BÀI NHẬN THỨC: NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA HỌC LÝ LUẬN (MỤC I - IV)

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

BÀI NHẬN THỨC: NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HÓA HỌC LÝ LUẬN (MỤC I - IV)

Gửi bàigửi bởi Vuong » Thứ 2 02/11/15 21:00

Bài nhận thức: Những vấn đề văn hóa học lý luận (Mục I - IV) trong Công trình nghiên cứu Những vấn đề văn hóa học lý luận và Ứng dụng của Giảo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm.
Học phần: Lý luận văn hóa học
Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng là công trình nghiên cứu bao quát các vấn đề từ văn hóa học lý luận đến ứng dụng thực tiễn để nhận diện một số nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới cũng như bàn đến việc xây dựng và phát triển văn hóa trong một tổ chức hay cho một cộng đồng người. Vì thế, công trình này được xem như cẩm nang “gối đầu” cho các học viên sau đại học và nhà nghiên cứu văn hóa. Công trình được trình bày với văn phong rõ ràng và dễ hiểu với độ tin cậy khoa học cao bằng các luận cứ thực tiễn được trình bày trong tác phẩm và được kiểm chứng bởi hội đồng những nhà nghiên cứu và chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực văn hóa. Công trình được chia thành 4 chương, với 37 mục chủ đề, trong đó chương I bàn về những vấn đề văn hóa học lý luận mà rất hữu ích như kim chỉ nam cho những người quan tâm nghiên cứu văn hóa.
Để hiểu và phân tích những sự kiện và hiện tượng xã hội trước hết ta cần hiểu được bản chất của nó là gì? Như vậy, để hiểu được những sự kiện và hiện tượng ta cần phải bắt đầu từ định nghĩa. Định nghĩa văn hóa là một trong những định nghĩa tốn nhiều giấy mực bàn luận nhất kể từ khi Edward Tylor, năm 1871 là người đầu tiên đưa ra định nghĩa về văn hóa. Cho đến nay, có thể hơn nghìn định nghĩa mà GS TSKH Trần Ngọc Thêm đã nói rằng có bao nhiêu nhà nghiên cứu văn hóa thì có bấy nhiêu định nghĩa về văn hóa . Điều này cho thấy tính phức tạp của vấn đề, tuy nhiên, với cách nhìn hệ thống – loại hình trong mối quan hệ Tự nhiên – Con người – Văn hóa, GS Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của các định nghĩa về văn hóa, từ đó đưa ra một định nghĩa có độ xác thực và khái quát đầy đủ các đặc trưng tạo nên giá trị văn hóa mà chỉ con người xã hội mới có, đó là tính nhân sinh, tính giá trị, tính hệ thống và tính lịch sử về văn hóa, định nghĩa văn hóa được GS đưa ra “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”.
Ngôn ngữ là một trong những yếu tố góp phần phát huy và phát triển văn hóa, vì ngôn ngữ có khả năng lưu trữ và truyền đạt các giá trị văn hóa từ đời này sang đời khác. Tương tự văn hóa là chủ đề tác động đến việc sản sinh và bảo tồn giá trị ngôn ngữ. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà là chủ ý có hệ thống một cái nhìn quan hệ giao thoa giữa ngôn ngữ và văn hóa được giới thiệu trong tác phẩm Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng. Trong đó, GS TSKH Trần Ngọc Thêm đã phân tích những nguyên nhân cần thiết phải nghiên cứu văn hóa trong mối quan hệ với ngôn ngữ. Công trình đã nêu ra nhiều phương pháp nghiên cứu văn hóa trên phương diện ngôn ngữ, mà một trong những phương pháp phù hợp với lối tưu duy tổng hợp của phương đông đó là phương pháp suy luận, diễn dịch để suy ra những giả thuyết mới từ đặc trưng của loại hình văn hóa gốc, được dẫn chứng cụ thể như: y học giải phẩu chỉ có thể hình thành và phát triển từ loại hình văn hóa du mục phương tây, chiến tranh và kinh nghiệm mổ súc vật; còn nền y học chữa trị bằng suy luận (dựa trên triết lý âm dương ngũ hành) và dược học thảo mộc chỉ có thể hình thành và phát triển ở nền văn hóa nông nghiệp .
Trong nghiên cứu văn hóa, một vấn đề đặt biệt quan trọng đó là sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp để thu được kết quả nghiên cứu thuyết phục cao nhất. Chính vì tầm quan trọng của phương pháp nghiên cứu nên trong tác phẩm Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng có hẳn 2 mục (III và IV) trình bày các phương pháp nghiên cứu trong văn hóa học. Trong đó mục IV đề cập đến phương pháp nghiên cứu định lượng và phương pháp hệ thống – loại hình với thủ pháp “năm định” để nghiên cứu hệ giá trị văn hóa. Nhưng một trong những phương pháp nghiên cứu được cho toàn diện trong nghiên cứu văn hóa nên được GS TSKH Trần Ngọc Thêm trình bày trong hẳn một mục III đó là phương pháp hệ thống – loại hình, được trình bày tỉ mỉ các khái niệm và quy trình thực hiện phương pháp hệ thống. Điểm quan trọng trong hệ thống nó không chỉ đơn thuần là thể thống nhất của các tập hợp cấu thành mà nó còn là quan hệ tương tác của các thành tố mang tính cấu trúc. Điều này giúp cho người nghiên cứu có cái nhìn toàn diện và liên ngành vấn đề cần nghiên cứu. Còn về loại hình thì giúp người nghiên cứu phân chia nền văn hóa có những mẫu số chung, như loại hình văn hóa trọng tĩnh, trọng động và loại hình văn hóa trung gian. Nhìn từ góc độc loại hình văn hóa, giúp người nghiên cứu có thể xác định được lối tư duy tổng hợp của phương đông vì nền văn hóa trọng tĩnh và tư duy phân tích của phương tây, vì nền văn hóa trọng động. Nói chung, với sự khái quát và chi tiết về phương pháp nghiên cứu văn hóa được trình bày trong công trình nghiên cứu, chắc chắn sẽ giúp người nghiên cứu nắm chắc lý luận và phương pháp khi thực hiện nghiên cứu.
Một vấn đề rất quan trọng khác trong nghiên cứu văn hóa đó là vấn đề nhận diện giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa, tính cách văn hóa, hệ tính cách văn hóa và bản sắc văn hóa của một cộng đồng hay một tổ chức để phân biệt được cộng đồng này với cộng đồng khác hay phân biệt tổ chức này với tổ chức khác hay nghiên cứu độ lan tỏa của văn hóa. Điều này được trình bày hết sức cô đọng và tỉ mỉ trong công trình nghiên cứu, giúp người nghiên cứu văn hóa hiểu rõ các khái niệm và mối liên hệ giữa chúng và được khẳng định rằng giá trị văn hóa là bao trùm cả về giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Để nhận diện bản sắc văn hóa, công trình nghiên cứu đã giúp ta hiểu rõ việc xác định được giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa, tính cách văn hóa và hệ tính cách văn hóa bằng các phương pháp nghiên cứu định lượng, điều tra bảng hỏi kết hợp với phân tích tổng hợp tư liệu dân gian mang tính định lượng và phương pháp hệ thống – loại hình với thủ pháp “năm định”, đó là: (a) Định vị đối tượng trong hệ tọa độ gốc K-C-T; (b) Định vị đối tượng trong hệ loại hình văn hóa; (c) Định tính phẩm chất trong các cặp đối lập; (d) Định lượng đối tượng trên thang giá trị; (e) Định hệ cho các giá trị thu được .
Nhìn chung, với 4 mục chủ đề đầu tiên của công trình nghiên cứu “Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng” đã đem đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện và hiểu sâu sắc về định nghĩa văn hóa, mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, các phương pháp nghiên cứu hữu hiệu trong lĩnh vực văn hóa và việc xác định được giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa, tính cách văn hóa, hệ tính các văn hóa và bản sắc văn hóa. Giúp cho người đọc khái quát toàn diện hệ thống lý luận nghiên cứu văn hóa.
RANDOM_AVATAR
Vuong
 
Bài viết: 44
Ngày tham gia: Thứ 7 26/09/15 22:10
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến4 khách