[justify]Từ khi còn học cấp 2, cấp 3, môn sử đối với tôi thật chán ngán và nặng nề. Nhất là khi trải qua các kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, môn sử trở thành nỗi ám ảnh với tôi cũng như các bạn cùng trang lứa.
Vì dở các môn tự nhiên, tôi không thể chọn học các ngành phải thi khối A, B, D. Tôi đã chọn học chuyên ngành văn học khối C vốn chỉ cần cố gắng siêng năng chăm chỉ học bài (theo cách nghĩ của tôi ngày ấy). Thế rồi mọi chuyện đã thay đổi từ khi tôi gặp cô*, người mà tôi cho rằng: dạy sử hay nhất từ trước đến giờ, (thậm chí là không ai dạy hay bằng cô, dù điều đó hơi cực đoan thái quá).
Với giọng nữ trầm mạnh mẽ ấm áp đầy sức cuốn hút, cô đã tái hiện lịch sử một cách sống động, đưa tất cả sinh viên chúng tôi vào câu chuyện lịch sử từ ngàn xưa. Thế là từ ấy, tôi yêu thích môn sử, tự mua sách để học hỏi thêm những kiến thức và phát hiện nhiều điều lý thú từ sử. Vì con người chúng ta chỉ sống trong một giai đoạn ngắn ngủi mà lịch sử loài người "dường như" kéo dài vô tận.
Trong cuộc sống kinh tế thị trường ngày nay, khi mà tất cả mọi giá trị đều quy đổi thành hàng hóa, tiền bạc và lợi nhuận thì kiến thức tự nhiên phải như thế. Câu hỏi "học lịch sử để làm gì?" cũng sẽ được quy về giá trị lợi ích mà nó đem lại. Trong khi học sử không đem lại nhiều lợi nhuận kinh tế thì sẽ hiếm ai chọn lựa nó, ngoại trừ số ít người nhỏ nhoi thật sự yêu thích môn sử mà thôi.
Nhưng từ trong bản chất, con người là động vật khát khao hiểu biết. Sự hiểu biết sẽ trở thành mục đích cho chính nó. Nhưng để làm được điều đó, theo tôi nghĩ trước hết cần có người dạy hay môn sử, dạy sử trở thành niềm đam mê, hứng thú cho chính người dạy. Từ niềm đam mê đó của người thầy sẽ làm cho học sinh yêu thích môn sử hơn. Nhưng để có những người thầy dạy hay môn sử thì cần phải có sự ưu đãi của ngành giáo dục đối với ngành này.
Kế tiếp là sách giáo khoa môn sử, đọc qua vài cuốn quả thật ít gây hứng thú cho người đọc vì có phần khô khan, cứng nhắc. Nhưng nếu chúng ta chịu khó bỏ ít thời gian thời gian dạo vài tiệm sách, thì quả thật, có rất nhiều sách sử được bày bán và bán khá chạy, điển hình như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Thế thứ các triều vua Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần, Lịch sử thế giới của Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử văn minh thế giới của Will Durant, Nghiên cứu lịch sử một cách thức diễn giải của Arnold Toybee. Từ đó cho thấy, mọi người cũng yêu thích lịch sử, nhất là sử thế giới nhưng không phải để thi cử mà để thỏa mãn sự hiểu biết mà thôi. Chính vì thế, việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử cần phải xem lại là viết làm sao để cuốn hút học sinh.
Bên cạnh đó, cách ra đề thi cũng cần phải cho học sinh được tự do thể hiện kiến thức của mình, không phải là kiến thức từ chương, rập khuôn theo sách vở, mà còn thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình trước những bài học của lịch sử bởi vì lịch sử không phải chỉ là “những truyện buồn kể về cái chết của các vua chúa” như cách nói hài hước của Will Durant mà lịch sử còn giúp ta hiểu thêm phần nào thân phận còn người, nó hướng dẫn ta trong những phán đoán và hành động của cuộc sống.
Kết thúc bài viết, tôi chợt nhớ đến câu nói của Toynbee: "Tại sao chúng ta phải nghiên cứu lịch sử? Chắc chắn loài người sẽ đi đến chỗ tự diệt vong, nếu chúng ta không tạo được một cộng đồng giống như một đại gia đình. Vì thế chúng ta cần phải học cách hiểu lẫn nhau. Có nghĩa là học để hiểu lịch sử của chính dân tộc mình và những dân tộc khác. Bởi vì con người không chỉ sống với hiện tại, mà còn sống trong một thứ dòng chảy thời gian của tinh thần, nhớ lại quá khứ và nhìn về tương lai ở phía trước với niềm hy vọng hoặc nỗi lo âu"
*Cô là Ts Đào Minh Hồng, hiện là trưởng khoa Quan hệ quốc tế trường ĐH KHXH&NV[/justify]