BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 6 06/02/09 23:59

[justify]Trên báo Tuổi trẻ số Xuân ra ngày Thứ Tư, 25/01/2006, có trích đăng một Tùy bút của nhà thơ Nguyễn Duy với tựa đề Hành trình thơ - Đánh thức tiềm lực và lời giới thiệu mở đầu: “Có những người-đánh-thức-tiềm-lực không biết mệt mỏi, dám “xé rào cơ chế”, dám “chịu nghe” lời khác, ngược lại công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình… chúng ta mới có được một con đường đổi mới...”. Xuân 2009 chưa khép lại. Đầu năm “ôn cố tri tân” cũng là một cách để mở ra những kế hoạch mới, vững bước trên chặng đường mới bằng việc rút ra bài học kinh nghiệm từ những chông gai cay đắng đã qua…Có những nỗi đau không chỉ của cá nhân mà còn là của cả một đất nước, một dân tộc, một thời đại…Ta vừa đi trên chặng hành trình hơn 8.000 ngày của sự nghiệp đổi mới, với rất nhiều thành công nhưng cũng còn bộn bề khó khăn, thách thức. Câu thơ Nguyễn Duy viết từ những năm 1980-1982 (cách nay gần 30 năm): “Lòng đất rất giầu, mặt đất cứ nghèo sao?” vẫn là một câu hỏi nhức nhối xoáy sâu vào tâm khảm chúng ta - những người con vốn luôn tự hào về dòng máu Lạc - Hồng. Cái “nghèo” tưởng chừng đã “sâu rễ bền gốc” ấy, có nguyên nhân nào xuất phát từ văn hóa và bằng chính sức mạnh văn hóa dân tộc, liệu chúng ta có thể có được động lực thực sự để “hóa rồng” như Singapore, như các quốc gia ở Đông Bắc Á: Nhật Bản, Hàn Quốc…v..v…? Trước khi tham gia đối thoại, xin mời các bạn cùng đọc và suy ngẫm một số thông tin, tư liệu sau:

Hành trình thơ - Đánh thức tiềm lực

Nỗi nhớ "thời khó thở" (**)

Hồi này, thời thế “dễ thở hơn” rồi. Thẫn thờ nhớ một “thời khó thở”, thời hậu chiến gian khổ, kéo dài hơn một thập kỷ sau 1975. 30-4-1975, cả dân tộc thở phào nhẹ nhõm trút gánh nặng 30 năm máu lửa khốc liệt. Một thằng lính làm thơ là tôi không chỉ thở phào mà còn nhảy dựng lên, hát toáng lên:
“…Tôi đi tìm thân nhân qua rừng già nguyên thủy/ tôi đi tìm thân nhân qua rừng kẽm gai Mỹ/… Hỡi ai không gặp thân nhân/ xin cùng tôi chung mái nhà ấm áp/ là nguyên vẹn nhân dân - Tổ quốc/ ta hành hương trên đất đai sum họp/ nơi nào cũng có thân nhân!...” ( Tìm thân nhân - 1975).
Phơi phới vui hòa bình, thống nhất. Và hi vọng xanh rờn. Trên đất đai này chỉ còn người Việt Nam với nhau. Đã có người tếu táo rằng: “Từ nay sẽ không còn kẻ ngoại bang nào dám đụng đến cái lông chân của người Việt Nam!”. Vậy mà đáng tiếc thay, chính người Việt Nam với nhau lại đưa nhau vào một thời ngạt thở mới.
Thời đó, sau 1975, bạt ngàn lính giải ngũ, trở lại nơi xóm làng xơ xác sau chiến tranh. Triệt để hợp tác hóa ở nông thôn. Đánh tư sản, triệt nhà giàu ở thành thị. Kẻ vào trại học tập cải tạo, không bản án, không thời hạn. Người ra biển vượt biên không hẹn ngày về, phó mặc sinh mạng cho sóng gió và ma quỉ. Đất nước liền một dải mà lắm nhà lại lâm cảnh ly tán. Mà cõi lòng lại đau nỗi cắt chia mới. Lương thực viện trợ của nước ngoài như hồi chiến tranh không còn nữa. Nạn đói hoành hành khắp nước.
Đột ngột lính Pol Pot tràn sang, thảm sát dã man dân lành suốt một dải biên giới Tây Nam. Lại đột ngột súng nổ, lại chết người, lại cháy nhà, suốt toàn tuyến biên giới phía Bắc. Một thằng lính làm thơ là tôi đã cởi áo lính rồi, lại cùng lính ra mặt trận phía Nam, lên mặt trận phía Bắc. Lại đột ngột làm thơ trận mạc: “…Biên ải xưa giặc dã mới tràn vào/ máu lửa ngỡ cũ rồi mà vẫn mới/ gian truân xưa cứ tưởng đã cũ rồi…” (Lên mặt trận ngày đầu - Lạng Sơn 17-2-1979).
Nền kinh tế quốc gia “tuột dốc theo chiều rơi thẳng đứng” (chữ của nhà thơ Tố Hữu, phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ). Lại thiếu gạo. Lại đứt bữa. Lại thấy người ăn mày đầy đường. Lại ăn độn đủ cả sắn, ngô, khoai, bo bo, mì sợi, mì bột, mì hột. Nhà tôi bắt đầu nuôi lợn trên lầu ba… “nâng con lợn lên ngang tầm thời đại!…”

Tiềm lực ngủ yên

Thời đó, gia đình tôi ở trong khu tập thể Hội Văn nghệ TP.HCM: …lầu ba, nhà 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa/ tiếng tắc kè nhỏ giọt trong đêm/ tiếng mưa rừng nhỏ giọt trong trí nhớ/ vết đạn trên tường dù trát lại vẫn có màu vôi khác… Nghe tiếng tắc kè kêu trong thành phố, nhìn thấy ánh trăng một đêm cúp điện, lại nhớ về những cánh rừng xưa, những bạn lính cũ.
Lại thương đến nhão lòng những ước mơ đơn sơ, mộc mạc một thời. Về với mẹ. Về với vợ con. Về với thanh bình vườn ruộng. Về để làm cho dân giàu nước mạnh. Sắp về!... Sắp về!... Con tắc kè trên rừng cây “giơ xương trắng lên trời” do chất độc khai quang hồi đó, nó nói thế. Nó nhắc thế. Nó cứ điệp khúc thế. Cái điệp khúc mơ của người lính trận.
Một cựu binh là tôi lại bắt đầu mơ một điệp khúc mơ đơn sơ mộc mạc khác: “Hãy thức dậy, đất đai/ cho áo em tôi không còn vá vai/ cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…”. Và bắt đầu một nỗi day dứt khác: “…Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non/ châu báu vô biên dưới thềm lục địa/ rừng đại ngàn bạc vàng là thế/ phù sa muôn đời sữa mẹ/ sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể/ còn mặt đất hôm nay - em nghĩ thế nào?/ lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?...”.

Đó là nỗi day dứt của một thường dân. Kèm theo là nỗi day dứt của một thường dân làm thơ:… Lúc này ta làm thơ cho nhau/ đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt/ ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên…
Từng chút, từng chút, ý tứ bài thơ Đánh thức tiềm lực tượng hình dần trong tâm trí tôi, đến đầu năm 1980 mới ngọ nguậy nở thành từng con chữ trên giấy. Những dòng chữ nặng nề và chậm chạp chở lênh đênh tâm sự trầm buồn và chân thật như bọt bèo, như rều rác bập bềnh trôi trên dòng sông tuổi thơ.
Thêm rồi bớt, viết rồi sửa, đến giữa năm 1982 bài thơ dài ra thành vài trăm dòng. Tôi tự thấy nó còn nôm na lắm, ngôn ngữ thơ chưa được. Nhưng cái được ở đây là tâm tình thật của tôi. Thôi, cứ để thế. Tôi dừng bài thơ lại với đoạn kết: Tôi muốn được làm tiếng hát của em/ tiếng trong sáng của nắng và gió/ tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai/ tiếng trần trụi lưỡi cuốc/ lang thang khắp đất nước/ hát bài hát đánh thức tiềm lực!

Bài thơ ngủ yên

Bài thơ đi từ trong lòng ra nên tôi thuộc lòng nó ngay từ lúc vừa viết vừa sửa, cứ lẩm bẩm một mình như lên cơn thần kinh. Thời đó, thơ như thế là “gai góc” quá, thậm chí là “phản động”, không những bị cấm in mà còn bị cấm đọc. Cái thời hễ có ai phát ngôn khác đi so với công thức phát ngôn chính thống thì đều bị qui là “phản động”, bị “kiểm thảo”, bị “kỷ luật”...
Bản thân tôi, năm 1973-1974 ở Hà Nội cũng đã từng khốn đốn, lao đao vì mấy bài thơ “có vấn đề” bị viết bản “tự kiểm” (14 trang giấy khổ lớn, hồi ấy gọi là “giấy năm hào hai”). May thay, cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975 bùng nổ, rồi thống nhất đất nước… Sự kiện lịch sử lớn lao xóa phăng đi cuộc sát phạt nhỏ mọn trong làng văn tù túng, lũ chúng tôi bỗng tự nhiên thoát nạn.
Thế mà ngay khi tôi vừa viết xong bài Đánh thức tiềm lực, đột ngột được tin lão thi sĩ Hoàng Cầm bị tống ngục Hỏa Lò chỉ vì tội tự ý phát tán bản chép tay tập thơ Kinh Bắc (*) của chính ông, trong đó có bài Lá diêu bông “ám chỉ chủ nghĩa xã hội là không tưởng”. Tôi không khỏi chột dạ. Tự xem xét lại mình, thơ của tôi rõ ràng là có “rất nhiều vấn đề”. Xin nhớ cho, lúc đó là giữa năm 1982.
“… Lời nói thật thà có thể bị xử tội/ lời nịnh hót, dối lừa có thể được tuyên dương/ Có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ sau nụ cười là lởm chởm răng cưa/ có cái môi mỏng ráp hơn lá mía/ hôn má bên này bật máu má bên kia/ có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa/ khái niệm bắn đi không biết lối thu về…/ Cần lưu ý có lắm nghề lạ lắm/ nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau/ nghề chửi đổng, nghề ngồi lê, nghề vu cáo/ nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào/ có cả nghề siêu nghề gọi là nghề không làm gì cả/ thọc gậy bánh xe cũng một thứ nghề…” (đoạn viết năm 1980).
Viết thế ấy thì in ở đâu và đọc cho ai? Chỉ dám đọc chơi với vài bạn rượu tri kỷ. Được đoạn nào “rỉ tai” đoạn nấy, từng đoạn, từng đoạn rời rạc. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng an ủi tôi: “Cứ đợi đấy, rồi sẽ đến hồi có người nghe và có người in”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì “triết” hơn: “Sự chân thành tự nó hóa giải bế tắc. Hãy xem lại cái cây mình có thật ngay thẳng không. Cây ngay chẳng sợ chết đứng”. Tôi đã thấy những “cây ngay” mà vẫn bị “chết đứng”, nên lòng cứ thấp thỏm một nỗi lo ngại không xác định, tự nhủ mình phải giữ gìn, chớ hớ hênh mà rước vạ.

Đọc thơ "dù có ra sao cũng đành"...

Khốn nỗi, cũng giống như có ghẻ phải gãi, có thơ không thể không đọc. Không được in thì cứ đọc, mai sau dù có ra sao cũng đành… (một câu hát của Trịnh Công Sơn). Oái oăm thay, lần đầu tiên tôi công bố Đánh thức tiềm lực, đọc liền mạch hoàn chỉnh toàn bài thơ, lại là đọc tặng một người thuộc lớp người “đáng sợ” nhất lúc bấy giờ: ông Sáu Dân, tức Võ Văn Kiệt - Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM.
Hồi đó, khoảng đầu thu năm 1982, ông Sáu sắp sửa thôi giữ chức bí thư thành ủy để ra Hà Nội làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Ông Nguyễn Quang Sáng chợt nảy sáng kiến họp mặt vài anh em bạn ruột (ngay tại căn hộ lụp xụp của ông trong khu tập thể 194B Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để mời ông Sáu đến… chơi!
"Quí trọng ông Sáu thì tụi mình mới mời ổng uống ly rượu đế. Trước, để coi ổng có chịu đến chơi không. Sau, để nói thẳng nói thật với ổng chút ít tâm sự của tụi mình về tình hình thế sự”. Ông Sáng xác định “mục đích và ý nghĩa” cuộc gặp như vậy, rồi gọi điện thoại “thử ” xin nói trực tiếp với ông Sáu. Ông Sáu nhận lời ông Sáng.
Cuộc “chơi” hôm đó thật thoải mái và vui vẻ. “Phe văn nghệ” có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, nhà thơ Nguyễn Bá (từ Cần Thơ lên) và tôi. “Phe chính trị” có mỗi ông Sáu.
Với nét cười hồn hậu, cởi mở, ông Sáu nói rất ít, không một lời “huấn thị”, chỉ kể một kỷ niệm vui vui hồi chiến tranh, rồi chăm chú lắng nghe chúng tôi hát và “tự do ngôn luận”. Nguyễn Quang Sáng nói chuyện viết và lách, viết đã khó, lách còn khó hơn. Trịnh Công Sơn vừa hát tình ca vừa góp ý với lãnh đạo thành phố về vấn đề… ẩm thực. Trần Long Ẩn trổ tài “ca bài ca cà chớn”, những ca khúc lời nhại hài hước diễu cợt cả thời đại. Còn tôi, không biết nói gì hơn là “xin đọc tặng anh Sáu một bài thơ vừa ráo mực, bài Đánh thức tiềm lực...”.

Bản án nhân tình

Xin chèn ngang một mẩu chuyện cũ… Tôi chỉ mới được gặp ông Sáu có mỗi một lần, khoảng giữa năm 1981, trong buổi tổng kết cuộc sinh hoạt chính trị (do nhà thơ Bảo Định Giang điều hành) chuẩn bị thành lập Hội Nhà văn TP.HCM. Thấy nhiều người đọc thơ tặng ông Sáu, tôi cũng đọc, bài Ông già Hậu Giang ngang tàng (bản in sau đó đổi ra Ông già Nam bộ), và bài Bán vàng - để “báo cáo” với bí thư thành ủy về đời sống thực của số đông thi sĩ lúc bấy giờ. Khúc dạo đầu còn e ngại lắm, nơm nớp lo có người ngăn cản:
“… Tâm hồn ta là một khối vàng ròng/ đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/ Ta mơ màng, ta uốn éo, ta lả lơi/ để mặc kệ mái nhà xưa dột nát/ mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác/ mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao/ ta rất gần bể rộng với trời cao/ để xa cách những gì thân thuộc nhất”...
Không bị ai chặn lời, tôi mạnh dạn “làm tới”: “...Cái ác biến hình lởn vởn quanh ta/ tai ách đến bất thần không báo trước/ tờ giấy mong manh che chở làm sao được/ một câu thơ chống đỡ mấy mạng người/ Vợ chồng ngủ với nhau đắn đo như vụng trộm/ không cái sợ nào bằng cái sợ sinh con/ hạnh phúc lớn vòng tay ôm không xuể...”.
Vẫn không thấy ai chặn lời. Phòng họp lặng ngắt. Tôi bình tâm kết thúc bài thơ:
Thì bán bớt đi một ít vàng ròng / để sống được qua ngày gian khổ đã/ phải sống được qua cái thời nghiệt ngã/ để khối vàng đây chỉ đổi lấy mây trời!

Sau cuộc họp đó tôi không những không bị “búa” như dự đoán của tôi và của nhiều người khác, mà lạ thay còn được người thư ký của bí thư thành ủy tìm gặp: “Anh Sáu nhắn cậu chép tặng anh ấy bài Bán vàng và bài Ông già Hậu Giang để làm kỷ niệm tình cảm”. Tôi hơi ngại, hỏi lại Nguyễn Quang Sáng: “Liệu có phải ông Sáu cần văn bản chứng cớ để xử lý?...”. Ông Sáng nói: “Chắc không phải. Nếu muốn xử, ổng chỉ cần ra lệnh”. Tôi bèn chép hai bài thơ và không quên ghi cẩn thận dưới tên mỗi bài: Tác giả chép tặng anh Sáu Dân để làm kỷ niệm tình cảm.
Ít lâu sau, tại cuộc gặp gỡ nhân dịp đại hội thành lập các hội nghệ thuật chuyên ngành của thành phố, với tư cách bí thư thành ủy, ông Sáu nói chuyện với đông đảo văn nghệ sĩ. Trong bài nói không dài đó của ông Sáu Dân có một đoạn tôi không bao giờ quên: “Vừa qua, tôi đã nghe và đã đọc bài thơ Bán vàng của nhà thơ Nguyễn Duy. Theo tôi, đó là một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta. Đau, nhưng là sự thật. Chúng ta cần chân thành nhìn nhận sự thật để cùng nhau vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn. Muốn vượt lên thì phải có niềm tin. Mà cốt lõi của niềm tin là tin ở con người...”.
Lần đầu tiên tôi trực tiếp nghe một bài huấn thị chính trị như thế, trực tiếp thấy một nhà lãnh đạo chính trị ứng xử như thế. Đó là khoảng giữa năm 1981. Quả là bất ngờ. Tự nhiên tôi xúc động, vì một cái gì đó mà tôi chưa biết gọi nó là cái gì, hình như nó chỉ là cái lẽ nhân tình bình thường mà sao ta ít thấy ở những vị quan lớn. Và, tự nhiên tôi cảm thấy tin ông…

Đánh thức...

Lúc này, với tất cả nỗi niềm “tin ở con người”, tôi lại trang trọng kính tặng ông Sáu một “rừng gai góc” mới. Tôi đứng ngay ngắn, nhìn thẳng ông Sáu mà đọc, thấy ông không cười cười nữa, hơi cúi đầu đăm chiêu với gương mặt bình thản không phơi lộ cảm xúc. Tôi cũng bình tâm làm phận sự của mình:
…Xưa mẹ ru cho ta ngủ yên lành/ để khôn lớn ta hát bài đánh thức/ có lẽ nào người lớn cứ ru nhau/ ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt…/ Tiềm lực còn ngủ yên trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng/ Tiềm lực ngủ yên trong bộ óc mang khối u tự mãn.
Không ngắc ngứ, không ngừng nghỉ, tôi kéo một lèo khoảng 10 phút cho đến hết bài thơ. Thấy ai nấy ngồi lặng. Ông Sáu cũng im lặng chốc lát, mới chậm rãi: “Nặng lắm. Nhưng chịu được”. Hình như ông vừa trải qua một cuộc tra tấn. Rồi ông tiếp: “Nếu kể về cái tiêu cực thì tôi kể cả ngày không hết. Còn nếu kể về cái tích cực thì tôi kể cả tuần cũng không hết. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chống tiêu cực hay biểu dương tích cực. Vấn đề ở đây là con người, là văn hóa. Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được...”.
Nghe ông Sáu, tôi thở phào nhẹ nhõm, trút bỏ nỗi lo ngại không xác định lâu nay vốn nặng trĩu lòng. Thì ra những câu thơ “khó chịu” thế kia không phải chờ đến mai sau mới có người lắng nghe và chia sẻ. Những người “chịu nghe” và “chịu được” loại thơ “nặng lắm” ấy đã hiện diện quanh tôi ngay từ “thời khó thở” đó.

Tiềm lực thức giấc...

Sau cuộc đọc thơ đó, tôi bèn đem Đánh thức tiềm lực đi đọc và “phát tán” ở nhiều nơi. Có nơi “hoan hô nhiệt liệt”, mời đọc, cho phát hành bài thơ bằng băng ghi âm hoặc bản in rônêô. Lại có nơi cấm đọc, cấm lưu hành cũng bài thơ đó. Nó xuất hiện muộn hơn trên mặt báo và sách. Lần đầu tiên Đánh thức tiềm lực được in là trên tờ Văn Nghệ Đồng Nai do nhà thơ Xuân Sách làm tổng biên tập, số tháng 12-1984. Nhưng tờ báo văn tỉnh lẻ này chỉ ra mỗi tháng một kỳ, mỗi kỳ mấy trăm bản, loanh quanh trong “xóm” Đồng Nai, ít ai biết đến.
Mãi cuối năm 1986, sau nghị quyết “Đổi mới” của Đại hội VI Đảng Cộng sản VN – được coi là đại hội “mở cửa” và “cởi trói” - bài Đánh thức tiềm lực mới được đăng nguyên văn trên báo Tuổi Trẻ, được phát hành khắp trong nước và ngoài nước. Năm 1987, Đánh thức tiềm lực có mặt đàng hoàng trong tập thơ Mẹ và em cùng với bài viết “Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy” của Nguyễn Quang Sáng (Nhà xuất bản Thanh Hóa).
Và từ đó nó đã được chọn vào nhiều tuyển tập. Có một dòng đề từ ngay dưới tên bài thơ, tôi viết thêm sau cuộc đọc thơ vừa kể, để ghi nhớ một kỷ niệm sâu sắc thời kỳ trước đổi mới: “tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế”. Chính nhờ có những người-đánh-thức-tiềm-lực không biết mệt mỏi, những người dám “xé rào cơ chế”, dám “chịu nghe” những gì khác đi, thậm chí là ngược lại cái công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình… như ông Sáu Dân, chúng ta mới có được một con đường đổi mới với những ngày “dễ thở hơn” như hôm nay.
(Trích Tùy bút NGUYỄN DUY)


-----------------
(*) Kinh Bắc đã được NXB Văn Học xuất bản năm 1994.
(**) intertitle do Tuổi Trẻ Online đặt.
(***) Ông Sáu Dân- tứcVõ Văn Kiệt- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, người được nhắc tới một cách trân trọng trong bài viết trên đã qua đời vào lúc 7 giờ 40 phút (giờ Hà Nội) ngày 11 tháng 6 năm 2008, khi đang điều trị tại Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore.

Nguồn: Tuổi trẻ Online.[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 7 07/02/09 9:27

Hay lắm. Cảm ơn Trúc Anh rất nhiều v/v đã giới thiệu bài viết của Nguyễn Duy.

Đã lâu lắm tôi mới được đọc một bài viết xúc động như thế. Trong khi đọc tôi phải mở kính ra lau 3 lần. Và đọc xong cứ ngồi lặng đi để nước mắt chảy hai bên gò má...

Các văn nghệ sĩ như Nguyễn Duy, các nhà lãnh đạo quốc gia như Võ Văn Kiệt... thật là những người dũng cảm. Cuộc đời này đáng sống chính vì còn có những con người như thế!
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 7 07/02/09 19:19

[justify]Cám ơn Thầy đã chia sẻ! Cuộc đời vẫn đẹp sao bởi còn có những con người đáng kính như thế: Trung thực, chân thành và mãnh liệt trong sáng tạo, dũng cảm, tiên phong trên con đường Đổi mới dù bàn chân có thấm đau vì những mũi gai… Xin được giới thiệu toàn văn tác phẩm thơ một thời đã từng “có nơi cấm đọc, cấm lưu hành” của Nguyễn Duy:

Đánh thức tiềm lực
"Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế"

Hãy thức dậy, đất đai!
cho áo em tôi không còn vá vai
cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn
Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm
rồi thì đi xa hơn - đẹp, giàu và sung sướng hơn
Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
châu báu vô biên dưới thềm lục địa
rừng đại ngàn bạc vàng là thế
phù sa muôn đời như sữa mẹ
sông giàu đằng sông, bể giàu đằng bể
còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
lòng đất rất giàu, mà mặt đất cứ nghèo sao?
***
Lúc này ta làm thơ cho nhau
đưa đẩy mà chi những lời ngọt lạt
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực ngủ yên...
***
Tôi lớn lên trên bờ bãi sông Hồng
trong màu mỡ phù sa máu loãng
giặc giã từ con châu chấu con cào cào
mương máng đê điều ngổn ngang chiến hào
trang sử đất ngoằn ngoèo trận mạc
giọt mồ hôi nào có gì to tát
bao nhiêu đời mặn chát các dòng sông
Bao nhiêu thời vỡ đê trắng đất mất đồng
thuyền vỏ trấu mỏng manh ba chìm bảy nổi
khúc dân ca cũng bèo dạt mây trôi
hột gạo nõn nà hao gầy đi vì thiên tai
đói thâm niên
đói truyền đời
điệu múa cổ cũng chậm buồn như đói...
***
Tôi đã qua những chặng đường miền Trung bỏng rát và dai dẳng
một bên Trường-Sơn-cây-xanh
bên còn lại: Trường-Sơn-cát-trắng
đồng bằng hình lá lúa gầy nhẳng
cơn bão chưa qua, hạn hán đổ tới rồi
ngọn cỏ nhọn thành gai mà trốn không khỏi úa
đất nứt nẻ ngỡ da người nứt nẻ
cơn gió Lào rát ruột lắm em ơi
Hạt giống ở đây chết đi sống lại
hạt gạo kết tinh như hạt muối
cây lúa đứng lên cũng đạp đất đội trời
***
Tôi về quê em - châu thổ mới bồi
sông Cửu Long giãn mình ra biển
đất cuồn cuộn sinh sôi và dịch chuyển
cây mắm cây tràm lặn lội mở đường đi
Đất tân sinh ngỡ ngọt ngào trên mặt
lòng còn chát chua nào mặn nào phèn
má sung sức và ba cường tráng thế
man mác âu sầu câu hát ru em
Đã qua đi những huyền thoại cũ mèm
những đồng lúa ma không trồng mà gặt
những ruộng cá không nuôi mà sẵn bắt
những ghểnh cẳng, vuốt râu mà làm chơi ăn thật
miếng ăn nào không nước mắt mồ hôi!
Ruộng bát ngát đó thôi, và gạo đắt đó thôi
đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện
con rầy nâu khoét rỗng cả mùa màng
thóc bỏ mục ngoài mưa thiếu xăng dầu vận chuyển
phà Cần Thơ lê lết người ăn xin
cây đàn hát rong não nề câu vọng cổ
quán nhậu lai rai - nơi thừa thiếu trốn tìm
***
Này, đất nước của ba miền cày ruộng
chưa đủ no cho đều khắp ba miền
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...
***
Lúc này tôi làm thơ tặng em
Em có nghĩ tôi là đồ vô dụng?
Vô dụng lấy đi của cuộc sống những gì?
Và trả lại được gì cho cuộc sống?
Em có nghĩ tôi là con chích chòe
ăn và gạt mỏ ?
Em có nghĩ tôi là tay chuyên sản xuất hàng giả?
Em có nghĩ tôi là kẻ thợ chữ đục đẽo nát cả giấy
múa võ bán cao trên trang giấy mong manh?
tình nghĩa nhập nhằng với cái hư danh?
tờ giấy chép văn thành tờ giấy bạc?
Em có nghĩ....
mà thôi!
.....
Xin em nhìn kia – những người cuốc đất
(tôi cũng từng chai tay cuốc đất)
cái cuốc theo ta đời này, đời khác
lưỡi cuốc nhỏ nhoi liếm sạch cánh đồng rồi
dướn mình cao
chĩa thẳng cuốc lên trời
bổ xuống đánh phập
đẹp lắm chứ cái tạo hình cuốc đất!
Xin em nhìn kia - người gánh phân, gánh thóc
(tôi cũng từng mòn vai gánh phân, gánh thóc)
kẽo kẹt hai vai một nhịp cầu vồng
đẹp lắm chứ cái tạo hình gồng gánh
Những cái đẹp này....em có chạnh lòng không?
cái đẹp gợi về thuở ngày xưa ngày xửa
nhịp theo tiết tấu chậm buồn
cái đẹp ấy lẽ ra không nên tồn tại nữa!
Em có chạnh lòng chăng
giữa thành phố huy hoàng bạt ngàn quán nhậu
bỗng hiện lù lù chiếc xe hơi chạy than
vệt than rơi toé lửa mặt đường
Em có chạnh lòng chăng
xích lô đạp càng ngày càng nghênh ngang
xích lô máy và xe lam chạy dầu vừa nã đại liên vừa phun khói độc
người đi bộ vừa đi vừa nghĩ về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...
***
Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo
quen cái thói hay nói về gian khổ
dễ chạnh lòng trước những cảnh thương tâm
Làng tôi ngày xưa toàn nhà tranh vách đất
Bãi tha ma không một cái mả xây
Mùa gặt hái rơm nhiều, thóc ít
Lũ trẻ chúng tôi vầy đất tối ngày
Thuở tới trường cũng đầu trần chân đất
chữ viết loằng ngoằng củ sắn, ngọn khoai
thầy giáo giảng rằng nước ta giàu lắm!...
lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài...
***
Lúc này
tôi và em không còn là lũ trẻ con nữa
ta biết buồn để biết lạc quan
để nhắn lại sau ta cho lớp lớp trẻ con

(dù sau này dầu mỏ đã phun lên
quặng bôxít cao nguyên đã thành nồi thành xoong
thành tàu bay hay tàu vũ trụ
dù sau này có như thế... như thế... đi nữa
chúng ta vẫn cứ nên nhắn lại)
đừng quên đất nước mình nghèo!
Lúc này
tôi và em không còn là lũ trẻ con nữa
tuổi thanh xuân trọn vẹn cuộc chiến tranh
sau lưng ta là kỷ niệm bi tráng
trước mặt ta vẫn con đường ghập ghềnh
vẫn trang trọng tấm lòng trung thực
dù có thể lỗi lầm – làm thế nào mà biết trước
dù có sao thì cũng phải chân thành
Xưa mẹ ru ta ngủ yên lành
để lớn khôn ta hát bài đánh thức
có lẽ nào người lớn cứ ru nhau
ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt
***
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong bộ óc mang khối u tự mãn
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong cặp mắt lờ đờ thủy tinh thể
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong ống mũi khò khè không nhận biết mùi thơm
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong lớp da biếng lười cảm giác
Năng động lên nào
từ mỗi tế bào từ mỗi giác quan
cố nhiên cần lưu ý tính năng động của cái lưỡi

***
Cần lưu ý
Lời nói thật thà có thể bị buộc tội
lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương
đạo đức giả có thể thành dịch tả
lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường
Cần lưu ý
có cái miệng làm chức năng cái bẫy
sau nụ cười là lởm chởm răng cưa
có cái môi mỏng rát hơn lá lúa
hôn má bên này bật máu má bên kia
có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa
khái niệm bắn đi không biết lối thu về
Cần lưu ý
Có lắm sự nhân danh lạ lắm
mượn áo thánh thần che lốt ranh ma
nhân danh thiện tâm làm điều ác đức
rao vị nhân sinh để bán món vị mình
Cần lưu ý
Có lắm nghề lạ lắm
nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau
nghề chửi đổng, nghề ngổi lê, nghề vu cáo
nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào
có cả nghề siêu nghề, gọi là nghề không làm gì cả
thọc gậy bánh xe cũng một thứ nghề...
Bộ sưu tập những điều ngang trái ấy
Phù chú tà ma ru tiềm lực ngủ mê
***
Tôi muốn được làm tiếng hát của em
tiếng trong sáng của nắng của gió
tiếng chát chúa của máy và búa
tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai
tiếng trần trụi của lưỡi cuốc
lang thang
khắp đất nước
hát bài hát.

TP Hồ Chí Minh 1980-1982, Tuỳ bút Nguyễn Duy

Nguồn: Tuổi trẻ Online[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 7 07/02/09 23:14

[justify]Gót chân trần quê cũ

Tôi là nạn nhân của chính mình vì đã có lần “lỡ dại” đánh mất mình trong đôi mắt có vẻ như kỳ thị, nhưng rất trung thực của người ngoài giữa ngã tư thế giới! Đã hai mươi lăm năm, nhưng giọng cười khinh bạc của anh chàng Kenya vẫn chưa hết cường độ châm chích làm tôi đau nhói. Mùa hè năm 1983, tôi từ tiểu bang Louisiana miền đông nam nước Mỹ lên thủ đô Washington DC xin việc làm. Khi lên bạn bè cho vé máy bay. Nhưng khi về chỉ còn đủ chút tiền còm đi xe buýt xuyên bang Greyhound mà thôi. Người khách ngồi ghế bên cạnh tôi là một anh chàng da đen, người Kenya, trạc tuổi tôi. Sau vài giờ hâm nóng tình láng giềng, anh bạn tò mò hỏi:
- Anh từ đâu tới?
Tôi muốn trả lời ngay là Việt Nam, nhưng mặc cảm tự ti đất nước mình vừa thoát cơn chiến tranh, còn nghèo nàn, lạc hậu đã làm tôi lúng túng một lát, rồi lưỡng lự trả lời:
- Nhật Bản!
Anh chàng hỏi dồn:
- Anh là người Nhật. Thế anh sang Mỹ để làm gì?
Đã trót phóng lao nói dối, tôi phải theo lao. Đáp:
- Tôi đại diện cho Hãng xe Toyota qua đây buôn bán với người Mỹ.
Chàng Kenya im lặng một lát. Trong ánh nắng chiều xuyên qua cửa sổ xe, tôi thấy nét mặt anh ta từ từ đanh lại. Đôi mắt dò hỏi như cánh rừng hoang dã ấy chiếu thẳng vào mặt tôi. Anh cười khinh bạc và nói với giọng như muốn ném thẳng vào mặt người nghe:
- Trật lất! Tại sao anh phải nói dối hả?
Người tôi như đông cứng lại. Gã Kenya lịch sự nói thì thầm bên tai tôi để các hành khách bên cạnh khỏi nghe:
- Uh! Thật là trẻ con. Nếu anh là đại diện cho Hãng xe Toyota thì phải đi máy bay, ngồi ghế doanh nhân thượng hạng chứ tại sao lại phải đi loại xe buýt thổ tả này làm gì cho mệt xác!
Loay hoay một lát rồi tôi dè dặt nhận mình là người Việt Nam. Chàng Kenya “dạy dỗ” một câu làm tôi nhớ đời: “Anh hãy ráng đem đất nước của anh vào thế giới. Đừng vội vàng tìm cách cố đem thế giới vào đất nước của anh một cách vụng về như thế”.

Phải lâu lắm, cũng chừng hơn vài mươi năm, tiếp cận với đất nước và con người ở nhiều nơi trên thế giới, tôi mới hiểu được thế nào là “đem đất nước của mình vào thế giới” và phải rất dè chừng khi làm ngược lại.
Người ta có thể thay đổi hẳn một mái tóc, một cách nhìn, một tấm hộ chiếu đi du lịch trước mắt nhưng không thay đổi được lai lịch nguồn gốc. Gần ba mươi năm mang hộ chiếu quốc tịch Hoa Kỳ đi quanh làng trên xóm dưới từ Á sang Âu, tôi thấy gót chân mình vẫn chưa sạch đất phèn của non nước Việt Nam. Gót chân trần quê cũ là một “lai lịch” của tâm hồn. Trong lòng tôi có hai đất nước để yêu. Một quê hương sinh và một quê hương dưỡng. Thân mẫu và dưỡng mẫu đều là hai bà mẹ hiền đáng yêu thương và trân quý như nhau. Nhưng đó chỉ là cảm nhận thuần lý. Tình cảm cội nguồn bao giờ cũng gần hơn như gần với mẹ đẻ.
Mới hôm qua, đã có nhiều nước mắt da trắng lẫn da đen chân thành nhỏ xuống trong đêm mừng chiến thắng của Barack Obama, người Mỹ đen đầu tiên đắc cử tổng thống. Nhiều người da đen có tổ tiên đến Mỹ làm nô lệ từ thời dựng nước đã nói lên tâm sự của mình: “Đây là lần đầu tiên tôi mới cảm thấy yêu trọn vẹn đất nước Hoa Kỳ này!”. Lòng yêu nước không phải là một câu chuyện thần kỳ mà là một tình cảm tự nhiên và thiêng liêng khi những rào cản giữa con người và đất nước không còn nữa. Lòng yêu nước nằm sẵn trong mỗi trái tim con người. Tình yêu đó chỉ hiển hiện khi có tác động khai mở như tiếng hét của thiền sư bẻ khóa, phá rào cho sông suối gặp biển khơi; cho người nhận ra có một cội nguồn thật sự của mình đang nằm trong góc khuất.

Lòng yêu nước cũng như mùa xuân. Nó đến, nó đi và có mặt trên mọi nẻo đường. Không đón xuân cũng đến. Nơi phương xa, những đứa con tha hương không về ăn tết, nhưng mùa xuân quê hương vẫn có ở trong lòng.

Sacramento, cuối đông 2008
TRẦN KIÊM ĐOÀN

Nguồn: Tuổi trẻ Online (Chủ Nhật, 18/01/2009).[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 3 03/03/09 12:08

[justify]…Lòng yêu nước nằm sẵn trong mỗi trái tim con người. Tình yêu đó chỉ hiển hiện khi có tác động khai mở như tiếng hét của thiền sư bẻ khóa, phá rào cho sông suối gặp biển khơi; cho người nhận ra có một cội nguồn thật sự của mình đang nằm trong góc khuất”… Lòng yêu nước thường hằng và ẩn khuất ấy, có vô vàn cách để “hiện diện”, để khơi dậy và gom góp chút phù sa cho đời. Với các văn nghệ sĩ, ngòi bút là “vũ khí”, là “tư liệu lao động” giúp họ xới đất, gieo hạt, vun trồng… hầu mong góp thêm mùa vụ tinh thần bội thu dâng tặng nhân dân và cuộc sống. Dĩ nhiên, để đạt tới điều ấy, bản thân các văn nghệ sĩ cần có nhiều phẩm chất tốt đẹp và kỹ năng nghề nghiệp tinh tế, điêu luyện lắm… Nhưng trước hết, muốn Sáng tạo những tác phẩm “sống mãi với thời gian”, ba chữ sau rất cần phải có: Chữ Tâm, Chữ Dũng và Chữ Nhẫn. Chữ Tâm để biết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”, Chữ Dũng để đủ bản lĩnh Không Hèn, để dám nói thẳng, nói thật như nhà thơ Phùng Quán viết: “Đã đi với nhân dân/Thì thơ không thể khác/Dân máu lệ khốn cùng/Thơ chết áo đắp mặt” (Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe)…và Chữ Nhẫn để trì chí, kiên định, để đi tới tận cùng sự lựa chọn và dấn thân của mình vì mục đích tôn vinh những giá trị Chân – Thiện – Mỹ!
Xin gửi tới quý TV của Diễn đàn VHH một bài viết phù hợp với chủ đề này để chúng ta cùng suy ngẫm…


CÁI HÈN CỦA NGƯỜI CẦM BÚT
(PHẠM XUÂN NGUYÊN)

"Cái hèn" này, gần đây, đã được một số người nói đến khi nhìn lại một giai đoạn văn học vừa qua. Nhưng tôi có cảm tưởng tác giả đó chỉ mới đủ dũng cảm để dám nói về "cái hèn" của mình so từ bên ngoài mình đưa tới mà thôi. Nghĩa là hoàn cảnh, không khí của một thời không thuận lợi cho người cầm bút, buộc họ luôn phải sợ hãi, nơm nớp cho số phận mình, phải dè dặt, canh chừng cho ngòi bút mình, từ đó đưa đến "cái hèn" của nhân cách người viết. Người khác làm cho mình sợ mà trở nên hèn! Hoàn cảnh của đời sống văn học trước đây bị phê phán chính từ phía này. Điều đó đúng nhưng không đủ. Và sẽ là thiếu sót, sẽ là không toàn diện, nếu các bài viết đánh giá quá khứ chỉ bằng lòng dừng lại ở mức độ phê phán cái bên ngoài, hoàn cảnh bên ngoài như vậy. Chúng ta là những người theo chủ nghĩa Mác, do đó chúng ta phải có tinh thần biện chứng khách quan và lịch sử. Trong mối quan hệ hoàn cảnh và tính cách, Mác đòi hỏi phải cải tạo hoàn cảnh để có "tính người hơn", mặt khác Mác cũng nhấn mạnh đến tính tích cực chủ động của tính cách trở lại hoàn cảnh. Và Mác đã dạy: "Căn bản nghĩa là xét sự vật tận gốc rễ của nó. Mà gốc rễ của con người chính là bản thân con người". Nói đến tình trạng kém phát triển hoặc phát triển không đồng đều của văn học ta giai đoạn trước không thể không đụng chạm đến chính ngay sự kém cỏi của người cầm bút. Sự kém cỏi đây tôi muốn nói là "cái hèn" do chính những người cầm bút gây ra cho mình. Mình tự làm hèn mình!

Văn học cách mạng Việt Nam có một Nguyễn Tuân. Chúng ta có thể tự hào cho Nguyễn Tuân, tự hào về Nguyễn Tuân, tự hào vì Nguyễn Tuân, nhưng chúng ta không thể lấy Nguyễn Tuân để làm niềm tự hào thay cho mình được. Bởi một lẽ: Nguyễn Tuân không muốn và không tự làm hèn mình đi như phần đông chúng ta. Nguyễn Tuân mất, hàng loạt bài viết ca tụng văn tài ông, đặc biệt ca tụng phẩm chất cương trực thẳng thắn của ông, ca tụng cái đức "không chịu hèn" của một người cầm bút trung thành với chính mình. Vẻ vang cho ông và cũng may mắn cho ông biết bao! Ông chết thật hợp thời – cái thời cho phép những đồng nghiệp của ông được nói thoải mái về ông như chính ông vốn có và như điều họ nghĩ về ông. Mừng cho sự ra đi đầy vinh quang của Nguyễn Tuân, có người nhớ lại tiếc cho Xuân Diệu mất sớm hai năm trước không hưởng được đầy đủ những lời ngợi khen mình đích thực... Thế đấy, "Cái hèn" tự do mình mà ra. Thôi thì thà im lặng, thà chịu mang lỗi với vong linh người đã khuất, chứ ít ai dám vượt lên mình để nêu cao một giá trị, khẳng định một nhân cách. Mặc dù cái gọi là hoàn cảnh bên ngoài ràng buộc ở đây không phải đến mức như tưởng tượng lo sợ.

Nhiều người đã nói đến cấm đoán, bắt bẻ, kiểm soát từ trên xuống đối với những trang viết. Nhưng có phải vì thế mà người cầm bút tự cho mình "được hèn" để viết xuôi chiều, dễ dãi không? Vấn đề ở đây không nên hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho lãnh đạo. Nguyên nhân chính phải tìm ở trong mình. Nguyễn Tuân không chiều ai, không lụy ai, ông lừng lững đi tới trong cuộc đời và trong văn học, ông chỉ tôn thờ một sức mạnh duy nhất: sức mạnh của cái thật và cái đẹp. Xuân Diệu có nơi phải rào đón, phải né tránh, nhưng cái gì ông có, cái gì là của ông thì không giấu được, bằng cách này hay cách khác ông phải nói ra, phải lộ ra cho mọi người nghe và thấy. Nói thực ra hai ông cũng đã có một lúc, như nhiều người cầm bút khác, muốn chối bỏ mình, cắt đứt mình giữa cái hôm qua và cái hôm nay, giữa thời "tiền chiến" và thời cách mạng. Nhưng bằng chính bản chất con người và bản lĩnh nghệ sĩ của mình, hai ông đã hiểu cách mạng, chấp nhận đi với cách mạng đến tận cùng cá tính sáng tạo đích thực của tài năng mình. Cho nên giả dụ Nguyễn Tuân, Xuân Diệu khi nằm xuống chưa được đánh giá đúng, chưa được hiểu kỹ hiểu sâu thì thời gian và công chúng sẽ trả lại chân giá trị cho các ông dựa trên những trang sách thật mình của các ông để lại. Còn những người cầm bút khác thì không được như thế. Họ cam chịu hèn nên họ đánh mất mình. Tôi cứ có cảm giác tiếc. Giá như bây giờ bên cạnh những lời chỉ trích, phê phán lớn tiếng đối với quá khứ, có được một số tác phẩm viết ngay từ hồi ấy đem in ra. Buồn thay có rất ít những tác phẩm như thế hoặc hầu như không có chúng. Những người cầm bút chúng ta tính hiền quá, bản lĩnh thường quá, nên không phải là không thấy không nghĩ trước thực tế cuộc sống, nhưng hoặc là im lặng không dám viết, hoặc là viết không đúng với điều mình tâm niệm. Những ngày này chúng ta hay nhắc đến Nam Cao. Bài học đời văn của Nam Cao, theo tôi, trước hết là sự trung thực của ngòi bút đối với mình, với sự thật Nam Cao, cũng như Lỗ Tấn, từng đã bị chửi mắng, bị dọa đánh khi những hình tượng văn học do ông xây dựng nên mang những nét bản chất, điển hình của nhiều trường hợp xã hội. Nếu sợ, ông có thể viết khác đi, quay tráo ngòi bút lại. Nếu hèn ông có thể thôi viết, giữ lấy cái sự yên thân. Nhưng không, thiên chức và trách nhiệm của một người cầm bút chân chính đã buộc ông phải tiếp tục viết cái cần viết, dù có vì thế mà ông chuốc thêm nhiều sự khó khăn, phiền toái. Ngẫm cho kỹ, toàn bộ các tác phẩm Nam Cao viết về người trí thức cũng chỉ xoay quanh một chủ đề duy nhất là căn bệnh "mình tự làm hèn mình" của tầng lớp này. Vì cái hèn tự thân đó, nên những Điền, Hộ, Thừa, Thứ... suốt đời chỉ biết cam chịu số phận, nhẫn nhục với hoàn cảnh, tự ru ngủ với những ảo tưởng, mơ ước suông mà không đạt đến một cái gì cụ thể, có thực. Nam Cao ý thức rất rõ căn bệnh này của tầng lớp mình và cũng rất có ý thức ông cố gắng vượt lên mình, chiến thắng bản thân mình để tác phẩm viết ra trung thành với hiện thực cuộc sống. Nhà văn đứng cao hơn các nhân vật của mình và những trang viết của ông là một bằng chứng sinh động về sự dũng cảm của người cầm bút trước thực tại xã hội. Nam Cao còn lại cho chúng ta suy tôn hôm nay phần lớn là ở chỗ đó. Ca ngợi ông, đồng thời chúng ta thấy xấu hổ trước ông vì không nhận được như ông dám công khai thừa nhận cái hèn, cái yếu của mình.


Nhân đây tối muốn nhắc đến một tình hình ở Liên Xô để chúng ta cùng suy nghĩ. Cải tổ trong văn học Liên Xô hiện nay có một mặt là cho công bố một loạt những tác phẩm được viết ra trong các giai đoạn trước đây mà không được in. Các nhà văn Xô viết sống trong những hoàn cảnh hết sức phức tạp, khó khăn của những năm 30, những năm 50 – 60 vẫn trung thực tận cùng với chính mình, với bổn phận cao quý của người cầm bút để dám viết nên những tác phẩm xuất sắc, phản ánh chân thực cuộc sống và con người những thời kỳ lịch sử ấy, bất chấp mọi sự đàn áp, đe dọa, thậm chí cả lao tù, khổ nhục. Trường hợp B. Pasternak và tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago ai cũng đã rõ. Hay lấy ví dụ nhà thơ đương đại đang rất nổi tiếng là Evgeni Evtusenco. Báo Tuần lễ, số ra tháng 11-1987 vừa đăng bài thơ của ông nhan đề Những kẻ thừa kế Xtalin viết từ năm 1962. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua giữa thời điểm bài thơ viết ra và thời điểm nó được đăng lên. Nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa là E. Evtusenco đã viết bài thơ này vào chính hồi đó. Khi ấy E. Evtusenco chưa phải đã có tiếng tăm, chỉ mới nổi lên trong làn sóng thơ "tạp ký" nhưng bằng sự nhạy cảm của một nhà thơ và tinh thần dũng cảm của mình một công dân ông đã dám viết điều mình thấy, mình nghĩ. Nhân việc quan tài của Xtalin bị đưa ra khỏi Lăng, nhà thơ nêu lên một vấn đề mang tính tư tưởng, chính trị lớn: làm sao mang được Xtalin ra khỏi những kẻ thừa kế Xtalin? Bởi vì những kẻ này:

Một số về hưu trồng hoa chơi cảnh
Nhưng vẫn cho rằng hưu chỉ tạm thôi
Số khác lên diễn đàn chửi Xtalin hết lời
Nhưng đêm đêm vẫn nhớ về thời cũ


Bài thơ kết thúc bằng một nỗi lo của tác giả

Chừng nào những kẻ thừa kế Xtalin còn đó
Thì tôi cho rằng Xtalin vẫn còn ở trong Lăng.


Thật mạnh bạo, quyết liệt ở tính cách của người cầm bút này? Dù bài thơ không được in ngay khi đó, bây giờ in ra giá trị thời sự và giá trị nhân văn của nó vẫn lớn, nó càng làm vẻ vang thêm cho tài năng nhà thơ. Còn ở nước ta – xin hãy nghe một lời tâm sự: "Tôi bèn đem những bài thơ riêng chưa in của mình trước đây ra đọc. Những bài thơ trước đây tưởng như sâu sắc lắm, hóa ra lại không đạt tới những điều hôm nay có thể in, có thể nói" (Vân Long, báo Văn nghệ, số 47 & 48, 21-11-1987). Vấn đề ở đây là bản lĩnh và tầm vóc của người cầm bút, tức là nội lực chủ động của anh, chứ không phải cứ thụ động ngồi chờ cái "hích" từ bên ngoài rồi khi được thì hoan hỷ tâng bốc, khi không được thì trách móc đổ lỗi.

Trong bài nói chuyện với các văn nghệ sĩ gần đây, đồng chí Tổng Bí thư nói: "Tôi có cảm giác trong hơn 10 năm qua (từ khi nước nhà thống nhất, cả nước đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội), so với hai cuộc kháng chiến trước đó thành tựu của văn học nghệ thuật của chúng ta còn nghèo. Trong hai cuộc kháng chiến, các đồng chí đã đóng góp sức nhiều, có công rất nhiều, có tài rất nhiều. Nhưng 10 năm qua thì không được như thế. Tôi nói nghèo là ý như vậy". Bài tường thuật còn ghi thêm ý đồng chí Tổng Bí thư nói là nếu không đúng thế thì tôi mừng, còn nếu đúng thế thì tại sao? Thật rõ ràng. Đây là một cuộc đối thoại dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, trong đó đồng chí Tổng Bí thư chỉ nêu lên một cảm giác (Tôi nhấn mạnh – PXN) của mình và chờ nghe ý kiến bàn bạc, trao đổi của các văn nghệ sĩ chứ không hề là một nhận định có tính áp đặt, bắt buộc phải tuân theo. Một số người đã trả lời thẳng câu hỏi đó của đồng chí Tổng Bí thư: Văn học nghệ thuật của ta từ hơn 10 năm nay nghèo thật. Hãy để sang một bên việc đánh giá tình hình văn học như thế nào, tôi chỉ muốn nói đến thái độ của người cầm bút trong trường hợp này. Anh nói "nghèo" và trước đồng chí giữ vị trí cao nhất của Đảng anh đã dám nêu ra nguyên nhân của nó là hệ thống quan niệm và lãnh đạo văn nghệ chưa phù hợp, chưa đặc trưng. Và nên nhớ đây là chỉ nói khoanh lại trong khoảng thời gian hơn 10 năm kể từ ngày giải phóng đất nước. Như thế mặc nhiên có thể hiểu là anh đặt văn học nghệ thuật trong hai cuộc kháng chiến trước đây vào phạm trù "giàu" và tìm ra nguyên nhân của nó khác với trên. Nhưng đọc một số bài viết gần đây của những người có tham gia cuộc gặp tôi thấy người viết có ý như phủ nhận gần hết thành quả của văn học hai cuộc kháng chiến, cho nó gần như là không có gì vì nào là minh họa, nào là sơ lược, nào là một chiều và quy tất cả nguyên nhân lại vẫn là do bị lãnh đạo không đúng. Có một cái gì không logic ở chỗ này. Và cái không logic đó, tôi nghĩ, vẫn là từ "cái hèn" tự thân cố hữu của người cầm bút mà ra. Rồi đây việc đánh giá lại các giai đoạn phát triển văn học nghệ thuật sẽ phải được làm với một tinh thần khách quan, lịch sử và khoa học. Nhưng dù thế nào, người cầm bút cũng phải xác định được rõ cho mình chỗ đứng của người trong cuộc và trách nhiệm bản thân về chỗ đứng ấy, chứ không nên đổ cho người khác là thủ phạm chính, còn anh vốn mạnh nhưng vì cùng đường bí lối nên hóa hèn. Anh tuyên bố dõng dạc, hùng hồn: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa! Được thôi, nhưng cái giai đoạn ấy do đâu mà có? Do lãnh đạo, do từ trên ấn xuống, do một cái hành lang thấp và hẹp được vạch sẵn, do các sự quy chụp v.v... đồng ý, nhưng tập hợp nhiều cái "do" ấy đều là ở ngoài anh, chúng có thể gây trở ngại và kìm hãm rất lớn, tuy nhiên tác hại của những cái đó tăng lên chính là do anh không dám là chính anh, do anh không tự trở thành là mình.

Cervantes tạo ra Don Quichotte, Lỗ Tấn tạo ra A.Q. được nổi danh không ở chỗ nói cái xấu hay không nói cái xấu của dân tộc mình, mà ở chỗ họ thấy được sự thật đó và đã nói được nó lên. Cố nhiên cần phải mở không gian rộng rãi tạo điều kiện thuận lợi cho các tài năng cầm bút tự do phát triển. Nhưng xưa nay những tài năng chân chính, đích thực không bao giờ tự bó hẹp mình, tự chôn vùi mình dù trong hoàn cảnh nào. Không một quyền uy nào, một áp lực nào của bất kỳ ai có thể buộc được người cầm bút xã hội chủ nghĩa phải bẻ cong ngòi bút của mình, nếu chính người cầm bút không tự bắt mình bẻ cong ngòi bút.

Nguồn: www.viet-studies.info[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi Cothi » Thứ 4 04/03/09 19:00

[justify]Trong bài viết “Cái hèn của người cầm bút” ở trên có trân trọng nhắc tới một nhà văn hóa lớn Trung Hoa, nhà văn LỖ TẤN. Lỗ Tấn tên thật là Chu Thụ Nhân (Zhou Shuren: 1881 – 1936). Giới thiệu về Ông, trang web http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn viết: “Thời trẻ từng học hàng hải, rồi học khai mỏ. Sang Nhật Bản học y, sau chuyển sang viết văn. Viết nhiều thể loại: truyện ngắn, bút kí, chính luận, bút kí trữ tình (thường gọi là tạp văn), thơ, kịch... với lòng ưu ái sâu xa là thức tỉnh đồng bào, chỉ cho họ con đường giải phóng của chính họ. Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng thuyết tiến hoá của Đacuyn (C. R. Darwin), mượn lí thuyết sinh vật học này để nói rõ tiến hoá là cần thiết. Về sau, qua thực tế đấu tranh xã hội, Lỗ Tấn tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenine. Hơn 20 năm sử dụng ngòi bút như vũ khí, Lỗ Tấn tập trung mổ xẻ các căn bệnh tinh thần của đồng bào mình. Biểu hiện tập trung nhất là "phép thắng lợi tinh thần" được miêu tả sinh động trong thiên truyện vừa nổi tiếng "AQ chính truyện" (1921). Đó là tác phẩm thể hiện đầy đủ nhất tư tưởng và phong cách nhà văn. Trong hàng loạt các tập "tạp văn", Lỗ Tấn còn lên án mạnh mẽ các loại kẻ thù của nhân dân, của cách mạng như bọn phong kiến, bọn quân phiệt tay sai đế quốc, chính quyền tư sản phản động cùng bọn bồi bút chó săn. Đó là những thế lực đang lợi dụng sự mê muội và sự tự thoả mãn của nhân dân để cản phá con đường giải phóng dân tộc. Lỗ Tấn còn là nhà nghiên cứu lịch sử văn học, để lại hai bộ sách có giá trị: "Đại cương lịch sử văn học Hán", "Lược sử tiểu thuyết Trung Quốc". Ngoài ra còn có nhiều tác phẩm dịch văn học Nga, Xô Viết, Đông Âu, Bắc Âu, vv. Lỗ Tấn phát huy đầy đủ thiên chức văn nghệ, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc giải phóng dân tộc, trở thành ngọn cờ của nền văn học cách mạng Trung Quốc

Câu nói nổi tiếng của Ông, trích trong tác phẩm Cố hương, mà tôi rất thích là: “ đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực, trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.” Trên những con đường không bằng phẳng, sẵn có ấy, bàn chân chắc chắn sẽ phải đạp lên gập gềnh đá sỏi, sẽ thấm đau vì những mũi gai… Gần đây, trước sự phát triển thần kỳ của một Trung Hoa nổi tiếng với những trang sử hoành tráng, vĩ đại nhưng cũng trĩu nặng bảo thủ, trì trệ… có người đặt ra câu hỏi: Ai đã có công đánh thức con hổ Trung Hoa thức dậy sau cả mấy ngàn năm ngủ vùi trong bệnh tự cao, tự đại, trong “phép thắng lợi tinh thần”??? Một số gương mặt chính trị gia nổi tiếng thế kỷ XX, XXI của Trung Hoa được liệt kê: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào..v..v… Không sai! Nhưng có ý kiến khẳng định, trong những gương mặt ấy, không thể không nhắc tới và ghi nhận sự đóng góp lớn của nhà văn Lỗ Tấn đối với Tổ Quốc Ông. Ông “có công đánh thức con hổ Trung Hoa” bằng chính ngòi bút hiện thực tâm huyết, sắc sảo, trung thực và quyết liệt của mình. Ông không tiếp tục “ru ngủ” nhân dân bằng việc ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp vĩ đại vốn đã thành niềm tự hào chảy trong máu huyết của họ tới mức cực đoan, trở thành bệnh “tự say mê mình”… mà ngược lại, Ông chỉ ra mặt trái của tính cách ấy, tìm nguyên nhân sự nghèo nàn và trì trệ của đất nước từ những “thói hư, tật xấu” vốn tồn tại ngay trong “căn tính” dân tộc. Trong bài tựa Tuyển tập truyện ngắn bằng tiếng Anh, ông có viết một câu thành thực như sau: "Tôi sinh trưởng trong một gia đình lớn ở đô thị, từ bé chịu giáo huấn của sách vở và thầy đồ, cho nên cũng xem đại chúng cần lao như bức tranh hoa điểu. Có khi dũng cảm thấy cái giả dối và thối nát của cái gọi là xã hội thượng lưu, song tôi vẫn ham mộ cái yên vui của nó. Nhưng quê ngoại mẹ tôi là nông thôn, khiến tôi thỉnh thoảng gần gũi nông dân, dần dần biết họ suốt đời bị áp bức, chịu bao đau khổ, chứ đâu có được như bức tranh hoa điểu. Về sau... ngẫu nhiên có dịp được viết văn, tôi bèn dùng hình thức truyện ngắn lần lượt viết ra sự trụy lạc của cái gọi là xã hội thượng lưu và nỗi bất hạnh của xã hội lớp dưới".Và không chỉ viết ra những “nỗi bất hạnh của xã hội lớp dưới”, của người nông dân, Ông còn “mổ xẻ các căn bệnh tinh thần” của họ. Cố hương, A.Q. chính truyện, Lễ cầu phúc là những truyện như thế. Cách làm này chính là sự ứng dụng phương pháp y học truyền thống Trung Hoa. Người Thầy thuốc khi chẩn bệnh, không chỉ chú ý đến những biểu hiện lâm sàng của bệnh, mà từ biểu hiện ấy luôn cố gắng đi tìm “căn” của bệnh - nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân căn bản, chính yếu gây nên bệnh. “Thuốc đắng dã tật”, nhưng thuốc chỉ có tác dụng khi tương thích và “Đánh trúng” căn huyệt của bệnh mà thôi.


Từ đây, ngẫm rộng ra càng thấy rõ, mọi vấn đề xã hội đều bắt rễ từ nguyên nhân văn hóa. Phát hiện, mổ xẻ và lên tiếng cảnh báo về những nguyên nhân ấy là vô cùng cần thiết cho lợi ích cộng đồng. Thế nên, càng cần đánh giá đúng và có cái nhìn chia sẻ, trân trọng đối với những ai đã, đang và sẽ tiên phong trên những con đường “vốn làm gì có đường”… Đường ấy là do người đi trước đạp lên gian khó mà thành dù bàn chân có thấm đau vì những mũi gai…[/justify]
RANDOM_AVATAR
Cothi
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 4 17/12/08 21:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi Cothi » Thứ 7 07/03/09 1:07

[justify]Bài viết trên có liên tưởng đến phương pháp chẩn bệnh của người Thầy thuốc Trung y. Những nhà văn hóa lớn như lỗ Tấn có khác nào một người Thầy thuốc vĩ đại, tiếp cận và phát hiện căn nguyên gây nên những căn bệnh xã hội trầm kha từ góc nhìn văn hóa. Đồng thời, bằng ngòi bút của mình – “vũ khí” sáng tạo, lớn tiếng cảnh báo về hậu họa khôn lường của nó đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Tiếng nói của họ, đặt trong một không gian và thời gian lịch sử cụ thể, có thể rất Nghịch nhĩ, thậm chí bị xem là “phản tuyên truyền”, “phản giáo dục” nhưng thật sự cần thiết và bổ ích cho một cộng đồng xã hội, nhất là khi cộng đồng ấy, dân tộc ấy đang cần “tự nhận thức” một cách trung thực và khách quan về chính bản thân mình. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến tác phẩm Người Trung Quốc xấu xí (Tác Giả : Bá Dương - Dịch Giả : Nguyễn Hồi Thủ). Ngay trong phần Thay lời tựa, Bá Dương đã đặt vấn đề và “lường trước” phản ứng xã hội đối với cách phản ánh và định danh “thói hư, tật xấu” của đất nước, con người, dân tộc Ông bằng một cách nhìn, cách nói “Nghịch Nhĩ” như vậy:

Thầy Thuốc Và Người Bệnh ở Nước Hũ Tương

Chuyện kể rằng ngày xưa có một nước gọi là "Nước vại tương". Ở đó mỗi ngày việc trọng đại nhất của mọi người là bàn luận xem họ có đúng là một nước hũ tương không. Náo nhiệt nhất ở đó lại là việc tranh chấp giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Kết quả đương nhiên là thầy thuốc bị thua. Đại khái tình hình như sau :

Bệnh nhân : - Tháng sau tôi kết hôn, sẽ làm lễ cưới ra trò. Rất vinh hạnh được đón tiếp ngài. Ngài sẽ là thượng khách. Thế kết quả khám nghiệm bệnh tình của tôi ra sao rồi ?

Thầy thuốc : - Xin lỗi, tôi sợ phải báo cho ông một tin không vui. Đây là kết quả bảng phân chất. Có khả năng ông bị mắc bệnh phổi đã đến thời kỳ thứ ba. Triệu chứng thời kỳ đầu là ho...

Bệnh nhân : - Quái thật. Bác sĩ bảo là ho. Thế vừa rồi bác sĩ cũng chẳng mới ho là gì. Tại sao đấy lại không phải là bệnh phổi ?

Thầy thuốc : - Cái ho của tôi và cái ho của ông không giống nhau đâu.

Bệnh nhân: - Tại sao lại không giống nhau? Ông có tiền, có học thức, tốt nghiệp cả đại học, từng uống cả nước sông A-ma-dôn, chắc phải thuộc loại người có dòng máu cao sang chứ gì? Có phải vậy không?

Thầy thuốc : - Nói thế chẳng phải, lại còn nửa đêm lên cơn sốt.

Bệnh nhân: - Chẳng nói thế thì nói thế nào cho vừa ý ông? Sốt nửa đêm? ! Cái quạt máy nhà tôi dùng đến nửa đêm sờ vào có thể bỏng tay như chơi. Thế nó cũng bị lao phổi đến thời kỳ thứ ba chắc ?

Thầy thuốc (gắng gượng giải thích) : - Thổ huyết cũng là một trong những triệu chứng của bệnh trạng.

Bệnh nhân : - Sát nách nhà tôi có một nha sĩ. Những người đến chữa răng đều bị ông ta làm cho khạc ra máu. Khó mà nói rằng họ đều bị lao phổi ở thời kỳ thứ ba cả.

Thầy thuốc : - Chuyện đó đương nhiên không phải như vậy rồi. Nhưng tổng kết tất cả lại. ..

Bệnh nhân: - Được rồi! Nói lại từ đầu. Cứ cho là lao phổi đến thời kỳ thứ bẩy, thứ tám đi thì đã sao? Có cần phải nhặng xị lên thế không? Người nước ngoài không phải vẫn mắc lao phổi như thường hay sao ? Tại sao anh cứ xoáy vào mỗi tôi ? Tháng tới tôi kết hôn, việc này ai cũng biết, sao anh không có thể nói vài câu khích lệ tôi? Tại sao anh lại đả kích tôi? Anh thù oán gì tôi? Anh muốn làm cho đời chúng tôi tan nát à ?

Thầy thuốc : - Anh hiểu lầm tôi rồi. Tôi chỉ muốn nói...

Bệnh nhân : - Tôi chẳng hiểu lầm anh tí nào. Tôi chỉ nhìn thoáng một cái là thấy cả tim gan anh. Anh mất mẹ sớm, không có được một gia đình êm ấm. Đến tuổi trung niên lại ngồi tù vì án cướp của, giết người, hiếp dâm, xem thường công bình, luật pháp, cừu hận chất chồng. Thấy người khác hạnh phúc là không chịu được, không muốn thấy nước nhà rạng rỡ, vẻ vang.

Thầy thuốc : - Chúng ta phải tùy việc mà xét.

Bệnh nhân : - Chính tôi đang tùy việc mà xét đây. Anh cứ thú thật cái bà già mà anh mang ơn ấy, khi giết bà ta anh hạ thủ như thế nào ?

Thầy thuốc (hơi hoảng sợ) : - Giấy chẩn bệnh đã căn cứ vào phân chất máu và nước bọt, có lẽ nào tôi bịa đặt ra được ?

Bệnh nhân : - Đương nhiên là anh không bịa đặt. Cũng như con dao của anh đã cắm vào ngực của bà kia. Anh sỉ nhục những người tiến bộ và yêu nước như vậy là đủ rồi. Anh một lòng thù hận đồng bào, bảo họ đều bị lao thời kỳ thứ ba, anh không tự thấy là vô liêm sỉ à ?

Thầy thuốc : - Ông anh ơi, chỉ vì thương ông, mong ông chóng bình phục tôi mới nói thẳng sự việc chứ thật tình không có ác ý.

Bệnh nhân (vừa cười nhạt vừa ho) : - Anh là một thằng đồ tể giết người không gớm tay. Tất cả nhân sĩ yêu nước có lương tâm sẽ liên kết lại để ngăn chặn ý đồ mưu sát tổ quốc của anh mà anh gọi là lòng yêu nước hòng che mắt thiên hạ.

Thầy thuốc : - Tất cả tôi chỉ căn cứ vào những bản phân tích, như phân tích nước bọt chẳng hạn của trường Thiên Trúc đã làm. ..

Bệnh nhân: - Đồ vọng ngoại! Đồ sùng bái và nịnh hót nước ngoài! Anh chính là cái mầm mống hạ lưu đã táng tận lòng tự trọng dân tộc. Đồ tồi ! Tôi nghiêm túc cảnh cáo anh ! Thế nào rồi anh cũng sẽ phải trả giá rất đắt về hành vi vọng ngoại này.

Thầy thuốc (mạnh dạn thêm) : - Thôi, không nói lung tung, không tránh né nữa. Cũng không nên dùng ngôn ngữ đấu tố để thay thế lý lẽ. Chuyện quá khứ và chủ đề của tôi thì có liên quan gì ? Cái chủ đề của chúng ta là "Anh có bị lao hay không ? "

Bệnh nhân : - Cứ xem mô hình cái "Người Trung Quốc xấu xí " của anh. Quả là già mồm ! Từ bối cảnh đời anh, ai cũng có thể nhìn thấy được cái dã tâm của anh độc ác dường nào. Tại sao không liên quan với nhau? Nước Trung Quốc rồi hỏng về tay những loại người như anh, làm cho người nước ngoài tin rằng người Trung Quốc chúng ta đều bị lao vào thời kỳ thứ ba hết thẩy. Vì thế, họ xem chúng ta không ra gì. Cái loại Hán gian số một, ăn táo rào sung này lẽ trời không thể dung được. Cẩm y vệ (ho xù xụ)! Lôi nó đi!

Đương nhiên không nhất định phải là cẩm y vệ (lính vua) lôi đi (Bá Dương tiên sinh cũng đã hơn một lần bị lôi đi rồi), mà bọn này không chỉ lôi đi, lại còn có thể hành hung, đánh đập, chưa kể chửi bới, thóa mạ bằng lời nói hoặc bằng bút.

Đài Bắc, ngày 23-07-1985.

Nguồn: www.tuoitrecuoi.com [/justify]
RANDOM_AVATAR
Cothi
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 4 17/12/08 21:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 29/03/09 22:01

[justify]Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết: "Cervantes tạo ra Don Quichotte, Lỗ Tấn tạo ra A.Q. được nổi danh không ở chỗ nói cái xấu hay không nói cái xấu của dân tộc mình, mà ở chỗ họ thấy được sự thật đó và đã nói được nó lên. Cố nhiên cần phải mở không gian rộng rãi tạo điều kiện thuận lợi cho các tài năng cầm bút tự do phát triển..." Bá Dương - tác giả "Người Trung Quốc xấu xí", cầm bút mong được "nói thẳng sự việc chứ thật tình không có ác ý" và chấp nhận vì sự thật ấy mà có thể bị "cẩm y vệ (lính vua) lôi đi (Bá Dương tiên sinh cũng đã hơn một lần bị lôi đi rồi), mà bọn này không chỉ lôi đi, lại còn có thể hành hung, đánh đập, chưa kể chửi bới, thóa mạ bằng lời nói hoặc bằng bút"... Những người nghệ sĩ chân chính luôn thẳng thắn, trung thực và dũng mãnh như thế! Ở Việt Nam, không thiếu những người tiên phong trên con đường đổi mới - trước hết là đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám nói, ngay cả khi luồng gió đổi mới chưa lay thổi... Một trong số ấy là nhà thơ Phùng Quán (1932 - 1995). Trong một bài báo có tựa đề "Bản trường ca năm xưa" (Tiền Phong chủ nhật, số 47-48 năm 1992), Phùng Quán viết: "...Tôi viết với niềm tin không gì lay chuyển nổi. Tôi không hề minh họa. Tôi kể lại sự thật. Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian không thể nào tin nổi!". Trong chủ đề này, xin dành những quan tâm trang trọng về Phút Sự Thật mà Phùng Quán phản ánh qua các trang viết của Ông. Và để hiểu khái quát về Người Thơ đặc biệt này, trước hết, gửi tới các bạn Lời giới thiệu của Ngô Minh về tác phẩm Ba phút sự thật của tác giả mà chúng ta đang đón đợi - Phùng Quán:

Phùng Quán (1932- 1995) là nhà văn để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lịch sử văn học Cách mạng Việt Nam từ nửa sau thế ký XX. Anh là một nhà văn chiến sĩ trọn đời trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn từ thuở thiếu thời: Đi theo Vệ quốc Đoàn chiến đấu vì Tổ quốc vì nhân dân. Dù phải vượt qua vô vàn tai ương đau khổ suốt 30 năm trời, từ sau vụ "Nhân văn giai phẩm"; dù phải đi lao động cải tạo từ Thái Nguyên, Việt Trì, Thanh Hóa, Thái Bình, không nhà cửa, lấy nhau có hai con rồi mà 20 năm ròng không có chỗ trú thân. Tên không được in trên sách, phải "cá trộm, rượu chịu, văn chui".

Thế mà anh không hề thù oán ai, vẫn cặm cụi viết và vẫn viết "dòng đầu thẳng ngay như dòng cuối", luôn xưng tụng đất nước, xưng tụng nhân dân, xưng tụng cách mạng, xưng tụng tình yêu bằng những tác phẩm văn chương cuốn hút bốc lửa và thiết tha , nhân bản. Phùng Quán đã để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp mộl nhân cách cao cả, một lòng tin yêu đồng đội và nhân dân sâu sắc, một tấm gương lao động hêt mình, tới hàng chục tác phẩm thơ, trường ca, truyện thơ, tiểu thuyết được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ…
Một Phùng Quán - Văn với tiểu thuyết "Vượt Côn Đảo". Cho đến bộ tiểu thuyết ngót ngàn trang "Tuổi thơ dữ dội", được tái bản lần thứ chín (lần tái bản gần đây nhât do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện năm 2005). Tuổi thơ dữ dội được đạo diễn Vinh Sơn dựng thành phim cùng tên làm xúc động hàng triệu khán giả Việt Nam trong và ngoài nước. Phim được giải thưởng của Liên hoan phim Việt Nam và Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. "Tuổi thơ dữ dội" xuất hiện 32 năm sau sự kiện "Nhân văn", được giải thướng Hội Nhà văn, chứng tỏ sự thủy chung, gan ruột trước sau như một của ngòi bút Phùng Quán đối với con đường mà anh đã chọn!

Một Phùng Quán - Thơ coi "thơ là lý lịch, là mạng sống đời tôi "; với những bài thơ gan ruột như bài thơ "Lời mẹ dặn" nổi tiếng một thời:

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…


Và những bài thơ "Hôn", "Trăng Hoàng Cung", "Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe"… đọc lên như nghe lời kinh cầu nguyện cho thân phận con người:

Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất…
Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt?…


Ngoài tiểu thuyết, trường ca, thơ, Phùng Quán còn có hàng chục bài ký thấm đẫm chất nhân văn viết về những người thân, về đồng đội, đồng nghiệp nôỉ tiếng của mình như Tố Hữu, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Hồ Vi, Phùng Cung, Trần Đức Thảo, Tuân Nguyễn…; viết về những chiến sĩ cách mạng Cuba; những hồi ức về những ngày đánh Pháp ở Huế, những ngày đi lao động cải tạo ở công trường Cổ Đam, Thái Bình.v.v… Một số bài viết đã được giới thiệu trên các báo, nhưng cũng có những bài viết chưa công bố bao giờ.

Chúng tôi chọn lọc và tập hợp những bài viết ấy thành cuốn sách "Phùng Quán- Ba phút sự thật". Tất cả những áng văn âý được viết với một giọng văn pha hài rất chuyên nghiệp, kêt cấu khúc chiêt, dẫn người đọc đi từ bât ngờ này đến bất ngờ khác. Đọc "Phùng Quán - Ba phút sự thật" bạn đọc sẽ hiểu thêm số phận bi tráng mà cao thượng của những người trí thức; càng hiểu thêm sự nhân hậu của cây bút, "một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ" Phùng Quán.

Để có được cuốn sách, chị Vũ Thị Bội Trâm, người vợ thúy chung, người mà khi yêu Phùng Quán, gia đình và cơ quan khuyên "không nên lấy đứa nhân văn", đã khắng khái: "Tôi tin anh ấy là người tốt, thời gian sẽ trả lời" . Chị Bội Trâm năm nay 74 tuổi, cách đây hơn 20 năm chị bị ung thư vú, thế mà đêm đêm lục tìm, đọc và chép lại lừng tờ di cảo của chồng, để giúp chúng tôi có thêm những bài viết mới của Phùng Quán. Từ hơn 11 năm nay, có tư liệu nào về Phùng Quán, của Phùng Quán là chúng tôi sưu tầm cho bằng được, rồi cất giữ, chờ ngày công bố. Chúng tôi tin rằng cuốn sách "Phùng Quán - Ba phút sự thật " sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều chi tiết mới mẻ, cảm động về đời thường của những nhân vật "nổi tiếng" mà lâu nay chúng ta ít có điều kiện tìm hiểu. Đọc sách chúng ta càng trân trọng tài viết ký và tấm lòng thủy chung như nhất của Phùng Quán.

Phùng Quán là nhà văn có số phận đặc biệt. Tên tuổi và cuộc đời anh luôn gắn liền với những giai thoại pha chút huyền thoại. Vì vậy chắc chắn còn một số bài viết và tác phẩm của anh bị "thất lạc" đâu đó trong giới bạn bè. Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được những lai cảo của anh để bổ sung trong những lần tái bản sau.

Gác Phổ Minh, Xuân Bính Tuất

NGÔ MINH

Nguồn: Trích Ký của Ngô Minh - Nhà xuất bản Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2006.[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 29/03/09 22:25

[justify]Những bài giới thiệu tiếp theo đây được trích từ tác phẩm Phùng Quán - Ba phút sự thật, NXB Văn Nghệ năm 2007, tái bản lần thứ hai. Đoạn trích đầu tiên:

BA PHÚT SỰ THẬT

Trong cuộc đời làm văn của tôi, tôi mắc phải một khuyết điểm trầm trọng: Diễn đạt dài dòng.

Người đầu tiên dạy cho tôi sự hàm súc, cô đọng trong nghệ thuật ngôn từ là một thanh niên Cuba. Anh tên là Angtôniô Ếchxêvania, biệt danh là Măngđana (Quả táo). Anh mới 22 tuổi, sinh viên khoa ngữ văn. Ngày đó đất nước Cuba còn sống dưới chế độ độc tài Batitsta. Thói dối trá, đạo đức giả, lừa bịp được bọn Batítsta chọn làm quốc sách cai trị dân. Quốc sách này được lũ khuyển ưng văn hóa, văn nghệ tô vẽ, dệt gấm thêu hoa, nên ngày càng trở nên độc hại, ru ngủ không ít người Cuba vốn hào hiệp, cả tin, nhiệt tâm và lương thiện.

Măngdana tham gia tổ chức bí mật nhằm lật đổ chế độ Batítsta. Anh cùng với mấy người bạn thân tín trong tổ chức hoạch định một kế hoạch xé toạc bức màn quốc sách lừa mỵ của bọn độc tài và nói rõ sự thật với nhân dân. Kế hoạch khá mạo hiểm: Đánh chiếm Đài phát thanh quốc gia vào giờ phát thanh ca nhạc, giờ mà không một người dân Cuba nào không ngồi bên máy thu thanh. Sau khi đã dự liệu tính toán kỹ lưỡng đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong kế hoạch đánh chiếm, Măngdana cùng với bạn anh biết chắc rằng chỉ chiếm nổi đài phát thanh trong vòng 3 phút, có nghĩa là 180 giây đồng hồ, sau đó bọn bảo vệ dài sẽ tiêu diệt anh… Vậy là bài nói chuyện của anh sẽ phải chấm hết ở giây đồng hồ thứ 181. Anh đặt tên cho kế hoạch mạo hiểm này là "Ba phút sự thật".

Điều làm Măngdana lo lắng nhất không phải là việc đánh chiếm Đài phát thanh, cũng không phải là cái chết. Cái khó là anh phải nói được sự thật với nhân dân chỉ trong vòng ba phút!

Kết quả, Măngdana cùng các bạn anh, với lòng dũng cảm siêu phàm và trí thông minh tuyệt vời của tuổi trẻ, đã thực hiện chiến công thần kỳ này một cách toàn vẹn đúng như kế hoạch đã định: Bài nói của anh chấm hết vào đúng vào lúc những loạt đạn tiểu liên bắn thẳng vào ngực anh, vào tim anh ở giây thứ 181.

Sau ngày Cách mạng Cuba thành công, Ăngtôniô Ếchxêvania được nhà nước xã hội chủ nghĩa Cuba truy tặng danh hiệu Anh hùng dân tộc. Chiến công của anh được nhà thơ Nga Xô viết Éptusenkô viết thành bản tráng ca nổi tiếng "Ba phút sự thật". Câu chuyện về Măngdana dạy tôi một bài học lớn về nghệ thuật ngôn từ. Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây đồng hồ quý báu đó.

(Sài Gòn 13-2-1993 - báo Phụ nữ TP. HCM, Xuân 1993)

Nguồn: Sđd, trg. 11 - 13.[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: BÀN CHÂN THẤM ĐAU VÌ NHỮNG MŨI GAI…

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Chủ nhật 29/03/09 22:53

[justify]Và những trang viết đầy ắp chất liệu hiện thực của Phùng Quán...:

Chuyện vui về triết gia Trần Đức Thảo (1)

Anh Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ học, bạn tôi từ mấy chục năm nay. Anh vừa là học trò, vừa là hàng xóm của triết gia Trần Đức Thảo, trước ở ngõ Hàng Chuối và sau này ở khu tập thể Kim Liên. Anh kể:

Mình đang ngồi dịch sách bỗng ngửi thấy mùi cháy khét. Nhìn sang buồng thầy Thảo, thấy khói tuôn ra các ngách cửa. Mình hốt hoảng xô cửa vào. Cả gian buồng mờ mịt khói. Lạ lùng nhất là thầy Thảo đang đứng bên cửa sổ, giữa đám khói, hai tay vung vẩy, miệng lẩm bẩm độc thoại, như đang trình bày một vấn đề gì đó với cả đám đông vô hình trước mặt. Mình gọi giật: "Anh Thảo! Anh Thảo! Buồng anh cái gì cháy thế?". Anh Thảo giật mình vẻ ngơ ngác như vừa bị đánh thức khỏi cơn mê ngủ: "Cháy à? Cái gì cháy; ở đâu nhỉ? Ờ… ờ… khói ở đâu mà nhiều thế?". "Thì khói ngay trong buồng anh chứ đâu". Mình xông vào giữa đám khói, tìm quanh gian buồng. Một lúc mới phát hiện ra cái bếp dầu nằm khuất sau tủ sách, trên bếp một cái xoong nhôm bị nung đỏ rực. Té ra thầy nấu cơm, cơm cạn, quên cả đậy vung, quên cả tắt bếp. Xoong cơm nấu một bữa ăn cả ngày, cháy thành than và đang bốc mùi mù khét lẹt. Phải vất vả lắm mình mới tắt được cái bếp dầu nóng rẫy, và bưng được cái xoong than cơm ra khỏi buồng. Mình không bưng thì thầy có thể dùng tay không mà bê cái xoong… "Anh đang làm gì mà mải mê thế?". Mình hỏi. Thầy gỡ cặp kính ra khỏi mắt, lau lau vào vạt áo, nói: "Mình đang chú giải một chương hết sức lý thú và quan trọng trong toàn bộ trước tác của Hê-ghen…". Rồi thầy ngồi luôn vào bàn viết… như không còn nhớ gì đốn vụ hỏa hoạn chết người suýt nữa xáy ra.

Thầy ở tầng gác ba. Các gian buồng ở khu tập thể được thiết kế rất giống nhau. Một buổi trưa thầy đi chợ về, tay xách cái làn đựng mớ rau muống, mấy bìa đậu phụ, chai nước mắm… Mới trèo lên đến tầng hai, thấy gian buồng cạnh cầu thang cửa khép hờ, thầy đẩy cửa bước vào; cửa buồng của thầy cũng thường khép hờ như vậy.

Người đãng trí thì thi thoáng cũng có thể vào nhầm buồng. Nhưng vừa bước vào họ đã nhận ra ngay. Thầy Thảo thì không. Mặc dầu vật dụng trong buồng này sang trọng gấp mười vật dụng trong buồng của thầy. Riêng cái giường của thầy, hẹp mà trải chiếc chiếu mốc meo. Còn buồng này giường rộng gấp đôi, trải vải hoa sặc sỡ. Thầy thản nhiên để cái làn xuống nhà, nằm lăn ra giường, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà, và thượng cả hai chân lấm bụi lên vải hoa. Chị chủ nhà quét tước ngoài hành lang, bước vào, trố mắt nhìn: "Anh Thảo vào chơi lúc nào mà em không để ý?". Thầy hơi ngẩng đầu lên, nhìn chị chủ nhà, mặt nhăn lại, nói: "Xin lỗi chị, tôi vừa đi về hơi mệt. Có gì cần trao đổi, mời chị đến chiều…". "Nhưng đây là phòng nhà em kia mà?". Thầy hốt hoảng ngồi dậy, nhìn quanh buồng, vẻ ngơ ngác: "Ừ nhỉ, chết thật! Đúng là tôi nhầm… Thành thật xin lỗi chị…".

"Một hôm, thầy gọi mình sang - Hạo kể - Tôi đọc em nghe cái này, rồi em góp ý kiến xem, tôi viết thế đã được chưa"… Mình chuẩn bị để nghe một thiên khảo luận triết học.
Nhưng té ra là một bức thư gửi Uỷ ban nhân dân khu phố và ban lãnh đạo khối phố. Thư được viết với văn phong chuẩn mực, chính xác của một thiên bút ký triết học. Nội dung tóm tắt của bức thư như sau: "Sau khi bố tôi mất, trong khu phố có dư luận Trần Đức Thảo đối xử với bố không tốt, bố ốm không thuốc men; chăm sóc không chu đáo nên bệnh tình ngày càng trầm trọng… Tôi xin thanh minh là dư luận đó không đúng. Tôi đã nuôi dưỡng bố tôi rất tận tình, lúc bố tôi ốm, tôi lo chạy chữa thuốc men đầy đủ, mặc dầu hoàn cảnh kinh tế rất eo hẹp. Nếu cần thiết, Uỷ ban cho người đến điều tra các hộ hàng xóm để xác minh ý kiến trình bày của tôi v.v…". Mình ngồi ngẩn ra, nhìn thầy và tự hỏi: "Không biết thầy đã điên chưa đây?". Mình hỏi: "Nhưng việc này cần thiết gì mà thầy phải mất công đến như vậy?". Thầy nhìn mình, mắt chớp chớp sau cặp kính trắng, có vẻ lấy làm lạ sao cậu học trò mình lại đặt ra một câu hỏi ngu ngốc thế? Thầy cẩn thận gấp bức thư đút vào phong bì, nói: "Việc này theo tôi rất cần thiết. Để chính quyền người ta khỏi hiểu nhầm đạo đức của người trí thức".

Sau ngày ông cụ mất ít lâu, thầy muốn dẹp bỏ những vật dụng thường dùng của bố, vì gian buồng quá chật chội. Nhưng một mình thầy không đủ sức chuyển những vật dụng khá nặng từ tầng gác ba xuống sân.
Một buổi trưa, thầy đi đâu về, thấy mấy chị buôn chè chai đồng nát ngồi túm tụm trên bãi cỏ, soạn xếp những vật dụng mua được. Thầy quan sát có rất nhiều thứ mà mình đang muốn bỏ đi. Thầy nói với các chị: "Tôi có một số đồ đạc bỏ đi giống những thứ này, nhưng không mang xuống được. Tôi muốn nhờ các chị khiêng giúp, có được không?".

Các chị vui vẻ nhận lời ngay. Giường, tủ buýp-phê, ghế đẩu, ghế tựa, chậu thau, chăn màn, áo quần, giày dép… được đưa xuống, chất thành một đống lớn. Các chị lại còn giúp thầy quét tước gian buồng khá tươm tất. Thầy rất cảm động trước lòng tốt và nhiệt tình của các chị. Thầy nói: "Tôi muốn phiền các chị mang những đồ đạc đó ra khỏi sân. Vứt ngổn ngang ở đó, bà con trong khu tập thể họ phê bình làm mất trật tự, vệ sinh công cộng. Tiền công bao nhiêu, các chị cho tôi biết". Các chị nói: "Chị em chúng tôi thấy hoàn cảnh bác neo đơn, dọn dẹp giúp bác, chẳng phải công xá gì đâu ạ". Một giáo sư đại học ở tầng trên, nhìn xuống đống đồ đạc dưới sân, tiếc ngẩn người: "Giường tủ, chăn màn còn tốt thế kia, sao ông ấy lại không nhờ mình khiêng giúp!". Còn thầy thì phấn khởi ra mặt vì khỏi tốn đồng tiền công nào mà giải quyết được một việc sức mình không sao giải quyết nổi.

Thầy gọi Cao Xuân Hạo sang xem gian buồng vừa được dọn sạch đồ đạc gật gù đắc ý: "Bà con lao động thật tốt, thật từ tâm, thật đáng kính trọng".

Dễ có đến hai năm tôi không đến khu tập thể Kim Liên. Lần này trở lại, tôi ngạc nhiên thấy cái quán của bà cụ móm dưới gốc xà cừ, mà mười năm trước tôi thường ghé hút thuốc uống nước, vẫn còn nguyên ở đó. Tôi vào quán uống chén rượu thay bữa ăn sáng. Bà cụ đang rôm rả nói chuyện với mấy anh xích lô, chắc là những khách quen… "Con cháu nhà tôi nó vừa sắm được cái ti vi màu nội địa. Tối hôm kia, bắt dây dợ xong, bật lên thấy đang chiếu cánh tang lễ một ông tên là gì gì Thảo đó. Người ta giới thiệu cái ông Thảo này là nhà triết học nổi tiếng thế giới, làm đến sáu, bảy chức, chức nào cũng dài dài là, chắc là toàn chức to được tặng huân chương Độc lập hạng hai. Ông ta sang tận bên Tây mà chết, cả Tây cả ta đều làm lễ truy điệu, toàn bộ cấp cao, có danh giá đến dự… Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp "Pơ-giô con vịt" mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc? Mặt cứ vác lên trời, đạp xem thinh thoảng lại tủm tỉm cười một mình như anh dở người… Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: "Ông đi đâu về mà nắng nom vất vả thế… ế… ế…". Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái "poócbaga", mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi ná rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… Đấy, cũng là Thảo cả đấy, mà Thảo một đằng thì chết danh, chết giá, còn Thảo này thì sống cơ cực trần ai". Bà cụ chép miệng thương cảm: "Một vài năm nay không thấy ông đạp xe ngang qua đây, dễ chết rồi cũng nên…".

Tôi uống cạn chén rượu, cười góp chuyện: "Cái ông Thảo mà bà kể đó chính là cái ông Thảo người ta chiếu tang lễ trên ti vi…". Bà già bĩu môi: "Ông đừng tưởng tôi già cả mà nói lỡm tôi!".

Chú thích:
(1) Trần Đức Thảo (1917 -1993)


Nguồn: Sđd, trg. 37 -43.[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến50 khách