Cầu Long Biên - Một giá trị văn hoá trong lòng người Hà Nội

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về chung về lý luận văn hoá học

Cầu Long Biên - Một giá trị văn hoá trong lòng người Hà Nội

Gửi bàigửi bởi MaiLacquer » Thứ 3 14/07/09 14:34

[justify]Kiến trúc Pháp thường được xem như một di sản của Hà Nội, dù mục đích xây dựng những công trình ấy nhằm phục vụ chính quyền thực dân. Khi nhắc đến những công trình đóng vai trò quan trọng về công năng và tính thẩm mỹ mà Pháp để lại sau những năm chiến tranh có thể kể đến Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Cửa Bắc, chợ Đồng Xuân, Bảo tàng Lịch sử, Phủ Chủ tịch, Khách sạn Metropole, Thư viện Quốc gia, và còn rất nhiều công trình khác như Bệnh viện, Trường học, v.v… Không thể phủ nhận ~ nét chấm phá ấy tạo nên 1 diện mạo hoàn toàn mới cho HN vào những năm đầu của thể kỷ 20. Cầu Long Biên bắc ngang sông Hồng – nay đã 111 tuổi cũng là một trong số những công trình ấy, chuẩn bị cùng thủ đô mừng đón đại lễ 1000 năm Thăng Long (10/10/2010), cây cầu chính là một chứng nhân lịch sử sống động, người bạn rất đỗi thân thiết với người dân của mảnh đất văn hiến.[/justify]

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Quy hoạch Hà Nội cuối TK XIX, hình thành tam giác phố cổ bên cạnh sông Hồng[/center]
[center]Hình ảnh[/center]
[center]Sông Hồng thế kỷ XIX khi chưa xây dựng cầu Long Biên[/center]

[justify]Tôi đã làm phép thử về cảm giác khác nhau khi đứng trên những cây cầu ở Hà Nội. Sự phát hiện này khiến tôi lấy làm thú vị và đem lại cho tôi những trải nghiệm mới mẻ... Một chiều đứng trên cầu Thê Húc cong cong uốn mình trên Hồ Gươm thơ mộng, đắm chìm trong ánh nắng chiều vàng rực, phóng tầm mắt ra xa, tôi cảm nhận sự yên bình quanh những khu phố cổ... Tìm tới một không gian thoáng đãng, xa thành phố hơn, nếu có dịp đứng trên cầu Thăng Long, bạn sẽ thấy nơi này chẳng còn náo nhiệt đô thị, chỉ còn những vệt đèn ô tô chớp nhoáng lao đi trong buổi chiều tối, hay tiếng xe đạp cọc cạch của các bà các chị chở rau ra thành phố bán từ tờ mờ sáng … Dừng chân trên cầu Long Biên trong những buổi chiều hè oi nồng, tôi có cơ hội tận hưởng những cơn gió mát; hay trong những tối mùa đông lạnh tê tái, mưa phùn giăng lên tóc, nghe tiếng sông Hồng cuộn chảy, tiếng dế, ếch kêu, tiềng còi tàu tu tu xình xịch, ánh đèn vàng mờ ảo, thật lãng mạn biết bao… Và cảm giác khác nhau khi đứng trên những cây cầu khác nữa, chợt thấy quá yêu nơi đây…[/justify]

[justify]Nếu như “Văn hoá là 1 hệ thống giá trị mang tính biểu tượng do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.” thì cầu Long Biên là một trong những biểu tượng văn hoá của Hà Nội, mang trong mình những có tính lịch sử. Nơi đây ghi dấu những năm tháng chiến tranh chống Pháp và Mỹ, cây cầu nối quá khứ - hiện tại - tương lai. Còn đối với du khách nước ngoài, trong chuyến du hành tới thủ đô, đây lại là một trong những địa điểm họ không quên ghé chân để tìm về dấu tích mà hai cuộc chiến để lại, rồi cùng thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó trong khung cảnh thanh bình...

Sông Hồng, con sông dài hơn 1100 km bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam -Trung Quốc, qua biên giới Việt -Trung, tiến vào lãnh thổ Việt Nam - phần phía đông thủ đô Hà Nội, trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt (ranh giới giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định). Bắc qua sông Hồng tại Hà Nội hiện nay là bốn cây cầu lớn: cầu Long Biên, Chương Dương, Thăng Long, Thanh Trì. Cầu Long Biên được ví như một người bạn lớn của thủ đô, chứng kiến biết bao đổi thay trong cuộc sống. Kể từ khi có cầu Chương Dương và Thăng Long, đây chỉ còn là cây cầu dành cho người đi xe đạp, xe máy, khách bộ hành và những đoàn tàu đi Lạng Sơn, Hải Phòng.

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Những năm đầu TK XX[/center]

Theo định nghĩa về “Cầu” (danh từ) của từ điển Bách khoa toàn thư mở thì cầu được định nghĩa là:
1. Công trình xây dựng bắc qua mặt nước như sông, hồ hoặc một nơi đất trũng để tiện việc qua lại.
2. Công trình xây dựng ở các bến, nhô ra xa bờ để cho tàu, thuyền cập bến.
Nhưng cầu Long Biên không chỉ có thế, nó còn kể về một câu chuyện lịch sử mà ngày nay, chúng ta vẫn tìm đọc và kể cho nhau nghe…[/justify]
[center]Hà nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc ngang Sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...[/center]

[justify]Hãy cùng tìm hiểu về thiết kế: với trọng lượng 17 nghìn tấn, đường ray đơn ở giữa dành cho tàu hoả, hai bên là đường dành cho xe cơ giới (2,6m) và đường đi bộ (0,4m). Cầu có chiều sâu 30m, cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Cầu chia làm 3 phần, với tổng chiều dài 3.500 gồm Cầu chính bằng sắt (1682m), gồm 19 nhịp dầm thép 9 khung khổng lồ mỗi khung 61m. Hai cánh cung cách nhau 75m chìa ra những cánh tay dài 36m nâng những tấm dầm thép nặng hàng tấn. Cầu dẫn bằng đá để dẫn xe lửa lên dôc nối với cầu sắt (800m). Và Một đường đất đắp cao bên phía Gia Lâm, dốc dần về phía ga để dẫn đoàn tàu lên xuống cầu (gần 1.000m). Cầu sắt đặt trên 18 trụ và hai đầu cầu khung thép. Từ trên nhìn xuống cầu có bình diện hình chữ nhật khoảng 100.000m2. Luồng giao thông của cầu đi xuôi về phía bên trái, chứ không phải phía bên phải như các cây cầu khác, đây là nét rất riêng và độc đáo trong giao thông đường bộ ở Việt Nam. Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng này ngày nay vẫn giữ được dáng vẻ cổ xưa của nó.

[center]Hình ảnh[/center]
[center]... nhìn từ trên cao[/center]

Ngày nay, vấn đề tra cứu tài liệu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng cũng từ đó mà người đọc bị ngộp bởi quá nhiều nguồn thông tin từ sách, báo, tạp chí, báo mạng, báo hình, báo nói, tranh ảnh... Tôi cũng đã bị choáng ngợp như thế... "Cái ta đã biết chỉ là một hạt cát, cái ta chưa biết là cả đại dương". Viết một bài nghiên cứu, dù chỉ mới tập sự, nhưng tôi đã học được cách tra cứu tài liêụ, để tìm thấy bản chất thật nhất của vấn đề.... Đó là khi lật lại dòng thời gian để tìm hiểu về nguồn gốc ra đời cầu Long Biên, tôi đã hoàn toàn bất ngờ khi biết rằng bấy lâu nay, hầu hết mọi người dân Việt Nam, kể cả tôi đều nhầm lẫn khi vẫn luôn đinh ninh rằng Gustave Eiffel là cha đẻ thiết kế và xây dựng cầu. Sự nhầm lần với quy mô rộng này đã dẫn theo một hệ luỵ mang tính toàn cầu khác là những thông tin tra cứu về cầu Long Biên của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cập nhật những thông tin sai. Một thông tin quý giá và quan trọng đến thế mà bấy lâu nay tất cả mọi người đều nhầm? Một sự nhầm lẫn có tính hệ thống và lịch sử kéo dài đã rất lâu rồi. Tôi chỉ là một hạt cát rất nhỏ, nhưng cũng muốn góp một chút công sức của mình để giúp mọi người hiểu sự thật về tác giả thiết kế và thi công công trình giao thông quan trọng ấy.

Theo những chứng cứ lịch sử đầy đủ của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Trung tâm LTQG I) gồm Hồ sơ đấu thầu, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương chọn công ty Daydé & Pillé làm nhà thầu chính thức và nhất là các bản thiết kế cầu đều có chữ ký của Daydé & Pillé, cho phép khẳng định rằng Daydé & Pillé (dưới sự uỷ nhiệm của công ty, kỹ sư Saint Fort Mortier làm chỉ huy công trình xây dựng cầu và làm đại diện chính thức của Công ty tại Bắc Kỳ) chính là công ty thiết kế và xây dựng cầu Doumer trước kia và là cầu Long Biên ngày nay. Điểm đáng chú ý là công ty Levallois Perret (là một công ty xây dựng của Gustave Eiffel đang hoạt động ở Đông Dương vào thời điểm đó) đã từng gửi thư kháng nghị đến Hội đồng thẩm định các dự án tham gia đấu thầu khi Daydé & Pillé được chọn làm nhà thầu chính thức chính. Gustave Eiffel đã để lại một kỳ quan cho thế giới, đó là ngọn tháp mang tên ông, biểu tượng của thành phố Paris. G.Eiffel không phải là tác giả của cầu Long Biên nhưng không phải vì thế mà cầu Long Biên mất đi vẻ đẹp và vai trò lịch sử của nó.

Qua việc tìm hiểu này tôi hiểu rằng cần phải tôn trọng sự thật lịch sử, và việc trả lại tên tác giả cho cầu Long Biên chính là một việc làm thiết thực để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.[/justify]

[center]Hình ảnh
Bản vẽ thiết kế cầu Long Biên lưu tại trung tâm LTQG 1

Hình ảnh
Dấu và chữ ký của Daydé & Pillé trên bản vẽ lưu tại Trung tâm LTQG 1[/center]

[justify]Nghiên cứu giá trị văn hoá của cầu Long Biên trong bộ môn Văn hoá học, mà cụ thể là Lý luận văn hoá thì nó được xem xét trên một trùm đặc trưng và hệ toạ độ sau:[/justify]
I. Chùm 4 đặc trưng
1. Tính lịch sử:

[justify]Những năm 1890 là thời gian mà thực dân Pháp đang tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam. Vì thế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, đường bộ, đường sông, bến cảng... là rất cần thiết cho công cuộc khai thác thuộc địa, được chính quyền thuộc địa chú trọng đầu tư. Trên địa bàn Hà Nội, tuyến đường sắt lớn nhất và quan trọng nhất được xây dựng trong giai đoạn này là tuyến Hà Nội đi Phủ Lạng Thương (biên giới Việt -Trung) đã được tổ chức đấu thầu (1896). Trong khuôn khổ của công trình này, vị trí của ga Hà Nội và việc nghiên cứu để xây dựng các cầu lớn bằng thép cho đường sắt rộng 1m dọc theo tuyến đường, đặc biệt là cây cầu lớn bắc qua sông Hồng cũng được chính quyền thuộc địa rất quan tâm.

Hình ảnh
[center]Hình ảnh cầu Long Biên được in trên tem
[/center]

Ban đầu, ý tưởng xây một cây cầu lớn bằng thép bắc qua sông Hồng, con sông cái hung dữ ở xứ Bắc Kỳ của Toàn quyền Paul Doumer không những đã gây nên nhiều tranh cãi trong giới quan chức người Pháp và người bản xứ mà còn không nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả giới thương mại Bắc Kỳ. Mặc dù vậy, trước những lợi ích mà nó sẽ đưa lại trong tương lai, ngày 4/6/1897, chính quyền thuộc địa đã quyết định chính thức hoá ý tưởng đó bằng một dự án lớn. Và 5 tháng sau, các thủ tục đấu thầu đã được tiến hành, đã có 6 công ty xin tham gia đấu thầu. Trong số đó, Tiểu ban kỹ thuật của Hội đồng đã thẩm định các dự án tham gia đấu thầu, đã xem xét và cân nhắc dự án của 2 nhà thầu là Société de Levallois Perret và Daydé & Pillé. Nhưng chỉ có dự án mà của Daydé & Pillé đề xuất là ”rất thoả mãn”, được chọn để thi công. Báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ cũng nhắc lại kết luận của Tiểu ban Kỹ thuật rằng, cây cầu do Công ty Daydé & Pillé thiết kế sẽ là một cây cầu chắc chắn, trang nhã hơn của Levallois Perret và số tiền 3.253frs40 là một khoản chênh lệch quá nhỏ so với dự án kia để hy sinh cho một sự tiết kiệm không đáng kể so với lợi ích kỹ thuật của dự án Daydé & Pillé mang lại. Ngoài ra báo cáo còn nêu rõ rằng “đây là cây cầu mà hệ thống kim loại được sử dụng mang nét độc đáo và mới cần phải tính đến việc xây dựng nó ở Hà Nội” . Trên thực tế, đây là cây cầu thiết kế theo kiểu cầu có rầm chìa được Công ty Daydé & Pillé áp dụng lần đầu tiên cho cây cầu ở Tolbiac (Paris), trên tuyến đường sắt Paris-Orléans.

Ngày 12/9/1989, viên đá đầu tiên của công trình xây dựng cây cầu lớn bắc qua sông Hồng đã được đặt tại một địa điểm bên bờ sông, trước sự chứng kiến của gần 50 quan chức người Pháp. Để đối phó với sự hung dữ của con sông Cái (sông Hồng), Daydé & Pillé đã phải tổ chức công trường của mình một cách đặc biệt. Trong suốt mùa lũ xảy ra từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, khi mức nước sông thường xuyên lên cao tới 8m với dòng chảy 4m/1s, công trường hoàn toàn không hoạt động. Công nhân phải làm việc hết sức khẩn trương trong một khoảng thời gian nhất định, ngoài mùa lũ, sau 3 năm công trình đã hoàn thành, vượt mức thời gian quy định 2 năm.

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Bản khắc kim loại thời gian thi công - thời gian hoàn thành; tên tác giả ở đầu cầu, phía Hà Nội[/center]

Ngày 28-2-1902, chuyến tầu đầu tiên khởi hành từ ga Hà Nội đưa vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cùng đoàn tùy tùng tới đầu cầu để làm lễ khánh thành, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bản xứ. Tại buổi lễ này, cây cầu lớn nhất Đông Dương đã được mang tên người đã khai sinh ra nó, Toàn quyền Paul Doumer, còn dân gian vẫn gọi là cầu Sông Cái. Đến thời Chính phủ Trần Trọng Kim ngắn ngủi và mang tiếng thân Nhật, ông Thị trưởng Trần Văn Lai là người đã Việt hoá tất cả các địa danh của Hà Nội và tên gọi cầu Long Biên được ra đời.[/justify]

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Pháp rút quân khỏi Việt Nam[/center]

[justify]Cùng với những phương tiện giao thông đường sắt khác ở Hà Nội thời kỳ cận đại, cầu Long Biên đã đóng góp vai trò quyết định vào việc làm cho Hà Nội trở thành “Trung tâm đường sắt quan trọng nhất của Bắc Kỳ và của toàn Đông Dương...” Cầu Long Biên đã chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội ngày 10/10/1954.

Đối mặt với chiến tranh chống Mỹ, chiều 23/08/1967, Mỹ mở màn chiến dịch hủy hoại cầu Long Biên bằng ba đợt ném bom quy mô lớn. Cây cầu gần như trở thành tàn phế. Cây cầu trở thành mồ chôn của hàng chục người dân Hà Nội. Dịp đó gần tết Trung thu, biết bao cái chết kinh hoàng của các bà, các mẹ, các chị đã không kịp về đưa quà cho con cháu. Khu nhà ở của các nữ công nhân dưới chân cầu cũng bị phá hủy. Với tinh thần làm việc quên mình, chưa đầy chục ngày, đội sửa chữa đã thông đường ô tô ra đến nhịp 15 phía bờ Nam, hơn một tháng sau thì thông đường sắt. Ở phần bị đánh sập tại nhịp 15, một cây cầu treo cũng được bắc qua để đảm bảo thông đường. Còn những cư dân của làng Trung Hà trên bãi còn kể lại: ”Những năm chiến tranh, bãi giữa có 6 ụ pháo cao xạ bảo vệ cầu và nhà máy điện Yên Phụ”. Trên nóc cầu còn lại nhiều thanh sắt - dấu tích những điểm trực chiến của bộ đội ta.

[center]Hình ảnh[/center]
[center]... sau những trận ném bom... [/center]

[center]Hình ảnh[/center]
[center]...quân và dân bảo vệ cầu khỏi sự tấn công của máy bay Mỹ...[/center]


Và dù rằng, mục đích xây cầu của người Pháp khi đó có là gì đi chăng nữa thì cầu Long Biên vẫn có một sức tác động không nhỏ trong đời sống của người dân hai bên bờ tả ngạn sông Hồng. Sự ra đời ấy đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình phát triển của mảnh đất anh hùng này.[/justify]

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Việt Minh tiếp quản Thủ đô (1954)[/center]

2. Tính giá trị:
[justify]- Xây dựng cây cầu: Trong quá trình xây dựng, Công ty Daydé & Pillé đã phải huy động đến hơn 3.000 công nhân người bản xứ và một đội ngũ khoảng 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp để điều hành công việc. Để đảm bảo chất lượng công trình, Daydé & Pillé đã sử dụng khoảng hơn 30.000m3 đá, 6.000 tấn kim loại, 5.600 tấn thép cán, sắt và thép đã rèn: 165 tấn, gang: 137 tấn, thép đúc: 5 tấn và chì: 7 tấn, ngoài ra còn hàng ngàn tấn xi măng Hải Phòng, hàng ngàn tấn vôi Huế, hàng ngàn mét khối gỗ Thanh Hoá.. Tổng số tiền chi phí là 6.200.000 frs, con số này chỉ vượt quá 300.000 frs so với dự trù, một con số rất khiêm tốn đối với một công trình đồ sộ như công trình xây dựng cây cầu lớn nhất Đông Dương.

- Giao thông: Tuyến đường sắt giao thương của Hà Nội đi biên giới Việt -Trung, đoạn Hà Nội - Gia Lâm được đưa vào khai thác (8-4-1902) và bến phà đường sông của Hà Nội đã bị xoá bỏ. Từ đây, nhu cầu đi lại, thông thương của dân chúng đã không còn gặp khó khăn khi phải vượt qua sông Hồng trong mùa mưa lũ. Từ khi hoà bình, thống nhất đất nước, Long Biên là cây cầu cho xe cộ và người đi bộ vào ra nội thành. Mỗi ngày có hơn 3.000 chuyến tàu xe, hơn 15.000 lượt người qua. Có cầu Chương Dương và Thăng Long ô tô không được đi qua đây, nhằm giảm tải cho cầu.

- Giao thương buôn bán: Nơi đây đã trở thành sợi dây của sự thông thương kinh tế, của những mối giao lưu về văn hoá, xã hội và chính trị giữa Hà Nội với các vùng và địa phương lân cận. Là một đầu mối chung chuyển hàng tấp nập của các tỉnh vào Hà Nội. Từ đây mà hàng hoá bằng đường bộ từ Gia Lâm được lưu chuyển, dần dần chợ mọc lên, buôn bán sầm uất. Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng từ đó mà hình thành. Dân số Hà Nội cứ thế mà tăng lên.

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Nhịp sống dưới chân cầu[/center]

- Thẩm mỹ: đứng giữa dòng sông Hồng cuộn đỏ, bãi ngô xanh mướt, không gian thoáng đãng, cầu nổi lên với kiến trúc sắt đẹp, hết sức độc đáo. Các nhịp cầu như những con sóng dâng lên, vòng xuống. Nhìn gần nó giống như một khối sắt khổng lồ, với chiều dài tưởng chừng như vô tận. Kết cấu các đinh tán, thanh rivê chính là những chi tiết nhấn đáng yêu nhất. Nhìn từ xa đây là một công trình mỹ thuật hài hoà với không gian sông nước mênh mông. Những dầm, nhịp thép lớn tạo cho cầu dáng vẻ uyển chuyển, khác với nét khô cứng của những kiến trúc xây dựng bằng thép trước đó. Khi mới khai sinh, nó được đánh giá là cây cầu lớn thứ hai thế giới tại thời điểm khánh thành (đầu thế kỷ XX), một công trình sắt thép đồ sộ nhất bán đảo Đông Dương, và là một trong những cây cầu đẹp nhất Đông Nam Á thế kỷ XX. Cái hình thù tạo nên sự uốn lượn nhịp nhàng trên nền trời ấy từng được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ví như "một lưới mắt cá nhẹ buông một giải đăngten vươn lên chân trời" khi viết trong hồi ức của mình.

- Ngoài mục đích phục vụ chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kể trên còn nhằm phục vụ đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc Kỳ. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là con đường mà nhân dân miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam với biết bao gùi hàng, lương thực, nhu yếu phẩm, súng đạn, thuốc men được chuyên chở qua đây.

- Ngày nay, sự già nua của cây cầu không còn đủ dẻo dai, vững chãi như ban đầu, nhưng nó là một cây cầu có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, vì thế thành phố Hà Nội đã đề xuất nhiều phương án cải tạo, khôi phục công năng của nó.[/justify]
3. Tính nhân sinh:
[justify]- Chẳng giống như những cây cầu khác trong Hà Nội, Long Biên là cây cầu gắn bó nhất với người dân thủ đô. Trước hết là bởi biết bao người dân đã đổ mồ hôi, công sức, máu và nước mắt, cũng như tính mạng mình để xây dựng nên nó. Việc thi công và xây dựng một khối cầu sắt khổng lồ vào thời điểm ấy không phải là điều dễ dàng đối với người dân Bắc Kỳ. Với sự nhanh nhẹn, dẻo dai, cần cù của người bản xứ, thay cho những công nhân Trung Quốc được tuyển trước đó, bằng sự khéo léo, tinh nhanh, năng động, chính những người thợ Việt Nam đã lắp ráp các cấu kiện kim khí, tán đinh chốt, sử dụng cần cẩu. Để xây phần trụ cầu, mố đá, nền móng đều phải xây bằng phương pháp khí nén, một công việc cực nhọc và vô cùng nguy hiểm. Họ được đưa xuống lòng sông, lúc đầu được hít thở một cách tự nhiên, càng xuống sâu thì họ càng phải xuống sâu vào vùng khí nén, ngồi trong đó moi đất lên để đặt những viên đá làm trụ. Căn buồng khí nén ấy cứ dần sâu trong lòng sông nước xuống đến 20, 30m, 35m, với áp lực lớn tăng tới 3 atmosphere. Cứ sau bốn giờ làm việc họ phải lên bờ để đảm bảo an toàn lao động và nghỉ lấy sức. Có không ít người khi lên bờ đã không còn giữ được sinh mạng mình.

- Năm 1945, người chết la liệt nằm vắt ngang cả phần đường dành cho người đi bộ trên cầu trong nạn đói khủng khiếp. Những người thu gom phải mở cửa cả những căn hầm xây bằng đá dưới chân cầu (cạnh phố Hàng Cót) chất vào đó các xác chết chưa đưa đi chôn kịp. Một thời gian sau, ở ngay những căn hầm từng là nhà xác ấy bao đứa trẻ lại cất tiếng khóc chào đời. 130 khoang ở chân cầu Đốc Gạch bỗng thành phố buôn bán sầm uất ồn ào thâu đêm suốt sáng...

- Năm 1947, cầu chứng kiến cảnh tượng vượt sông ngoạn mục có một không hai trong thời kỳ "Sống mãi với thủ đô” của người dân Hà Nội: trên cầu lính Pháp lăm lăm súng canh chừng mà không hay biết Việt Minh và dân chúng từng đoàn rút êm ru sang vùng tự do ngay dưới chân, chỉ cách một tầm tay với. Về sau này cả văn học và phim ảnh còn nhắc mãi câu chuyện cảm động: Một bà mẹ đã phải bịt miệng đứa con mấy tháng tuổi đến ngạt thở…

- Cây cầu chứng kiến những cuộc khai thác thuộc địa của Pháp nhằm vơ vét tài nguyên của nước ta. Cũng như nó là nhân chứng trong ngày trọng đại 2/9/1945, người dân vùng ngoại ô đã qua đây để về tụ họp tại Quảng trường Ba Đình, nghe bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Trong cuộc sống: dưới chân cầu biết bao gia đình đã sinh sống, biết bao trẻ em đã được sinh ra và lớn lên ở nơi này. Hình ảnh bãi giữa, với ngô, khoai, sắn, hình ảnh những con thuyền nhỏ neo đậu hai bên bờ chính là bức tranh đẹp về một cuộc sống bình dị giữa lòng thủ đô. Hàng ngày, cầu chứng kiến những sinh hoạt của người dân ngoại thành Hà Nội, những xe thồ chở rau củ quả từ chợ Long Biên vào thành phố, những cụ già tập thể dục buổi sáng, học sinh nô nức tới trường, công nhân, viên chức đi làm, các du khách đến để ghi lại nhịp sống trên cây cầu cũ, còn lớp người thế hệ trước thì lưu giữ hình ảnh về cây cầu trong những tháng ngày thanh xuân trong ký ức…[/justify]

[center]Hình ảnh[/center]
[center]..."gánh nặng"... [/center]

4. Tính hệ thống:
- Dưới góc độ lịch sử: [justify]chứng kiến cuộc kháng chiến anh dũng của thủ đô cũng như hứng chịu bao đau thương mất mát, cây cầu “sống” qua nhiều thế hệ này vẫn tồn tại như minh chứng cho sự anh dũng, trí tuệ của người Hà Nội.

- Dưới góc độ bảo tồn và tôn tạo: Năm 2001, Chính phủ Pháp và tổ chức Di sản không biên giới đã chủ trì hội thảo quốc tế ở Paris về chủ đề: “Cầu và những công trình nghệ thuật bằng kim loại: Di sản, sử dụng và biểu tượng” đã trang trọng dành cho cầu Long Biên một buổi tham luận và một buổi toạ đàm. Hội thảo đã đi đến sự thống nhất về quan điểm: “Cần tôn vinh sự hiện diện của cầu Long Biên ở Hà Nội như một biểu tượng của lịch sử, công nghệ, vẻ đẹp cũng như sự trường tồn giữa hai cuộc kháng chiến...”.

- Dưới góc độ của các nhà quản lý: Thành phố Hà Nội đã đề xuất nhiều phương án cải tạo, khôi phục công năng cũng như yếu tố thẩm mỹ của cầu. Sau 1 năm lựa chọn những bản thiết kế mang tính khả thi cho cầu Long Biên, tháng 5/2008, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra 2 phương án khôi phục, cải tạo với mức kinh phí 60 triệu EUR do chính phủ Pháp tài trợ. Theo 2 phương án trên thì cầu có thể được khôi phục theo 2 giai đoạn. G/đoạn 1: phục vụ giao thông đường sắt và xe thô sơ. G/đoạn 2: phục vụ giao thông đường bộ độ thị hoặc chỉ thực hiện một giai đoạn với mục đích phục vụ giao thông đường bộ đô thị.

- Dưới góc độ văn hoá - nghệ thuật:
+ Nhiếp ảnh: Các nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam luôn bị mê hoặc bởi kiến trúc của nó. Rất nhiều bạn trẻ thường chọn nơi này để thoả sức sáng tạo. Đã có một cuộc triển lãm ảnh thật đặc biệt do Tổ chức trẻ em Rồng Xanh - một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những trẻ em nghèo, trẻ em lang thang đường phố, thực hiện, với chính những tác phẩm của các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở nơi này bấm máy. Hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ sắp đặt Dominique người Pháp đã yêu mến dành 5 năm để ghi lại những hình ảnh sống động ở mọi ngõ ngách của cây cầu.

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Bình yên trong chạng vạng tối[/center]

+ Phim: Các nhà làm phim tài liệu cũng khai thác đề tài cầu, trong đó có 2 bộ phim do các tác giả Việt Nam thực hiện, 1 bộ phim do các nhà làm phim Đan Mạch thể hiện, được trình chiếu tháng 11/2008.

+ Sắp tới, ngày 10/10/2009 sẽ có một Festival “Ký ức cầu Long Biên” do một hoạ sĩ Việt kiều Pháp đầu tư thiết kế với quy mô hoành tráng trên chính cây cầu. Uớc tính có khoàng 10.000 người tham dự, với khoảng 100 tiết mục trình diễn ở 3 sân khấu dọc suốt chiều dài cầu, gồm có các tác phẩm nghệ thuật, khu ẩm thực, làng nghề, âm nhạc, rạp chiếu phim ngoài trời, …tất cả tái hiện một Hà Nội với những hình ảnh tư liệu về cầu Long Biên và ký ức Hà Nội thế kỷ XIX – XX.

+ Kiến trúc: Giải nhất cuộc thi “Đánh thức không gian” (2009) dành cho ý tưởng “Cầu Long Biên - Ngày và Đêm”. Một ý tưởng táo bạo, sáng tạo, hiện đại mà vẫn chất chứa chiều sâu lịch sử - văn hoá: dùng đèn chiếu cao áp và hệ gương làm khúc xạ tia sáng, mô phỏng lại những nhịp cầu đã mất, để ban đêm khi ánh sáng bật lên, cây cầu hiện ra nguyên vẹn như thuở ban đầu. Còn ban ngày cây cầu lại trở về với hiện thực.

[center]Hình ảnh
"Cầu Long Biên - Ngày và Đêm"[/center]

+ Hội hoạ: cầu Long Biên luôn khơi gợi cho các hoạ sĩ những nguồn cảm hứng sáng tạo không ngừng, họ khai thác đề tài về cuộc sống của người dân dưới chân cầu, về những tệ nạn xã hội, những bố cục, mảng miếng... Cũng từ đây, lấy cảm hứng từ cầu, bên cạnh hình ảnh 36 phố phường lô xô mái ngói rêu phong, tôi phác hoạ đoạn gốm trong dự án Con đường gốm sứ - Quà tặng Hà Nội 1000 năm.[/justify]

II. Hệ toạ độ ba chiều:

1. Chủ thể:
[justify]Con người mà cụ thể ở đây là ~ nhà thiết kế người Pháp đã thiết kế và cho xây dựng cây cầu này. Sau những lần hư hỏng nặng do bị không lực Mỹ ném bom, cầu đã được sửa chữa, nhưng không còn giữ nguyên đầy đủ các nhịp và dầm thép. Với sự quan tâm của Thành phố, một dự án không xa sẽ khôi phục lại hình dáng trước kia, để nó trường tồn mãi với thời gian và tiếp tục kể câu chuyện lịch sử anh hùng.[/justify]
2. Không gian:
[justify]Vừa là cây cầu nối Hà Nội và Long Biên, vừa là trục giao thông nối Hà Nội với các tỉnh thành lân cận, đặc biệt là Hải Phòng. Sự có mặt của cây cầu đã tạo ra một môi trường tự nhiên mới, trở thành đầu mối vận chuyển hàng hoá lên các tỉnh phía Bắc. Về mặt xã hội , nó giải quyết vấn đề đi lại, buôn bán, và tạo ra một lớp cư dân mới sống gần cầu.[/justify]

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Tầm nhìn lãng mạn được các bạn trẻ yêu thích[/center]

3. Thời gian:
[justify]Xây dựng và hoàn thành (1898-1902). Sau 3 năm xây dựng gấp rút, miệt mài công trình hoàn thành và đi vào cuộc sống. Sự tồn tại của nó, từ những năm tháng chiến đấu ác liệt, rồi những ngày hoà bình lập lại, với biết bao khó khăn bộn bề trong việc xây dựng lại thủ đô, cho tới ngày nay, khi đất nước ngày càng đổi mới và hiện đại hơn, cây cầu vẫn đứng đó, trường tồn với thời gian, là một phần của lịch sử dân tộc. Ban đầu cầu Long Biên dùng để khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, phục vụ cho chính quyền thực dân. Sau 1954 cầu đc sử dụng cho mục đích dân sinh. Thiết kế ban đầu, chiếc cầu khi hoàn thành chỉ có đường tàu hoả, còn đường ô tô đi chung với đường như cầu Đuống. Cho đến tận 19 năm sau, cầu mới được làm thêm đường hai bên cho các loại xe cơ giới. Ngày nay, cầu chỉ dành cho tàu hoả, các phương tiện giao thông cơ giới.[/justify]

[center]Hình ảnh[/center]
[center]Một góc cảnh đẹp[/center]
[justify]Ngoài những giá trị văn hoá mà cây cầu đem lại, có không ít người đã làm mất dần đi vẻ đẹp của cầu Long Biên. Còn nhớ trước kia, trẻ con xóm bãi, ngay cả những thanh niên trên phố rủ nhau nhảy cầu để tắm, thử cảm giác mạnh. Cũng có người chọn nơi này để tự tử. Đây cũng như là một dòng sông bãi rác, để mặc cho nước cuốn đi bất cứ thứ gì, từ bát hương, bàn thờ cũ, thả chết trôi những con vật đã đến hồi hoá kiếp, rác rưởi sinh hoạt, xả nước vệ sinh, chưa qua xử lý thẳng vào lòng sông. Ngoài ra còn rất nhiều chợ cóc họp hai bên đầu cầu, làm mất mỹ quan, ách tắc giao thông. Các bạn trẻ thích mạo hiểm, trèo qua cầu chụp ảnh tại đường ray xe lửa, vừa nguy hiểm lại còn coi thường tính mạng của các đoàn tàu, một hình ảnh không đẹp chút nào. Vào các ngày 23 tháng Chạp hàng năm, với tục lệ cúng cá chép sống rồi thả xuống sông hồ, các túi nylon đã góp phần ô nhiễm nguồn nước, rác trôi dạt hai bên bờ, đó là chưa kể đến việc nước sông sẽ cuốn rác theo dòng chảy của mình nữa… Hãy trả lại cho cầu vẻ đẹp thơ mộng vốn có của nó…

Giới trẻ ngày nay dành nhiều tình cảm cho cấu Long Biên, bởi nó thật sự gần gũi, cũng bởi tuổi thọ và những vết thương trong những năm tháng ác liệt cuối thế kỷ XX. Chỉ mất chút thời gian thôi, bạn đã crất ó thể tản bộ, ngắm cuộc sống dung dị hai bên bờ, ngắm những đoàn tàu chuyên chở ký ức, với khoảng cách thật gần, hay cùng rung lên với giai điệu lắc lư của đường ray cũ kỹ nhuốm màu thời gian, nhìn ngắm sự bào mòn của đất trời lên từng phần cơ thể không còn trẻ ấy… Còn những người đã góp phần làm nên lịch sử cây cầu tìm về đây để sống lại những khoảnh khắc khó quên trong đời mình. Các du khách nước ngoài cũng sẽ tận mắt chứng kiến sự đổi thay của một câu chuyện mà họ đã đọc được ở đâu đó... Tôi chỉ có mong muốn, Hà Nội sẽ giữ lại tất cả những dấu vết thời gian ấy, sự khôi phục là cần thiết nhưng có cần phải khoác lên nó tấm áo mới không?

Không khói bụi, không sự ồn ào và vồn vã ... , giữa những thanh âm cuộc sống hối hả, dường như tôi đã biết cách lắng nghe và hiểu hơn về người bạn đã gắn bó bấy lâu mà chưa từng trò chuyện. Chuyến hành trình tìm về quá khứ đã để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc: tự hào với lịch sử chiến đấu hào hùng của người dân Thủ đô, xót thương khi thấy cây cầu ngày càng mệt mỏi rã rời, bình yên mỗi khi đứng ở đây nhìn ngắm mây trời, sông nước bao la. Nếu có ai đó hỏi tôi về cây cầu duy nhất ở thủ đô “sống” qua ba thế kỷ ấy, tôi sẽ kể cho bạn nghe những mẩu chuyện về một người bạn đã cùng người dân Hà Nội kiên cường, vững vàng trong những năm tháng chống chiến tranh; mang trên mình những dấu tích và biểu tượng văn hóa quen thuộc của thủ đô; ... giữa tiếng sóng vỗ và những con gió từ phía sông Hồng……[/justify]

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước
2. Công ty cầu Thống nhât - Tổng công ty cầu Thăng Long
3. Thư viện Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
MaiLacquer
Artist - Lecture (HUBT University)
Hình đại diện của thành viên
MaiLacquer
 
Bài viết: 4
Ngày tham gia: Thứ 2 27/04/09 11:14
Đến từ: Hà Nội
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Lý luận văn hóa học

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến41 khách