GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá trong đời sống xã hội

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi CUHUYEN » Thứ 7 03/11/07 23:32

Cảm ơn ý kiến của HienDam. Bạn đã tỏ ra thật chi tiết và sắc trong bình luận của mình.
Ngay đầu ý kiến của tôi, tôi đã nói rõ là giải pháp của TS Trần NGọc Thêm là cần. Ý kiến của tôi chỉ góp một góc nhìn khác về sự việc.
Theo tôi thì quả có sự khác nhau giữa nhận thức và nhận biết. Song trong hầu hết trường hợp, muốn nhận biết lại cần một sự nhận thức thấu đáo, tường tận (như vậy trong nhận biết đã bao hàm nhận thức). Trong VHH, văn hoá nhận thức cũng là thành tố chi phối sâu sắc đến vh ứng xử, vh tổ chức.
Còn quy định – luật lệ thì đương nhiên là cần thiết, rất cần thiết. Vì thế các quy định – luật lệ từng ngày, từng giờ vẫn đang được hoàn thiện.
Chúng ta cũng biết là càng ít ngoại lệ, cuộc sống sẽ càng bớt phức tạp. Nhưng, chúng ta cũng sẽ dễ dàng thống nhất là, nếu không còn ngoại lệ thì còn gì là cuộc sống. Hãy hình dung, nếu người ta thay trọng tài của môn thể thao vua bằng những cỗ máy tinh vi, thì còn gì là bóng đá!
Và văn hoá, ngoài việc được đo bằng nỗ lực hoàn thiện những quy định và luật lệ, thì còn được đo bằng cả những giải pháp tình thế, bằng cả sự ứng xử với tình huống ngoại lệ!
RANDOM_AVATAR
CUHUYEN
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Thứ 7 09/06/07 9:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 5 08/11/07 23:55

Thông tin

Từ khi công bố bài "TỪ CHUYỆN GS. CAO XUÂN HẠO VÀ ĐÀI TRUYỀN HÌNH VTV, BÀN VỀ VĂN HOÁ TANG LỄ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI" vào ngày 25-10 trên Diễn đàn của chúng ta đến nay, tôi thường xuyên nhận được những ý kiến của nhiều bạn bè, đồng nghiệp quen biết và nhiều bạn đọc không quen biết từ khắp nơi trong và ngoài nước gửi về trao đổi, ủng hộ. Trong nhiều ngày tiếp theo sau khi công bố, số lượng khách viếng thăm diễn đàn nói chung và chủ đề này nói riêng tăng vọt. Đỉnh cao là vào ngày 02 tháng 11-2007 có số lượt người ghé thăm đông nhất là 19 người. Diễn đàn của chúng ta được nhắc đến trên nhiều Diễn đàn, Blog, website tiếng Việt ở khắp năm châu (có thể kiểm chứng bằng cách tìm các cụm từ [google]"Cao Xuân Hạo"+VTV[/google] trên google.com).

Tôi cũng không ngờ rằng một bài viết bình thường lại gây nên một sự chú ý lớn dường ấy. Và tôi hiểu ra: mặc dù bận rộn trong thời toàn cầu hoá này, người Việt chúng ta ở khắp năm châu vẫn gìn giữ được nét đẹp của bản sắc truyền thống là tính TRỌNG TÌNH. Cái tình với một nhà khoa học có nhiều đóng góp. Cái tình người với nhau. Cái tình truớc "nghĩa tử là nghĩa tận".

Cũng thông qua công cụ web và Diễn đàn, tạp chí "Kiến thức gia đình" (tuần san của báo Nông nghiệp Việt Nam) phát hành thứ 5 hàng tuần đã tìm liên hệ với tôi để xin phép đăng bài này. Bài đã đăng trên tạp chí số ra sáng nay, 8-11-2007, dưới tiêu đề "Băn khoăn văn hoá tang lễ", trong chuyên mục "Cùng sống cùng nghĩ".

Hình ảnhHình ảnh


Trên trang bìa, tap chí giới thiệu: "Viện sĩ Trần Ngọc Thêm băn khoăn văn hoá tang lễ". Đây cũng là vấn đề nghiêm túc mà chúng tôi muốn gửi đến Đài Truyền hình VN".

Cùng với bạn đọc, chúng ta sẽ chờ đợi phản hồi từ Đài Truyền hình VN.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 6 09/11/07 18:22

Thông tin số 2

Theo tin từ toà soạn “Kiến thức gia đình” mà tôi vừa nhận được, sau khi báo ra, đã có nhiều bạn đọc bức xúc liên hệ với toàn soạn ủng hộ bài "Băn khoăn văn hoá tang lễ".

Cũng ngay vào chiều hôm qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã có văn bản gửi tuần san này, trong thư cho biết lỗi trong việc để xảy ra chuyện này là ở cô nhân viên tiếp khách đã không linh hoạt trình báo và đang cho cô này làm kiểm điểm (tội quá, tôi trở thành người có lỗi đối với cô bé rồi!). Đài VTV sẽ có thư gửi xin lỗi gia đình GS. Cao Xuân Hạo.

Tuần san “Kiến thức gia đình” sẽ thông tin chi tiết về những ý kiến phản hồi này trong số ra vào thứ 5 tuần sau (14-11).
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi CUHUYEN » Thứ 6 09/11/07 21:59

Thế giới Blog cũng đã bàn về ý kiến của thầy rất nhiều và đúng như dự đoán, có một trí thức ở VTV đã rất đau lòng vì chuyện này. http://blog.360.yahoo.com/blog-8lS.UvQ_ ... 7#comments

Phản hồi của một lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam

Sau entry "Sự cống hiến hay thâm niên tuổi Đảng", chiều nay Bố cu Hưng nhận được thư trả lời của một trong những lãnh đạo cao nhất của Đài Truyền hình Việt Nam.

Dĩ nhiên, Blog không phải là một tờ báo, cho dù ở chế độ public, nó vẫn là nhật ký cá nhân. Các entry chỉ nêu suy nghĩ của cá nhân người viết. Vì thế, Bố cu Hưng bất ngờ khi nhận được sự phản hồi này. Bạn đọc có thể xem như một comment của người trong cuộc.

Để có cái nhìn khách quan, Bố cu Hưng xin công bố toàn văn thư hồi âm . Nhưng vì là thư riêng và chưa xin phép người viết thư, xin tạm không nêu tên và chức vụ người viết.

Anh Đức Hiển thân mến

Tôi đọc Blog Bố cu Hưng về việc cáo phó của Giáo sư Cao Xuân Hạo mà rầu lòng quá cho nhân viên đã làm việc với PGS Hoàng Dũng. Tôi đã gọi điện vào đó, họ cũng đã yêu cầu nhân viên viết một bản giải trình.

Thực ra thì có những quy định về đối tượng đưa tin buồn trên VTV (ví dụ như Quy chế tang lễ cho cán bộ, công chức, viên chức, ban hành kèm theo Nghị định 61 năm 2001 của Chính phủ). Và những quy định khác nữa. Trong quy chế đó khong có mục nào phân biệt Đảng viên hay không Đảng viên. Ở các quy định khác thì có huy hiệu 50 năm, 45 năm tuổi Đảng cũng là một đối tượng thôi, còn nhiều đối tượng khác.

Nhưng với các nhà văn hoá, nhà khoa học thì VTV vận dụng không máy móc. Và chúng tôi ít khi từ chối nếu đó là những người có nhiều đóng góp cho nền văn hoá, khoa học nước nhà. Cá nhân tôi cũng ký cho phát sóng nhiều tin buồn như vậy. Không nhớ hết nhưng không xa lắm là ông Phan Cự Đệ và nhà thơ Phạm Hổ. Nhưng trong trường hợp này, nhân viên đã không xin ý kiến gì.

Tôi rất buồn vì đã xảy ra chuyện này. Có một thực tế là làm việc cho VTV có đến 3500 con người, và sơ suất của một người trong số họ cũng dễ làm cho dư luận hiểu về VTV khác đi

Tôi thường đọc blog anh và một số nhà báo khác. Nhưng tôi không có blog nên đành hỏi địa chỉ email để viết thư này.

Chúc anh khoẻ

Ký tên


Hình ảnh
RANDOM_AVATAR
CUHUYEN
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Thứ 7 09/06/07 9:15
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi ngungudainguyensoai » Thứ 6 09/11/07 22:25

Cảm ơn bạn CUHUYEN đã cung cấp link về bức thư của lãnh đạo VTV. Nhưng tôi lại băn khoăn thêm về việc quản lí, lãnh đạo của BGĐ VTV. Bây giờ không thể đổ hết lỗi cho cô nhân viên kia được. Vì nếu có những trường hợp "linh động" ngoài quy định thì cô nhân viên kia cũng phải được training là trường hợp nào phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo từ BGĐ VTV.
Vay VTV nen coi lai cách quản lí và đào tạo nhân viên.
Tôi trang trọng thề rằng: Tôi vô tích sự !
(Trích: Harry Porter)
RANDOM_AVATAR
ngungudainguyensoai
 
Bài viết: 70
Ngày tham gia: Thứ 4 03/10/07 21:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi HienDam » Thứ 6 09/11/07 22:51

ngungudainguyensoai đã viết:VTV nen coi lai cách quản lí và đào tạo nhân viên


Hoàn toàn đúng.

Đành rằng vị trí thức lãnh đạo đài VTV kia quả thật không phụ lòng chúng ta, ông có cái tâm, ông không hèn, không hổ danh là trí thức.

Nhưng mặt khác, với tư cách người lãnh đạo thì như thế vẫn là chưa ổn.

Cách quản lý, quy chế của mình không đúng thì phải dũng cảm mà sửa, không thề suốt đời chạy theo để xét lệ ngoại, lệngoai nhiều đến mức: "Cá nhân tôi cũng ký cho phát sóng nhiều tin buồn như vậy. Không nhớ hết..." (Bo Cu Hung blog).

Và càng không thể nào đổ lỗi cho cô nhân viên chỉ vì cô đã làm rất đúng chức trách của mình. Không phải ngẫu nhiên mà GS. Thêm đã châm biếm một cách nhẹ nhàng:
tnthem đã viết:tội quá, tôi trở thành người có lỗi đối với cô bé rồi!

Cùng với GS. Thêm, tôi thấy thương cô nhân viên tội nghiệp đã phải "viết một bản giải trình" và bị xem là có lỗi vì "Có một thực tế là làm việc cho VTV có đến 3500 con người, và sơ suất của một người trong số họ cũng dễ làm cho dư luận hiểu về VTV khác đi" (Bo Cu Hung blog).

Cách làm này lâu nay dân gian vẫn gọi là "thí tốt".
RANDOM_AVATAR
HienDam
 
Bài viết: 41
Ngày tham gia: Thứ 4 23/05/07 19:36
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi phavatin » Thứ 7 10/11/07 23:24

[center]Xin lỗi ư? Xin lỗi chưa đủ[/center]

Tôi đã đọc bài viết của GS Trần Ngọc Thêm về Văn hoá tang lễ nhân sự kiện GS Cao Xuân Hạo qua đời. Tôi rất buồn vì qua chuyện này, hình như xã hội chúng ta vẫn chưa có sự chuyển biến về nhận chân các giá trị sống. Cụ thể là chúng ta vẫn còn giữ một cách ứng xử hoàn toàn thiếu tính nhân văn trước sự ra đi của một con người. Không phải chỉ chúng ta cúi đầu trước một người quá cố mà có cả một nền văn hoá đứng đằng sau chúng ta cúi đầu.

TôI cứ ngỡ là bài của GS Trần Ngọc Thêm sẽ khó “đi” được trên các báo. Có lẽ vì nhiều lí do không nói ra chúng ta cũng hiểu. Và chúng ta cũng phảI thông cảm cho một báo nào đó “muốn mà không đăng được, vì…”. Vậy nên tôI rất mừng là Kiến thức Gia đình đã in bài này. Hơn thế nữa, bản báo còn nhận được lời cáo lỗi của VTV và còn hứa sẽ kiểm điểm cô nhân viên nọ. Thầy Thêm ái ngại cho vụ việc này. TôI rất thông cảm. Bởi chỉ vì ý kiến này mà thầy vô tình đẩy một công chức trẻ kia vào cảnh ngộ. Thực tế, cô còn có thể làm gì khác ngoài quy chế rõ ràng kia?

Theo tôi, dù sao cũng cần phải đánh giá cao sự tiếp thu của VTV với tinh thần cầu thị. Nhưng xét cho cùng, chỉ xin lỗi không như thế chưa đủ. Xin lỗi là một hành vi “tự nhận sai sót, điều đáng trách về phía mình”. Đó là một cử chỉ đáng quý.

Nhưng xin lỗi cần phải đi kèm với bổn phận. Bởi nó chỉ có ý nghĩa thực sự khi người nhận lỗi có hành vi sửa lỗi. ở đây, tôi nghĩ VTV (và các cơ quan báo chí khác) nên có sự thay đổi bằng cách tác động cho các cơ quan quản lí có những quy định sao cho phải. Mọi nguyên tắc phải được xây dựng trên cơ sở hợp tình, hợp lí, hợp đạo lí văn hoá truyền thống dân tộc. Có thế, câu chuyện văn hoá tang lễ kia mới thực sự nhận được sự hưởng ứng và chia sẻ của toàn xã hội.

Tôi nghĩ, đã có rất nhiều người trước tôi đọc bài viết của GS Trần Ngọc Thêm và chia sẻ điều này.

Hà Nội, 16h 10-11-2007

TS Phạm Văn Tình, Viện Ngôn ngữ học (Hà Nội)
RANDOM_AVATAR
phavatin
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 7 10/11/07 18:00
Đến từ: Hà Ná»™i
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 2 10/12/07 23:50

GS.TS. Đinh Văn Đức, nguyên trưởng khoa ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, sau khi ghé thăm Diễn đàn văn hoá học, đã gửi cho tôi bài viết này của ông về GS. Cao Xuân Hạo và có nhã ý cho phép công bố nó ở đây như một nén hưởng gửi về phương Nam để thắp cho hương hồn người đã khuất. Xin trân trọng giới thiệu với các bạn.

[center]Nhớ về anh Cao Xuân Hạo

Đinh Văn Đức
GS. khoa Ngôn ngữ học
(Đại học Quốc gia Hà Nội)
[/center]

Anh Cao Xuân Hạo đã ra đi, để lại một khoảng trống không dễ bù đắp trong Ngôn ngữ học Việt Nam. Một cánh chim ưng đã ngừng vỗ trong khoảng trời Nhân văn học nước ta.

Với tôi, tôi coi anh là một người anh chân tình và một người thầy về học thuật mà… học mãi vẫn chưa hết kiến thức về lý luận ngôn ngữ và phép tiếp cận Việt ngữ học.

Gần nửa thế kỷ trước, tôi gặp gỡ anh trong một cảnh huống hoàn toàn không vui của anh: Anh đã bị treo giáo án vì có dính dáng vào một nhóm cán bộ và sinh viên bị kỷ luật ở đại học sau vụ Nhân văn - Giai phẩm. Thầy Cao Xuân Huy, thân phụ của anh, đến lớp tôi giảng Cổ văn, phong cách rất lạ, ông giống như một đạo sĩ. Mọi người xì xào là thầy có người con trai cực giỏi ở trong khoa nhưng nay chỉ được làm phiên dịch viên. Chúng tôi tò mò muốn biết về người đó. Một hôm ở cư xá đại học tại làng Láng thượng, tôi theo một anh trong lớp đến câu lạc bộ của các thầy xem đánh bóng bàn. Gọi là CLB cho oai nhưng còn rất đơn sơ, các thầy chờ nhau đánh bóng bàn khá đông. Tôi để ý một người tầm thước, điển trai, mặc bộ quần áo ka ki khá chỉnh chu, chân đi hơi cà nhắc, cầm vợt khá chắc tay và thiên về lối đánh phòng ngự. Vừa hết séc bóng, anh cầm ngay một cuốn sách ngoại văn với cây bút chì và tờ giấy lui ra một góc lúi húi đọc và ghi chép. Anh bạn ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Ông Cao Xuân Hạo đấy, giỏi ngoại ngữ cực, đang dịch "Chiến tranh và Hoà bình", chuyên dịch lúc chờ lượt bóng đấy!”. Tôi cảm thấy hâm mộ anh và muốn được “đến gần” nhưng chỉ là một sinh viên giữa chốn của các thầy nên chả biết làm cách nào.

Thế rồi tôi đã có một dịp. Cận hè năm 1962, lớp chúng tôi đi thực tế ở Hà Bắc, trong mấy tuần chúng tôi có nhiệm vụ ba cùng với nông dân các làng Quan họ để sưu tầm, ghi chép các ca từ của dân ca Quan họ, nhất là những làn điệu cổ. Chúng tôi rất hăng hái nhưng ú ớ về phương pháp nên ghi trùng lặp với nhau rất nhiều. Một hôm, trời nắng chang chang, chúng tôi bỗng thấy thầy Đinh Gia Khánh và anh Hạo đến chỗ nhóm tôi. Anh đi tay không, đầu không mũ nón, vác vai một cá đàn ghi-ta gỗ đã cũ. Sau khi ăn cơm chiều với chúng tôi, thầy Khánh kiểm tra công việc và dặn dò chúng tôi cách sưu tầm và ghi chép. Anh Hạo mang đàn ra góc sân ngồi đánh, anh căn đi căn lại một làn dân ca rất lạ và khó. Bỗng anh gọi mấy đứa tôi và chỉ vào tôi: “Cậu này hát giùm mình một đoạn nhé, cầm lấy tờ giấy mà nhớ lời”. Tôi hát được một đoạn, còn anh thì gõ nhịp dò theo, được một đoạn nữa thì tôi… đứt hơi. Anh bảo: “Cậu hát tồi quá, sao lại biến dân ca thành lối hát phong trào hiện nay thế?”. Tôi ngượng ngập thưa: “Em có biết hát dân ca đâu, cả hát mới cũng chả ra làm sao, thầy bỏ qua cho”. Anh cười và giải thích: “Tôi có xem tập lời ca các cậu chép. Sai tuốt cả rồi! Có hiểu sao không? Các cậu đã nhầm lẫn giữa sưu tầm thơ ca dân gian với ghi lời ca theo làn điệu dân ca. Những gì các cậu ghi được là thơ ca dân gian chứ không phải bài hát Quan họ. Phải ghi lại trung thực những gì các cậu nghe được, cái người ta đã cải biến ca dao, thơ dân gian thành ca từ,… đấy mới là cái cơ bản. Quan họ đã chế biến cực giỏi cái nọ từ cái kia,… làm khoa học phải biết mình muốn cái gì chứ?” Chúng tôi nhìn nhau trách móc, nhưng đã sáng ra. Thế là có thêm bài học đầu đời về phương pháp làm tư liệu và đi điền dã.

Tháng lại, ngày qua, bộ sách “Chiến tranh và Hoà bình” đã xuất bản và chúng tôi đã say mê đọc nó ở thư viện (lấy tiền đâu để mua khi đang là sinh viên nghèo). Chúng tôi thấy một tứ văn phong cực kỳ sang trọng và trong sáng bằng tiếng Việt, dường như người dịch đã gắng chuyển đến mức tối đa ngôn ngữ nguyên gốc. Đầu năm 1964, nhà xuất bản Văn học cho in cuốn tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của Aitmatov “Truyện núi đồi và thảo nguyên” do anh Hạo dịch là chính. Truyện cực hay, đầy chất thi vị và mượt mà ngôn từ. Được ít lâu, cuốn truyện bị phê phán nặng nề và bị chụp mũ là có tư tưởng “xét lại” cũng giống như các bộ phim “Bài ca người lính”, “Số phận con người”, “Bầu trời trong sáng”… đương thời. Anh Hạo sau đó đã thở dài nhẹ nhõm bảo với chúng tôi: ‘May cho mình đã thoát được bản án thứ hai vì tội dịch, đơn giản, sách thấy hay thì nhận dịch thôi”.

Tôi tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường cùng bộ môn Ngôn ngữ học và gần anh suốt hai mươi năm, lúc đầu bộ môn do thầy Nguyễn Tài Cẩn làm chủ nhiệm. Thầy là người nhìn rất xa và khách quan, nể trọng tài năng nên đã có lần nói với chúng tôi: “Tôi nói điều này hơi bất tiện, nhưng các ông nên tham khảo: nếu học làm tư liệu để nghiên cứu thì nên học tôi, còn muốn học lý luận ngôn ngữ thì nên tìm đến anh Hạo. Anh ấy giỏi lắm, chịu học và uyên bác. Anh Hạo tuy nay không được lên lớp, không dạy trò nhưng có thể dạy thầy, nên tìm đến anh mà học… Còn Hán học theo kiểu ngôn ngữ học thì có lẽ sang nhà mà tìm anh Phan Ngọc”. Theo lời thầy, những năm tháng sơ tán ở rừng, chúng tôi vẫn tới lui chỗ anh Hạo để anh chỉ bảo, khi thì nghe thuyết giảng một vấn đề, khi thì chỉ nghe về một bài báo, và có khi chỉ vì có mấy bắp ngô nướng hay vài củ lạc gì đó. Anh vừa nuôi hai cháu vừa làm việc miệt mài. Có bao nhiêu kiến thức về lý thuyết cấu trúc luận đương thời thì hầu hết anh cung cấp cho chúng tôi, nhất là khi anh dịch xong cuốn sách đồ sộ: “Những khuynh hướng cơ bản của cấu trúc luận” của Gukhman và một số tài liệu trong “Reading Linguistics” và bảo tôi đọc, những chỗ khó hiểu anh nhẹ nhàng hướng dẫn cho chúng tôi. Nhưng anh không bằng lòng việc chúng tôi bám anh để đọc các tài liệu dịch mà khuyến khích và nhắc nhở chúng tôi cần học ngoại ngữ để tự đọc. Một lần tôi hỏi anh: “Anh Hạo ơi, bọn em muốn biết làm thế nào để học ngoại ngữ cho nhanh khá ạ”. Anh nhìn tôi bằng con mắt ngạc nhiên rồi thủng thẳng trả lời: “Cậu hỏi gì đấy? Học ngoại ngữ là… học ngoại ngữ chứ còn làm sao nữa!”. Tôi thấy ngượng và từ đó phải gắng sức học tiếng Nga cho kỳ đọc được các tài liệu chuyên môn đơn giản. Cũng về chuyện ngoại ngữ, tôi còn bị anh “sưả gáy” cho và lần nữa. Đầu thập kỷ bảy mươi, đang chuẩn bị để đi học NCS ở Liên Xô, tôi có một bài cần dịch gấp ra tiếng Nga. Không đủ tự tin, tôi tìm đến anh Hạo ở Kim Liên và có lời nhờ anh. Anh hỏi tôi: “Cậu định trả công mình gì đấy?” Tôi nói: “Em mời anh đi uống cà phê cho vui nhé”. Anh đồng ý ngay. Chúng tôi ra Quán Gió ngoài hồ Bảy Mẫu ngồi nhâm nhi cà phê với bánh ngọt. Gần chiều anh bảo tôi: “Tài liệu cậu nhờ đâu, đưa đây”. Tôi vội mở túi đưa anh tập giấy. Liếc qua cái bìa, không mở ra xem, anh cuộn lại ngay và đưa lại cho tôi, nói gọn: “Cầm lấy, về mà dịch lấy. Nếu cậu mà nhờ tôi việc này thì buộc tôi phải xem lại trình độ của cậu, lâu nay tôi vẫn nghĩ khác về cậu!”. Tôi ngượng đỏ mặt, chia tay anh. Tuần sau gặp anh, anh bảo: “Dịch xong chưa, đưa đây mình coi lại cho”. Anh đã xem lại và chữa đỏ loè cả bài, nhưng toàn chữa phần diễn đạt bằng tiếng…Việt trước khi chữa sang phần tiếng Nga. Anh bảo: “Tiếng Việt hay lắm, phải diễn đạt cho nó hay vào rồi hãy dịch gì thì dịch”. Rồi lần nữa… cách đây mấy năm, tôi vào Sài Gòn và có dịp ăn tối với anh cùng mấy bạn ở một quán trên đường Pasteur. Rượu vào, hứng chí anh nói một tràng dài tiếng Pháp, rồi quay lại hỏi tôi. Tôi cũng nói một câu tiếng Pháp thưa lại anh rồi cầm lấy li rượu định uống. Anh gạt tay tôi và nói: “Gượm đã! Ông phát âm lại cho đúng hộ tôi cái tên chai “Remy Martin” rồi hãy uống. Tôi vừa nghe ông nói nó quê thế nào ấy!”. Tôi lại ngượng và phát âm tới lần thứ... ba, bốn, anh mới ưng và để tôi uống. Anh Hạo là như thế, đã nói chuyện ngôn ngữ thì phải chính xác và sang trọng… trở lên.

Trong hai mươi năm làm phiên dịch viên ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Cao Xuân Hạo và Phan Ngọc đã để lại hàng vạn trang dịch lý luận ngôn ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Trong số đó có những bản dịch bất hủ mà khó ai địch nổi như: “Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương” của Saussure, “Các phương pháp của Ngôn ngữ học cấu trúc luận” của Harris , “Những nguyên lý âm vị học” của Trubeskoj,…Còn trong làng văn chương thì khỏi nói, anh là người phiên dịch giỏi hàng đầu. Tôi có hai người thầy về diễn đạt văn ngôn. Thầy Nguyễn Tài Cẩn thì viết rất đơn giản, chặt chẽ, chính xác và hơi “dân dã”. Anh Cao Xuân Hạo thì viết có phần trau chuốt, cầu kỳ và sang trọng, thậm chí văn phong khoa học có lúc hơi… kênh kiệu. Anh bảo tôi: “Tôi thấy cậu viết có xu hướng tập theo lối anh Cẩn, tốt thôi, nhưng nhớ nhé, Anh Cẩn viết nhìn bề ngoài thì đơn giản vậy thôi nhưng khó bắt chước lắm đấy, rất uyên bác và sang trọng đấy, nhất là rất khó bắt bẻ”. Tôi hiểu và học cả hai người trong cách diễn đạt mà mãi vẫn không xong. Hai bậc giỏi giang, tài hoa lại rất nể trọng nhau. Khi nói với chúng tôi anh Hạo luôn coi mình chỉ là “môn đệ” của thầy Cẩn, còn thầy Cẩn thì lại nói: “Môn đệ à? Về lý luận đại cương thì ông Hạo giỏi hơn tôi nhiều lắm! Nếu học thì phải học ông ấy!”. Quả thật những lúc như thế chúng tôi thấy hơi… xấu hổ vì mình còn dốt mà lại đôi khi tự “huếch”.

Trong nghiên cứu, cái giỏi của anh Hạo là hay lật ngược vấn đề, không chịu theo lối mòn và khuôn sáo. Anh cứ như bẩm sinh ra để làm ngôn ngữ học vậy. Có nhiều ý tưởng học thuật của anh vị tất đã dễ chia sẻ, nhưng bình tĩnh lại, đặt nó vào hệ thống tư duy của anh thì thấy hiểu được. Trong lập luận, anh không phải là không có chỗ sơ hở, nhưng anh cũng cầu thị trong trao đổi và biết cách biện minh. Mới làm việc dễ có cảm tưởng anh “át” đối tác, nhưng trong câu chuyện và bàn thảo anh rất chú ý nghe để vừa suy ngẫm vừa trả lời hoặc tiếp nhận. Tôi có vài ba cuộc trao đổi thân tình với anh, ít nhất là trong vấn đề: “Nên để nguyên dạng hay phiên âm tên riêng nước ngoài”, “Cương vị chữ Nôm và chữ Quốc ngữ”, và khái niệm “dĩ Âu vi trung” trong Việt ngữ học, thì tôi thấy anh là người dân chủ và sẵn sàng lắng nghe, nhưng… cũng rất thích tranh luận. Có lúc trao đổi anh bảo tôi: “Nghe cậu biện luận cũng có lý đấy, nhưng mình vẫn… cãi được!”. Anh phàn nàn với chúng tôi là trong ngôn ngữ học nước nhà lặng lẽ quá, không có tranh luận gì cả mà không có cọ xát thì làm sao tiến lên được. Tuy nhiên anh cũng rất nghiêm khắc, sẵn sàng cho “mất điện” với những người trống rỗng mà lộng ngôn trong giới ngữ học, biết chưa đến nơi đến chốn nhưng thích khoe khoang. Cuốn sách: “Viết nhịu” (Lapsus Calami, 2005) mà anh tham gia nhiều là một lời nhắc nhở giúp anh em ta thận trọng hơn khi viết về ngữ học.

Cái cảm giác kiêu căng và khiêm nhường ở anh dễ làm người ta lẫn lộn. Những ai có máu hiếu thắng thì chắc chắn cho rằng anh kiêu ngạo, còn những ai đọc sách dịch, đọc các bài nghiên cứu và sách của anh thì thấy anh rất khiêm nhường, cầu thị và cực kỳ thận trọng. Câu cửa miệng của anh là: “Ông xem hộ coi có chỗ nào chưa chính xác, chưa đạt không?”. Cuốn “Tiếng Việt - Ngữ pháp chức năng” (1991) hay là thế mà anh chỉ ghi là “Sơ thảo” và giải thích: “Mới đầu nghĩ được có thế thì ghi thế là phải rồi!”. Tôi cho rằng cái lớn nhất trong tư duy khoa học của anh là “Triệt để xuất phát từ bản ngữ” để giải quyết mọi vấn đề. Anh học Saussure cái định lý này và vận dụng nhất quán, nhờ đó có những khám phá quan trọng, từ “Âm vị học và tuyến tính” đến “Cương vị của Tiếng” rồi “Cấu trúc cú pháp cơ bản của tiếng Việt là cấu trúc “Đề-Thuyết”,...

Từ khi anh vào Sài Gòn (1976), tôi xa anh và anh em thỉnh thoảng mới có dịp gặp nhau, nhưng mỗi khi vào Nam là tôi tìm anh ngay. Tôi mừng cho anh là đã có chỗ làm việc ưng ý và anh đã trở lại bục giảng trên giảng đường. Anh dạy và truyền thụ rất nhiều, như để bù lại thời gian đã mất. Với tôi, anh chưa bao giờ khen tôi cả, và cũng không thân theo nghĩa chí cốt. Nhưng tôi trọng anh và hâm mộ anh, còn anh thì chân tình và quý tôi như một đàn em gần gũi. Tôi vui là khi viết xong cuốn sách nào anh cũng sớm gưỉ cho tôi với lời đề tặng ân cần như một mong muốn chia sẻ.

Khen anh Hạo giỏi ngoại ngữ thì chả khác gì khen “Phò mã tốt áo”, nhưng như anh nói, năng khiếu thì có đấy nhưng chỉ là một phần thôi, còn chủ yếu là say mê và khổ công tự học. Có lần GS. Haudricourt và GS. Comdominas đã nghi ngờ anh nói dối là chưa bao giờ đến Pháp khi hai ông khăng khăng rằng anh là người nói tiếng Pháp của vùng Thượng Provence và ở đó đã lâu, còn các bạn Nga thì cũng cho rằng anh đã ở đâu đó bên ấy một thời gian dài và đã có một vài cô bồ nào đó! Năm 1971, tôi có chân trong ban chiếu bóng của Khoa Ngữ văn, lần ấy mượn được hai tập phim: “Anh em nhà Caramazov” của Dostojevski, nhưng đến giờ chiếu lại chưa có bản thuyết minh tiếng Việt. Chị Bích Lộc (thuyết minh viên) rất lúng túng. May quá chúng tôi phát hiện ra anh Hạo cũng ngồi trong đám khán giả nên cảm phiền anh. Anh Hạo bảo mua ngay cho anh mấy điếu thuốc thơm, anh cầm thuốc hút rồi ngồi vào phòng máy, nhìn lên màn ảnh và dịch đuổi theo lời nhân vật nói trong phim. Chúng tôi phục lăn, còn anh thì nhăn mặt nhận xét: “Lời trong phim này kỳ quá, chả giống gì lời thật của nhân vật trong nguyên bản tiểu thuyết cả”. Chúng tôi thì ngớ ra.

Kỳ thật anh Hạo chỉ xuất ngoại lần đầu khi đã… ngoài 50 tuổi. Tôi nhớ năm ấy, trước Đổi mới, anh ra Hà Nội và đi ăn phở với tôi. Anh thì thầm: “Một bà thầy nói với mình là sắp đến mình sẽ xuất ngoại, mình hy vọng là thế”. Rồi ít lâu sau, anh sang Nga, sang Tiệp thật vì một công vụ cho ngành. Anh cũng là người tự trọng cao. Năm anh sang Pháp, có người nghĩ rằng anh sẽ “chạy” vì hợp môi trường và có thân nhân bảo lãnh. Nhưng anh đã trở về nhà rất đúng hạn. Nghe anh kể là vé máy bay của anh đặt bị trục trặc cần phải nán lại Paris ít ngày nữa để chờ. Thế là anh xách va li ra thẳng sân bay, rút túi mua vé bay ngay một chiều bằng tiền mặt, mà vé đi như thế đắt gấp ba lần, miễn là về đúng hạn như đã hứa.

Với anh Cao Xuân Hạo, ai chưa biết cũng nghĩ rằng anh là một trang công tử, xuất thân “tiểu tư sản” học sinh, đàn hay, hát giỏi và lãng tử. Nhưng anh lại là “Bộ đội cụ Hồ” trong cả tuổi thanh xuân thời kháng Pháp. Mười chín tuổi, anh vào quân đội, vác cây đàn ghi-ta trên vai đi khắp Bình Trị Thiên khói lửa, đói rét, cơ hàn. Tôi biết anh xao lòng nhất là những lúc nghe các ca khúc “Về miền Trung”, “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy, và nhất là bài “Bình Trị Thiên khói lửa” bi hùng của Nguyễn Văn Thương: “Hướng về nam, ai đã qua Đèo Ngang, đã sang Ba Rền, sông Gianh, biếc xanh Luỹ Thầy…”, nơi anh đã để lại tuổi xuân ở đó trước khi trở thành nhà khoa học.

Người Mỹ có tập quán thường ca một bài khi tiễn đưa người quá cố, bài mà lúc sinh thời người ấy vẫn thường thích. Tôi ở xa không vào Nam được để tiễn đưa anh Hạo, đám tang không có ai hát, nhưng tôi tin rằng ở cõi xa xăm lúc ra đi, anh vẫn nhẹ nhàng nghe được âm điệu của bà ca: “Bình Trị Thiên khói lửa” mà tuổi thanh xuân anh đã in dấu ấn.

Hà Nội, vào Đông 2007
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi ongmat » Chủ nhật 16/12/07 6:31

Thầy Cao Xuân Hạo chắc chắn là sẽ không có ý kiến gì về việc này, sự phản cảm của nó là ở người sống, và chắc chắn đến lượt mình (và người thân của mình) sẽ "được/bị" ứng xử như là mình đã ứng xử
RANDOM_AVATAR
ongmat
 
Bài viết: 21
Ngày tham gia: Chủ nhật 16/12/07 6:07
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GS. CAO XUÂN HẠO, ĐÀI VTV VÀ VĂN HOÁ TANG LỄ

Gửi bàigửi bởi nuthanbien » Thứ 5 11/11/10 20:07

Đọc bài viết của Giáo sư Trần Ngọc Thêm về sự ra đi của Giáo sư Cao Xuân Hạo sao tôi cảm thấy buồn vô hạn trước thái độ của đài truyền hình VTV. Một GS được mọi người trong nước và thế giới biết đến kính nể vậy mà khi qua đời lại bị đem ra cân đo đong đếm với 45 tuổi Đảng và 300 ngàn hay 30 triệu đồng? Tôi cũng đồng tình rằng đây là một đài truyền hình của TW, có những quy định riêng thế nhưng thiết nghĩ nhà Đài cũng cần phải xem lại cái nguyên tắc cứng nhắc của mình. Nếu đem so sánh một người có 45 tuổi Đảng và một nhà khoa học với những cống hiến to lớn cho xã hội vậy thử hỏi rằng đài truyền hình sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Tôi không phủ nhận sự đóng góp, cống hiến của những người đã qua 45 tuổi Đảng nhưng thật sự có phải ai cũng vậy không hay chỉ là cái danh hão, bởi lẽ tôi không nghĩ rằng cứ tuổi Đảng nhiều thì cống hiến nhiều. Có nhiều người cũng là Đảng viên đó nhưng chỉ sống âm thầm lặng lẽ không vi phạm điều lệ Đảng thì đương nhiên trải qua mỗi năm họ cũng có thêm một tuổi Đảng vậy thôi. Thế thì sự ra đi của một Giáo sư với những con người như vậy thử hỏi cái tuổi Đảng của họ có đáng giá hay không? nhìn lại câu chuyện về sự ra đi của thầy Hạo, tôi nghĩ rằng cần phải có một văn hoá riêng cho tang lễ ở nhà Đài. Hãy xem xét đối tượng mà có cách hành xử cho hợp lý, đối với những nhà khoa học có nhiều đóng góp cho xã hội thì không thể nào đem những quy tắc khô cứng mà thực hành được, cần thiết phải có một sự linh hoạt trong cách xử lý vấn đề. Hãy để cho người ra đi và những người còn lại được đẹp lòng!
Hình đại diện của thành viên
nuthanbien
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 23/09/10 20:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hoá xã hội

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron