THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 2 05/01/09 1:13

[justify]
Lần đầu tiên, người dân Hà Nội được thưởng ngoạn không gian Lễ hội phố hoa thông qua nghệ thuật sắp đặt hoa và các sản phẩm thủ công truyền thống của Hà Nội. Nhưng ngay sau đêm khai mạc tối 31/12, phố hoa đã tan nát.
“Ngay trong buổi tối cắt băng khánh thành mặc dù Ban tổ chức đã có hợp đồng bảo vệ với công an và 300 bảo vệ của công ty bảo vệ Trường Sơn nhưng cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ trước dòng người như thác đổ về lễ hội phố hoa. Khi trong sân khấu đang diễn ra lễ khai mạc dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ thì bên ngoài phố hoa, lợi dụng lực lượng bảo vệ mỏng đã có nhiều người thiếu ý thức lấy trộm cả hoa lẫn chậu mang về, thêm vào làn “sóng” người đang chen chân trong lễ hội đã xô đổ hàng rào, đè nát các tác phẩm hoa đang trưng bày….Từ khi lễ khai mạc diễn ra thì lực lượng bảo vệ đã canh gác 24/24 cho các tác phẩm hoa. Chiều 2/1, có mặt trên lễ hội phố hoa vẫn là cảnh tan tác, hoa lá bị bầm dập. Thậm chí, các cành hoa trang trí ở cổ 2 con rồng dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ cũng bị vặt trụi “lông”… Thêm vào sự tàn phá của con người là thời tiết hanh khô đã làm cho hầu như tất cả các tác phẩm tham gia lễ hội phố hoa bị héo. Còn các nam thanh nữ tú, có người mặc nguyên đồng phục, vẫn nhanh chân nhanh tay tranh thủ ngắt hoa, bẻ cành khi bảo vệ không để ý tới.

Buồn hết chỗ nói!

“Thật buồn hết chỗ nói cho những công dân đã có những hành xử với khu vực lễ hội phố hoa ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội. Không biết đến khi nào chúng ta mới xây dựng được một nếp sống có văn hoá trong đời sống cộng đồng. Mong rằng các cơ quan quản lý của Hà Nội tăng cường trách nhiệm quản lý các hoạt động, sinh hoạt xã hội tốt hơn để Thủ đô thực sự văn minh hướng tới kỷ niệm 1.000 năm”. H.D.A, Thọ Xuân, Thanh Hoá

“Buồn quá. Thực sự là rất buồn. Mà không phải tới lúc này mới buồn. Nghĩ lại, ở Hà Nội, người ta ăn mọi nơi, hàng quán mọi chỗ. Thử vào công viên Thủ Lệ, Thống Nhất xem có hàng quán bán ăn uống vô tội vạ thế không. Hãy vào Sài Gòn xem người ta làm Đường Hoa Nguyễn Huệ, được cả mấy năm rồi. Năm nào cũng đẹp, người đi xem đông mà đâu có bẻ cành hái hoa. Chắc mọi người quên bài hát cô giáo hồi mẫu giáo dạy: "ra vườn hoa em chơi, em không hái một bông hoa nào...". Phạm Đình Quang, Tân phong, Q.7, TP.HCM, pham.dinh.quang@...

…. “Thực sự chỉ có 2 từ để diễn đạt về lễ hội hoa đó là chán và thất vọng... Chán vì quá đông, điều này cũng cho thấy sức hút của lễ hội hoa nhưng để đáp ứng lại thì có vẻ công tác tổ chức và cả các ý tưởng trang trí, sắp đặt hoa còn quá nghèo nàn. Hoa thì chỗ sáng, chỗ tối, không tôn lên được nét đẹp, rồi cả những chỗ nào hoa có vẻ đẹp thì hóa ra lại là hoa giả... Điều đó chắc chắn cũng gây mất hứng cho nhiều người.

Tôi đã đi thăm lễ hội. Tôi rất buồn về những hành vi vô văn hoá ở quanh hồ Hoàn Kiếm. Đủ mọi hành động: phá, bệ rạc, bẩn thỉu. Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao lại như thế..! Ở các địa phương khác như TP.HCM không đến nỗi như vậy. Tôi là người sống ở HN từ thuở nhỏ, nay đã gần 80 nhưng tôi chưa từng bao giờ thấy biểu hiện văn hoá như vậy. Theo tôi, cần có một cuộc vận động lớn trong toàn thể nhân dân kẻo hậu quả sẽ khôn lường
. N.Q.Toan, Hà Nội, nifiminango@...

“Tôi rất bức xúc khi đến tham dự buổi khai mạc và chứng kiến cảnh hỗn tạp ở đó. Tôi chợt giật mình và nghĩ tới lễ hội hoa anh đào trước đó đã làm người Nhật phẫn nộ đến mức nào khi thấy dân Hà Nội "hái hoa bẻ cành" không thương tiếc. Có lẽ sau lễ hội này, chẳng còn ai mặn mà tổ chức những sự kiện như thế này nữa. Nhìn những nam thanh nữ tú vô tư đạp lên cỏ, dẫm lên hoa, bẻ cành, bứt lá mà tôi thấy bất bình và nản lòng cho một tương lai của VN. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức của người dân. Đất nước chúng ta khi nào mới văn minh được?” Anh Hung, Hà Nội, vivian1912@...

“Lòng buồn trĩu khi đọc những bài viết về "thảm họa" Phố hoa Hà Nội, tôi vô cùng thất vọng về những con người vô văn hoá và vô ý thức. Tôi là người con của làng hoa Ngọc Hà nên càng thấy xót xa khi những bông hoa bị ngắt bẻ không thương tiếc. Chắc rằng những người làm việc đó đa phần không phải Người Hà Nội nhưng mong mọi người đã đang học tập, làm việc ở Hà Nội hãy tỏ ra là người có văn hoá. Đừng làm xấu đi hình ảnh của Hà Nội trong con mắt của khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Nỗi buồn và thất vọng này chẳng phải của riêng ai, hãy ý thức lại”. Ngọc Hà, Hà Nội, hoangocha@...”

Nguồn: VietNamNet, 03/01/2009.


Kính chào các thành viên gia đình VHH! Mở topic này, tôi mong nguyện sẽ được cùng Quý Thầy Cô và toàn thể anh chị em trong đại gia đình của chúng ta tham gia lý giải - dưới góc nhìn VHH, vì sao Lễ hội hoa Hà nội lại có kết cục thê thảm đến vậy? Là người con sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tôi không dấu diếm trong tôi luôn có một niềm tự hào âm thầm và bền bỉ chảy trong máu huyết về nơi chôn nhau cắt rốn của mình - đất Thăng Long, Đông Đô “ngàn năm văn vật”. Cũng chính vì vậy, giờ đây, hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy rất xấu hổ và đau lòng trước hiện tượng nêu trên. Nếu được, xin cho tôi gửi một lời xin lỗi chân thành và vô vọng (vì tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé) tới những ai đã từng yêu quý, từng có những kỷ niệm và những kỳ vọng đẹp đẽ về Hà Nội. Có những mất mát, nhất là những mất mát, tổn thương về tinh thần, khó lòng lấy lại. Nhưng, dù không sinh ra tại Hà Nội, chúng ta vẫn là những người con mang dòng máu Tiên – Rồng, vậy hẳn ai cũng mong muốn thủ đô Hà Nội - “trái tim của cả nước” thật sự xứng đáng là thành phố hào hoa, thân thiện, hòa bình. Cùng nhau tìm hiểu và chỉ ra căn nguyên của những biểu hiện “xấu xí”, vô văn hóa ở những “công dân thủ đô đương đại” từ một Lễ hội hoa hầu góp phần gieo trồng những giá trị văn hóa tích cực hơn, thiết nghĩ là một cách để chúng ta thể hiện vai trò, (trong đó có cả trách nhiệm) của những người say mê nghiên cứu VHH và yêu quý Văn hóa Việt Nam. Trước hết, xin nhận nơi tôi lời cảm ơn Trân trọng về thiện chí và thịnh tình của hết thảy Quý thành viên gia đình VHH khi tham gia chủ đề này![/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi trungphien » Thứ 2 05/01/09 19:31

Vậy là có hai "án lệ" về lễ hội hoa rồi, và đều xảy ra ở phía bắc. Hiện tượng này đáng báo động. Kỳ lạ một điều là ở thành phố HCM (và ngay cả Biên Hòa nơi tôi sống) năm nào chả tổ chức lễ hội hoa, nhưng tôi hầu như chưa nghe đã từng xảy ra những việc tưong tự như thế. Nhân sự kiện này, tôi rất muốn nghe những phân tích của các nhà nghiên cứu văn hóa về những nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này. Tks !
When the road ahead is not so easy, OUR LOVE will lead the way for us, like a guiding star ...
Hình đại diện của thành viên
trungphien
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: Chủ nhật 02/11/08 12:43
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 2 05/01/09 22:10

[justify]Xin cung cấp thêm cho các thành viên gia đình VHH một số thông tin về thực trạng Lễ hội hoa Hà Nội 2008…

Đâu rồi nét đẹp người Tràng An?

..."Đâu rồi những nét đẹp văn hoá, của sự thanh lịch, con người Hà Nội hào hoa, lịch sự... Từ "Lễ hội Hoa Anh Đào" đến nay là "Phố hoa" bị đối xử thô bạo. Thật tiếc cho hình ảnh một thủ đô, trái tim của cả nước đã bị những con người thiếu văn hoá làm xấu đi rất nhiều!" Dân Hùng, Bạch Đằng, Đà Nẵng, hungdd@...

..."Tôi rất buồn lòng vì các hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số người trong Lễ hội hoa Hà Nội! Người Hà thành nổi tiếng là thanh lịch nhưng tại sao lại để xảy ra tình trạng đó?! Đã thiếu ý thức thì hàng nghìn bảo vệ cũng không làm được gì. Đây không phải là lần đầu tiên mà Lễ hội Hoa đào vừa qua cũng xảy ra tình trạng giống như vậy! Người nước ngoài họ sẽ nghĩ sao về người Việt Nam!?...Tôi không bất ngờ chút nào về việc một bộ phận người dân Hà Nội đã làm "xấu" lễ hội phố hoa. Còn nhớ vào năm trước, hội hoa anh đào của Nhật tổ chức tại Hà Nội và cũng một số không ý thức đã vô tư "vặt cành, vặt hoa" làm mất tính thanh lịch của người Hà thành." Nguyễn Bảy, Đà Nẵng, baynang@...

…Và một số quan điểm tiếp cận để trả lời câu hỏi: Vì đâu nên nỗi…???


1. Ứng xử văn hóa của người dân Hà Nội nơi công cộng quá kém?

..."Qua sự việc này, tôi thấy cần gióng lên hồi chuông báo động về ý thức ở nơi công cộng, phải phạt thật nặng và đưa vào giáo dục ý thức ngay từ nhỏ. Tôi thấy xấu hổ với bạn bè các nước và du khách quá." Vo Duc Hien, Tân Bình, TP.HCM,voduchien@...

..."Chưa đọc nhiều bài viết về phố hoa, khi đi xem thôi, mặc dù không thể chen chân xem hết, nhưng tôi cảm thấy như chính mình bị xúc phạm bởi những hành động vô văn hóa của những con người không có ý thức. Mới chỉ sau có 1 ngày thôi mà nhìn phố hoa không khác gì bãi rác, công sức của những người thợ, những nghệ nhân, những tình cảm mà họ muốn dành cho Thủ đô đã đặt không đúng nơi." Nguyễn Minh Phú, Mai Dịch, Cầu Giấy, phuapache@...

..."Không biết đến bao giờ mới hết thấy cảnh bỏ rác lung tung như thế này. Thật đáng xấu hổ là những trường hợp tương tự như thế lại rất phổ biến: ngồi trên xe, mở cửa kính quăng rác xuống đường; đi du lịch, đi đến đâu xả rác đến đấy, ngồi ăn uống tụ tập ở đâu là lại để nguyên bãi rác ở đó..." Mai Thị Thể, TP. HCM, themailinh@...

..."Ý thức của người thủ đô quả là đáng báo động, đáng buồn hơn phần lớn những người đó lại là tầng lớp thanh niên, sinh viên, những chủ nhân tương lai của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thất vọng quá!" Dân Hùng, Bạch Đằng, Đà Nẵng, hungdd@...


2. Trình độ tổ chức và quản lý Lễ hội hoa Hà Nội thiếu kinh nghiệm so với các địa phương khác?

..."Ở nhiều địa phương khác, chẳng hạn như Đà Nẵng, cũng từng tổ chức những con đường hoa nhân dịp tết hoặc các ngày lễ lớn, người đi xem rất đông, nhất là khi có kết hợp bắn pháo hoa nhưng không xảy ra những hiện tượng "ép lá vùi hoa" như ở Hà Nội." Dân Hùng, Bạch Đằng, Đà Nẵng, hungdd@...

..."Xin hãy vào tham quan đường hoa Nguyễn Huệ được UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hàng năm từ 28 đến mùng 3 Tết cổ truyền. Hàng chục nghìn người tham quan nhưng vẫn trật tự, yên bình và hầu như không ai nỡ bẻ một cành hoa. Ai cũng trân trọng công sức của những nghệ nhân đã làm ra những tác phẩm xuân tuyệt đẹp. Ai cũng muốn chia sẻ và cùng hưởng thụ một không gian xuân sống động tuyệt vời trong lòng thành phố." Hoàng Dũng, Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10 E-mail: lahoangdungtw@...


3. Người dân Hà Nội “đói” văn hóa lâu ngày nên hành xử thô bạo?

Một cụ già sống trên phố Đinh Tiên Hoàng tâm sự với phóng viên VietNamNet: “Nói không quá, một phần nhỏ người dân Hà Nội đang “đói” các sự kiện văn hóa diễn ra trên địa bàn nên hầu như các sự kiện văn hóa nào cũng thu hút được nhiều người dân tham gia, cộng thêm với việc thiếu ý thức của người dân khi tham gia vào các sự kiện đó nên đã phá hỏng các sự kiện và làm mất đi hình ảnh đẹp của người dân Hà Nội thanh lịch”

Nguồn: Tổng hợp từ VietNamNet.

Vậy, phải chăng do “một phần nhỏ người dân Hà Nội “đói” văn hóa, vô ý thức hay trình độ quản lý Lễ hội yếu kém đã dẫn đến hiện tượng trên? Chỉ biết rằng ngay sau khi ánh đèn sân khấu đêm khai mạc vụt tắt thì cảnh tượng kinh hoàng diễn ra, mạnh ai người nấy cướp hoa, khiến lực lượng bảo vệ vốn đã mỏng lại càng không kịp trở tay. Trước ánh mắt kinh ngạc của nhiều người nước ngoài tham gia lễ hội, nhiều người ngang nhiên bước ra khỏi phố hoa cùng chiến lợi phẩm trên tay với nét mặt hoan hỉ và mãn nguyện!?[/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi MyLinh » Thứ 3 06/01/09 8:23

Thầy Thêm đã trả lời báo Pháp luật tp.HCM về vấn đề này:

Khi văn hóa nông thôn đi vào hội hoa đô thị
03-01-2009 23:15:06 GMT +7
MINH CƯỜNG thực hiện

Các em học sinh ngắt hoa ngay khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ. (ảnh chụp ngày 2-1) Ảnh: BẢO PHƯỢNG

Ban tổ chức phải lường trước vấn đề tâm lý của người dân để có những biện pháp quản lý, tổ chức tốt hơn.

Sự cố xảy ra trong lễ hội hoa ở Hà Nội tiếp tục nhận được các kiến giải, góp ý của các chuyên gia về văn hóa học. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Trần Ngọc Thêm (ảnh), Trưởng khoa Văn hóa học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), để tìm hiểu vấn đề trên một cách thấu đáo hơn.

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm nhìn nhận: Xem lại các thông tin, hình ảnh trên báo chí phản ánh về sự cố ở lễ hội phố hoa của Hà Nội, cùng với sự cố ở lễ hội hoa anh đào trước đây, có thể thấy hành động này là không bình thường, không cá biệt mà mang tính quy luật. Trong khi đó, các lễ hội hoa ở TP.HCM cũng có diễn ra hành động này nhưng rất ít và có thể xem là ngoại lệ, bình thường.

Văn hóa làng xã: Bẻ hoa chơi xíu là bình thường

. Nhưng có thể lý giải “cái quy luật” của những hành động bất thường trên như thế nào cho đúng bản chất của nó, thưa GS?

+ Xét về mặt văn hóa, những hành động này phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra. Trong cuộc sống nông thôn, làng xã, hoa ít được trồng mà mọc tự nhiên, nếu trồng thì cũng trồng rất nhẹ nhàng. Vì thế hoa được xem như bình thường, có quý hơn các loại hoa quả dùng để ăn uống khác nhưng không quý như hoa ở đô thị. Có thể thấy ở nông thôn, nếu có ra đường ngắt hoa, bẻ hoa chơi một lúc cũng là chuyện rất bình thường. Nhưng khi mang thói quen này vào đô thị thì không bình thường xíu nào cả.

Mặt khác, văn hóa làng xã của xã hội nông nghiệp gây ra cách ứng xử hai mặt - ta (chúng ta) và ngoài chúng ta. Trong làng ứng xử kiểu khác, ngoài làng ứng xử kiểu khác. Trong làng là quan hệ giữ quen biết của những người sống rất lâu đời với nhau. Còn người nhập cư được xếp thành một dạng riêng và được ứng xử bằng một thái độ khác. Chính quan hệ quen biết và thân thiết tạo nên sự ổn định và tốt đẹp của làng xã. Chẳng hạn, hiện tượng ăn cắp, ăn cướp trong một làng thường rất ít. Nhưng khi bước ra khỏi ngôi làng, người ta ứng xử theo một lối khác. Người ta không cần phải gìn giữ những ứng xử đó. Vì người ngoài làng là người không quen biết, dẫn đến ứng xử tự do hơn. Lối ứng xử hai mặt này là đặc điểm ứng xử của văn hóa nông nghiệp lúa nước. Ngay cả như ở Hàn Quốc, Nhật Bản đều tồn tại lối ứng xử văn hóa hai mặt này.

Vì những lý do nằm trong bản chất của một nền văn minh nông nghiệp, cùng đó là lối sống của môi trường làng xã còn đậm chất ở nhiều người dân Hà Nội nên đã gây ra sự cố trong những lễ hội hoa vừa qua.

Chất quốc tế không theo kịp chất nông thôn

. Thưa ông, chất thanh lịch của người Hà Nội đã tạo nên một nét văn hóa đẹp. Quá trình đô thị hóa ở đây cũng diễn ra một thời gian khá lâu. Thế vì sao chất nông thôn lại đậm nét ở đô thị Hà Nội như vậy?

+ Ở đây còn có vấn đề mở cửa. Trong thời mở cửa, các đô thị Việt Nam đều tiếp nhận chất quốc tế, đồng thời theo đó là chất nông thôn. Quá trình di chuyển giữa các vùng miền diễn ra rất mạnh, người dân nông thôn cũng tràn vào các đô thị nhiều hơn. Điều này dẫn đến tình trạng: có khi chất quốc tế không bổ sung kịp, không nhiều bằng chất nông thôn.

Đối sánh với TP.HCM, có thể thấy trước thời đổi mới, mở cửa, TP.HCM đã là đô thị lớn. Sự giao lưu quốc tế đã diễn ra rất sớm ở đây, chất văn minh từ đô thị phương Tây thâm nhập vào sâu trong những ứng xử cụ thể. Có thể thấy điều này qua văn hóa buôn bán của người Sài Gòn trước đây: họ buôn bán theo kiểu phương Tây cho nên ít kiểu lừa lọc, giả dối. Vào thời mở cửa, dù sự giao lưu giữa các vùng miền diễn ra mạnh, chất văn minh của đô thị có giảm nhưng nó vẫn còn rất đáng kể.

Trong khi đó, ở Hà Nội, chất nông thôn tồn tại khép kín trong một thời gian khá dài. Khi mở cửa, chất nông thôn đi vào đô thị nhiều hơn chất quốc tế. Mới đây, khi Hà Nội mở rộng ba lần thì chất nông thôn cũng tăng lên. Kéo theo đó, chất thanh lịch của Hà Nội cũng giảm xuống. Đó là một sự thật không thể nhắm mắt làm ngơ được!

Hiện tượng bẻ hoa, cướp hoa thậm chí có người còn mắng bảo vệ là vô văn hóa lúc anh này ngăn chặn hành động của họ trong khi họ đang giật hoa. Vì sao thế? Vì người ta coi đó là chuyện hồn nhiên, họ không thấy xấu hổ gì cả, không biết mình thiếu văn hóa. Đó là bản chất của văn hóa làng xã mà tôi nói trên đây.

Lường trước được tâm lý nông thôn mới tổ chức tốt

. Phải chăng ban tổ chức đã không để ý tới vấn đề tâm lý nông thôn mà GS phân tích nên không lường trước được mọi sự để có biện pháp bảo đảm trật tự tốt hơn?

+ Đúng. Việc quản lý Hà Nội nói chung cũng như khi tổ chức những lễ hội hoa lớn như thế này phải biết tới những vấn đề trên. Trong khi chúng ta mở cửa để đưa chất nông thôn vào đô thị, cụ thể là mở cửa để mọi người đều được vào hội hoa thì cũng phải lường trước được mọi việc có thể diễn ra chứ.

Chúng ta không thể trách họ được mà phải tính trước tâm lý của người dân để có hình thức quản lý chặt chẽ hơn. Vì đây không chỉ là tâm lý đám đông nói chung mà là tâm lý đám đông nông dân.

Ban tổ chức lễ hội chưa nhận thức đầy đủ được vấn đề trên một cách thấu đáo, cho nên khi diễn ra sự cố này, dù trước đây đã có nhưng vẫn chưa ứng xử cho kịp: lực lượng bảo vệ chưa đủ; sự phối hợp với lực lượng an ninh cũng chưa thật chặt chẽ. Đây là một thiếu sót rất lớn trong khâu tổ chức.

. Có ý kiến cho rằng đó là hệ quả từ nền giáo dục của xã hội ta chưa chú trọng đúng mức việc dạy cho người ta biết hổ thẹn trước những sai trái, dù nó nhỏ. GS nghĩ thế nào về điều này?

+ Tất nhiên giáo dục là một biện pháp quan trọng nhưng đó là cả một quá trình. Việc cần thiết là phải tính tới các biện pháp mạnh. Trước mắt, chúng ta phải áp dụng cứng rắn, kiên quyết với các biện pháp bằng luật, mang tính trừng phạt thì có lẽ việc tổ chức lễ hội hoa sẽ hiệu quả hơn và lối ứng xử văn minh cũng sẽ được cải thiện nhiều hơn.

. Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/2009/1 ... d%3D239017
Hình đại diện của thành viên
MyLinh
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Thứ 5 31/05/07 20:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi thanh tung » Thứ 3 06/01/09 15:16

Chị Trúc Anh thân mến, em xin chia sẻ với chị vấn đề này ở khía cạnh giáo dục. Năm em học lớp 4 (1983), cô Nhung phụ trách lớp dạy cho lớp trồng một hàng hoa dọc theo hành lang lớp (hoa hồng, mười giờ, sam, sao nháy). Lúc đó bọn em bắt đầu học môn khoa học (các loại rễ, lá cây). Mỗi ngày, cả lớp phải phân công nhau chỉnh trang lại hàng rào bằng những thanh tre (để gà, chó không bới tróc góc). Nước tưới hoa phải lấy từ lu nước rất xa lớp, phân bón cây là phân bò nhăt trên đường. Khi cây ra lá mới, đâm chồi, ra nụ, nở hoa, cả lớp cũng háo hức trông chờ theo. Bọn em, dù là đứa con trai nghịch phá nhất, không bao giờ có thể ngắt hoa vì chúng theo mình lớn lên từng ngày, mình chăm sóc chúng rất vất vả.
Thỉnh thoảng bạn bè gặp lại vẫn thường nhắc vườn hoa trước lớp 4B. Cả lớp đứa nào cũng là những tay yêu hoa, cây kiểng, nhờ vào cách cô Nhung dạy dỗ. Một người từng chăm sóc, nuôi nấng hoa thì làm sao có thể vô tâm bẻ hoa hay dùi vập nó phải không chị?
Em nghĩ là không thể trách lớp trẻ, khi ở xã hội và gia đình, các bạn chỉ được học cách hưởng thụ thay vì thưởng thức. Còn ở nhà trường, các bạn chỉ được dạy nhấn mạnh ở những thành tựu, chiến công của cha ông mà những mất mát, đau thương thì chỉ được đề cập thoáng qua.
Về Hà Nội, thú thật với chị là trong tâm tưởng của em, Hà Nội là Hà Nội của những trang sách Tự lực văn đoàn, của thời kỳ kháng chiến 9 năm. Đẹp, sang trọng, bi hùng. Năm rồi, em có dịp ra Hà Nội, dạo quanh Hồ Gươm mà nhớ mấy câu hát tango "Bước men trên hồ Hoàn Kiếm giữa thu chiều úa, tôi nhớ những ngày sống nơi thủ đô hồi qua...". Dù HN không như mình hình dung và ngưỡng mộ, nhưng sao em vẫn có cảm giác yêu quý thủ đô dù bên tai nghe những lời không đẹp, nhìn những cảnh không hay. Vẫn nhớ cô Nhung, ngày học cuối cùng năm lớp 4, trời mưa. Cô dắt cả lớp ra sân, hỏi rằng các em có nghe mùi đất sau cơn mưa không? Sau này dù đi đâu, đừng quên mùi đất quê mình. Bọn em không biết đó là lần cuối cùng gặp cô ở quê nhà. Sau này, có bạn định cư ở Cali viết thư về, nói rằng cảnh vật ở đó đẹp, rất đẹp, nhưng sao lòng mình cứ hờ hững đi qua, có lẽ vì mình không có kỷ niệm gì với nó. Ở Cali cũng có đất, nhưng sao bạn không ngửi lại được mùi đất giống quê mình, mùi đất sau cơn mưa. Bạn không bao giờ quên được cái mùi đất mà cô Nhung đã cho lớp cảm nhận trong chiều mưa cuối niên học.
Hồi mới đọc quyển Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam của thầy Thêm , em rất tâm đắc ở chức năng giáo dục của văn hoá. Em thấy nó đúng với các bạn trong lớp em, dù bây giờ đã tứ tán khắp nơi, gặp lại vẫn là tình cảm với cây cỏ, đất đai quê nhà (những năm cấp 1,2 đó, cứ lâu lâu vào lớp thì có một bạn nghỉ học, hoặc vượt biên, hoặc đi kinh tế mới, cảm giác lạc mất nhau luôn hiện diện mỗi ngày). Tình cảm đó có được phần lớn là nhờ cô Nhung. Nhờ cô mà đứa nào cũng yêu cỏ cây, đất đai, không phân biệt vùng miền. Có lẽ vì vậy mà bản thân em không bao giờ cho rằng Hà Nội phải thế này, Sài gòn phải thế kia. Hồi xưa em yêu Hà Nội qua những trang sách, bây giờ thì vẫn quý Hà Nội vì ... chị Trúc Anh là người Hà Nội!
"Đường chân lý, này con đã chọn" (Tv.119,30)
RANDOM_AVATAR
thanh tung
 
Bài viết: 59
Ngày tham gia: Thứ 7 01/11/08 18:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi trungphien » Thứ 3 06/01/09 22:11

Đọc bài của Thanh Tùng xong mới thấy thấm thía giá trị của giáo dục.

Chợt nhớ đến lời của một nhân sỹ, đại ý là " Giáo dục của ta sau hơn 30 năm đang quay trở về vạch xuất phát".

Ước mong sao, đó chỉ là câu nhận xét không chính xác.

Mong lắm thay ...
When the road ahead is not so easy, OUR LOVE will lead the way for us, like a guiding star ...
Hình đại diện của thành viên
trungphien
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: Chủ nhật 02/11/08 12:43
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 4 07/01/09 0:15

[justify]Cám ơn TV Mỹ Linh đã chia sẻ thông tin bằng cách post bài trả lời phỏng vấn của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm trên báo Pháp Luật. Đặc biệt cảm ơn bài viết của Thanh Tùng. Thực sự mình đã rưng rưng khi đọc những dòng chữ rất chân tình của bạn. Mình không được biết cô Nhung, nhưng mình nghĩ, điều thành công lớn nhất của Cô Giáo em chính là đã Gieo trồng và Nuôi dưỡng nơi các lứa học trò như em một Tình yêu và Trách nhiệm với cuộc sống từ những việc làm, hành động cụ thể, giản dị, nhỏ bé, bình thường nhất. Cái cách cô Nhung dạy các em Cảm Nhận về quê hương bằng việc “dắt cả lớp ra sân, hỏi rằng các em có nghe mùi đất sau cơn mưa không? Sau này dù đi đâu, đừng quên mùi đất quê mình”…thật thiết thực, độc đáo và sâu sắc. Bản thân mình cũng rất thích ngửi mùi ngai ngái, nồng ấm, đầy năng lượng hồi sinh của đất sau mưa… Thế mới thấm thía điều Chế Lan Viên viết “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa Tâm Hồn”! Qua đó, càng thấy rõ hơn vai trò của Người Thầy, rộng lớn hơn là của Giáo Dục đối với việc hình thành nhân cách của con người. Thú thật, với tư cách là người giáo viên, trong bối cảnh hiện nay, không phải không có lúc mình chạnh lòng xót xa khi nghĩ “Mỗi lần cầm khăn xóa bảng/ Lại thầm thương trách bàn tay/ Lẽ nào những điều mới giảng/ Đã thành hạt bụi phấn bay!?”…Nhưng những điều em viết đã khiến mình tự tin và ấm lòng. Đây chính là hạnh phúc, là Quà tặng của cuộc sống dành cho mình và những Thầy Cô giáo như cô giáo Nhung của em. Cảm ơn em Thanh Tùng!

Trở lại vấn đề chính mà chúng ta đang thảo luận.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật, GS Trần Ngọc Thêm đã phân tích một cách toàn diện và thấu đáo các nguyên nhân dẫn đến sự thê thảm của Lễ hội hoa Hà Nội vừa qua, “lý giải “cái quy luật” của những hành động bất thường trên cho đúng bản chất của nó” dưới góc nhìn VHH. Ở đây, tôi chỉ mạo muội góp bàn thêm một vài ý sau:

Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá nước ta đã từng nhận xét, đô thị Việt Nam chỉ là loại hình liên làng và siêu làng, trong đó người dân vẫn có thói quen sống trong làng quê, với tính dân dã tuỳ hứng của thôn quê, vẫn là con người có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. (Trước đây trên 90% dân số Việt Nam là nông dân - nông thôn - nông nghiệp, nay con số đó cũng không dưới 70% ). Thành Phố Hà Nội, cũng như các đô thị khác ở nước ta, con đường đi lên của đô thị luôn luôn từ Đô (trung tâm chính trị), rồi sau mới là Thị (buôn bán), nên tính dân dã và sự quan liêu là điều không thể trách khỏi trong quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Điều này để lại nhiều dấu ấn (không ít trong đó là hệ quả xấu) trong ứng xử văn hóa của cả hai phía: Chủ thể quản lý và người dân.

Về phía Chủ thể quản lý:

Mặc dù Ban Tổ chức đã có ý tưởng tốt đẹp với những nỗ lực rất đáng ghi nhận, song không vượt thoát khỏi “tư duy tiểu nông” trong cách nghĩ và cách làm Lễ hội, nghĩa là vẫn mang nặng tính thời vụ, “nước đến chân mới nhảy”, thiếu sự chuẩn bị chu đáo và chuyên nghiệp. Điều này báo giới đã đề cập tới và được chính các nhà quản lý Lễ hội thừa nhận:

...“Sau đêm chiến thắng của đổi tuyển bóng đá Việt Nam thì sáng 29/12 các nghệ nhân mới “dám” bắt tay vào khâu trưng bầy, lắp đặt các tác phẩm hoa tham dự Lễ Hội phố hoa dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ. Như vậy là thời gian chỉ còn chưa đầy 3 ngày cho đến giờ cắt băng khai mạc Lễ hội phố hoa tối 31/12 - quá ngắn để có sự chuẩn bị cho một lễ hội thành công. Ngay trong buổi tối cắt băng khánh thành mặc dù Ban tổ chức đã có hợp đồng bảo vệ với công an và 300 bảo vệ của công ty bảo vệ Trường Sơn nhưng cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ trước dòng người như thác đổ về lễ hội phố hoa. Điều đáng nói là trước dòng người đổ về Lễ hội đông như vậy nhưng Ban tổ chức không cho phân luồng giao thông nên xe đạp, xe máy thậm chí cả ôtô cùng chen chân vào đường Đinh Tiên Hoàng với người đi bộ, gây ra cảnh hỗn loạn, thậm chí là xô đẩy, chà đạp lên nhau” (VNN)

Bà Cao Thị Ngọc Lan – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nôi cho biết: “Sở Du lịch không trực tiếp tổ chức Lễ hội phố hoa Hà Nội, nhưng ý kiến cá nhân tôi tổ chức như vậy là thiếu chuyên nghiệp. Đừng đổ hết tội cho những người thiếu ý thức phá hoại phố hoa mà hãy nhìn lại cách tổ chức của Ban tổ chức. Vẫn biết địa điểm quanh khu vực tượng đài Lý Thái Tổ là lý tưởng để tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị, nhưng nó quá bé để tổ chức một lễ hội hoa đường phố. TP.HCM có đường hoa Nguyễn Huệ với 3,4 làn xe nhưng họ vẫn có cách để bảo vệ các tác phẩm hoa tham gia lễ hội. Còn đường Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội ngày thường vốn đã quá tải, nay tổ chức lễ hội hoa đường phố mà không có sự phân luồng giao thông hợp lý thì làm sao đảm bảo được sự thành công của lễ hội…” (Vietnamnet)

Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội - Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Lúc đầu, phương án cấm đường trong những ngày diễn ra lễ hội đã được đưa ra nhưng không khả thi bởi nhu cầu đi lại của người dân những ngày giáp Tết rất lớn. Vì thế, biện pháp duy nhất vẫn là trông chờ vào ý thức của người dân và khách tham quan là chính” (VNN)

Tại sao lại chọn "biện pháp duy nhất " trong quản lý lễ hội "là trông chờ vào ý thức của người dân và khách tham quan là chính" một cách thiếu chủ động như vậy trong khi chúng ta đã từng có những thất bại ê chề trước đó không lâu? Lối nghĩ này là gì nếu không phải một biểu hiện của tư duy tiểu nông?
Đó là chưa nói, các lễ hội của chúng ta phần nhiều còn mang tính phong trào, phô trương, hình thứcchưa đi sâu vào bản chất giáo dục, định hướng thẩm mỹ, trao truyền niềm tin và ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Với tư duy kiểu này, chúng tôi ngờ rằng nếu tiếp tục tổ chức các lễ hội tương tự vẫn khó tránh khỏi sự lặp lại các thất bại trước đó. Điều này không hề “nặng lời” bởi lẽ ra cần phải đúc rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ sự thất bại đầy tai tiếng của Lễ hội Hoa Anh đào.

Về phía người dân: “lý do nằm trong bản chất của một nền văn minh nông nghiệp, cùng đó là lối sống của môi trường làng xã còn đậm chất ở nhiều người dân Hà Nội nên đã gây ra sự cố trong những lễ hội hoa vừa qua” đúng như GS Trần Ngọc Thêm đã phân tích. Tôi chỉ xin phép bổ sung thêm một vài thông tin để điều mà GS cũng đã nhắc tới như một lý do: “…mới đây, khi Hà Nội mở rộng ba lần thì chất nông thôn cũng tăng lên. Kéo theo đó, chất thanh lịch của Hà Nội cũng giảm xuống. Đó là một sự thật không thể nhắm mắt làm ngơ được!...” càng trở nên rõ nét hơn:

Ngày 5/1/2009, từ sự kiện phố hoa bị tàn phá, Tin tức Online đã phỏng vấn nhà văn Băng Sơn:

- Ông đánh giá thế nào về ý thức người Hà Nội qua vụ việc này?

- Hôm qua về tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, tính cách hào hoa của người Hà Nội ở đâu, phong nhã văn minh ở đâu, thì thấy chất Hà Nội kém quá, thấy xấu hổ cho người Hà Nội. Tuy nhiên, tôi cho rằng những người đó chưa hẳn là "người Hà Nội". Những người ngắt cành, bẻ hoa chủ yếu là thanh niên. Lớp thanh niên Hà Nội hiện giờ là ai, họ ứng xử như thế nào? Có nhiều người nhập cư về Hà Nội, họ mang tác phong của địa phương cũ, về đây, pha loãng "chất Hà Nội". Những hành động bẻ cành, phá hoa chỉ của một bộ phận nhỏ, nhưng tác động của nó thì rất lớn và để lại hậu quả, tiếng xấu cho người Hà Nội nói chung.

- Có ý kiến cho rằng, sự pha trộn nhiều nền văn hóa đang làm phai nhạt những nét riêng của người Tràng An. Ông nghĩ sao về điều này?

- Thực tế đã xảy ra, nhưng chúng ta không thể mong chân núi Ba Vì thành phố Hàng Ngang, Hàng Đào được. Thành phố phát triển đã làm mất đi làng hoa Ngọc Hà, mất một vùng đào Nhật Tân và nhiều thứ khác nữa. Nếu tình hình quản lý thành phố lỏng lẻo như thế này, chúng ta chưa phát triển vùng xứ Đoài cũ thì đã làm mất đi một nền văn hóa.


Theo quý Anh Chị và các bạn, còn có những lý do nào khác nữa không? Xin mời tiếp tục góp bàn![/justify]
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi TranHieu » Thứ 4 07/01/09 12:07

Vốn xã hội !!!
RANDOM_AVATAR
TranHieu
 
Bài viết: 74
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 22:06
Đến từ: Cty Viet Thai Son
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi Le Truc Anh » Thứ 4 07/01/09 21:46

TranHieu thân mến ui, ba chữ của bạn, thêm ba dấu chấm than (!) nữa làm mình hổng hiểu gì hết! Tham gia đề tài này nhé, cho xôm tụ. Tks!
RANDOM_AVATAR
Le Truc Anh
 
Bài viết: 184
Ngày tham gia: Thứ 4 19/11/08 21:27
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: THÊ THẢM LỄ HỘI HOA HÀ NỘI, VÌ ĐÂU...?

Gửi bàigửi bởi SongBiec » Thứ 4 07/01/09 22:56

Ta đang mang "chất nông thôn" để chất vấn, suy xét vấn đề.
Suy cho cùng, "chất nông thôn" đó chẳng hề có tội tình gì. Chẳng phải từ "chất nông thôn" đó mà giờ đây ta có "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đó sao?
Em đồng tình với ý kiến của thầy Thêm, khi cái "chất nông thôn" đó đặt không đúng chỗ thì nó sẽ gây ra tai họa
Vấn đề là do đâu mà bị sai chỗ như thế?
Mở rộng địa bàn Hà Nội chưa hẳn là sai, nếu như có sự chuẩn bị cẩn thận, kĩ càng về mọi mặt. Cũng chưa hẳn mọi người Hà Nội "gốc" cũng thanh lịch, vì bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài.

trungphien đã viết:Đọc bài của Thanh Tùng xong mới thấy thấm thía giá trị của giáo dục.

Chợt nhớ đến lời của một nhân sỹ, đại ý là " Giáo dục của ta sau hơn 30 năm đang quay trở về vạch xuất phát".


Chẳng trách ai, tôi chỉ thấy xót xa vì cảm thấy rằng hình như mình chưa làm tròn nhiệm vụ - của một nhà giáo, và một người yêu mến văn hóa Việt. Thật xấu hổ với bạn bè quốc tế.

Ngành giáo dục của ta phải làm gì đây? Những người tâm huyết với văn hóa dân tộc phải làm gì đây? Làm gì để người mình đừng "xấu xí" như thế nữa. Làm gì để mãi là "người Việt cao quý"?
LÁ SÂN TRƯỜNG một thời áo trắng
SÓNG NGÀN KHƠI gửi đến muôn nơi
SongBiec
 
Bài viết: 156
Ngày tham gia: Thứ 3 04/03/08 12:14
Đến từ: Gia đình văn hóa K9
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron