đất. Phía trong hình tròn tượng trưng cho trời, được chống đỡ bởi 12 cây cột biểu hiệu cho 12 tông đồ gánh vác Giáo Hội. Nhà thờ có sức chứa 3 - 4000 người.
Phần trần nhà thờ là một mái vòm tròn đường kính 36m, được chia thành 12 cánh ôm lấy vòng trung tâm (đường kính 6m). Trần nhà thờ được làm bằng chất liệu thạch cao với những nét khắc tinh tế, đây cũng là điểm nhấn của công trình này. Trong nhà thờ có bộ tranh kính màu có diện tích 66m2 gồm 33 bức, đây cũng là bộ tranh kính màu lớn nhất trong các nhà thờ của Việt Nam.
Hình ảnh
Nhà thờ Bảo Lộc


Một số nhận xét về đặc điểm trong phong cách thiết kế xây dựng nhà thờ
Mặc dù được xây dựng vào những thời điểm rất khác nhau, thậm chí còn cách xa nhau khá lớn về thời gian, nhưng các nhà thờ Công giáo ở Lâm Đồng vẫn mang một số nét đặc trưng sau:
Thứ nhất, đó là sự kết hợp giữa kiểu kiến trúc nhà thờ của phương Tây (chủ yếu là kiểu nhà thờ Gô tích) với những nét tiêu biểu của kiến trúc dân gian của các dân tộc bản địa như người Cơ Ho, Mạ, Chu ru…Như kiểu cấu trúc của nhà dài, kiểu mái cao của nhà rông, kiểu nền sàn, kiểu mái hiên của nhà ở truyền thống… Nhờ có sự kết hợp này, mà, có thể nói, các nhà thờ Công giáo trên Tây Nguyên hợp thành một phong cách nhà thờ khá riêng. Vừa có nét châu Âu vừa có nét văn hóa bản địa.
Thứ 2, ở các công trình kiến trúc nhà thờ theo phong cách Châu Âu này, vẫn có thể thấy vẻ cân đối, hài hoà, đường nét trang trí mặt trước và cảnh quan xung quanh hợp lý, thể hiện và phản ánh đậm nét yếu tố bản địa.
Thứ nhất, Các nhà thờ tồn tại ở Lâm Đồng hiện nay có 2 loại: loại mang phong cách kiến trúc phương Tây và loại mang phong cách kiến trúc Á Đông – Đã có sự giao thoa với kiến trúc bản địa Tây Nguyên. Quá trình du nhập văn hóa, những yếu tố mới khi được chấp nhận sẽ “hòa nhập” với kiến trúc bản địa tạo nên sự gần gũi, thân thuộc, phù hợp với tâm thế tiếp nhận của giáo dân.
Thứ ba, nếu như trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt ở đồng bằng là ngôi chùa, ngôi đình đã có từ rất sớm, thì sau này kiến trúc của nhà thờ ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng kiến trúc bản địa đó. Ví dụ, khu nhà chung Toà giám mục Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường) còn lại một ngôi nhà 4 gian lợp ngói, kiến trúc giống hệt ngôi chùa Phật giáo với kiểu chồng giường, khung bạo, con sơn, kẻ bẩy truyền thống, chạm khắc hoa lá cách điệu - những họa tiết trang trí khá phổ biến của đầu thế kỷ XVIII. Loại hình kiến trúc này một mặt vẫn đảm bảo không gian nhà thờ theo kiểu hình ống, xong vật liệu sử dụng hầu hết sẵn có ở địa phương. Việc tạo các ô hộc, vách gỗ, cửa mở cầu thang đều bằng gỗ. Kiểu cách này thể hiện sự thuần chủng và đặc thù rõ nét. Còn trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng Tây nguyên thì ngôi nhà rông, nhà sàn là hình ảnh quen thuộc. Chính vì vậy, khi xây dựng các nhà thờ, những người thiết kế đã sớm chú ý đến việc kết hợp phong cách xây dựng của người bản địa.
Thứ tư, với nét kiến trúc ước lệ, kiến trúc nhà thờ từ xa nhìn rất đơn giản gắn liền với ngọn tháp cao vút lên, trên đỉnh luôn có cây thánh giá. Hình ảnh ấy được in sâu vào tâm trí và lòng của mỗi người tín hữu Công giáo…nhìn từ xa đã không thể nhầm lẫn với lối kiến trúc khác được – Những đặc điểm đó chỉ có được ở kiến trúc nhà thờ. Cảm xúc trước các nét đặc biệt của kiến trúc nhà thờ, các nghệ sĩ đã dệt nên những vần thơ, các giai điệu nhạc gây xúc động lòng người nhiều thê hệ.
Một loại kiến trúc phi vật thể của kiến trúc Tôn giáo, đặc biệt là kiến trúc Công giáo chiếm một vai trò quan trọng, gây ảnh hưởng lớn trong nếp sống của con người, đó là tiếng chuông vang lên mỗi sáng trưa chiều:
“Ngày của Chúa như tiếng chuông mời gọi,
Tưởng chừng như muôn khúc khải hoàn ca”
(Thánh thi Kinh Phụng Vụ)
Tiếng chuông như đi vào lòng người, nhắc nhở từng giớ khắc, đánh thức sự thánh thiện, ngăn ngừa sự gian ác, đưa vào lòng người nỗi ấm áp thân yêu, nhẹ nhàng nâng tâm hồn con người lên với Đấng Toàn Năng.

Thứ năm, trước đây, các kiến trúc sư thường thiết kế nhà thờ với không gian bên trong cao vút lên, họ muốn tạo nên một không gian uy nghi làm cho con người ta lúc vào nhà thờ ngước nhìn lên cảm thấy mình rất nhỏ bé, tội lỗi, cảm giác như Chúa ở trên cao. Ngày nay, chúng ta thấy các nhà thờ được thiết kế có không gian thờ phượng gần gũi hơn, một cung thánh đơn giản nhưng vẫn rất tôn nghiêm.
Tóm lại, nhà thờ cũng như các công trình kiến trúc khác phải đạt được hai yếu tố: thích dụng và mỹ thuật.
Thích dụng: ngoài những yêu cầu về phục vụ của một ngôi thánh đường, bên cạnh những cải tiến mới về phục vụ, các nhà thiết kế không gian bên trong nhà thờ đã chú trọng đến khoảng cách gần gũi giữa giáo dân và bàn thờ, đồng thời tạo nên những không gian bên trong linh hoạt, hình khối bên ngoài phong phú hơn.
Mỹ thuật: Một công trình kiến trúc phải đẹp về hình khối, đường nét, không gian… Cái đẹp của nhà thờ cũng phải tuân theo những tiêu chí như vậy, ngoài ra đã là công trình tôn giáo thì cái đẹp phải mang tính chất tôn nghiêm… Một điều ai cũng mong muốn đó là công trình kiến trúc ngoài cái đẹp về hình khối còn phải mang tính dân tộc. Tuy nhiên tính dân tộc là gì, cần thể hiện như thế nào lại cần phải nghiên cứu kỹ càng. Nếu không đúng hướng sẽ dễ tạo ra những ngộ nhận, thậm chí những quan niệm ấu trĩ về tính dân tộc trong công trình kiến trúc. Ví dụ như đã nói có nhiều người muốn thiết kế nhà thờ giống mái chùa và cho rằng đó là tính dân tộc; đó là một quan niệm sai lầm. Tính dân tộc thể hiện qua rất nhiều yếu tố, từ hình khối, tầm vóc, không gian thờ phượng. Tính dân tộc nhiều lúc chỉ thể hiện qua một hoa văn trang trí rất đơn giản hay thậm chí thể hiện qua cách sử dụng vật liệu… chứ không hẳn chỉ thể hiện qua dáng dấp bên ngoài. Nhà thờ phải làm sao cho thích hợp với phong tục tập quán của từng vùng miền. Và nếu được, mỗi thánh đường nên mang dáng dấp văn hóa của địa phương. Ở miền núi là hình dáng của nhà rông, ở vùng biển là dáng của cánh buồm, ở đồng bằng là hình chiếc nón lá…

KẾT LUẬN:
Nhà thờ Công giáo ở Lâm Đồng có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc, trang trí của nhà dài với kiến trúc, trang trí nhà thờ kiểu Gô tích, giữa kết cấu gỗ với kết cấu gạch đá. Cùng với kiến trúc nhà rông, nhà mồ và nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo, kiến trúc nhà thờ Lâm Đồng đã góp phần làm phong phú nghệ thuật kiến trúc Tây Nguyên và làm giàu thêm bản sắc kiến trúc truyền thống của đất nước Việt Nam.
Điểm đặc biệt trong kiến trúc nhà thờ là đã được nghiên cứu cách điệu từ mái nhà rông cổ truyền cùa đồng bào dân tộc Tây Nguyên, và được thể hiện theo tinh thần của trường phái kiến trúc thô mộc; có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và truyền thống của đồng bào dân tộc. Tạo nên một sự hài hòa trong tổng thể không gian xung quanh. Góp phần làm giàu đẹp đêm nghệ thuật kiến trúc xây dựng của Lâm Đồng nói riêng và Tây nguyên nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Địa chí Lâm Đồng, Nhà xuất bản văn hóa dân tộc - Hà Nội, 2001
2. Nhà thờ công giáo ở Việt Nam. Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà nội, 2004
3. Lý thuyết Kiến Trúc, Nguyễn Mạnh Thu, Phùng Đức Tuấn, Nhà xuất bản xây dựng, HN, 2005
4. http://www.lamdong.gov.vn/viVN/a/book/P ... uong5b.htm
5. http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/3 ... Tay_Nguyen
Hình đại diện của thành viên
Nguyễn Huy Thành
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 7 31/05/14 21:40
Đến từ: Đà Lạt
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Nghệ thuật kiến trúc nhà thờ Công Giáo tỉnh Lâm Đồng

Gửi bàigửi bởi thienphuong » Thứ 4 07/03/18 2:58

Chào anh, tình cờ mà có duyên gặp khi đọc bài, mình đã nghiên cứu khảo sát 120 nhà thờ toàn tỉnh Lâm Đồng và thấy bài của anh có mấy phát hiện khá mới:
1. Tượng Đức Mẹ bằng cẩm thạch, điều này ít người biết và nói trước đây
2. Hệ tường Normandi là rất đúng, tuy nhiên, xin chia sẻ với anh là hệ Normandi nhưng kết cấu đế trụ xéo kiểu đế Baroque bỏ hoa văn
Nhưng trong bài có mục kiến trúc đình chùa thì chưa rõ ý anh nói cả Việt Nam hay Lâm Đồng, vì nếu Lâm Đồng (Đà Lạt, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lộc) 120 nhà thờ mà chỉ có 3 nhà thờ xây kiểu đình chùa thôi. Nên ý này mong anh kiểm tra lại.
Thân ái
Non ministrari , sed ministrare
Hình đại diện của thành viên
thienphuong
 
Bài viết: 200
Ngày tham gia: Thứ 3 04/11/08 17:12
Đến từ: LocHung
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần


Quay về Văn hoá tôn giáo - tín ngưỡng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron