ĐẾN CỐ ĐÔ KYOTO THƯỞNG THỨC KIMONO SHOW
Nói đến trang phục Nhật bản là phải nói đến Kimono, cũng như Việt Nam là Áo dài và Hàn Quốc là Hanbook vậy, trong đó áo dài Việt Nam hơi kén người mặc và mỗi áo có kích cỡ khác nhau tùy người, nên thường là áo của ai người đó mặc vừa, Kimono và Hanbook thì không như vậy, một chiếc áo có thể điều chỉnh to nhỏ theo kích cỡ từng người. Nói về Kimono, có lẽ trong chúng ta ai cũng ít nhiều có chút hiểu biết nhất định, nhưng để hiểu về công nghệ dệt vải thì sẽ có nhiều người không quan tâm, vậy mình xin chia sẻ vài điều về một nơi dệt vải Kimono rất nổi tiếng của Nhật Bản
Tháng 5 vừa qua mình có dịp đến thăm cố đô Kyoto, tham quan Trung Tâm tơ sợi Nishijin (Nishijin Textie Center). Đây là một bảo tàng vinh danh nghề dệt tơ lụa truyền thống ở Nhật, đã có lịch sử khoảng 1200 năm, từ khi Kyoto được xây dựng vào khoảng năm 794. Thời kỳ Edo, tại vùng Nishijin có khoảng 5,000 xưởng dệt tơ lụa. Ngày nay Trung Tâm tơ sợi Nishijin là một bảo tàng viện trưng bày kỹ thuật dệt tơ lụa cổ truyền ( dệt con thoi) của Nhật.
Trung tâm triển lãm có hai tầng, tầng 1 là tiền sảnh tương đối rộng với một sân khấu đơn giản thiết kế hình nền như chiếc áo Kimono cách điệu, bên cạnh trưng bày một cỗ máy dệt vải truyền thống, tầng hai là khu vực trưng bày và bán các sản phẩm dệt như vải và áo Kimono; khu vực trưng bày máy dệt và thường xuyên có những nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật dệt tơ lụa theo kỹ thuật Nishijin cổ truyền cho khách tham quan chiêm ngưỡng, đáng tiếc là khu vực này không được phép quay phim, chụp ảnh, ngoài ra còn có khu chế tác những phụ kiện dùng kèm Kimono như hoa cài tóc, cài áo..., khu triên lãm guốc và thắt lưng cùng các phụ kiện dùng khi mặc Kimono
Khu triên lãm guốc
Khu vực chế tác hoa cài tóc và cài áo
Các cô người mẫu chuyên nghiệp biểu diễn show Kimono truyền thống may bằng vải dệt theo kỹ thuật Nishijin cổ truyền. Mỗi show diễn Kimono thường khoang 25- 30 phút, được tổ chức 6-7 lần trong ngày, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều và thay đổi 4 mùa theo những trang phục Kimono khác nhau của từng mùa, du khách có thể đứng ở tiền sảnh xung quanh sân khấu để xem, cũng có thể đứng ở cầu thang hoặc trên lầu để thưởng thức được toàn cảnh
Ngoài ra ở đây cũng có nhiều dịch vụ khác gắn với Kimono như sửa soạn cho khách mặc quần áo Kimono, hoặc hóa trang thành một Maiko (Geisha tập sự) hoặc thành một Nghệ sĩ trình diễn chuyên nghiệp (Geiko). Cần những dịch vụ này, các khách hàng phải lấy hẹn trước vì lượng khách rất đông .
Được biết, ngày nay nhiều nhà máy Nishijin đã giới thiệu công nghệ dệt hiện đại, chẳng hạn như khung dệt điện, máy vi tính thiết kế các mẫu vải và mẫu áo. Tuy nhiên, các mô hình tốt nhất và tinh tế nhất vẫn là kiểu dệt Nishijin truyền thống được làm bằng tay bởi nghệ nhân lành nghề của Kyoto.
Trong tấm hình cuối cùng, chúng ta thấy buổi biểu diễn chỉ có 7 mẫu áo, đố các bạn còn mấy mẫu áo nữa và tại sao các người mẫu không show hết?