Bạn đang xem trang 1 / 2 trang
NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRÊN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Đã gửi:
Thứ 4 20/06/07 9:27
gửi bởi sinan
NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN
TRONG CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ
Nghệ thuật không nhất thiết phải thể hiện nỗi buồn và sự cô đơn, không phải hễ cứ đắm chìm trong đau khổ là tự nhiên một tác phẩm nghệ thuật trở nên có giá trị. Nhưng trong cuộc sống này, buồn bao giờ cũng nhiều hơn vui, mà bản chất của con người chính là sự cô đơn. Cho nên, khi một tác phẩm cất lên được tiếng nói ấy, thì lập tức, tập trung lại quanh nó cả một “trường” đồng cảm.
Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư như thế đó. Nó là một bức tranh sinh động khắc họa thành công bản chất nỗi buồn, sự cô đơn hiện hữu và ly cách của con người đối với thế giới thực tại.
Mở đầu câu chuyện hình ảnh cánh đồng hiện ra như một ám ảnh của thiên nhiên rộng lớn bao trùm lấy con người :
” Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn. “
Toàn bộ câu chuyện xoay quanh khung cảnh cánh đồng rộng lớn chứa đựng những nỗi buồn khôn nguôi. Cuộc sống con người nơi đây gắn liền với cánh đồng, với bà mẹ thiên nhiên giàu có nhưng đôi khi khắc nghiệt đối với con người. Con người sinh ra và lớn lên trên cánh đồng, được cánh đồng nuôi sống bằng bầu sữa dòng sông phù sa phì nhiêu. Nhưng con người không thuộc về thiên nhiên trong khi vẫn là một phần tử của thiên nhiên, con người ý thức nỗi buồn miên man của một kiếp người cô độc trơ trọi giữa nhiên giới.
“Má tôi ngồi khóc bên bực con sông Dài, cha tôi chèo ghe đi ngang, đã qua khỏi một quãng nhưng vì mủi lòng, cha quay mũi lại. Cha hỏi, cô về đâu tôi cho quá giang. Má tôi ngước lên, mặt ràn rụa nước, "tôi cũng không biết về đâu".
Cánh đồng rộng lớn quá, mà con người thì nhỏ bé hữu hạn giữa vũ trụ bao la. Con người cảm thấy cô đơn, lẻ loi, không biết về đâu. Vì khi con người nếm quả tri thức, con người bị đuổi khỏi thiên đường, đó là quê hương đích thực và duy nhất, con người trở thành kẻ lang thang vĩnh viễn.
Vì cô đơn, con người ta đến với nhau bằng tình yêu để lấp đi khoảng trống của sự ly cách giữa con người và thế giới thực tại. Mẹ của Sương đến với cha cô vì nguyên nhân đó. “Cha tôi chở người con gái tội nghiệp này về nhà, và trong thời gian suy nghĩ tính coi mình đi đâu, má yêu cha mất rồi, sau đấy thì đẻ hai chị em tôi.”
Song tình yêu đó không đủ để lấp đầy nỗi buồn và sự cô đơn. Trong cuộc đời, hình như ngoài tình yêu ra, con người còn có những dục vọng sâu xa không thể kiềm chế nỗi: “Với chiếc ghe chở đầy vải vóc, những người đàn bà lam lũ quê tôi vẫn thường trông ngóng ông ta. Tất cả họ đều trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, họ tíu tít, háo hức, họ thèm muốn đến bồn chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi, thấy mình già khi ngang qua bồ lúa vừa hót bớt một lỏm, thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi. “
Vì những tấm vải đẹp, người đàn bà ấy đã ngoại tình với người đàn ông bán vải để đổi lấy vật chất xa hoa. Nhưng vô tình bị con trai mình thấy được cảnh tượng đó, bà xấu hổ bỏ nhà ra đi. Bà cũng như một lữ khách ngồi trên chiếc thuyền trôi theo dòng thời gian bất tận, xuống thuyền ở bến này rồi rời thuyền ở bến khác. Bà không đem theo bất cứ cái gì, ngoại trừ một vết thương lòng không sao hàn gắn được của ba cha con họ.
Re: NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRÊN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Đã gửi:
Thứ 4 20/06/07 9:28
gửi bởi sinan
Khi nghe tin vợ mình bỏ nhà “theo trai”, người cha không tin vào điều đó, vì ông nghĩ rằng: ” chỉ cần mình hết lòng yêu thương, gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn thì sẽ được đền đáp xứng đáng.” Nhưng cuộc đời này có lẽ không đơn giản đến như vậy. Ngoài tình yêu ra, con người trong xã hội ngày nay còn có những nhu cầu vật chất khác, nếu thiếu nó, cuộc sống cũng tẻ nhạt vô vị đến dường nào. Về đến nhà, biết chắc đó là sự thật, người cha đau khổ đến cùng cực, hận người đàn bà đó, hận cả cuộc đời khốn nạn kia. Ông đốt quần áo, đốt nhà, đốt tất cả những gì của người đàn bà còn sót lại.
“Cha đem tất cả đồ đạc của má đem đốt. Khói bay mù mịt trong nhà, mùi vải, mùi nhựa cháy khét lẹt, những cái áo hồng áo tím rúm ró lại, chảy thành những giọt tro. Cha nhìn ngọn lửa, mặt đanh lại, rồi mắt bỗng rực lên, ngây ngất vì một ý nghĩ mới lạ. Chúng tôi dong ghe đi, quặn lòng ngoái lại căn nhà đang quay quắt dãy dụa trong lửa đỏ. Nghe vẳng theo âm thanh lốp bốp rất giòn của những thanh gỗ cháy, và tiếng xóm giềng í ới gọi nhau”.
Cứ tưởng đâu rằng sau khi đốt hết những thứ đó, tâm hồn ông có thể quên đi những nỗi đau khôn nguôi, nhưng không thể được! Ông rời bỏ nơi chứa đựng những kỷ niệm đau thương, cùng hai đứa con nhỏ sống đời du mục tha phương rày đây mai đó.
“Đàn vịt đưa chúng tôi đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Đôi khi không hẳn vì cuộc sống, chúng là cái cớ để chúng tôi sống đời du mục, tới những chỗ vắng người. Ở đó, ít ai phát hiện ra sự khác thường của gia đình tôi, và ít hỏi cái câu, "Má mấy đứa nhỏ đâu?". Để cha phải buột lòng nói "chết rồi !" và cười lạt khi nghe người nào đó kêu lên: "Mèn ơi, tội hai đứa nhỏ hôn".
Thế là hai đứa trẻ lang thang cùng cha đi khắp nơi trên những cánh đồng hoang vắng. Cánh đồng trở thành một không gian rộng lớn đến vô cùng vô tận của nỗi buồn và sự cô đơn. Chúng khát khao có ai đó yêu thương và được yêu thương để lấp đi khoảng trống của sự ly cách. Chúng mơ ước có một mái ấm gia đình, nhưng đồng thời cũng muốn quên đi. Vì tất cả những điều đó sẽ gợi lên trong ký ức chúng những kỷ đẹp của một thời đã qua và chắc chắn chắn rằng chúng sẽ không bao giờ tìm thấy lại được.
“Chung tôi sợ quá cái bồ lúa trong nhà, hình ảnh nó làm cả hai chị em ngạt thở. Thật lạ làm sao, khi mà chúng tôi đã quen dần với những - hình - ảnh - giống - mình (tức là bị bỏ giữa đời chơi vơi), thí dụ như nhìn một chiếc đũa gãy, cái nắp nồi vỡ, hay bầy gà con lạc mẹ nhao nhác… Nhưng không quên được, cái bồ lúa ngai ngái mùi cứt trâu, giữa nó và vách nhà là một khoảng hơi tối nhưng rất thu hút trẻ con. …Cái kẹt bồ lúa, cũng đã từng là thiên đường mơ mộng của hai chị em tôi, bẻ trái trứng cá làm cơm, muổng dừa là chén, giả đò "ăn" no, giả đò tối rồi, đi ngủ, một bữa kia chơi chán lăn ra ngủ thiệt, thức dậy bỗng thấy cuộc đời mình thay đổi quá trời đất, như đã sống qua một kiếp rồi. Nhưng chín mười tuổi đã đủ để gọi là một kiếp người chưa?”
Thật buồn làm sao với câu nói “Nhưng chín tuổi đã đủ để gọi là một kiếp người chưa?”. Chỉ một câu nói đó đủ để làm cho ta phải nghẹn ngào trước số phận đắng cay của Sương và Điền.
Re: NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRÊN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Đã gửi:
Thứ 4 20/06/07 9:31
gửi bởi sinan
Vì sống cảnh đời du mục, hai đứa trẻ không có nhà cửa, cuộc sống “Con Người” dần trở nên xa lạ với chúng: ” Có lẽ vì cuộc sống của họ ngày càng xa lạ, với chúng tôi. Họ có nhà để về, chúng tôi thì không. Họ sống giữa chòm xóm đông đúc, chúng tôi thì không. Họ ngủ với những giấc mơ đẹp, chúng tôi thì không. Nằm chèo queo, co rúm, chen chúc nhau trên sạp ghe, chúng tôi đánh mất thói quen chiêm bao. Điều này làm tôi và Điền buồn biết bao nhiêu, vì cách duy nhất để được nhìn lại hình bóng má cũng tan rồi. Mà, thí dụ như những cơn chiêm bao quay trở lại, chúng tôi không biết chắc là hình ảnh ấy của má có xuất hiện hay không.”
Và cứ thế, Sương và Điền nương tựa lẫn nhau mà sống trong tình cảm chị em, như thế cũng phần nào lấp đi khoảng trống của nỗi buồn và sự ly cách. Còn cha chúng thì vẫn làm nghề nuôi vịt chạy đồng, có khi lên bờ làm nghề thợ mộc để nuôi sống thể xác trong khi tâm hồn đã chết từ khi mẹ chúng bỏ đi. Ông trả thù người đàn bà kia bằng nỗi đau của những người phụ nữ khác mà ông bắt gặp trên đường, để lại nỗi đau đớn khôn nguôi trong lòng họ.
“Cha không tốn nhiều công sức cho việc chinh phục (Những người đàn ông quê mùa đã tự tay đẩy người đàn bà của mình đến với cha, bằng nhiều cách. Họ thích uống say, họ thích dùng tay chân để tỏ rõ uy quyền. Mệt nhọc làm lụng trên đồng, người đàn ông đã trở nên khô cằn, có khi cả đời, họ không nói với phụ nữ một câu yêu thương tử tế. Họ không biết vuốt ve, âu yếm, khi cần, họ lật cạch người phụ nữ ra và thoả mãn, rồi quay lưng ngủ khò). Sẽ còn bao nhiêu người nữa được cha tôi cho nếm thử niềm đau kia, tôi tự hỏi mình khi nhìn người đàn ông vào tuổi bốn mươi, quyến rũ từ cái cười, từ câu nói, ánh nhìn thăm thẳm, ngọt ngào.”
Nhưng thực tế, ông lại làm cho vết thương lòng ông lở loét to lớn thêm nữa. Ông thỏa mãn để trả thù, để lấp đi sự cô đơn, để vượt qua sự ly cách bằng một trạng thái say, bằng cách hợp nhất với người khác qua hành vi dục tính. Nhưng nó trở thành một cố gắng tuyệt vọng không thể nào thoát ra được nỗi buồn, sự cô đơn mà cuối cùng sự ly cách đó cứ phát sinh mãi mãi.”Vì hành vi dục tính mà không có tình yêu thì không bao giờ bắc cầu cho khoảng cách giữa hai con người ngoại trừ trong thoáng chốc” (Erich Fromm, Phân tâm học và tình yêu) để rồi nỗi buồn, nỗi đau và sự cô đơn hiện hữu chiếm lĩnh ngập tràn con người ông.
Re: NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRÊN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Đã gửi:
Thứ 4 20/06/07 9:32
gửi bởi sinan
Hai đứa trẻ dần lớn lên giữa những cánh đồng mênh mông rộng lớn, thiếu đi tình yêu của người mẹ, trong khi vết thương lòng của người cha quá lớn, ông không thể yêu thương chúng như trước kia. Khi thế giới con người không đủ bao dung nuôi nấng hai đứa trẻ lớn lên, chúng trở nên bơ vơ lạc lõng tội nghiệp giữa nhiên giới, chúng tìm cách hợp nhất với thiên nhiên, với cánh đồng. Chúng muốn hiểu được tiếng nói của vịt, muốn làm bạn với cỏ cây.
“Đắm đuối với loại ngôn ngữ mới, chúng tôi chấp nhận để cho người ta nhìn mình như những kẻ điên (miễn là tạm quên nỗi buồn của cõi - người). Chị em tôi học cách yêu thương đàn vịt (hy vọng sẽ không bị đau như yêu thương một - con - người nào đó). Nhưng nhiều khi nhìn thằng Điền dõng tai coi mấy con vịt nói cái gì, tôi giật mình, nuốt một họng đắng, tự hỏi đã đến nỗi này sao, đến nỗi chơi với người thấy buồn, nên chuyển qua chơi cùng vịt. Đêm nào cũng vậy, cũng rón rén, từ tốn, hai chị em thắp một ngọn đèn giữa chuồng, để lúc bọn tôi ra, chúng nhìn, biết không phải người lạ, không xao động. Vừa nhỏ nhẻ lấy trứng, tôi vừa hát một bài hát bâng quơ, đôi chỗ vì hạ giọng thấp mà hụt hơi. Bầy vịt nhạy cảm khủng khiếp, sau này, tôi cố sửa lại những chỗ hụt hơi ấy, chúng nhận ra ngay, và nhìn tôi với vẻ ngờ vực, "Ủa, phải con - người hôm trước không ta ?". Một con vịt đui khịt mũi, cười, "Nó chớ ai, giọng có khác, nhưng rõ ràng là tiếng trái tim nó. Quen lắm. Chập chờn, thút thít, đòng đưa như sắp rụng... "". " Có nổ hôn đó, cha nội?" "Sao không, mấy người thử đui đi rồi biết". Bất giác, tôi nhắm mắt để nghe lại tiếng tim mình.
Nhưng sự trừng phạt tính toán cũng vừa vặn, vừa đủ vui, vừa đủ thương, quấn quýt, nó lại đứng sau lưng và cười nhạo chúng tôi.”
Thế nhưng con người làm sao có thể trở về hợp nhất được với thiên nhiên nữa một khi nó đã nếm quả Tri thức, rời bỏ thiên đường mà ra đi, con người đã ý thức về sự hiện hữu của mình trước vũ trụ bao la rộng lớn này? Vì thế nhiên giới không thể nào dang vòng tay ôm ấp hai đứa trẻ được. Hết nỗi khó khăn này đến những lo toan khác lại đến với chúng: những ngày tháng khắc nghiệt của tiết trời, những trận dịch cúm gia cầm lay lan khắp nơi. Một phần cũng là do lỗi của con người, con người là một phần tử của thiên nhiên thế nhưng con người lại vượt trên tất cả, cuối cùng con người vắt kiệt sức của thiên nhiên để rồi cuối cùng con người sẽ nhận lấy sự báo ứng.
Re: NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRÊN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Đã gửi:
Thứ 4 20/06/07 9:34
gửi bởi sinan
Hai đứa trẻ cứ sống cuộc đời du mục như vậy cho đến một ngày kia, khi đứa em đã đến tuổi dậy thì, với những khao khát bản năng xuất hiện thì đồng thời có sự xuất hiện của người đàn bà lạ. Cô ta là một người bị mọi người khinh rẻ trong xã hội. Ấy thế mà thật lạ lùng làm sao, cô ta là một sản phẩm của xã hội, cô ta cần thiết trong xã hội này bởi những ham muốn dục vọng không thể kiềm nén của những người đàn ông, bởi sự cô đơn của con người, bởi mong muốn thoát qua sự ly cách, sự cô đơn. Cô ta là một con đĩ - gọi theo tiếng nói khinh miệt của người đời.
Vì là một con đĩ, cô bị người ta đánh đập tàn nhẫn, và được gia đình ba cha con đem về cứu giúp. Từ đó, thằng Điền với những rung động đầu đời, nó đem lòng yêu cô ta.
” Điền yêu chị, nhưng tình yêu đó khiếm khuyết mất rồi. Sau giấc ngủ dài, bản năng nó đã không trở dậy. Trái tim nó chỉ là hòn than nhỏ, không thể hâm nóng lại cơ thể ngã màu tro. Sợi dây xúc cảm như lối đi lâu lắm không người lui tới, cỏ dại mọc bít mất, đường đứt, cầu gãy...”
Nó thật đau khổ khi thấy cô yêu cha mình, và bị cha mình ruồng bỏ như những người đàn bà khác. Sau lần cô ta ngủ chung với hai ông cán bộ xã để cứu lấy bầy vịt. Cha cô không cảm động vì điều đó mà còn giễu cợt: "Sao, hồi tối vui không? Chắc họ tưởng cô là vợ tôi nên hứng thú lắm hả? Cứ để họ nghĩ vậy... "
Chị buồn lòng nói rằng :” Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười.” Câu nói đó được thốt lên từ miêng của một người đàn bà như chị thì thật đau lòng làm sao! Nói rồi, chị quay đi. Thằng Điền chạy theo và cũng không trở lại. Không biết cuộc đời nó sẽ đi đâu, về đâu?
Thế rồi, Sương từ đó sống cô đơn lạc lõng giữa đat trời vô biên, giữa những cánh đồng bất tận của nỗi buồn và niềm đau đớn khôn xiết. Mặc dù cũng từ lúc ấy, cha cô đã quan tâm đến cô nhiều hơn.” Cha bắt đầu có một chút quan tâm với tôi. Dường như chỗ trống của thằng Điền nhắc cha nên quý những gì còn lại. Bắt đầu từ một đêm, cha đứng đằng xa, bảo, "Nương, ngủ sớm đi!",
Song tình thương đó đối với cô giờ đây có nghĩa lý gì nữa, một khi trái tim cô đã quá nhiều nỗi đau, nó đã trở nên chay sạn. Cô dần mất niềm tin đối với cuộc đời đắng cay nghiệt ngã này. “Cái ý nghĩ đã muộn màng, trễ tràng, không còn kịp nữa như một cái rốn nước sâu hoáy, điên cuồng hút tôi vào, cảm thấy mọi nỗ lực của cha trở nên vô nghĩa, tôi nghĩ vậy. Tôi nghĩ đến sự trừng phạt, sự báo ứng bất chấp trời im ắng như đã nguôi quên chuyện cũ rồi”
Và sự báo ứng ấy cuối cùng cũng đến câu chuyện được đẩy lên cao trào khi cô bị hãm hiếp giữa cánh đồng đau thương.
“Và món hàng bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bỏm nước. Tôi ngạc nhiên thấy bầu trời im sẫm. Mênh mông. Không biết đã tắt nắng hay mặt trời không vói được ánh sáng đến nơi này? Hay những khuôn mặt nghèo đói, dốt nát tăm tối đã che khuất nó? Ngoái nhìn về phía cha và thấy ông lầm lũi đằng xa, tôi mong ông đừng quay mặt lại. Sau đó thử chống cự một lần, rồi thôi, sự vùng vẫy chỉ kích thích lòng ham muốn. Tôi không muốn bị đè nghiến, bị vùi nghẽn trong bùn.
Bọn chúng hơi khó chịu trước một đứa con gái yếu ớt và câm lặng. Sự hưng phấn giảm đi ít nhiều, đến nỗi, chúng tỏ ra đờ đẫn, nghi hoặc khi bóc trần tôi ra. Tôi nhìn chúng, cười cợt, "Chúng mày có lột bỏ có trăm có ngàn, tầng tầng lớp lớp những vỏ bọc, cũng chẳng bao giờ thấu đến tận tao". Ý nghĩ đó làm tôi bớt nhói cho nông nỗi này.”
Có thể ý nghĩ đó làm cho nhân vật bớt đau nhói, ấy thế mà lại làm cho trái tim người đọc quặng đau trước thảm kịch bi thương. Cuộc đời nay là như thế sao? Nó quăng con người vào những đau khổ bất hạnh đến nhẫn tâm, kể cả những hạnh phúc nhỏ nhoi mong manh nhất cũng có thể bị cướp mất không thương tiếc. Kết thúc câu chuyện là một câu hỏi ngô nghê vừa khiến cho người ta đau lòng, vừa khiến cho người ta căm giận, nhưng đồng thời cũng làm cho người ta hy vọng.
- Không biết con bị có con không, hả cha?
Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăng quăng đang vui sướng, ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, có thể mình sẽ sinh con. Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.
Một lần nữa hình ảnh đứa bé đã ươm mầm cho hy vọng, cho cuộc sống của Sương. Cô mong muốn mình có con, để bằng tình mẫu tử đó, vượt qua sự ly cách, lấp đi khoảng trống của cuộc đời đáng thương.
Re: NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRÊN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Đã gửi:
Thứ 4 20/06/07 9:45
gửi bởi sinan
Câu chuyện dừng lại như thế nhưng nó vẫn còn dở dang. Nó sẽ dành cho người đọc viết tiếp cuộc đời của Sương và cha cô: Liệu cô sẽ thật sự có con được không? Hay cha cô có thể tha thứ cho người đàn bà cũng đáng thương như ông vậy: cô đơn, lẻ loi giữa cuộc đời để rồi từ đó hàn gắn mọi vết thương xưa cũ sống hạnh phúc hơn? Và đến bao giờ cánh đồng bớt buồn, bớt vắng?
Đối với tôi, tác phẩm này có một sức ám ảnh kỳ lạ về thân phận của con người: buồn bã, đau khổ và cô đơn. Toàn bộ câu chuyện diễn ra trên cánh đồng bất tận của nỗi buồn và sự ly cách. Và rồi cũng từ đó nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn người đọc, nó nhấn chìm ta trong cảm giác mêng mông trơ trọi giữa cánh đồng của Nguyễn Ngọc Tư bằng một ngôn ngữ mộc mạc có sức khơi gợi đến cực độ. Mặc dù nếu cho tôi chọn lựa nếu có tác phẩm văn học nào hay nhất Việt Nam năm 2006, tôi sẽ chọn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng kỳ thực, tôi không thích nó sau khi đọc xong. Chắc có lẽ nó không phù hợp với mẫu người như tôi chăng? Vì đành rằng cuộc đời này là nỗi buồn và sự cô đơn, thế nên nó mới cần đến ước mơ và hy vọng cho một ngày mai tươi sáng hơn. Người nghệ sĩ tài ba với tôi là người phải qua nỗi buồn và sự cô đơn của cuộc đời đem đến cho con người ước mơ, hy vọng về hạnh phúc; phải từ giọt nước mắt khổ đau của mình mà đem đến cho độc giả nụ cười thương yêu. Đồng ý là có thể qua bi kịch, nó đem đến cho người ta sự thanh lọc hóa tâm hồn, “thông qua niềm sợ hãi và đồng khổ do hành động bi kịch gây nên, bi kịch làm cho tâm hồn người xem được thanh khiết hơn” (Lê Văn Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân, Mỹ học đai cương). Nhưng sao qua cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, tôi không thấy được điều đó, mà nó chỉ gợi lên trong tâm trí nỗi buồn và sự cô đơn day dứt khôn nguôi mặc dù kết thúc câu chuyện là một hy vọng gì đó lóe sáng? Nhưng với tôi, kết thúc câu chuyện này chưa được thỏa đáng. Tình tiết Sương bị hãm hiếp mang tính khiên cưỡng, và thậm chí hy vọng đó cũng không có cơ sở. Nó chỉ lóa sáng và cũng có thể vụt tắt ngay lúc đó. Người đọc sẽ vẫn còn trong tâm trạng buồn miên man.
Và cũng từ đó, cho ta thấy những tác phẩm nghệ thuật trong thời gần gần đây đều thể hiện nỗi buồn và sự cô đơn hơn bao giờ hết. Từ Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đến tập thơ Lô Lô của Ly Hoàng Ly, hoặc những truyện ngắn của những nhà văn trẻ ngày nay như truyện của Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang… đều như thế. Tại sao lại như vậy trong khi cuộc sống con người ngày càng phát triển? Hay vì các nhà văn, nhà thơ chúng ta trong nền kinh tế thị trường này không nhập được cuộc vui nên đứng bên rìa xã hội thể hiện nỗi buồn và sự cô đơn, và cũng chỉ có những con người cô đơn tìm đến văn học nghệ thuật chăng?
“Thực tế cho thấy xã hội công nghiệp ngày nay là một xã hội hoàn toàn tha hóa nên đã sản sinh ra một xã hội thị trường, là một xã hội dựa trên sự trao đổi giữa những vật ngang giá, thậm chí tình yêu cũng như vậy. Xã hội này làm đánh mất đi đặc tính bên trong, tạo nên cảm xúc giả tạo, sự thần tượng hóa, tình yêu méo mó, nỗi buồn và sự cô đơn, cuộc sống vô nghĩa và vô hồn." Con người với tính cách thị trường, không hề biết yêu, biết căm thù. Những cảm xúc "lỗi thời" này không phù hợp vì nó cản trở tiến tới cuộc sống cho mình, vì mình. Nó không đưa ra bất kỳ câu hỏi nào trừ câu hỏi về sự thăng tiến cá nhân trên chiếc thang quan chức." (Erich Fromm, Phân tâm học và tôn giáo).
“Để xây dựng một xã hội lành mạnh, nền văn hóa phải được định hướng một cách nhân bản, phải đáp ứng các nhu cầu hiện hữu của con người, trước tiên là nhu cầu tình yêu. Bởi tình yêu vô tư là một hình thức lý tưởng của sự giao tiếp, là câu trả lời duy nhất sáng suốt cho tất cả các câu hỏi bản chất người. Tình yêu là cách hiểu thế giới một cách đặc thù. Ở bình diện hoạt động tình yêu biểu hiện dưới dạng sáng tạo và tự thể hiện, còn ở bình diện tình cảm là cảm giác hợp nhất mình với kẻ khác và với thế giới”. (Erich Fromm, Phân tâm học và tôn giáo)
“Bản chất của con người là cô đơn, thế cho nên con người sẽ phát cuồng nếu nó không thể giải phóng mình trong một hình thức nào đó đối với những người khác, với thế giới bên ngoài. Chính vì thế con người phải đi tìm sự bình an của mình bằng cách hợp nhất với người khác. Và con đường hữu hiệu nhất là tình yêu”. (Erich Fromm, Phân tâm học tình yêu)
Văn học thể hiện tất cả những rung động sâu xa của con ngượi và nhà văn với khả năng sáng tạo của mình có thể viết những gì mình cảm nhận, nghĩ suy trong cuộc sống. Và đối với tôi một tác phẩm chỉ mang tầm vóc vĩ đại khi và chỉ khi nó cho ta 1 hy vọng, tình yêu, và niềm vui trong cuộc sống và nếu nó là bi kịch , thì qua đó nó phải làm cho ta thanh lọc hóa tâm hồn
Re: Ná»–I BUá»’N VÀ Sá»° CÔ ÄÆ N TRÊN CÃNH Äá»’NG BẤT TẬN
Đã gửi:
Thứ 5 20/11/08 16:55
gửi bởi RONG REU
uhm. Đọc xong thì thấy buồn thật
Re: NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRÊN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Đã gửi:
Thứ 6 28/11/08 11:00
gửi bởi hoacan
Kết thúc câu chuyện buồn, nhân vật Nương với suy nghĩ nếu cô có con thì đứa con đó sẽ không mang những cái tên Thù, Hận, không lớn lên trong sự thù hận của người lớn. Cô sẽ không mang tư tưởng trả thù đời như cha cô. Cô sẽ tha thứ...
Cánh đồng bất tận ăm ắp nỗi cô đơn, nỗi buồn, day dứt sự hận thù,... Cha con Nương vẫn lang thang giữa cánh đồng bất tận, nhưng trái tim họ đã sẵn sàng thứ tha trong kết thúc của câu chuyện.
Càng đọc càng thấy buồn, đọc xong mới thấy cảm xúc cô đơn trong lòng mình vẫn chưa là gì so với những con người trong cánh đồng bất tận.
Re: NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRÊN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Đã gửi:
Chủ nhật 30/11/08 16:47
gửi bởi ragingwave
"Cánh đồng bất tận" cũng một thời "làm mưa làm gió" trên các trang báo. Có đọc qua mấy bài báo nhưng chưa được đọc qua tác phẩm này. Sẽ tìm đọc!
Re: NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN TRÊN CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
Đã gửi:
Chủ nhật 30/11/08 17:43
gửi bởi ngocthem