NỖI BUỒN VÀ SỰ CÔ ĐƠN
TRONG CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ
Nghệ thuật không nhất thiết phải thể hiện nỗi buồn và sự cô đơn, không phải hễ cứ đắm chìm trong đau khổ là tự nhiên một tác phẩm nghệ thuật trở nên có giá trị. Nhưng trong cuộc sống này, buồn bao giờ cũng nhiều hơn vui, mà bản chất của con người chính là sự cô đơn. Cho nên, khi một tác phẩm cất lên được tiếng nói ấy, thì lập tức, tập trung lại quanh nó cả một “trường” đồng cảm.
Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư như thế đó. Nó là một bức tranh sinh động khắc họa thành công bản chất nỗi buồn, sự cô đơn hiện hữu và ly cách của con người đối với thế giới thực tại.
Mở đầu câu chuyện hình ảnh cánh đồng hiện ra như một ám ảnh của thiên nhiên rộng lớn bao trùm lấy con người :
” Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn. “
Toàn bộ câu chuyện xoay quanh khung cảnh cánh đồng rộng lớn chứa đựng những nỗi buồn khôn nguôi. Cuộc sống con người nơi đây gắn liền với cánh đồng, với bà mẹ thiên nhiên giàu có nhưng đôi khi khắc nghiệt đối với con người. Con người sinh ra và lớn lên trên cánh đồng, được cánh đồng nuôi sống bằng bầu sữa dòng sông phù sa phì nhiêu. Nhưng con người không thuộc về thiên nhiên trong khi vẫn là một phần tử của thiên nhiên, con người ý thức nỗi buồn miên man của một kiếp người cô độc trơ trọi giữa nhiên giới.
“Má tôi ngồi khóc bên bực con sông Dài, cha tôi chèo ghe đi ngang, đã qua khỏi một quãng nhưng vì mủi lòng, cha quay mũi lại. Cha hỏi, cô về đâu tôi cho quá giang. Má tôi ngước lên, mặt ràn rụa nước, "tôi cũng không biết về đâu".
Cánh đồng rộng lớn quá, mà con người thì nhỏ bé hữu hạn giữa vũ trụ bao la. Con người cảm thấy cô đơn, lẻ loi, không biết về đâu. Vì khi con người nếm quả tri thức, con người bị đuổi khỏi thiên đường, đó là quê hương đích thực và duy nhất, con người trở thành kẻ lang thang vĩnh viễn.
Vì cô đơn, con người ta đến với nhau bằng tình yêu để lấp đi khoảng trống của sự ly cách giữa con người và thế giới thực tại. Mẹ của Sương đến với cha cô vì nguyên nhân đó. “Cha tôi chở người con gái tội nghiệp này về nhà, và trong thời gian suy nghĩ tính coi mình đi đâu, má yêu cha mất rồi, sau đấy thì đẻ hai chị em tôi.”
Song tình yêu đó không đủ để lấp đầy nỗi buồn và sự cô đơn. Trong cuộc đời, hình như ngoài tình yêu ra, con người còn có những dục vọng sâu xa không thể kiềm chế nỗi: “Với chiếc ghe chở đầy vải vóc, những người đàn bà lam lũ quê tôi vẫn thường trông ngóng ông ta. Tất cả họ đều trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, họ tíu tít, háo hức, họ thèm muốn đến bồn chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi, thấy mình già khi ngang qua bồ lúa vừa hót bớt một lỏm, thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi. “
Vì những tấm vải đẹp, người đàn bà ấy đã ngoại tình với người đàn ông bán vải để đổi lấy vật chất xa hoa. Nhưng vô tình bị con trai mình thấy được cảnh tượng đó, bà xấu hổ bỏ nhà ra đi. Bà cũng như một lữ khách ngồi trên chiếc thuyền trôi theo dòng thời gian bất tận, xuống thuyền ở bến này rồi rời thuyền ở bến khác. Bà không đem theo bất cứ cái gì, ngoại trừ một vết thương lòng không sao hàn gắn được của ba cha con họ.