Bạn đang xem trang 1 / 2 trang
Nhân sự cố Vàng Anh bàn về“Tình dục thoáng" tuổi học đường
Đã gửi:
Thứ 3 13/11/07 20:57
gửi bởi ngocthem
Hôm thứ 7 (10-11) vừa qua, báo Tuổi Trẻ có liên hệ nhờ tôi viết cho một bài để kết thúc diễn đàn “Tình dục thoáng": chuyện bình thường tuổi học đường? Mặc dù trong giai đoạn đang rất bận, nhưng thấy vấn đề quan trọng, tôi đành nhận lời.
Tôi phải dành một ngày để xem lại tất cả các ý kiến đã đăng tải trên báo trong nửa tháng. Và dành ngày thứ hai để viết bài.
Tôi nhặt ra những bài tôi cho là đáng đọc hơn cả đưa vào diễn đàn để chúng ta cùng đọc và thảo luận.
[center]Điều gì đang xảy ra với giới trẻ?[/center]
Thứ Bảy, 27/10/2007
TT - Từ cà phê lùm, cà phê chòi Sài Gòn tiến đến cà phê giường Hà Nội, rồi “quả bom Vàng Anh” và hàng loạt biểu hiện yêu “bạo” khác của giới trẻ 8X, 9X đã khiến nhiều người giật mình, sững sờ ! Điều gì đang xảy ra với giới trẻ?
Những hiện tượng trên có phải là một kiểu chứng tỏ của người sành điệu hay là một sự thay đổi có tính “lột xác” của giới trẻ trong chuyện yêu đương...
1. Thời gian gần đây đang có hiện tượng nhiều bạn trẻ thể hiện những dấu hiệu lạ trong cách thức bộc lộ mình, nhất là ở lĩnh vực rất nhạy cảm là tình yêu và hệ quả của tình yêu. Đã không còn là cá biệt, ngày nay, không ít bạn trẻ khi yêu nhau thường đặt vấn đề “tới luôn” với người yêu, và xem như đó là một minh chứng hay một hình thức của lối sống hiện đại, sành điệu...
Chuyện các teen công khai hôn nhau tình tứ và điệu nghệ trước chốn đông người không phải là cảnh ít gặp, nhiều bạn còn tự hào kể với bè bạn về những trải nghiệm phòng the như để khoe “chiến tích”... Trong giảng đường, thậm chí cả lớp học, SVHS nhiều khi hết sức thoải mái âu yếm nhau một cách công khai như... biểu diễn!
Mới đây nhất, khi một số nhân vật của tình yêu trở thành diễn viên tự biên tự diễn, thì hình thức yêu “bạo” càng được giới trẻ quan tâm theo kiểu háo hức “đón xem”! Nhiều chuyện tình dục ly kỳ lưu hành ngoài “nội bộ” được các bạn trẻ chú tâm săn lùng, và trao đổi một cách thoải mái mà không ngại bị người lớn la rầy, trách cứ... Điều gì đang xảy ra đây? Hiện tượng này có phải phản ánh điều gì đó đang diễn biến bất ổn trong nhận thức và cách thức trải nghiệm cuộc sống của giới trẻ?
Đã có vô số ý kiến đề cập tình trạng này trên các phương tiện truyền thông, và cũng đã có quá nhiều trăn trở xuất phát từ tâm huyết của những nhà giáo dục, của công chúng... Nhưng hãy thử đặt vấn đề về nguồn gốc của hiện tượng này, tại sao lại như vậy và điều gì sẽ bộc lộ nối tiếp...
2. Nhiều người cho rằng vì xã hội phát triển quá nhanh, sự thay đổi nhận thức của con người quá mạnh mẽ, các giá trị xã hội biến đổi chóng mặt... nên đã tự nhiên hình thành một nếp nghĩ mới, táo bạo, hiện đại, thực tế và có khi thực dụng...Việc người lớn xây dựng chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi chưa theo kịp với sự bắt nhịp nhanh chóng của lớp trẻ đã làm khoảng cách trẻ già ngày càng rộng hơn. Do đó, người lớn nhìn các bạn trẻ “sống” như vậy với lăng kính quá khắt khe và nghi ngại.
Với khuynh hướng chú trọng tính cá nhân, người trẻ cảm thấy việc thể hiện chuyện riêng tư của mình giữa cộng đồng là điều bình thường và không cảm thấy bất ổn khi ai đó “soi” mình. Người lớn lại cảm thấy như mình bất lực trước những sự việc chướng tai gai mắt ấy, khi bọn “trẻ ranh” không chịu nghe mình phân tích, và có khi còn muốn đối kháng lại với mình. Người lớn bực dọc nhưng không có cách nào để điều chỉnh bọn trẻ trở lại đúng quĩ đạo xưa nay nên đành... bó tay và chấp nhận như nó đã xảy ra!
Như vậy, một cách vô tình các bạn trẻ nhận biết được ưu thế của mình trước cộng đồng, trước người lớn, nên phát huy thắng lợi bằng việc tiếp tục tăng “đô” thực hiện hành vi tự do cá nhân theo cách của mình. Trong trường hợp này, có vẻ như chuyện tác động “nắn dòng” từ phía người lớn lại cho tác dụng ngược!
3. Có người lại nghĩ hiện đang có “cuộc cách mạng tình dục” không chỉ diễn ra với lớp trẻ mà còn ở các tầng lớp khác, khi ngày càng có nhiều hiện tượng vượt quá khuôn khổ truyền thống trong lĩnh vực này. Đó thật sự là “cuộc cách mạng” hay là “làn sóng mới” muốn thay đổi thói quen trong nhận thức, trong cách đặt vấn đề đối với các hành vi tình dục?
“Cách mạng tình dục”, một vấn đề thật lớn liên quan đến sự thay đổi không chỉ về hiện tượng mà là cả quan niệm, là định hướng chung của xã hội đối với vấn đề này. Đặt vấn đề “cách mạng tình dục” không chỉ để nói đến bề mặt của sự kiện nào đó, mà là sự quan tâm đến việc có hay không xu hướng thay đổi chuẩn giá trị.Và chúng ta phải làm gì để trả lời xác đáng vấn đề, chúng ta phải làm gì khi điều đó là có thật? “Cách mạng tình dục” nếu có sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các giá trị khác trong hệ giá trị truyền thống lâu nay ở nước ta?
4. Cũng có ý kiến cho rằng những hiện tượng trên đây chỉ là biểu hiện của sự nổi loạn trong lớp trẻ, là một cách thức khẳng định giá trị bản thân khi những hình thức khẳng định khác ít gây được hiệu quả!
Điều này có thể xem như một phản ứng tâm lý xuất phát từ khát vọng trưởng thành nhanh chóng, thành công nhanh chóng, nổi bật nhanh chóng... của người trẻ. Có thể người trẻ chưa chú ý đến vấn đề này, nhưng đó là biểu hiện của đặc điểm vô thức cộng đồng khi họ cảm nhận được năng lực của mình, khi họ nghĩ rằng mình có thừa sức để phát triển nhanh chóng và cân bằng.
5 Một số người lại quan niệm đơn giản, chẳng có điều gì phải bận tâm, đó chỉ là tính đa dạng của cuộc sống mà chúng ta lại quan trọng hóa lên thôi. Cuộc sống sẽ tự điều chỉnh, vì cuộc sống vốn rất công bằng với những thay đổi tích cực.
Còn bạn, những người trẻ, bạn nghĩ như thế nào về chính mình và bạn bè của mình trong chuyện này?
Tiến sĩ tâm lý ĐINH PHƯƠNG DUY
Re: Chuyện “Tình dục thoáng" tuổi học đường
Đã gửi:
Thứ 3 13/11/07 21:00
gửi bởi ngocthem
"Chuyện ấy" bây giờ đã khác xưa
TT - Hàng trăm email, thư của bạn đọc đã gửi đến Tuổi Trẻ xung quanh câu hỏi: "Điều gì đang xảy ra với giới trẻ?". Nhiều bạn ủng hộ cho lối sống "thoáng", không ít bạn lại đặt vấn đề về giáo dục, cách nhìn nhận của xã hội...
Xoay quanh câu chuyện này, PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, giảng viên Trường cán bộ TP.HCM.
* Google vừa có thống kê: năm nay là năm VN có số người tìm từ khóa liên quan đến "sex" cao nhất thế giới. Chị suy nghĩ thế nào về điều này?
- Thạc sĩ Lê Thị Linh Trang: Còn nhớ cách nay khoảng năm năm khi tôi làm dự án về sức khỏe sinh sản, tiếp xúc với học sinh THPT và THCS, tôi hỏi: "Nam và nữ khác nhau chỗ nào?", các em mắc cỡ: "Cô này kỳ ghê, nam tóc ngắn, nữ tóc dài chứ sao".
Năm ngoái cũng dự án như thế, hỏi cùng câu hỏi thì rất nhiều em đưa tay phát biểu tỉnh bơ: "Con trai có tinh hoàn, con gái có buồng trứng". Rồi cả lớp đập bàn, vỗ tay ì xèo. Nói để thấy các bạn trẻ đã rất khác trong cách tiếp nhận thông tin và thái độ đối với "chuyện đó”. Con số Google thống kê có thể là một đánh động mà cũng có thể chưa nói lên gì hết. Trước đây người ta có tìm tòi "sex" qua sách báo không? Có thể có nhưng do mình không có cách thống kê như ngày nay nên không có điều kiện so sánh.
* Người ta có thể ghi lại hình ảnh ân ái khi yêu nhau, rồi người khác đem đi phát tán mà không có cảm giác mắc cỡ ngại ngùng. Phải chăng có một chuẩn mực gì đó đã đổ vỡ ở đây?
- Từ xưa đến giờ mình nói quan điểm sống VN là kín đáo. Chuẩn mực không chỉ là luật pháp mà còn là thuần phong mỹ tục, văn hóa. Khi người ta thấy cái gì không phải chuẩn mực thì lên án. Còn bây giờ xã hội đang bùng nổ thông tin, tràn ngập lối sống và văn hóa khác nên con người thay đổi...
Ví dụ, trước đây ai làm gì cũng bị dòm ngó dữ lắm, nay ai có để ý chuyện này chuyện nọ thì cũng thấy đó là quyền cá nhân của người khác. Từ chỗ đó họ có làm gì, dù không đúng thì mình vẫn thấy người ta có quyền làm. Dần dần người ta cảm thấy "thoáng" hơn vì không bị ai lên án cả.
* Khi chị tiếp xúc với các bạn trẻ để tư vấn tâm lý, chị thấy cái gì tác động lên họ nhiều, dẫn đến quan niệm và hành vi "tình dục sớm", sống "thoáng" như thế?
- Nhiều yếu tố. Giao lưu xã hội cởi mở hơn, dậy thì sớm, gia đình giáo dục con cái theo khuynh hướng độc lập, bình đẳng hơn, tiếp cận thông tin hiện đại... Nói chung người nhỏ thấy người lớn có phương tiện gì mình cũng có thể có, người lớn sử dụng được công nghệ cao, mình cũng sử dụng được, thậm chí tốt hơn.
Hồi trước mình chỉ có thể tập tành làm người lớn bằng cách mang đôi guốc, mặc cái áo, hút điếu thuốc. Còn nay phương tiện gì mình cũng có thì một hành vi thể hiện mình lớn là… "chuyện ấy".
* Nhiều bạn trẻ viết cho Tuổi Trẻ nói chuẩn mực chung, giá trị truyền thống trong xã hội VN bị gãy đổ. Cho nên một bộ phận giới trẻ mới sống như vậy. Theo chị, cách nói đó có đúng không, đúng ở mức độ nào?
- Theo tôi, có một phần đúng, trong một bộ phận nào đó. Như người ta nhìn thấy nhiều tiêu cực trên báo chí, phương tiện truyền thông và dư luận, riết thành quen. Có học trò nói với tôi ba mẹ dạy con phải làm cái này, làm cái kia, toàn điều hay. Nhưng đến khi con nhìn thấy thì: mẹ "tiếp tay" để ba tham nhũng, ba thì ngoại tình... Có chuẩn mực nào trong gia đình không? Xã hội mà nơi đó những chuyện xấu không được giải quyết đến nơi đến chốn thì giá trị truyền thống chỉ còn là lý thuyết.
* Và do đó mà việc lớp trẻ suy nghĩ lệch lạc là một hệ lụy?
- Có một ca tư vấn của tôi với nữ học sinh 16 tuổi quen một anh chàng đã học đại học. Mâu thuẫn của em này: biết những chuyện "xác thịt" là chuyện lợi dụng nhưng mà em vẫn thích gặp anh chàng kia. Nghĩa là em này hoàn toàn nhận thức được việc mình dính vào không phải là đúng nhưng không có lối thoát. Hỏi ra thì biết ba mẹ chỉ nói chuyện với em theo kiểu giáng từ trên xuống, mà nói theo cách của em là không tin cậy vào em.
Những chuyên gia nước ngoài trao đổi với chúng tôi thường nói: thay vì tạo nên môi trường chân không thì chia sẻ nền tảng, các phương pháp suy nghĩ đúng - sai, từ đó con cái tự lựa chọn cho mình cách tiếp cận tích cực. Làm sao chặn lại nhu cầu bình thường của con người khi qui luật tự nhiên đến tuổi thì phải có. Khi anh chưa có cái laptop hay điện thoại di động, anh thấy người ta xài sao "vĩ đại" quá. Nhưng khi anh đã có anh mới thấy nó cũng "thường thôi". Xã hội mình nền giáo dục cũng như gia đình đã quen coi "chuyện ấy" là bất thường nên khi con cái có nói đến thì cứ úp úp mở mở.
* Nhưng ngay cả xã hội ta lúc này cũng còn chưa sẵn sàng với những chuyện như vậy?
- Đúng vậy. Nên mới có chuyện "chường" mặt nạn nhân lên tivi mà tưởng là mình đang thương cảm, ủng hộ các em. Lẽ ra phải chỉ ra rằng việc làm đó thật sự khiến chúng tôi đau lòng, để các em thấy đó không phải là việc đáng ủng hộ. Trong khi đó, nhiều người khác lại xúm vào chửi các em. Đó là thái độ của một xã hội không sẵn sàng trước những sự kiện.
Chúng ta phải có dự báo trước những điều này khi xã hội phát triển, khi những luồng thông tin, văn hóa tác động nhiều chiều đến giới trẻ, khi VN gia nhập với thế giới toàn cầu thì chuyện sex của giới trẻ là bình thường chứ không phải quá bàng hoàng, ầm ĩ quá mức. Một chiến lược quốc gia về xây dựng giá trị con người cần thiết được chú trọng mà trong đó những thang giá trị nhân văn phải có ngay trong chương trình giáo dục.
ĐẶNG TƯƠI thực hiện
Re: Chuyện “Tình dục thoáng" tuổi học đường
Đã gửi:
Thứ 3 13/11/07 21:01
gửi bởi ngocthem
Có một bức tường giữa tôi và con…
TT - Hiểu con gái, không ai bằng mẹ! Nhưng đó là chuyện… mấy chục năm về trước! Phải tới vụ "yêu" lùm xùm gần đây của một cô diễn viên tuổi teen, nhiều bà mẹ mới giật mình bất giác kiểm tra lại, rồi tự hỏi: "Mình đã hiểu gì về con và thế giới của con?".
Câu trả lời là không, không chỉ riêng với hai bà mẹ dưới đây mà có lẽ còn nhiều bà mẹ khác...
Tôi đứng bên lề cuộc đời của con !
Chị T.P. - một bác sĩ dinh dưỡng - hết sức tự hào vì không thể ai hơn chị về khoản nuôi con khoa học! Con gái chị vào tuổi teen, hay nói với mẹ ăn uống thế nào để đẹp da, bụng thon, ngực nở... Chị không chống đối con chuyện chăm chút thể hình, nhưng chị áy náy vì sao con lại quá quan tâm đến nhan sắc. Chỉ cần chị khuyến cáo không ăn, uống món gì đó vì có hại cho răng, tóc, da... là con chị lập tức từ bỏ. "Ăn gì cho đẹp" dường như là chủ đề duy nhất để hai mẹ con đối thoại thoải mái với nhau.
Chị yên tâm vì con gái luôn tìm đến mẹ như một "chuyên gia ruột"! Một lần con đi học vội vàng không khóa cửa, chị vào phòng con. Căn phòng quá bừa bãi, lộn xộn... Chị mất cả buổi dọn dẹp, lau chùi. Vậy mà chiều con bé về nhà, nó làm ầm lên vì sự "đột nhập" của mẹ. Nó gặng hỏi mẹ có lấy cái này, cái kia của con không. Chưa bao giờ chị cảm thấy nó giận dữ như thế. Thông thường nó sẽ bị mẹ mắng vì để căn phòng lôi thôi, đằng này con chị lại lên lớp mẹ về sự vi phạm "lãnh thổ" người khác là một biểu hiện của sự không tôn trọng con cái.
Chưa hết, ngay hôm sau con chị vác về nhà một tấm bảng, treo trước cửa phòng "My room, my mess and my business!" (Phòng của tôi, sự lộn xộn của tôi và đó là chuyện của tôi). Kể từ đó, chị mới biết mình thật sự đứng bên lề cuộc đời của con. Chị thẫn thờ, tìm và ngắm lại những tấm hình thời con lên ba, lên năm... quấn quít không muốn rời mẹ. Vậy mà điều gì khiến hai mẹ con bây giờ xa cách thẳm sâu?
Chị nhớ lại một lần khi coi phim Nhật ký Vàng Anh, con gái chị trề môi: "Mấy nhỏ trong phim giả bộ ngây thơ cụ, chỉ toàn là tình bạn trong sáng xạo!". Quả nhiên, qua sự cố " Vàng Anh" trên mạng, con chị lại càng thản nhiên: "Đứa nào cũng thế, có gì mà coi". Chị như rơi xuống vực: "Liệu con mình có thế không?".
Máy tính và Internet thay tôi làm mẹ !
Chị L.H. là biên tập viên một nhà xuất bản. Đứa con gái đầu hồn nhiên, vô tư chỉ biết học hành; tốt nghiệp ĐH, ra trường rồi đi làm mà còn mắc cỡ với mẹ: "Con chưa biết yêu!". Nhưng đứa con gái thứ hai, từ năm lên 15 tuổi, lại trở thành "người bí ẩn" trong nhà. Chị nói: "Không thể áp dụng mô hình dạy dỗ đứa đầu cho đứa sau được! Tôi đọc cả đống sách về tâm lý trẻ do chính tôi biên tập, mà cảm thấy kém tự tin trước đứa con sáng nắng, chiều mưa. Trong mâm cơm hiếm khi con tôi ngồi chung với mẹ và chị. Nó bưng một tô chạy vào phòng đóng cửa lại. Vợ chồng tôi vừa mới ly hôn nên tôi lại càng khó dạy con. Chuyện gì nó cũng nói: " Má giỏi tâm lý vậy sao phải thất bại trong hôn nhân?".
Tôi cứng họng, chỉ còn biết cầu nguyện cho con mọi sự bình an. Bởi tôi không kiểm soát được các con, không biết thật sự trong đầu con tôi đang nghĩ gì. Ngay cả với đứa đầu mà bấy lâu tôi cho là rất ngoan hiền, song liệu có "không biết gì” như tôi vẫn nghĩ về con không? Thái độ của con gái út khiến tôi cảm thấy mình bất lực. Tôi dò la hỏi để biết con có xem những đoạn phim "nóng" trên mạng không, nhưng mới mở lời con tôi đã gạt ngay: "Mệt quá ! Má hay nghi ngờ quá, xem thì sao mà không xem thì sao. Cũng vậy thôi!".
Tôi không hiểu con tôi nói gì, nhưng rõ ràng con không muốn tôi tham dự những cuộc tranh luận về cuộc đời mà con tôi thường bàn tán rất nhiệt tình với bạn bè. Con tôi gần như bóng hình với chiếc laptop, món quà của bố tặng nhân dịp sinh nhật 16 tuổi. Hôm nào vui nó ào vào phòng háo hức gõ gõ, hôm nào buồn cũng ôm máy rúc vô phòng.Chiếc máy tính và Internet thay tôi làm mẹ nó rồi!".
Câu chuyện của hai bà mẹ đều dở dang vì không ai biết được điều mình muốn biết: Con gái mình đã "quan hệ"chưa? Với ai?... Thương con hết mực, nuôi con chu đáo, trang bị cho con vật chất đủ đầy, nhưng còn hiểu con, đồng hành với con, dạy con... thì với không ít bà mẹ đó là một việc quá sức, quá khả năng các chị!
pchnhon@...
Re: Chuyện “Tình dục thoáng" tuổi học đường
Đã gửi:
Thứ 3 13/11/07 21:04
gửi bởi ngocthem
Sex - "quả chín" của tình yêu
TT - Hà Kin là một trong những blogger 8X đình đám nhất hiện nay ở VN. Cô gái Hà Nội này là tác giả cuốn tự truyện đầu tiên trên blog Việt được xuất bản thành sách - Chuyện tình New York. Với bài viết dưới đây, Hà Kin muốn góp vào diễn đàn một góc nhìn của cô...
Từ trước tới nay, cái chủ đề luôn luôn gợi sự tranh cãi không bao giờ dứt là việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Thế là đúng hay sai? Thế là tốt hay xấu? Hay thế là bình thường?
Tranh cãi, rồi tranh cãi
Nhưng có lẽ cần phải có một sự rõ ràng trong quan điểm mà đôi khi do tranh cãi nhiều quá chẳng ai nhìn ra, và cũng chính vì thế mà vẫn cứ... tiếp tục tranh cãi. Đó là cần có sự tách biệt giữa việc quan hệ sớm, quan hệ bừa bãi và quan hệ không an toàn với việc quan hệ - trước - hôn nhân. Bởi vì, quan hệ - trước - hôn nhân không hề là một việc xấu khi bạn: không quan hệ sớm, không quan hệ bừa bãi, quan hệ không an toàn!
Tuy nhiên, cái trên chỉ là hệ quả, cái gốc của vấn đề vẫn là quan niệm: "quan hệ trước hôn nhân thể hiện sự dễ dãi và không đoan trang của người con gái". Và trong xã hội hình thành một bộ phận tập thể tự cho mình cái quyền đánh giá người khác; và một bộ phận phải hứng chịu sự dè bỉu coi thường bởi những lời đánh giá đó. Có thể nói, cái quan niệm quan hệ trước hôn nhân là một quan niệm làm khổ người phụ nữ!
"Sex", đơn giản chỉ là một nhu cầu bản năng của con người. Có thể bạn phì cười đấy, nhưng nó chẳng khác gì việc bạn muốn xem phim, uống nước hay đi vệ sinh đâu. Cái khác là nó cần có độ tuổi và sự chín chắn để thực hiện. Khi tình cảm tiến tới một độ chín nhất định, con người muốn tiến tới một sự vượt xa hơn tinh thần, đó là thể xác. Đây là một qui luật hoàn toàn tự nhiên.
Lâu nay mải tranh cãi mà người ta không nhận ra một điều rằng sex chính là một bộ phận hữu cơ của tình yêu. Một tình cảm sâu sắc và một sự hòa hợp trong tình dục sẽ tạo nên một mối quan hệ bền vững. Cho dù không muốn nhưng ai cũng phải công nhận một điều, dù đã cưới nhau rồi, nhưng nếu không có sự hòa hợp trong tình dục thì chỉ thấy thêm tiếc cho đôi vợ chồng đó vì đã không "khám phá” ra nhau sớm hơn mà thôi. Và có những lúc sự hòa hợp về thể xác sẽ đem tới tình yêu về tinh thần.
Phụ nữ quá nhiều thiệt thòi
Bởi vì ông trời bất công sinh ra người phụ nữ có cái màng trinh, nên họ sẽ "bị” phát hiện mình đã quan hệ hay chưa, trong khi đàn ông thì không tài nào kiểm chứng được. Và từ đây hình thành nên quan điểm, trinh tiết là một điều vô cùng quan trọng, để biết người con gái đó có đoan trang hay không. Trong sex, lúc nào người đàn ông cũng là "được", còn người phụ nữ là "mất", trong khi cái sự sung sướng thì chẳng của riêng ai. Một người phụ nữ khi bị phát hiện là đã từng quan hệ thì thật khó tìm thêm người yêu mới hoặc lấy chồng, còn đàn ông thì chẳng ai quan tâm. Hóa chăng người phụ nữ quá thiệt thòi, và một quan niệm đang cho người đàn ông quá nhiều đặc ân? Không chỉ đặc ân, người đàn ông còn được quyền lấy đó để đánh giá tư cách của người phụ nữ.
Bản chất dễ dãi và lẳng lơ không hề phụ thuộc vào cái màng trinh. Bởi vì nếu cứ đó mà suy luận, thì bây giờ cứ vào bệnh viện "vá lại cái ấy" là con người lại trở lại đoan trang, nhu mì! Quan niệm đề ra và buộc con người phải tự sống với nhau trong sự giả dối. Nếu bản chất một người phụ nữ là chung thủy, thật sự biết yêu hết mình, thì dù cô ta có làm chuyện đó hay chưa, cô ta cũng không thể nào thay đổi. (Không tính tới những trường hợp do cuộc đời xô đẩy dẫn tới "biến thái").
Người ta chỉ được quyền dè bỉu ngấm nga khi thấy một cô mỗi hôm ôm một anh, hôn một anh, lẳng lơ đánh mắt đưa tình với vài anh…Còn lại chẳng ai được quyền đánh giá bạn khi bạn ở bên cạnh người yêu thật sự của mình, cho dù bạn có làm việc "gì gì” với "người ấy" đi chăng nữa.
Và hệ quả xấu!
Trong khi quan điểm của xã hội vẫn nặng nề và một số vẫn kịch liệt phản đối chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân, thì một hiện tượng nổi lên lại thấy rất rõ là giới trẻ ngày càng quan hệ sớm hơn, bừa bãi hơn .Và tất nhiên, do còn quá trẻ, quá bồng bột nên để lại những hậu quả tai hại. Thậm chí, rất nhiều người tuyên bố trước một xìcăngđan ầm ĩ về sex trên mạng gần đây: "Chuyện đó quá bình thường, ai mà chả làm thế, sao cứ phải làm to thế!". Cái này thì lại phải gọi là sự quá dễ dãi trong suy nghĩ.
Đúng thế, các bạn ạ, ai cũng thấy nó bình thường, ở "tuổi đó” là bình thường. Nhưng chắc chắn là không ai muốn em gái mình, con gái mình được bình thường ở "tuổi đó”, và được "bình thường" cho cả thiên hạ lôi ra làm trò cười. Có lẽ quan điểm "bình thường" này lại xuất phát từ cái sự "kềm kẹp" từ quan niệm trên, khi thế hệ mới muốn phá bung nó ra nhưng lại chưa biết cách và lại thái quá. Một hệ quả xấu!
Vậy nên chỉ có thể kết luận được rằng đừng nên "quá” ở bất cứ quan điểm gì, cho dù là của chung xã hội hay của riêng bản thân mình. Hãy đánh giá mỗi sự kiện bằng con mắt thực tế nhất.
Với một tình yêu chân chính, thật sự, đủ tuổi để hiểu và biết bảo vệ bản thân trước những gì mình làm; thì cho dù bạn có cưới hay chưa, việc bạn đã quan hệ tình dục là một việc thật sự bình thường như đúng nghĩa đen của nó!
HÀ KIN (Hà Nội)
Re: Chuyện “Tình dục thoáng" tuổi học đường
Đã gửi:
Thứ 3 13/11/07 21:05
gửi bởi ngocthem
Giáo dục giới tính: "đi lòng vòng trong hẻm"
TT - Qua kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, chúng tôi có thể công bố một con số giật mình: phải đến hơn 60% các em HS cấp II, đặc biệt khối 8-9, đã hiểu, đã biết thế nào là quan hệ nam nữ !
Ngay từ trường sư phạm, các giáo trình giáo học pháp đều ra rả về những biến đổi tâm sinh lý lứa tuổi HS THCS, những cách đối xử sao cho phù hợp tâm lý các em. Nhưng làm thế nào để hướng dẫn các em cách thức ứng xử và tự bảo vệ mình trước những biến đổi đó, trước mối quan hệ giới tính có thể xảy ra thì sách từ... né đến bỏ trắng!
Vì thế, khi xuống trường phổ thông giảng dạy, không có bài giảng nào dám đi thẳng ra “quốc lộ”, nói thẳng nội dung giáo dục về vấn đề này, mà toàn đi lòng vòng trong hẻm... Chúng ta còn cố tình gọi tránh đi là giáo dục giới tính! Không thầy cô nào “gan” đủ lớn để đề cập chuyện này với HS của mình dù là nói xa, nói gần... Ngay bộ môn sinh học ở cấp THCS có hẳn một chương về sinh lý người, thì các thầy cô cũng cố mà giảng cho nhanh, cho qua phần lý thuyết khô như ngói. Còn phần thực tiễn “cây đời mãi xanh tươi” thì không ai dám động đến cho khỏi mang...vạ mồm!
Còn ở bộ môn giáo dục công dân, cũng có một phần trong chương trình lớp 9 nói về Luật hôn nhân - gia đình. Các thầy cô cũng chỉ dừng lại ở phần giảng về việc tảo hôn, kết hôn trước tuổi cho phép, nói chung là chỉ nói pháp luật.
Còn cái mặt sau của pháp luật - là các biện pháp ngăn ngừa cho khỏi vi phạm pháp luật thì chỉ có thầy cô nào tâm huyết lắm, hoặc đã lập gia đình rồi mới dám “đá” qua sơ sơ, cho học sinh hiểu tới đâu thì hiểu! Còn phần lớn là “dạy chay”, nghĩa là chỉ nói về đám cháy ở xa (vi phạm pháp luật) mà không để ý gì đến những tàn lửa gần (việc yêu đương và quan hệ với nhau một cách tự do, phóng túng, thiếu hiểu biết sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng gì!).
Đó là chưa kể nhiều khi thầy cô nào nói kỹ chuyện trên một chút, HS về nhà kể lại không rõ, phụ huynh còn tới mắng vốn nhà trường: “Trời ơi, thầy A , cô B dạy con tui gì kỳ quá”. Mới rón rén ló ra chút miếng khôn cho các em, thế là thầy cô rụt vô luôn!
Trường học nào cũng có phòng y tế. Nhưng không phải trường nào cũng có phụ trách phòng y tế là bác sĩ. Nên mảng tư vấn sức khỏe sinh sản cho HS, cho giáo viên hầu như bỏ trắng. Ấy vậy mà năm nào liên ngành giáo dục - y tế TP cũng tổ chức 2-3 cuộc thi tìm hiểu và phòng chống HIV/AIDS. Học sinh đi thi học như vẹt về ba con đường lây nhiễm.
Nhưng ngay cả khi lên trả bài, các em đều nói rất to về đường máu, đường từ mẹ sang con, đến phần đường tình dục thì hầu như em nào cũng ri rí trong miệng! Dường như trong vô thức các em cũng cảm thấy rằng nói đến hai từ trên là xấu, là bậy bạ hết chỗ nói! Cái tư duy này ở HS cho thấy sự thất bại của việc giáo dục giới tính trong nhà trường! Thiếu sự hiểu biết trong việc tự bảo vệ mình, thiếu chuẩn bị kiến thức tình dục, nên các em không có bản lĩnh nói “không” với chính ham muốn bản năng của mình. Nên hươu chạy sai đường là cái chắc!
Việc học sinh hiểu tự phát, học tự phát về những điều được coi là “lãnh địa cấm” của người lớn; việc tránh né giảng dạy, trao đổi, hướng dẫn các em những chuyện được đánh giá là nhạy cảm của người lớn; việc xã hội và ngành giáo dục chưa thấy hết tầm quan trọng của giáo dục kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính cho lớp trẻ là những nguyên nhân chính dẫn đến các hệ quả mà ta đã thấy nhãn tiền.
Phụ huynh có con em là nạn nhân thường than khóc: “Trời ơi! Sao con tôi dại quá!”. Nhưng để “dạy khôn” cho các em thì... biết trông vào ai bây giờ? Thầy cô mà còn bó tay, huống chi ai...
MINH LÂM (Gò Vấp, TP.HCM)
Khảo sát chuyện “quan hệ” ở lứa tuổi học đường (16 -21)
Trong số bạn “có” “quan hệ”, HS cấp THPT chiếm đến 90,32%. Với tỉ lệ nam: 74,19 % , nữ : 25,81% .
Cuộc khảo sát bỏ túi này đã được báo Tuổi Trẻ thực hiện trên 408 bạn từ 16-21 tuổi (độ tuổi lớp 10 đến năm 2 ĐH), hiện đang học tại ba trường THPT và ba trường ĐH ở TP.HCM.
Xin đừng chỉ trách giới trẻ!
Trước đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi được học về cơ thể con người qua vài tiết sinh học và chỉ là thoáng qua. Mỗi khi học sinh có thắc mắc gì thêm thì cô giáo hoặc đỏ mặt, không trả lời, hoặc bảo là: "Các em còn nhỏ, không nên biết!". Đã có lần tôi đọc trên mục trả lời về sức khỏe của một tờ báo, có bạn đọc nọ (trên 18 tuổi) hỏi rằng: "Em và bạn trai đã hôn nhau. Em có thể có em bé không?". Khi đọc được bài báo đó, tôi đã nghĩ rằng họ không có một chút kiến thức nào về sức khỏe sinh sản. Không hiểu các thầy cô giáo nếu đọc được điều này sẽ có suy nghĩ như thế nào? Họ có ray rứt và áy náy không?
Tại sao chúng ta không đề cập đến vấn đề đó một cách thật cụ thể, thẳng thắn trong chương trình giáo dục giới tính học đường, qua các bài học rút ra từ thực tế cuộc sống? Tại sao nhà trường không dạy các em biết cách bảo vệ mình? Tôi là một cô gái 8X, tôi công nhận hiện nay giới trẻ có cách nhìn nhận quá thoáng về tình dục trước hôn nhân. Nhưng trong vấn đề này có phần nào là lỗi của người lớn. Xin đừng chỉ biết trách giới trẻ!
NGUYỄN THỊ THÙY LINH (linh06111984@...)
Re: Chuyện “Tình dục thoáng" tuổi học đường
Đã gửi:
Thứ 3 13/11/07 21:06
gửi bởi ngocthem
Không "thoáng" mới là… bất bình thường !
TT - Cách đây mấy năm Trần Thu Trang - cô gái Hà Nội 8X - đã từng làm vô số cư dân diễn đàn mạng TTVN “phát sốt” lên vì những trang nhật ký tình yêu lãng mạn, lôi cuốn của cô với nickname T.I.O (thiếu iôt)... Dưới đây là một góc nhìn của Trang góp cùng diễn đàn.
Một trăm năm trước, nam nữ tỏ tình với nhau qua câu hò điệu lý, ánh mắt lén đưa qua vành nón.
Hai mươi năm trước, nam nữ tỏ tình với nhau qua tập thơ, cuốn truyện, bàn tay khẽ nắm dưới ngăn bàn.
Bây giờ nam nữ tỏ tình với nhau qua mail, chat, sms hay blog, ôm hôn nhau công khai chốn công cộng.
Một trăm năm trước, Truyện Kiều bị coi là dâm thư. Rất ít người biết đến sự tồn tại của cái gọi là phim.
Hai mươi năm trước, Truyện Kiều được giảng trong sách giáo khoa. Phim trên tivi không nhiều cảnh hôn nhau.
Bây giờ, số lần tìm kiếm từ khóa “phim sex Vàng Anh” trên Google áp đảo gấp nhiều lần từ khóa “Truyện Kiều”.
Một trăm năm trước, từ tránh thai chắc chưa xuất hiện trong đời sống hằng ngày của người Việt.
Hai mươi năm trước, chỉ những người phụ nữ đã có gia đình mới hiểu đi đặt vòng nghĩa là gì.
Bây giờ tờ rơi khuyến khích, hướng dẫn sử dụng bao cao su và thuốc tránh thai được phát khắp nơi.
Chúng ta thấy gì ở những mẩu so sánh trên? Chẳng cần phải vắt óc suy nghĩ nhiều lắm cũng có thể trả lời được. Đó là sự thay đổi. Kỹ thuật, công nghệ thay đổi làm hành vi, thói quen của con người thay đổi. Và sau đó các chuẩn mực, giá trị đạo đức trong xã hội cũng thay đổi theo. Không có gì là bất biến. Và quan niệm của giới trẻ về cuộc sống nói chung và tình dục nói riêng là thứ khó giữ im nhất. Một bộ phim nổi bật trên truyền hình, một bài viết đình đám trên blog hay một góc quảng cáo sặc sỡ trên báo, tất cả đều có thể gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu tới suy nghĩ của giới trẻ.
Hãy trở lại với phép so sánh:
Một trăm năm trước, người ta lập gia đình khi tuổi còn... teen (Lấy chồng từ thuở mười ba / Đến năm mười tám thiếp đà năm con).
Hai mươi năm trước, người ta lập gia đình khi vừa tốt nghiệp THPT và có việc làm đầu tiên.
Bây giờ, người ta lập gia đình sau khi lấy bằng cử nhân, thậm chí nấn ná sau thạc sĩ hoặc tiến sĩ và sau khi đi làm vài năm.
Nếu cứ suy diễn một cách ngây ngô dựa trên nền tảng lễ giáo phương Đông rằng việc quan hệ tình dục đúng mực đúng chuẩn chỉ có thể diễn ra sau hôn nhân thì phải đi đến một kết luận: Người VN càng ngày càng chậm phát triển về giới tính (dậy thì muộn) hoặc bất thường về tâm lý (bị ức chế hay vô cảm). Xét về y học, đây là một dấu hiệu đáng lo ngại, nó cho thấy tình trạng sức khỏe của thanh niên nước ta thật sự có vấn đề!
Tất nhiên, thực tế không hoàn toàn “bi đát” như vậy. Độ tuổi kết hôn của người VN có thể muộn hơn nhưng độ tuổi có quan hệ tình dục lần đầu thì loanh quanh trong khoảng 19-20. Điều này có nghĩa là tình dục trước hôn nhân - tình dục thoáng đang tồn tại và khá phổ biến. Nó cũng có nghĩa là nhiều người Việt trẻ đã và đang phát triển thể chất một cách hết sức bình thường, không suy dinh dưỡng, không rối loạn nội tiết tố, không ức chế tâm lý!
Đã có nhiều bài viết nói về những hậu quả của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân với những lời cảnh báo về nguy cơ có thai khi còn quá trẻ, hay về các bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, thậm chí hại tới tính mạng (HIV/AIDS). Thật ra những tổn thương thể chất ấy có thể phòng tránh khá đơn giản và hữu hiệu. Chỉ có những sang chấn tâm lý mới phức tạp, khó chống đỡ và kéo dài dai dẳng. Mà một trong những yếu tố ảnh hưởng nặng nề tới tinh thần người trong cuộc chính là thái độ của mọi người.
Đến bây giờ mà vẫn còn ngồi lắc đầu chép miệng chê trách hay lên án thì e rằng đã muộn mất rồi. Và cả những ý kiến bảo vệ quan điểm thoáng, kêu gọi sự thấu hiểu hay chấp nhận cũng đã không còn cần thiết nữa.
Chỉ nhìn vào lượng truy cập các web đen (mà theo báo chí thì nước ta đang đứng đầu thế giới về lệnh tìm “sex” trên Google), số nhà nghỉ đang kinh doanh, số thuốc tránh thai khẩn cấp đã tiêu thụ, số ca nạo phá thai, số trẻ bị bỏ rơi trong các bệnh viện phụ sản... là đủ biết những lời than vãn kêu gọi hô hào chẳng đem lại nhiều hiệu quả (thậm chí ở đâu đó trên mạng còn có ý kiến cho rằng “những kẻ than vãn hô hào cũng đi nhà nghỉ và xem phim sex bỏ xừ còn nói được ai!”). Nên chăng hãy dừng những diễn đàn tranh luận theo kiểu “for and against” (ủng hộ và phản đối) để tập trung những chủ đề thiết thực hơn như tình dục an toàn, tôn trọng mong muốn, bày tỏ cảm xúc, chịu trách nhiệm...
Và một phép so sánh cuối cùng:
Một trăm năm trước, phần lớn người dân không biết chữ, kiến thức về sức khỏe sinh sản lạc hậu.
Hai mươi năm trước, phần lớn người dân đã biết chữ, tin học võ vẽ, kiến thức về sức khỏe sinh sản sơ sài.
Bây giờ, phần lớn người dân biết chữ, nhiều người biết ngoại ngữ, rành Internet, kiến thức về sức khỏe sinh sản vẫn chưa đâu vào đâu!
TRẦN THU TRANG
Re: Chuyện “Tình dục thoáng" tuổi học đường
Đã gửi:
Thứ 3 13/11/07 21:13
gửi bởi ngocthem
[center]
Cần được hướng đạo từ tình yêu và hạnh phúc lâu dài!
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm [/center]
Thứ Ba, 13/11/2007, 01:02 (GMT+7)
Khởi đầu từ bài viết của tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy "Điều gì đang xảy ra với giới trẻ?"(Tuổi Trẻ 27-10-2007) nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc trẻ, Tuổi Trẻ quyết định mở diễn đàn "Tình dục "thoáng": chuyện bình thường tuổi học đường?" kể từ số báo ngày 30-10-2007.
Trải qua 14 kỳ báo (xuất hiện liên tục trên trang 11), diễn đàn đã thu hút hàng ngàn ý kiến - qua thư, email... - của nhiều thế hệ bạn đọc, từ những bạn trẻ thế hệ 8x-9x cho tới những bạn đọc đã bước vào cuộc sống hôn nhân, đã làm cha làm mẹ... Đã có nhiều ý kiến khác nhau về tình dục trước hôn nhân, sự "đụng độ” trong quan điểm về chuyện "thoáng" giữa người lớn và người trẻ, đặt ra vấn đề có hay không sự mâu thuẫn giữa chuẩn mực truyền thống và hạnh phúc hiện tại, chuyện "sống thử" và "yêu thử"...
Qua những bài viết đóng góp cho diễn đàn, có thể nhận thấy một điều cốt lõi: vấn đề nên hay không nên "thoáng" trong quan hệ tình cảm của giới trẻ ngày nay chỉ có thể được quyết định từ góc độ của tình yêu chân chính, của hạnh phúc đôi lứa. Và tình yêu sẽ đẹp hơn, lãng mạn hơn, trong sáng hơn với những người đang yêu khi được đặt trên nền tảng của sự giữ gìn, trân trọng giá trị bản thân của cả đôi bạn! Như ý kiến của một bạn trai: "Yêu là phải tôn trọng người mình yêu và tôn trọng chính bản thân mình!".
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thêm như một lời tạm kết cho diễn đàn này. Nhưng những vấn đề mở ra từ diễn đàn sẽ tiếp tục được đề cập trong những bài báo sắp tới về lối sống và tình yêu của giới trẻ. Xin chân thành cảm ơn sự theo dõi và đóng góp rất nhiệt tình của bạn đọc cho diễn đàn.
Tòa SoạnTình dục và hôn nhânTình dục là món quà tuyệt vời của tạo hóa. Tình dục có trước hôn nhân cả triệu năm. Như vậy, tình dục là lẽ tự nhiên, không có gì xấu.
Thời xa xưa, ở những vùng kinh tế hái lượm, nông nghiệp chiếm ưu thế như vùng Đông Nam Á, vai trò chủ đạo thuộc về người nữ, tạo thành truyền thống văn hóa mẫu hệ. Nhiều tộc người Việt Nam như Gia Rai, Ê đê... đến nay vẫn còn giữ tục người nữ chủ động tìm chồng, có giai đoạn sống thử để chọn được người nam ưng ý nhất rồi mới cưới chồng...
Đó cũng chính là truyền thống văn hóa tình dục của người Việt cổ trước khi tiếp xúc với Trung Hoa. Nghĩa là, trái với suy nghĩ nhiều người, truyền thống văn hóa tình dục ban đầu của người Việt đã từng chấp nhận tình dục trước hôn nhân và không hề biết đến "chữ trinh". Việc sống thử là một biện pháp hạn chế những sai sót trong việc lựa chọn bạn đời.
Còn những vùng kinh tế săn bắt, chăn nuôi chiếm ưu thế - Đông Bắc Á, phương Tây, vai trò chủ đạo thuộc về người nam, tạo thành truyền thống văn hóa phụ hệ. Người đàn ông là chủ sở hữu tài sản và người đàn bà. Cái "màng trinh" ở phụ nữ là một phát minh quan trọng đánh dấu quyền sở hữu ấy. Trong văn hóa phụ hệ, việc "sống thử" không cần đặt ra, vì nếu vợ thứ nhất không đạt yêu cầu thì có thể lấy vợ thứ hai, thứ ba... Trong kiểu văn hóa này, người phụ nữ trở nên lệ thuộc, yếu đuối, thiệt thòi. Kiểu văn hóa này từ Trung Hoa ảnh hưởng vào Việt Nam và trở thành chủ đạo trong giai đoạn sau.
Ở phương Tây thời trung cổ, cái nhìn về tình dục và tình dục ngoài hôn nhân hết sức khắt khe. Từ khi giai cấp tư sản nắm quyền, cá nhân được giải phóng, nhưng người đàn bà vẫn thuộc quyền sở hữu của người đàn ông, vì vậy tình dục ngoài hôn nhân bùng nổ. Những năm 1960-1970 nổ ra cuộc cách mạng tình dục. Tỉ lệ ly hôn tăng nhanh, tỉ lệ sinh sản giảm mạnh.
Trong xu hướng đó, cái mất nhiều hơn cái được: được tiền, được hưởng thụ, được giải trí, trong khi mất quá nhiều: nhạt tình, gia đình lỏng lẻo, sự bảo tồn nòi giống đáng báo động. Để bù lại, các chính phủ phương Tây khuyến khích sinh đẻ bằng mọi cách. Nhưng người ta vẫn không chịu đẻ, thà đi sang châu Á xin con nuôi còn hơn!
Chính trong bối cảnh đó mà một bộ phận trí thức phương Tây đã tìm về lối sống và tình dục truyền thống hoặc lối sống và tình dục phương Đông.
Ở Việt Nam, thời bao cấp, văn hóa tình dục người Việt rơi vào giai đoạn khó khăn nhất. Đời sống tình yêu tình dục của con người bị đè nén.
Bởi vậy, đổi mới như một luồng gió đã thay đổi tất cả. Người ta tò mò, người ta háo hức. Người ta lao vào.Việc thống kê của Google cho thấy năm nay Việt Nam có số lượt người tìm từ khóa "sex" cao nhất thế giới không có nghĩa là người Việt Nam ham sex nhất thế giới. Nó chỉ có nghĩa là người Việt Nam "đói" thông tin về sex vào loại nhất thế giới.
Khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, cũng có nghĩa là phải đồng thời chấp nhận hội nhập về văn hóa và lối sống ở một mức độ nhất định. Xu hướng tình dục "thoáng" hiện nay là một thực tế đã được báo động trước mà ta không thể nào tránh được. Trong những năm gần đây, nhiều nhà quan sát nước ngoài đã nói đến khái niệm "cách mạng tình dục" ở Việt Nam. Một cuộc "cách mạng" như vậy đã xảy ra ở Nga, đang xảy ra ở Trung Quốc và Việt Nam.
Giải pháp cho tình dục "thoáng" tuổi học đườngTình dục "thoáng" tuổi học đường là một phần trong bài toán xung đột văn hóa giữa các thế hệ. Mức độ xung đột thế hệ phụ thuộc vào tỉ lệ giữa mức độ bảo thủ của người lớn với mức độ thiếu hiểu biết của người trẻ.
Giải pháp duy nhất là phải có sự cố gắng cả từ hai phía.
Người lớn, những người đang nắm trong tay hiện tại, công cụ giáo dục, công cụ truyền thông... cần bớt bảo thủ, cần chấp nhận một điều hết sức đơn giản rằng văn hóa là một hệ giá trị luôn biến đổi. Nếu không muốn xảy ra tình trạng "Có một bức tường giữa tôi và con...", "Tôi đứng bên lề cuộc đời của con!" thì phải tự đổi mới mình, phải hiểu con. Bản thân người lớn cần nhìn thẳng vào sự thật, phải có trách nhiệm đón đầu, giúp lớp trẻ chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những giá trị mới một cách chủ động và hiểu biết.
Thật đáng suy nghĩ khi thầy cô giáo không ai có đủ gan để nói thẳng nội dung giáo dục giới tính, mà toàn "đi lòng vòng trong hẻm..". Khiến có những học trò còn nghĩ rằng hôn nhau có thể có con, hoặc cho rằng nói đến hai từ "tình dục" là xấu, là bậy bạ.
Người trẻ phải luôn nhớ rằng tuổi của mình là tuổi học. Tuy tình dục tuổi học đường (nếu có) cũng không phải là quá sớm (cha ông ta "thập tam, thập lục" cũng đã có thể lấy nhau, sinh con đẻ cái kia mà), song không nên sa đà vào đó, và trong mỗi việc làm của mình phải biết rõ đang làm gì, phải có trách nhiệm với chính mình và với người khác. Nhất là phải có ý thức gìn giữ, tôn trọng giá trị bản thân mình và bạn tình trong chuyện này. Tình dục phải được "hướng đạo" từ tình yêu và hạnh phúc lâu dài, chứ không phải là những bốc đồng nông nổi, không lường được hậu quả... Như thế phải có hiểu biết.
Từ cổ chí kim , chưa có ai thành công mà thiếu hiểu biết. Và hiểu biết không đến với những ai không học.
GS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index ... nnelID=194Bài của tôi được dùng để kết thúc diễn đàn trên báo Tuổi trẻ. Nhưng trong mục "Văn hoá xã hội" của chúng ta thì diễn đàn chỉ mới bắt đầu. vì có rất nhiều vấn đề, rất nhiều khía cạnh tôi chưa kịp đề cập đến trong bài viết.
Mời các bạn tham gia thảo luận.
nhân sự cố Vàng Anh ngẫm về cái sự "yêu"
Đã gửi:
Thứ 6 16/11/07 0:18
gửi bởi trananhthu
Sau scandal nữ diển viên Hoàng Thuỳ Linh "tòm tem" với bạn trai rồi - bị quay - tự quay - bị tung lên mạng, báo giới và các bloger cũng ầm ĩ cãi vả nhau ỏm tỏi và có hai khuynh hướng một phê phán - tẩy chay - một cảm thông - chia sẻ C.hỉ tội nghiệp lũ trẻ mê tít Nhật ký Vàng Anh buồn hùi hụi vì lâu lắm mới có loạt phim dành cho tuổi Teen. Tren mạng dạo này link cho nhau mẩu chuyện vui :
rằng một ngày nọ Binladen gởi thư cho tất cả thế giới rằng : Đứa nào động đến Vàng Anh thì ông đem bom bỏ vào nhà mạy Ấy là nói cho vui thế thôi, chứ nghĩ lại cũng tội cho mấy bà mẹ trót cũng yêu Nhật ký Vàng ANh không kém, lo vì con mình tuổi ăn tuổi chơi không khéo lại bắt chước Vàng ANh thì 'khốn" lo vì không xem được NKVA chúng lại game online và biế đâu đấy trong "quá trình hành hiệp giang hồ" chúng lại cưới cho mình một cô vợ/anh chồng ảo, hay bị lừa tình trên mạng...Lại nói về tình làm mình ngẫm đến "cái sự yêu". Sự yêu bây giờ chỉ còn là "dĩ vãng" kiểu yêu : cái ngày nàng chửa có chồng - đường gần tôi cứ đi vòng cho xa như Nguyễn Bính. Xa lắm rồi thưở Xuân Quỳnh say đắm "Em trở về đúng nghĩa trái tim em, là máu thịt đời thường ai cũng có/ vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa /nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi ". Yêu bây giờ là hứa thật nhiều/chiếm thật nhiều, là "cho hết" có yêu là phải có sex mới moden, mới sành điêu. Một loạy diễn viên, ca sĩ, người mẫu U20 cứ thi nhau lên mạng những câu chuyện phòng the trong khi cha mẹ họ lại xem đó là điều kín đáo, thì họ lại phô bày, đó chẳng còn là tình yêu mà là mùa "giao phối " của những con dực, con cái với nhau (có lẽ hơi nặng lời thì phải) song ở góc độ của mình tôi chẳng thể nào thông cảm đươc. Dù ai đó nói rằng đó là cách lực chọn của họ nhưng tại sao lại không lựa chọn một cách tốt hơn, chả ai cấm đoán chuyện yêu nhau, chả ai cấm đoán được chuyện "trai - gái" nhưng yêu có nghĩa là bảo vệ, giữ gìn, có trách nhiệm và cùng nhau đi đến đích hạnh phúc chứ không phải cùng nhau tiến đên chữ X thứ bạ Chả ai cấm đoán được tình dục, bởi nó cũng là một phần sự sống của con người, nó là cách chúng ta 'yêu" và duy trì "sự sống bất tử" của loài người, song hãy giữ cho nó giá trị thiêng liêng như nó vốn có và vốn rất cần trong quan niệm đạo đức của người Á Đông .Sự yêu cũng có năm bảy đường , dù không vẽ thì hươu vãn chạy nhưng xin hươu sáng suốt là can đảm lựa chọn cho mình con đường đúng nhất để đị
Re: Nhân sự cố Vàng Anh bàn về“Tình dục thoáng" tuổi học đường
Đã gửi:
Thứ 4 05/12/07 1:20
gửi bởi skoalls
Nhắc đến vấn đề này bức xúc nhất
...... xa nhà từ tháng 7... ( thực ra là 1 năm rồi ) từ hồi chưa có vụ Vàng Anh... bọn bạn ai cũng... nhìn vẫn ngây thơ..
đùng một cái chuyện Vàng Anh..... vài con bạn tỉ tê từ xa... " mày ơi tao kể... "
nghe choáng - buồn sao sao !
một đoạn hội thoại
U : ê... xem Vàng Anh chưa?
Me : nghe nói thôi - chưa xem - mà chắc đâu có j. chuyện sinh lý thôi
U : ừ cũng chẳng có j.. tao lưu vào điện thoại xem chơi thôi
Me : có j đâu mà coi mày.. kệ đi
U : ừ.. cũng có j đâu.. như tao và... thôi
Me : sao cơ?...
U : à có j đâu.. từ hồi chuyện Vàng Anh " bùm " đến giờ.. giới trẻ mình ngoài này thoải mái cởi mở hơn trong chuyện ấy.. đứa nào cũng thế dễ nói..dễ tâm sự... dễ " làm " hơn
Me : trời...
Việt Nam ơi - văn hóa ơi.... kinh tế hòa nhập... văn hoá hòa tan sao?
Re: Nhân sự cố Vàng Anh bàn về“Tình dục thoáng" tuổi học đường
Đã gửi:
Thứ 4 30/01/08 8:47
gửi bởi ngocthem
Bài viết của tôi với tiêu đề “Cần được hướng đạo từ tình yêu và hạnh phúc lâu dài!” sau khi đăng trên Tuổi trẻ đã được dư luận rộng rãi quan tâm và được dẫn lại ở rất nhiều trang web (x.
[google]“Cần được hướng đạo từ tình yêu và hạnh phúc lâu dài!”[/google]). Nhưng bài đăng trên Tuổi Trẻ là bài đã được rút gọn.
Nay trên website vanhoahoc.edu.vn đã đăng
toàn văn bài viết với tiêu đề ban đầu của nó là "TÌNH DỤC "THOÁNG": MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HOÁ CẦN MỘT GIẢI PHÁP VĂN HOÁ" (x.:
http://www.vanhoahoc.edu.vn/site/index. ... &Itemid=47).