Buồn cho bộ phim Việt Nam: "Đừng đốt"

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về các tác phẩm nghệ thuật với mục đích thư giãn dưới góc nhìn của một người làm văn hoá

Buồn cho bộ phim Việt Nam: "Đừng đốt"

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 6 15/05/09 19:31

Xem bộ phim “Đừng đốt” do đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể từ quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, ta cảm nhận đây thật sự là bộ phim có chất lượng và chứa đựng nhiều thông điệp. Tuy có điều đáng buồn là với bộ phim khá hay như thế nhưng rạp phim chỉ có 5 người xem. Hỏi lại người soát vé, họ bảo suất đông nhất hôm lễ 30-4 cũng chỉ khoảng vài chục người! Hình như giới trẻ bây giờ quay lưng với những bộ phim như thế, còn người lớn tuổi, họ ngại đến rạp, đến chỗ đông người...

Phim nói về đề tài thời chiến, về cuộc đời của một người nữ liệt sĩ mới 27 tuổi và quyển nhật ký có số phận kỳ lạ. Tuy nhiên trong “Đừng đốt”, người xem không chỉ cảm giác rợn người trước sự khốc liệt của chiến tranh, mà còn như lắng đọng trong những khoảng lặng tâm hồn của người nữ bác sĩ với cảm xúc rất đời thường.

Ta rung động sâu sắc với những trường đoạn quay cảnh người mẹ nhớ thương con, ngày nhận được giấy báo tử đứa con gái yêu quý. Ta như đồng cảm với nỗi cô đơn của người con gái Hà Thành khi chứng kiến sự hèn nhát của đồng đội. Ta cũng cảm nhận được sự bất lực đến nghẹn ngào của chị khi nhìn anh em, đồng chí của mình hy sinh trong sự đau đớn, thiếu thốn thuốc men…

“Đừng đốt, trong này đã có lửa” , câu nói của người lính từ phía bên kia chiến tuyến về quyển nhật ký của người nữ Việt cộng, gây ám ảnh suốt cả cuộc đời Fred - người cựu binh Mỹ . Đạo diễn cũng đã chọn chi tiết này làm tên phim. Mặc dù nhan đề “Đừng đốt” chưa làm hài lòng cho những ai đã từng đọc và yêu thích quyển nhật ký nhưng thực sự nó đã trở thành tư tưởng chủ đạo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ phim.

Những thước phim chủ yếu quay ở Đức Phổ, một miền đất mang một vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết nhưng không kém phần lãng mạn. Nhân vật diễn có chiều sâu nội tâm. Người xem cứ đi từ cảm xúc này qua cảm xúc khác xen trong những dòng nhật ký ấm áp, thủ thỉ như rót vào lòng…Và không biết, tự lúc nào, nước mắt cứ lặng lẽ chảy…

Ngoài những chi tiết có thật được thể hiện sát với nội dung của nhật ký, bộ phim cũng có nhiều điểm được hư cấu theo ngôn ngữ điện ảnh nhằm mang tới sức truyền cảm mạnh mẽ nhất. Có thể nói, bộ phim đã giúp ta - những người sống giữa thời bình- hiểu thêm về cuộc sống đầy ác liệt, luôn giữa lằn ranh sự sống và cái chết của những người lính cùng những tình cảm rất đỗi thánh thiện và trái tim khao khát yêu và được yêu của họ.

Bộ phim khép lại trong lời hát tha thiết “Bài ca hy vọng” của nhân vật chính Đặng Thùy Trâm, để lại dư âm lay động lòng người…

“Đừng đốt”, không chỉ có bom đạn, máu và nước mắt, nó còn chuyên chở thông điệp yêu thương mang giá trị nhân văn sâu sắc xuyên cả bên kia bờ đại dương...

Xem xong, cứ vương vất trong đầu câu chị viết ở trang đầu tiên của quyển nhật ký : “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”…


Kinh phí để làm bộ phim này nghe nói đến trên chục tỉ đồng. Đây còn là bộ phim Việt duy nhất sẽ đại diện Việt Nam tham gia Liên hoan phim ASEM lần 2. "Đừng đốt" sẽ được vinh dự chiếu vào đêm khai mạc.

Bộ phim như thế mà bị mọi người thờ ơ...
Biết trách ai bây giờ?
Buồn cho phim Việt!
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Buồn cho bộ phim Việt Nam: "Đừng đốt"

Gửi bàigửi bởi quananh » Thứ 3 19/05/09 3:18

Không chỉ có Đừng đốt, mà còn có những bộ phim nghệ thuật khác nữa. Buồn thì cũng chẳng làm được gì, khi mà đa phần khán giả không có hứng thú với những tác phẩm có chiều sâu như thế. Lấy ví dụ bộ phim Huyền Thoại Bất Tử, cũng là một bộ phim đậm tính nghệ thuật, nhưng lại là bộ phim có doanh thu phòng vé không được cao mấy so với những gì mà Giải Cứu Thần Chết đã làm được. Chẳng lẽ, con mắt thẩm mĩ của khán giả đã không còn như xưa? Hoặc là ở những nhà làm phim?

Nhưng có thể thông cảm cho Đừng Đốt, vì đó là một bộ phim lịch sử. Mà đã là lịch sử thì ta không thể nào làm khác đi chỉ vì lợi nhuận. Chúng ta phải tôn trọng lịch sử, thì bắt buộc phải chịu kết quả đó. Không ai có thể trách chúng ta vì điều đó.

Một lí do nữa, công tác PR cho Đừng Đốt, cũng như việc công chiếu phim cũng là một yếu tố. Các chủ rạp nổi tiếng, đã thấy trước viễn cảnh "hẩm hiu" của Đừng Đốt chăng, cho nên họ không nhận lời công chiếu bộ phim này, và dành chỗ cho những phim thương mại hút khách hơn? Cũng không thể trách họ, vì đã làm là phải có tính toán.

Vấn đề vẫn là ở thị hiếu của chúng ta. Nếu cứ trách mãi các nhà làm phim về việc phim của họ không hấp dẫn thì cũng không đúng lắm. Vì có những cái, họ đã làm hết mình, đã "chiều chuộng" khán giả hết mình, nhưng vẫn không sao đáp ứng nhu cầu đó. Các phim thương mại, đặc biệt là của nước ngoài, đúng là hấp dẫn, có đầu tư, kịch bản cũng tàm tạm, lâu lâu lại có vài chiêu "độc" để hút khán giả, nhưng chẳng lẽ, chúng ta cứ mãi đắm vào trong dòng phim nhạt ấy? Lúc nào cũng có báo cáo là "khát" phim, thế nhưng phim thực sự hay làm ra thì không ai coi. Thế thì có mà ... buồn thay cho phim Việt hay cho khán giả Việt?
Học, học nữa, học mãi, hộc máu!!!!!!!
Hình đại diện của thành viên
quananh
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 2 06/10/08 13:20
Đến từ: Giengel, Bayern, Deustchland
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Buồn cho bộ phim Việt Nam: "Đừng đốt"

Gửi bàigửi bởi trungphien » Thứ 3 19/05/09 8:07

Có một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận, đó là trong những năm gần đây, hầu hết khán giả trẻ không còn quan tâm đến những phim có đề tài liên quan đến chiến tranh VN.
When the road ahead is not so easy, OUR LOVE will lead the way for us, like a guiding star ...
Hình đại diện của thành viên
trungphien
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: Chủ nhật 02/11/08 12:43
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Buồn cho bộ phim Việt Nam: "Đừng đốt"

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 7 23/05/09 22:57

[justify]Chia sẻ và rất đồng cảm với các thành viên tham gia chủ đề này. Mình xem Đừng đốt ba lần. Mỗi lần là một cảm xúc mới, một khám phá mới... đầy đặn hơn, thú vị hơn và cũng buồn hơn... Nỗi buồn mà các bạn đang bàn tới.

Lần thứ nhất, ngay trong tuần khai mạc, cũng đúng dịp Lễ 30/4 - 1/5. Hôm đó, gia đình mình 6 người, cộng với 4 người khác nữa, vừa tròn 10 khán giả trong một rạp rộng mênh mông, máy lạnh chạy ro ro. Lần đầu tiên xem bộ phim này, cảm xúc trong mình như những lớp sóng xô... có lúc ào ạt, lại có lúc rưng rưng xao xác. Mình đã khóc rất nhiều, đến mức, OX của mình nói vui: sau buổi xem phim hôm nay, có lẽ anh phải chủ động gặp người quản lý nơi đây... Em khóc ướt rạp rồi, hỏng hết cả ghế nệm, phải đền cho rạp thôi!

Rơi nước mắt mà lòng không u uẩn. Một bộ phim nói về chiến tranh - chủ đề không mới; diễn viên chính không phải "sao" chuyên nghiệp - một gương mặt trong sáng, giản dị và thánh thiện, chưa một lần xuất hiện trên màn ảnh rộng (phải chăng, đây chính là lựa chọn công phu và thành công nhất của đạo diễn)... nhưng để lại ấn tượng sâu, đẹp về cảm xúc sáng tạo... Sức hấp dẫn lớn nhất của Đừng đốt chính là chất liệu hiện thực. Ai cũng biết, kịch bản phim được hình thành và phát triển dựa trên câu chuyện nổi tiếng về cuốn Nhật ký của Liệt sĩ- Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Mình nhớ nội dung câu nói của một nhân vật trên phim, cô ấy viết nhật ký không phải để cho cả thế giới đọc, nhưng chúng ta đã bắt gặp ước mơ của mình trong từng dòng chữ ấy... "Đừng đốt, trong đó đã có lửa"... Lửa của Tình yêu cuộc sống thiết tha, của lòng nhân văn mộc mạc và cao cả... Đan xen giữa những điều đó và trở thành ấn tượng đọng lại khi bộ phim kết thúc chính là yếu tố lãng mạn, huyền ảo, bay bổng đến nao lòng. Hình ảnh Đặng Thùy Trâm, mái tóc xõa ngang vai, bộ quân phục màu xanh, nụ cười hồn hậu, trong trẻo... và những vòng xe đạp lăn đều, quay chậm, chậm dần, chậm dần... rồi ngừng hẳn... Những vòng xe, như nhịp đập trái tim vừa lịm tắt. Song, không thảng thốt, không đột ngột, đau đớn... hình ảnh người con gái trẻ trung, dịu hiền ngã mình nằm xuống chỉ như đi vào một giấc ngủ bình yên, nhẹ nhõm và thanh thản giữa bầu trời quê hương xanh trong ngan ngát...

Câu nói cuối cùng của chị Trâm: Mẹ ơi, ngày khải hoàn sẽ không có con đâu mẹ ạ... hòa lẫn trong giai điệu bài hát "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký, (một số người cho rằng đoạn kết này có gì đó chưa thật nhuần nhuyễn…), với riêng mình là một kết thúc đầy mỹ cảm, vừa xót xa lưu luyến, vừa tươi sáng lạc quan… Một kết thúc đắng và ngọt quá, như hai câu thơ của Đặng Thùy Trâm mà NSND- Đạo diễn Đặng Nhật Minh dùng để khép lại bộ phim: "Và ai có biết chăng ai/Tình thương đã chắp cánh dài cho ta". "Đừng đốt" thực sự là một tác phẩm điện ảnh đậm chất thơ và nhạc.

Bộ phim ám ảnh mình. Nó thúc giục mình trở lại rạp chiếu phim lần nữa. Rủ con gái đi xem lần thứ hai. Hai mẹ con cùng với ba người khách lạ, quá thênh thang trong một rạp phim hoang vắng chỉ với... 5 người. Nhưng lòng mình không lạnh. Mình vẫn thấy nghẹt thở và rợn ngợp trước những trường đoạn đẹp như thơ... Vẫn khóc, nhưng suy ngẫm được nhiều hơn... Bình tĩnh đón nhận từng cảnh quay, để cho từng lời thoại của các nhân vật rót vào lòng, miên man tìm lời giải cho những biểu trưng, những phép so sánh, ẩn dụ trong thủ pháp nghệ thuật của đạo diễn... Ý nghĩa của bộ phim càng hiện rõ, lớn lao hơn hết vẫn là một thông điệp khao khát hòa bình, sự khoan dung và tình nhân văn rộng lớn không biên giới.

"Đừng đốt" không chỉ có mùi khét của bom đạn, máu và nước mắt bi thương mà còn có rất nhiều khoảng lặng, bảng lảng khói hương thiền Phật siêu thoát tâm linh... Bởi thế, những thông điệp về chiến tranh và hòa bình, về cái chết và sự sống, về mất mát và hồi sinh, về đối đầu và tha thứ... đã được cất lời tự bạch một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và thấm thía. Một bộ phim được khởi nguồn từ cuốn Nhật ký có "số phận đặc biệt", khi chuyển sang ngôn ngữ điện ảnh, rất dễ rơi vào tự sự đơn điệu... đã vượt lên nhiều rào cản, trong đó có cả những áp lực từ dư luận công chúng (do quá mong đợi, quá kỳ vọng...) để trở thành một bộ phim hấp dẫn và thành công hơn cả trông đợi. Thật tiếc... nếu không xem!

Lần thứ ba, một lời mời chợt đến... Vẫn thích, và sợ sẽ luyến tiếc khi bộ phim, một ngày nào đó bị cất vào viện bảo tàng của ”lãng quên”, mình nhận lời đi xem cùng hai người bạn gái thời phổ thông trung học. Vẫn rạp quen thuộc, nhưng dường như còn rộng hơn lần trước vì không gian lớn thế mà chỉ vẻn vẹn... ba đứa mình. Lần này, có những trường đoạn, mình cố tình nhắm mắt... Chỉ cảm nhận và hình dung những hình ảnh đối lập trong phim qua tiếng động, thanh âm, nhạc điệu... Đây nhé hình ảnh chị Thùy - người nữ bác sỹ dũng cảm, kiên cường nơi chiến trường khốc liệt đan xen với vẻ lãng mạn "tiểu tư sản" thanh khiết, mơ màng toát ra từ tâm hồn người con gái Hà Nội khát khao yêu thương... Đây nhé, hình ảnh hai người mẹ, một Mỹ - mẹ của Fred Whitehurst, người lính đã lưu giữ cuốn nhật ký của chị Trâm suốt 30 năm; một Việt Nam - mẹ của chị Trâm- bà Doãn Ngọc Trâm. Hai bà mẹ, khác nhau về quốc tịch, về không gian lãnh thổ, về tập quán và ứng xử văn hóa, nhưng khi cầm chiếc kim đan dệt nên tấm áo, chiếc khăn nghĩa tình để tặng cho nhau lại trở nên gần gũi và giống nhau lạ lùng. Họ gặp nhau ở trái tim bao dung, lòng yêu thương con cái vô bờ với những biểu hiện tình cảm chân thật, dung dị rất "phụ nữ"... Nhạc phim tuyệt vời! Phần nhạc phim do hai nhạc sĩ người nước ngoài Benedicfi Zoltan và Benedicfi Istvan thực hiện đã thể hiện rất tốt diễn biến tâm lý của nhân vật cũng như không khí các cảnh quay, làm tăng hiệu quả và góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim. "Đừng đốt" còn chinh phục người xem bằng những khuôn hình đẹp ở Việt Nam và Mỹ do các tay máy cả trong và ngoài nước thực hiện (Vũ Đức Tùng, Lý Thái Dũng và Richard Connors).

Một phim được đầu tư hơn 11 tỷ đồng, làm "theo đơn đặt hàng của Nhà nước" nhưng "không giống với một số bộ phim "cúng cụ" từng được nhà nước đặt hàng và đổ vào nhiều tỉ đồng mà không mang lại hiệu quả như mong muốn cho người xem" (Hạnh Phương- Vietnamnet). Ngược lại, trong hai năm, Đừng đốt của Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã huy động một tập thể lớn diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, quay phim, phục trang, đạo cụ ... cả Việt Nam và nước ngoài (phim có 7 diễn viên Mỹ tham gia, do Hiệp hội Diễn viên New York tuyển chọn) làm việc một cách nhiệt tình, tâm huyết, đầy trách nhiệm, tính chuyên nghiệp cao... để dâng tặng cho công chúng những thước phim chân thực, công phu, chau chuốt như thế.

Bản thân ĐD Đặng Nhật Minh, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, tâm sự "tôi đã trút tất cả tình cảm của mình để viết kịch bản"..."Đây là bộ phim tôi hài lòng nhất trong cuộc đời sáng tác của mình... Bộ phim như một nén hương tưởng nhớ Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm và những ai đã hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước”. Khi xem phim, một người tỉnh táo, khó tính và ít lời nhất chắc cũng không thể thể phủ nhận đây là một phim xúc động, hấp dẫn và giàu ý nghĩa giáo dục về tình yêu thương con người, yêu gia đình, quê hương... mà không hề sáo mòn, khiên cưỡng. Nó có sức lay động lòng người một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và tinh tế. Đến mức, một khán giả tên Trương Tùng Lâm ở địa chỉ tunglam68@yahoo.com viết: Tôi và cả nhà đã xem phim "Đừng đốt". Trong lúc xem phải nói thật là đàn ông nhưng có đoạn tôi cũng thấy cay cay sống mũi...

Thế nhưng, tiếc thay, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, số lượng khán giả Việt Nam đến rạp xem phim không nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc, chủ thể quản lý, người nghệ sĩ sáng tạo và nhà sản xuất phim "đóng cửa xem với nhau, chơi với nhau" là chủ yếu... Và như thế, hiệu quả xã hội của bộ phim sẽ bị giảm thiểu đi rất nhiều. Kèm theo đó là sự lãng phí quá lớn. Có những lãng phí nhìn thấy trực tiếp, tính ra được bằng con số vật chất cụ thể... nhưng có những lãng phí, hao mòn không sao tính được bằng tiền... Đó là tâm sức, là tình yêu và mong nguyện của cả một tập thể làm phim (muốn chuyển tải nhiều thông điệp, nhiều giá trị văn hóa đến cho người xem), với Đừng đốt, còn phải cộng thêm cả sự trĩu nặng của nỗi lòng khắc khoải, hoài nhớ người con gái ruột thịt, thương yêu đã không về được trong ngày khải hoàn của gia đình Liệt sỹ- Bác sỹ Đặng Thùy Trâm.

Nguyên nhân vì đâu, phim hay mà không thu hút được khán giả?

Đừng đốt không phải là trường hợp đầu tiên. Nghĩa là câu hỏi chẳng có gì mới. Bức xúc này đã được nêu ra nhiều lần, không ít hội thảo khoa học do Bộ, Ngành Văn hóa – thông tin – du lịch phối hợp tổ chức với Cục điện ảnh hay Hội điện ảnh các cấp bàn "nát nước"... rồi đâu vẫn hoàn đấy. Đổ lỗi cho kinh tế nghèo (đã phú quý đâu mà sinh lễ nghĩa!?), cho rằng giá vé cao không phù hợp túi tiền người xem? Không sai. Nhưng nếu so sánh, một bộ phim như thế, trung bình tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giá vé từ 25.000 – 45.000 đồng, so với giá ca nhạc phòng trà (như Không tên, Tiếng tơ đồng, Đồng dao hoặc Ân Nam... thì lại quá bèo!), thậm chí một ly cafe kem dừa, kem thuyền... "đậm đà tình bạn" ở những quán cafe wifi tại Hồ con rùa cũng giá ngang ngửa, có khi còn mắc hơn vé xem phim... Nhưng không xem là không xem! Nói như bạn quananh Buồn thì cũng chẳng làm được gì

Ừa, buồn quá, mà chẳng làm được gì thật!

Có ý kiến cho rằng “một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận, đó là trong những năm gần đây, hầu hết khán giả trẻ không còn quan tâm đến những phim có đề tài liên quan đến chiến tranh VN”... Lại cũng không sai. Nhưng, còn một thực tế khác nữa, qua một số cuộc bầu chọn, trưng cầu ý kiến trong giới trẻ, các bạn vẫn tỏ ra hào hứng với các bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như "Vỹ tuyến mười bảy, ngày và đêm", "Chị Tư Hậu", "Sao tháng tám", "Bao giờ cho đến tháng mười"... Những bộ phim ấy "sệt mùi" chiến tranh mà vẫn được không ít bạn trẻ đón nhận, nhất là trong những tuần lễ Liên hoan phim được tổ chức thường niên tại Việt Nam. Hoặc khi những bộ phim này được trình chiếu tại các trường Đại học... Nghĩa là các bạn trẻ không hề từ chối hay không cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những bộ phim như thế. Đừng nghi ngờ hay xem nhẹ cảm quan thẩm mỹ của các bạn trẻ.

Sẽ có người phản ứng lại, vấn đề là họ có tự nguyện đến rạp không? Xem "chùa", xem "miễn phí" thì tính làm gì!!!

Mình thấy vấn đề nằm ở chính thực trạng này. Phim Hay, khán giả không Dở, vậy khâu nào còn yếu? Phải chăng đó là do khâu quản lý, tổ chức, cách thức phát hành phim, cách thức trình chiếu chưa hợp lý, nặng tính "bao cấp", thiếu tính cạnh tranh. Nhiều bộ phim, không chỉ phim lịch sử, được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đến trên chục tỷ đồng (tiền ấy chắc chắn không phải là tiền cá nhân, mà là tiền thuế do nhân dân đóng góp). Chính sách đầu tư của Nhà nước thể hiện nhận thức đổi mới, sự quan tâm thiết thực của chủ thể quản lý đối với sự phát triển các loại hình và hoạt động sáng tạo văn hóa – nghệ thuật... Điều này thật quý!

Tuy nhiên, lâu nay, xã hội ta đã tập nhiễm một quan niệm phổ biến: Của nhà nước là "của chùa", mà đã "của chùa" thì "cha chung không ai khóc, lắm sãi không ai quét chùa"...! Vì thế những bộ phim "được bao cấp" luôn tạo ra cho "người trong cuộc" tâm thế "bình chân như vại"..., khác hẳn tâm lý hồi hộp, lo lắng "như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm", nín thở chờ đợi những phản hồi từ hàng ghế khán giả của các nhà làm phim tư nhân. Không phải bỏ tiền túi, không cần tính đến lợi nhuận, nên những nhà làm phim cũng không cần nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khán giả. Khi phim được phát hành, lỗ hay lãi, không ai phải chịu trách nhiệm, cũng không bị xử lý kỷ luật vì đã sử dụng quỹ nhà nước không hiệu quả...

Khách quan nhìn nhận, các nhà làm phim – những người sáng tạo tâm huyết, không ai lại không yêu đứa con tinh thần của mình, không ai lại muốn nó vừa ra đời đã chết yểu!!! Lúc đầu, phim phát hành, không bán được vé, chắc chắn cũng có trăn trở, day dứt... Nhưng rồi chính tàn dư của cơ chế "bao cấp", lối tư duy sản xuất theo chỉ tiêu, theo "đơn đặt hàng", ngay cả với những lĩnh vực cần sự sáng tạo, cần tính trách nhiệm xã hội cao, đã dẫn tới hiện tượng phim làm xong là hết trách nhiệm, có khán giả hay không, khán giả nhiều hay ít thì cũng... MAKÊNO! Cách thức làm ăn không cần quan tâm đến nhu cầu đối tượng thưởng thức ấy thật khó có chỗ đứng trong cơ chế thị trường, lâu dần làm nản lòng khán giả, khiến khán giả thờ ơ với phim Việt Nam nói chung, phim được nhà nước "bao cấp" nói riêng.

Trong số những phim làm theo "đơn đặt hàng" ấy, có những phim hay, mang tính nghệ thuật cao, giá trị nhân văn - giáo dục sâu sắc, điển hình như Đừng đốt, không may, cũng phải chịu chung số phận, một khi khán giả đã quay lưng với điện ảnh nước nhà.

Nhưng rồi, buồn thì cũng chẳng làm được gì, bởi nói như ai đó từng nói , tại cái nước mình nó thế!

Chỉ mong sao, những bộ phim tuyệt vời như Đừng đốt, nếu không đạt được hiệu quả kinh tế thì hãy cố gắng làm cho hiệu quả xã hội của nó lan tỏa thật rộng bằng cách "tình cho không, biếu không" – chiếu phục vụ miễn phí cho toàn thể quần chúng nhân dân... Biết đâu, nhờ cách phát hành phim "bất đắc dĩ", "hổng giống ai" này, chúng ta lại có cơ hội trở về với cảm nao nức, phấn chấn khi xưa – cái thời bao cấp nghèo mà đẹp – mỗi lần chờ đón đội chiếu bóng về ngang qua làng, qua xã, qua từng xóm nhỏ... Ngày xưa...[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Buồn cho bộ phim Việt Nam: "Đừng đốt"

Gửi bàigửi bởi quananh » Thứ 7 23/05/09 23:41

Hoan hô anh/chị Le Trúc Anh, em đọc mà thấy vơi bớt nỗi buồn rồi :( :) :D :mrgreen:

Em thấy, người xưa có câu : "Có chí làm quan, có gan làm giàu" quả không sai. Ở đây không bàn đến tính thương mại, mà là bàn đến việc "làm giàu" lượng khán giả vào rạp (đương nhiên "giàu" khán giả thì ắt sẽ giàu mấy "cái khác"). Có thể làm công tác tư tưởng với một số rạp nổi tiếng, thuyết phục để họ "dám" công chiếu những bộ phim về cơ bản là "kén" khán giả. Hoặc ý kiến về công chiếu miễn phí để thu hút khán giả cũng là một ý kiến không tệ chút nào.

Sau khâu công chiếu, em nghĩ, có thể nên phát hành đại trà bằng một số lượng băng đĩa (có giới hạn) để khán giả có thể tìm mua. Nếu họ ngại (hoặc lười) ra rạp, thì có thể mua đĩa về mà xem. Theo em, chẳng có chỗ sản xuất băng đĩa lậu nào "dám" in sang lậu phim ấy đâu (khả năng thương mại của phim ấy đâu có cao, in sang ra có mà lỗ). Vấn đề là đầu ra cho các sản phẩm mà thôi. Giải được bài toán ấy, sẽ giải được các vấn đề về lòng tin của khán giả về phim mang chủ đề chiến tranh Việt Nam.

Ôi, có ngồi đây mà bàn thì em nghĩ chắc cũng sẽ mất một khoảng thời gian dài mới có thể làm thay đổi mọi thứ, liệu mình có cách nào để những tác phẩm về sau không đi vào vết xe đổ của các "tiền bối" không nhỉ? Chứ cứ ngồi viết thế này, thì cũng chẳng có tác dụng gì.
Học, học nữa, học mãi, hộc máu!!!!!!!
Hình đại diện của thành viên
quananh
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 2 06/10/08 13:20
Đến từ: Giengel, Bayern, Deustchland
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Buồn cho bộ phim Việt Nam: "Đừng đốt"

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Chủ nhật 24/05/09 9:13

Cảm ơn TV Lê Trúc Anh và các bạn đã đồng cảm cũng như bức xúc cho bộ phim "Đừng đốt" cùng với mình.

Chủ nhật tuần trước mình đi Biên Hòa, khi đi ngang rạp chiếu phim trên ấy mình thấy treo băng rôn quảng cáo cho bộ phim "Đừng đốt" lòng bỗng thấy như reo vui. Ôi thôi, khi nhìn kỹ thì thấy rạp vắng như chùa Bà Đanh, lại thấy chạnh lòng...

Đúng như một số ý kiến, nếu nhà sản xuất làm tốt động tác PR cho bộ phim, đưa "Đừng đốt" đến gần hơn với công chúng thì có lẽ hiệu quả hơn rất nhiều (Hôm mình đi xem phải gọi điện thoại hỏi nhiều nơi mới biết được phim chiếu ở fafilm đường Thái Văn Lung, Q1. Hiện giờ một số đồng nghiệp của mình muốn xem mà chẳng biết ở đâu chiếu!). Có sáng kiến nên phát động cho Đoàn Viên, Đội viên trong các trường học, cơ quan, đoàn thể xem kiểu tập thể, mua vé với giá ưu đãi, điều này mình nghĩ là khả thi. Với dư âm vẫn còn đọng lại của quyển nhật ký Đặng Thùy Trâm, chắc chắn bộ phim sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và như thế sức lan tỏa của "Đừng đốt" sẽ không nhỏ...
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Buồn cho bộ phim Việt Nam: "Đừng đốt"

Gửi bàigửi bởi xanhnguyen » Thứ 6 05/06/09 23:41

[justify]Tiếp tục chủ đề này, xin được có đôi dòng về phim truyện nhựa Việt Nam thời gian gần đây:

I. Đừng đốt, cũng như không ít phim truyện nhựa của chúng ta (gọi tắt là phim truyện), từ thời bao cấp đã đành, mà ngay trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, đã được Ngân sách Nhà nước tài trợ. Số tiền làm một bộ phim không hề nhỏ, nhưng hiệu quả của sự đầu tư ấy ra sao? Điều này có lẽ cũng đã rõ. Người ta rất ít khi phát sóng các bộ phim ấy trên TV, mà đem ra các rạp trình chiếu với hy vọng sẽ thu lại số vốn đã bỏ ra, hay thậm chí “mơ về nơi xa lắm” là sẽ có khoản lãi nào đó. Nhưng thực tế thế nào? Tôi có anh bạn là đạo diễn điện ảnh, có lần nói vui về một bộ phim nghe đâu trị giá hàng chục tỷ đồng vừa được sản xuất, rằng, anh không dám đi đâu qua cái rạp đang chiếu phim đó, vì “Biết đâu có thằng hoá dại nào, hứng lên kéo vào xem thì...chết!”. Cười ra nước mắt! Các nhà làm phim hãy là những khán giả đầu tiên, vô tư và công minh nhất cho chính tác phẩm của mình.

II. Một bộ phim làm ra, nếu để tuyên truyền, thì nên chiếu miễn phí, như một khoản chi vì “lợi ích công”. Còn nếu muốn khán giả tự giác bỏ tiền túi ra vào rạp xem, thì đương nhiên phải hay! Như thế, phải làm người xem chỉ việc thốt lên: “Hay!”, mà quên mất mình đã mua vé với giá bao nhiêu. Tất nhiên, sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố nghệ thuật đích thực, và “thị hiếu bình dân” là vô cùng cần thiết. Không ít bộ phim chẳng hề có các “tiểu xảo” để “câu khách” như bạo lực, kinh dị, hay tình dục, mà vẫn được đón nhận rất nồng nhiệt, thậm chí trở thành kinh điển. Lại cũng thấy không hiếm những bộ phim với kinh phí nhỏ mà đã mang về số lượng lớn tượng vàng Oscar!

III. Vậy phải chăng, vấn đề ở khâu quản lý, mà quan trọng là các tiêu chí, cũng như năng lực thẩm định nghệ thuật của các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm? Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, cốt lõi sâu xa, vẫn là cái tâm, cái tài của các nhà làm phim. Thời gian sẽ không thể “đánh chìm” Chiến hạm Pachomkin, hay người ta sẽ còn hoài vọng Bao giờ cho đến tháng Mười![/justify]
RANDOM_AVATAR
xanhnguyen
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 4 04/03/09 20:41
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Buồn cho bộ phim Việt Nam: "Đừng đốt"

Gửi bàigửi bởi ngoc_nu » Thứ 6 30/04/10 19:59

Hôm bộ phim "Đừng đốt" chiếu ở nhà thi đấu đa năng ĐH KHXH&NV cơ sở Thủ Đức, các bạn sinh viên đã xem rất háo hức, ngay tối ấy, trên yahoo có bạn đã để những dòng status bày tỏ cảm xúc, lớp k2 có những bạn khóc nấc lên, rùng mình...Chứng tỏ còn một bộ phận các bạn trẻ cũng rất quan tâm đến dòng phim chiến tranh :)
Hãy vươn đến bầu trời*dù không hái được những vì sao*nhưng bạn có thể đứng cùng các vì tinh tú*
ngoc_nu
 
Bài viết: 180
Ngày tham gia: Chủ nhật 19/04/09 9:42
Đến từ: AL-BD
Cảm ơn: 3 lần
Được cám ơn: 6 lần


Quay về Thư giãn văn hoá học: nghệ thuật

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến4 khách